Cánh Cửa

Nhật Tiến

Mối liên hệ giữa Trường và Sủng, thằng công an mặt non choẹt chỉ đáng tuổi con trai của chàng, khởi sự từ hôm Trường kiếm được một mảnh nhôm lớn.
Mảnh nhôm nằm đâu đó trong bụi cỏ và bị vùi nông dưới một lớp đất bùn. Thoạt tiên, Trường tưởng đó là một miếng tôn rỉ. Nhưng nắn thử, chàng thấy nó vừa cứng, vừa nhẹ. Lúc chàng miết mạnh móng tay cái của mình xuống, Trường thấy nó để lại một vệt sáng ngời.
Thế là Trường thủ mảnh nhôm đem về trại và phác họa trong đầu đủ thứ vật dụng mà chàng có thể biến chế. Chàng nghĩ đến một cái lược cài tóc cho vợ, một cái trâm gài đầu cho đứa con gái và một cái mặt dây chuyền đeo cổ để tùy nghi.Thời giờ ở đây có thừa để Trường đủ kiên nhẫn ngồi gò những món vật dụng của mình trở thành tinh xảo. Như cái lược là một công trình tuyệt hảo của bàn tay tài hoa phối hợp với khối óc nhiều sáng tạo. Hàng răng lược đều đặn, khoảng cách cân đối, còn dẫy hoa văn khắc trên mặt lược là cả một nghệ thuật trang trí tỉ mỉ, gợi ý từ những mặt hổ phù, những nét khắc họa trang trí trên đồ gỗ, đồ khảm, đồ chén đĩa mà trước đây Trường đã có nhiều lần say sưa ngắm nghía.
Một công trình như thế, Trường đã phải dành ra cả tháng ròng rã để hoàn tất. Trong thời gian ấy, đi đâu chàng cũng mang nó theo, dắt kỹ ở lần túi trong của chiếc áo thô sơ may bằng vải bao cát. Khi đi lao động có chút thì giờ nghỉ ngơi, Trường hay đem nó ra ngắm nghía để thấy mình còn đôi chút hơi hướng nghĩ về người vợ thân yêu.
Chiếc lược này rồi ra sẽ được cài lên mái tóc óng ả, mượt như tơ của nàng. Nói cho đúng ra, đó là mái tóc trong kỷ niệm, trong trí nhớ của thời kỳ đoàn tụ, yên ấm đã qua chứ không phải là mái tóc cũng của chính nàng nhưng đã tơi tả, héo khô và ngả màu đốm bạc mà chàng đã trông thấy trong lần thăm nuôi kỳ trước.
Hôm ấy Trường đã giơ bàn tay sần sùi, chai sạn vuốt lên mái tóc xác xơ của nàng, lòng đầy nghẹn ngào, xúc động. Mới có vài năm trôi qua mà mọi sự đổi thay mau chóng đến bàng hoàng. Tuy nhiên hình ảnh mái tóc phong sương đầy vất vả ấy dù đã hiện hữu nhưng hãy còn quá bỡ ngỡ, mới mẻ. Nó không đủ sức để bôi xóa được trong tâm tưởng của chàng về một mái tóc đen mượt, óng ả bao quanh chiếc cổ trắng ngần và phủ xuống hai bờ vai thon. Ngày xưa đã xa lắc, đã vĩnh viễn ra đi không bao giờ trở lại như mái tóc đã đổi màu chẳng thể bao giờ còn lấy lại được vẻ nuột nà. Nhưng Trường vẫn cứ muốn níu kéo, cứ muốn mọi kỷ mềm, mọi hình ảnh, mọi tâm tình đều phải dừng lại ở thời điểm nồng nàn ấy như một cái phao cuối cùng giúp chàng có can đảm lội qua được chặng đường khổ ải này. Cho nên chàng vẫn chắt chiu cái lược với tất cả sự say sưa. Mồ hôi lao động thấm qua lớp áo vải thô đã làm cho nó lên nước bóng ngời. Chàng vừa khắc những nét tỉ mỉ vừa thủ thỉ với nàng, với kỷ niệm, với cả chính chàng.
Cơn mê sảng thảng thốt ấy khiến chàng đôi lúc đã bứt rời thực tại và đắm chìm trong những giấc mơ huyễn hoặc, ngắn ngủi. Chàng không nghe thấy tiếng báo cáo viên nói. Còi tập hợp của cán bộ đã thôi thúc luôn hồi, chàng vẫn chưa buồn đứng dậy. Hết giờ nghỉ giải lao mà chàng hãy còn mơ mộng, lần khân. Cho đến một lần thì thằng công an mặt non choẹt đã giận dữ xông lại. Nó túm lấy ngực áo của chàng. Nó kéo chàng bật dậy, sừng sộ:
– Nàm chưa được một góc công nênh mà đã đổ nười ra hả. Ông thì đá cho một cái xem mắt có mở to thao náo, nàm ăn tỉnh táo ra ngay không lào!
Trường không đáp, lẳng lặng nhét cái lược vô trong túi rồi định quay gót đi, nhưng thằng Sủng tưởng chàng giấu giếm cái gì đã vội vã vặn ngoéo cổ tay chàng lại. Hai người đột nhiên ở vào cái tư thế phải giằng co. Rồi cái lược rớt xuống đất. Cái lược sáng loáng lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời nom như một thỏi bạc sáng ngời. Vật lạ khiến cho Sủng ngây hẳn người ra. Nó cúi xuống lượm lên rồi giơ lên ngắm nghía cái công trình tuyệt hảo ấy một cách sững sờ. Lâu lắm nó mới lại cất tiếng, lần này giọng điệu có vẻ nhẹ nhàng hơn:
– Anh nàm nấy đấy à?
Trường không đáp mà chỉ lẳng lặng gật đầu. Rồi chàng giật lấy cái lược trên tay thằng công an mà lòng nhen nhúm một sự tức giận, khinh bỉ đến tột cùng. Những hạng súc vật như nó không đáng sờ mó lên vật kỷ niệm vô giá của chàng. Tay chàng run lên. Mắt chàng long lên sòng sọc. Chàng sầm sầm quay đi. Đây là lần đầu tiên chàng có phản ứng mạnh mẽ đối với một đứa công an. Những lần khác, chàng chỉ khinh bỉ mà không hề giận dữ. Chàng vẫn nói với các bạn đồng tù rằng chỉ có lòng khinh bỉ mới đặt mình ở vị trí cao hơn. Giận dữ với chúng nó là tự đặt mình ngang hàng.
Thế mà hôm nay chàng đã bày tỏ thái độ giận dữ. Cơn giận dữ ùa đến bất ngờ khiến chàng không thể kiểm soát được, có lẽ nó bắt nguồn từ bàn tay thô bạo của thằng nhỏ đã dám sờ mó lên vật kỷ niệm thiêng liêng của chàng. Nhưng rồi chàng tự nhủ : như thế là còn may. Nó chưa có dịp mè nheo, xin xỏ hay tệ hơn nữa, tạo đủ lý do để tịch thu bất cứ cái gì mà nó muốn.
Sau hôm đó, Trường chôn kỹ cái lược ở một chỗ kín đáo ngoài phòng giam tù. Chàng chỉ sẽ đào nó lên trong lần thăm nuôi kỳ sau để tự tay cài lên mái tóc úa khô, xơ xác của vợ chàng. Bây giờ thì chàng khởi sự công trình mài rũa chiếc trâm dành cho đứa con gái. Công việc ngày một thêm khó khăn hơn vì những ngón tay xước nát, bầm dập của chàng. Lúc mài mảnh nhôm xuống mặt xi-măng hay trên một hòn đá nhỏ, chàng nghe thấy sự buốt xót từ những đầu ngón tay hòa lẫn với cái cảm giác trơn láng, mát lạnh của mặt nhôm. Chàng thì thầm với con gái về sự nó có cảm nhận được làn da tay sần sùi, rườm máu, đau đến tê dại của bố khi cài chiếc trâm này trên đầu hay không. Phải chăng đấy cũng là một loại ngôn từ di chúc của cha gửi đến cho con. Và trong lòng quê hương khốn khổ này, đã có biết bao nhiêu là ngôn ngữ lưu truyền kiểu đó, của thế hệ này gửi lại cho thế hệ sau.
Trong thời gian đó, Trường cũng để ý đến sự thay đổi khác lạ trong cung cách đối xử của thằng Sủng. Bỗng nhiên nó bớt hẳn giọng điệu gay gắt đối với chàng. Thỉnh thoảng nó hay nhìn chàng với ánh mắt nửa như thân thiện, nửa như lấm lét. Trường ngạc nhiên tự hỏi cái lược chạm trổ của chàng đã làm chóa mắt thằng côn đồ đó đến cỡ nào khiến nó thay đổi thái độ như thế. Nhưng Trường tự nhủ, dù thế nào thì công an vẫn là công an. Chế độ sản sinh ra chúng nó để chỉ thuần túy là công cụ của bạo lực, để sẵn sàng đàn áp không nương tay và bất chấp tình người. Các bạn đồng tù của chàng cũng đều chia sẻ cái thành kiến này. Chúng nó chỉ là những cái máy đội lốt người, sẵn sàng phản ứng như tuân theo một nút bấm và nhiều khi có những hành động gần gũi với loài súc vật.
Trường băn khoăn tự hỏi thằng Sủng toan tính gì đây khi nó muốn lân la với chàng. Điều này khiến cho chàng phải chú ý đến nó nhiều hơn và chàng ngạc nhiên khám phá ra rằng đối với tất cả những tên cán bộ ở đây, chưa bao giờ chàng nhìn ngắm chúng nó kỹ lưỡng cả. Hàng năm trời gặp gỡ, tiếp xúc, bọn chúng chỉ như những cái bóng mờ nhạt xuất hiện qua lại trước mắt chàng mà chàng không thấy cần thiết phải bận tâm. Thì giờ đâu bận tâm đến lũ người ấy!
Nhưng bây giờ, trong hoàn cảnh này, Trường không thể không nhìn ngắm thằng Sủng kỹ lưỡng hơn. Nó còn trẻ lắm. Tuổi chỉ mười chín, hai mươi là cùng. Đầu nó hớt cao, vầng trán thấp tịt mà lại còn gồ. Đôi mắt hơi xếch ẩn dưới đôi lông mày rậm. Mặt nó vuông hình chữ điền, đôi môi dầy, bậm sịt lúc nào cũng mím lại làm cho vẻ mặt tăng thêm phần dữ tợn, loại dữ tợn ẩn chứa một vẻ đần độn, đơn giản, cực đoan và liều lĩnh. Chung qui, cả khuôn mặt của nó chỉ vớt vát lại được có mỗi một nụ cười. Lúc nó cười,  hai hàm răng trắng bóng phô ra làm dịu đi nét cau có ở đôi lông mày, và trong ánh mắt của nó toát ra một niềm vui không thể che giấu.
Cho đến một hôm, nhân dịp vắng vẻ, thằng Sủng tự ý sấn lại gần chàng. Lúc này Trường đang ngồi mài chiếc trâm bằng nhôm trên mặt cát. Vừa nhác thấy nó, Trường ngừng tay và thủ cái trâm vào ống tay áo. Thái độ của Sủng đầy vẻ rụt rè. Một nửa nó muốn tiến tới, một nửa nó định bỏ đi. Nhưng nó không quyết định được dứt khoát nên hóa ra tần ngần và mỗi lúc một thêm bối rối. Rút cục nó không biết làm gì khác hơn là nhe răng ra cười. Dù cảnh giác cách nào thì Trường cũng không đủ nhẫn tâm để cau có với một kẻ đang cười với mình. Nét mặt của chàng dịu lại. Chàng vẫn không cất tiếng, nhưng nhìn nó với một vẻ dò hỏi.
Một lát thằng Sủng mới vô đề bằng một câu bâng quơ:
– Lày, nính ngụy cũng có nắm tay tài hoa đấy chứ nhỉ.
– Tài hoa về cái gì?
– Cái nược ấy. Cái nược mà anh nàm nấy đấy.
Trường mỉm cười:
– Ờ ! Đó là nghề tay trái.
Sủng ngơ ngác:
– Nghề tay trái nà nghề gì?
– Là nghề phụ. Là thứ nghề không phải nghề. Làm chơi cho vui vậy thôi.
– À ! Cái đó gọi nà “nghiệp dư”. Nghiệp dư thì lói nghiệp dư chứ cái gì mà ví von tay phải với tay trái. Chữ nghĩa của các anh đến nà buồn cười.
Trường nhún vai:
– Thì cũng giống như chúng tôi buồn cười khi nghe anh nói nghiệp dư, nghiệp thừa vậy.
Phải như khi trước thì Sủng đã nổi sùng về câu nói móc máy này rồi. Nhưng lần này nó vẫn giữ một vẻ thản nhiên. Nó thú nhận:
-Tôi chưa bao giờ trông thấy một cái nược đẹp đẽ đến như thế. Ló nại nàm bằng tay không thôi. Lếu tôi không chính mắt thấy thì tôi không tin nà do anh nàm.
Thấy Trường không đáp, nó lại nói tiếp:
– Mẹ tôi ở nhà cũng có một cái nược bằng bạc. Cái nược di truyền mấy đời rồi cơ đấy. Lom thấy cái nược nàm tôi nhớ đến mẹ tôi, thương mẹ tôi vô cùng.
Trường ngạc nhiên về tâm tình của thằng Sủng. Chàng cất tiếng hỏi:
– Bà cụ bây giờ vẫn khỏe mạnh chứ.
Sủng bùi ngùi:
– Bà ấy mất rồi. Mất hồi lăm kia… Bệnh tật nâu mà thuốc men thì thiếu thốn…
Rồi chợt nhớ ra rằng kể khổ trước mặt bọn “ngụy” là sai lập trường, Sủng vội xoay ra chuyện khác:
– Anh cũng còn mẹ hả? Anh khắc cái nược cho bà cụ hả?
Trường lắc đầu:
– Mẹ tôi cũng mất rồi. Cái lược đó tôi dành cho vợ tôi.
Mắt thằng Sủng rạng lên một niềm vui. Hình như nó cũng biết chia sẻ tấm lòng của một người đang xa cách gia đình. Trường tự nhủ, thằng này cũng còn có tâm tình riêng đấy chứ. Điều này làm cho Trường trở nên dễ dãi hơn và chàng không còn giấu cái trâm ở tay áo nữa. Cái trâm mới chỉ đang ở giai đoạn hình thành một dáng dấp thuôn dài nên mặt nhôm còn nhiều vẻ thô sơ. Mắt thằng Sủng sáng lên khi nhìn thấy mảnh nhôm trên tay chàng:
– Tài thật ! Miếng nhôm xấu xí thế lày mà anh biến chế thành đồ mỹ thuật tinh xảo. Tôi phục năn!
Trường giơ cái trâm lên ngắm nghía rồi giảng giải:
– Gọi là nghề tay trái… hay nghiệp dư gì đó, nhưng vận dụng được nó nhuần nhuyễn cũng phải đòi hỏi cả một quá trình tập luyện.
– Phải rồi, nàm gì thì nàm cũng phải có học tập tốt đã chứ. Anh học cái nghề trạm trổ lày ở trong quân đội ngụy à?
– Không! Tôi ở ngành pháo binh, mà pháo binh thì ai mà đi dậy cho cái nghề lẩm cẩm này. Tôi tự nghiên cứu, học hỏi lấy.
Sủng ngơ ngác:
– Học hỏi nấy một mình mà cũng nàm được như thế cơ  ?
– Chứ sao! Miễn là có một đôi chút năng khiếu cộng với lòng say mê nghệ thuật.
Mắt Sủng thoáng một tia hớn hở và nó cất giọng hỏi thành thực:
– Say mê thì tôi dứt khoát nà say mê rồi. Nhưng nàm sao để biết rằng mình có được đôi chút lăng khiếu?
Trường nhìn vẻ mặt đần độn của nó một cách thương hại rồi trả lời buông xuôi:
– Thì cứ làm đại đi rồi sẽ biết.
– Anh hướng dẫn tôi nhớ !
Lời đề nghị bất ngờ của Sủng khiến Trường bối rối. Nhưng chàng chưa kịp trả lời thì nó suy nghĩ thế nào đã vội chữa lại:
– Nhưng không được đâu! Tôi niên hệ nhiều với anh sẽ bị đặt vấn đề.
Vừa lúc đó có một toán lao động đi ngang, Sủng vội vã bỏ đi.
Tối hôm ấy, hình ảnh của Sủng với ước vọng đơn sơ của nó khiến Trường trằn trọc. Vậy ra tiềm ẩn ở đằng sau những hành động đàn áp, ngỗ ngược, nó vẫn còn có tâm tình riêng, và lại còn có cả năng khiếu trong lãnh vực thẩm mỹ.
Điều này thật hoàn toàn bất ngờ đối với thành kiến sẵn có của Trường. Từ lâu, chàng vẫn nghĩ rằng tất cả bọn chúng nó đều chỉ là những công cụ vô tri của chế độ, hay tệ hơn nữa, lũ người này chỉ đáng được xếp ngang hàng với một lũ súc vật. Có nghĩ họ là súc vật thì chàng mới bất thần nổi nóng khi Sủng dám đụng tay vào cây lược kỷ niệm vô giá của mình. Bây giờ nghĩ lại, Trường cảm thấy xấu hổ về cơn giận dữ quá đáng của mình.
Ai đã được sinh ra, đầu tiên lại chẳng là một con người. Nhưng từ con người đến nỗi trở thành con thú là do hoàn cảnh xô đẩy. Sự kiện đã xảy ra chẳng cứ ở bên này hay bên kia. Trong xã hội cũ, có thiếu gì con người cũng chẳng còn đôi chút nhân tính. Đó là những kẻ đầu cơ, tích trữ, những đứa sống nhởn nhơ, phè phỡn trên cơn thiếu thuốc men, bệnh tật của dân nghèo khó, những đứa buôn súng đạn, bán đứng sinh mạng của chính anh em đồng ngũ của mình. Còn trong xã hội Cộng sản này, con người bị xô đẩy vào một tình huống khác, ở đó nó bị chế độ nhào nặn bằng những phương pháp vận dụng khoa học tinh vi nhất, thân phận con người trở thành những mẫu mực được đổ khuôn theo nhu cầu trấn áp để bảo vệ chế độ.
Trường tự lấy làm ngạc nhiên rằng tại sao mình dễ dàng nổi giận với Sủng mà chưa bao giờ một lần trước đây chàng nổi cơn phẫn nộ đối với những con người phi nhân tính ở trong xã hội cũ. Hẳn cơn giận dữ về sự buôn bán trên sinh mạng, sức khỏe và sự nghèo đói cơ cực của đồng đội, đồng bào sẽ đích đáng hơn là cơn giận ùa đến từ sự kiện một kẻ dám sờ tay vào một cái lược vô tri. Trường chợt nhìn thấy rõ tính cách bất công của mình và đó là lý do đă khiến cho chàng bứt rứt về cơn giận dữ với Sủng vừa qua. Chàng tự nghĩ, nếu trước đây ai cũng biết nổi giận, và nổi giận kịp thời thì đất nước đâu đến nỗi cơ cực, lầm than như hiện nay. Và ngay cả đến bây giờ, trong cơn sụp đổ của miền Nam, có bao nhiêu người rút tỉa được bài học gì gọi là đích đáng?
Trường thực sự lao đao về những nhận thức mới mẻ này. Chàng có cảm giác như mình vừa đụng phải cái phao vật vờ đâu đó trong cơn chìm tàu hoảng hốt giữa đại dương đầy bão tố. Chàng cố gắng bình tĩnh để nghiền ngẫm đầy đủ mọi sự với ngay từ cái khởi đầu. Nghĩa là phải vén những tấm màn che của thành kiến, nông cạn, phải đâm toạc vào bóng tối u mê của những nhận thức cực đoan, một chiều. Nói gọn lại là hãy phải tự giải phóng chính mình trước để có tự do nhìn ngắm con đường sẽ phải đi tới nhằm giải phóng quê hương.
Ngày hôm sau, Trường đã gặp lại Sủng trong một tâm trạng bình thản hiếm thấy ở  chàng. Điều đó có nghĩa là chàng đặt thằng Sủng trước hết ở vị trí một con người để từ đó chiêm nghiệm xem con người đó đã bị chế độ làm biến chất đi đến mức độ nào và những gì còn vớt vát lại được ở trong nó.
Không như trước đây, vì mất mát, vì đổ vỡ, vì chìm đắm trong thiếu thốn, khổ hình, Trường hay có thái độ sổ toẹt. Nghĩ cho cùng, kể cũng thật là ghê gớm khi người ta dễ dãi sổ toẹt một con người. Thằng Sủng hôm nay có vẻ rất phởn phơ. Nó nhoẻn với Trường một nụ cười ngay khi vừa chợt trông thấy chàng. Hai hàm răng của nó trắng bóng dưới ánh nắng của một ngày đẹp trời. Trong tia nhìn của nó thấp thoáng ánh sáng của một niềm vui. Trường hỏi:
– Có chuyện gì mà sao hôm nay vui thế ?
Sủng vỗ lên túi áo ngực và nói:
– Nhận được thư… nhà !
– Thích nhỉ. Tất cả đều bình yên chứ?
Sủng ngần ngừ, rồi đáp nhỏ:
– Lói đúng ra, không phải thư nhà đâu. Đây nà  thư của cô Ninh.
Trường ngạc nhiên:
– Cô Ninh là ai?
Sủng cười hềnh hệch:
–  Của tôi đấy ! Hai đứa dự định lăm tới sẽ đứng ra “tổ chức” đấy.
– Tổ chức cái gì?
– Còn cái gì. Tổ chức nà nấy nhau, nà nập gia đình chứ còn gì.
Trường bật lên cười và lần này chàng có dịp nhạo lại nó:
– Cái đó gọi là làm đám cưới. Làm đám cưới thì nói là làm đám cưới chứ cái gì mà tổ chức với tổ chiếc. Chữ nghĩa các anh dùng đến là buồn cười.
Thằng Sủng không lấy làm phật lòng về sự châm trích này. Nó chỉ đáp buông xuôi:
– Ừ ! Thì quen thế lào, lói thế ấy.
Rồi bỗng nó buông một lời nhận xét khiến Trường phải giật mình:
– Nghĩ cũng buồn cười đấy nhỉ. Mình cùng nà người Việt Lam mà lói với nhau nắm khi không hiểu.
Trường bị xúc động lắm về câu nói bất ngờ này. Bao nhiêu ngày bị giam hãm ở đây, chưa bao giờ Trường nhớ lại được ra rằng quê hương Việt Nam từ ngàn xưa vẫn trải dài từ Nam Quan cho đến Cà Mâu. Cơn sụp đổ phũ phàng của đất nước đóng khung sự suy nghĩ của chàng vẫn ở cái thời điểm mà đất nước bị chia cắt. Miền Bắc và miền Nam. Bên này và bên kia. Bên này sụp đổ, bên kia xâm lược, chiến thắng. Ước mơ của chàng về đất nước, nếu có thì chỉ là sự giải phóng lại miền Nam, khôi phục lại vùng đất cũ chứ chưa bao giờ chàng nghĩ đến một giải giang sơn trải dài từ Bắc xuống Nam cùng chung sống trong một vận hội mới. Làm sao Trường có thể hình dung ra được một sự chung sống như thế với nhân dân hai miền đầy rẫy những mâu thuẫn, khác biệt. Nhưng ít ra đó cũng là một ước mơ, một nguyện vọng chính đáng phải thể hiện chứ, Trường hỏi Sủng:
– Anh nghĩ rằng tôi cũng là người Việt Nam như anh à?
Sủng ngạc nhiên:
– Anh không nà người Việt Lam thì nà người gì?
– Thì tôi vẫn là người Việt Nam. Nhưng tôi tưởng, dưới mắt các anh, chỉ có một bên là các anh, một bên là kẻ thù cần phải tiêu diệt. Làm gì có người Việt Nam với nhau, có phải thế không?
Hình như Trường đặt ra với Sủng một câu hỏi có vẻ vượt quá khả năng suy nghĩ của nó. Nó hơi bối rối một chút, nhưng rồi cũng tìm ra câu trả lời:
– Với chúng tôi, bạn, thù rất phân minh. Nẫn nộn với bạn và thù nà chao đảo, nà hữu khuynh.
– Vậy anh nghĩ về tôi là gì? Bạn hay thù?
– Trước học tập cải tạo, anh nà thù. Sau học tập cải tạo anh nà bạn. Nà bạn hay thù, cái đó tùy thuộc ở anh !
Trường cười khẩy:
– Thôi đi mà anh Sủng! Anh thuộc bài bản đấy, nhưng thực tế nó đâu phải vậy. Anh thừa biết đấy, trước hay sau học tập, chẳng bao giờ chúng tôi được chế độ tin dùng. Còn trong học tập lại càng rõ ràng cụ thể nữa. Cái chính sách kéo dài cải tạo vô thời hạn, đời sống vật chất cực kỳ thiếu thốn, công tác lao động lại cực kỳ nặng nhọc, tất cả cho thấy không có một kết luận nào khác hơn là các cấp lãnh đạo của các anh có chủ trương hủy hoại khả năng chống đối của con người.
Mắt Sủng tự nhiên sững lại. Nó ngó Trường một cách trân trân, cái nhìn biểu lộ một sự ngạc nhiên hơn là hận thù. Rồi nó buông một câu nhỏ vừa đủ để cho Trường nghe:
– Anh cũng nhận ra điều ấy, hả?
Nói xong Sủng đột nhiên bỏ đi. Thái độ vội vàng này chỉ có thể giải thích được rằng Sủng đã sợ hãi sau khi buông ra một lời thú nhận, đồng tình.
Dẫu sao thì sau lần đó, giữa Sủng và Trường đã mở ra thêm được một cánh cửa. Sự dè dặt của Trường đối với nó đã giảm thiểu đi rất nhiều. Bây giờ thì Trường có thể kể cho nó nghe huyên thuyên về đủ mọi thứ chuyện trong đời sống ở một xã hội tự do. Trước thì chỉ là vì ý thích, vì lòng hoài vọng những kỷ niệm đã xa vời, nhưng dần dà Trường trở nên say mê trong một dụng ý mới. Chàng muốn cải tạo chính thằng nhỏ đang có nhiệm vụ cải tạo mình. Điều này thật ra không phải dễ. Sủng có những quan niệm đã đóng khuôn và trở thành chai đá. Như quan niệm về sự tự do mà Trường đã nhiều lần gợi ý, Sủng chỉ cho rằng đó là một sự hỗn loạn, cá lớn nuốt cá bé, giầu bóc lột nghèo.
– Điều đó cũng đúng thôi. Nhưng không phải vì chán ghét cái này mà mình phải chấp nhận cái kia cũng tệ hại chẳng kém.
Trường nói với nó như thế và nó im lặng đồng tình. Nó thú nhận:
–  Ở miền Bắc, chả có ai rỗi hơi đặt ra những vấn đề như anh lói. Mọi sự đều có Đảng và nhà lước no hết.
Trường kêu lên:
– Thế thì cả cái xã hội ấy đã trở thành một cái chuồng trâu, chuồng bò rồi còn gì.
– Có sao đâu ! Bao nhiêu chục lăm lay, chả thấy có ai cần lêu thắc mắc gì ngoài sự tranh cãi về sự thiệt thòi nhu yếu phẩm.
Trường bùi ngùi:
– Thế thì phải hiểu rằng nhân dân miền Bắc đã bị tước đoạt hết quyền tối thiểu làm người. Bởi vì đời sống đâu chỉ có gói tròn trong có mỗi một vấn đề nhu yếu phẩm.
– Anh lói thế chứ, đó nà một vấn đề quan trọng hàng đầu đấy. Dời nhu yếu phẩm ra nà chết đói nhăn răng.
Trường chép miệng:
– Chưa bao giờ trên đời này lại có một kiểu xã hội đơn giản và khủng khiếp đến như vậy.
Lòng Trường đột nhiên tràn ngập một nỗi xót xa đến độ chàng không còn muốn nói thêm với Sủng một lời. Chàng im lặng đẩy mũi dao nhọn hoắt trên những đường hoa văn chạy trên cái trâm cài. Sủng cũng không nói gì thêm mà chỉ say sưa chăm chú theo dõi những nét tài hoa mà Trường đang chạm trổ. Khi Trường hoàn tất những nét sửa chữa cuối cùng, chàng giơ cái trâm lên ngắm nghía.
Lúc ấy Sủng mới trầm trồ:
– Tuyệt đẹp anh ạ. Lếu anh rảnh, nhờ anh khắc cho tôi một cái để tôi gửi tặng Ninh.
Trường gật đầu:
– Anh đi kiếm nhôm đi. Chuyện khắc thì dễ, tôi làm được.
Sủng reo lên như một đứa trẻ được mẹ hứa cho quà. Bây giờ nó mới thú nhận rằng nó đã tom góp được bao nhiêu là mảnh nhôm và ước vọng của nó chỉ là có được một cái lược giống y như cái lược nó đã trông thấy hôm nào để gửi tặng người yêu. Sủng nói:
– Chỉ xin anh thêm cho vô đây một hàng chữ viết nà “Yêu Ninh trong nghĩa vụ thanh liên”.
Trường hỏi:
– Ninh hay là Linh. En nờ hay E lờ?
– E nờ chứ! Giống như điện Cẩm Ninh mà anh lói đấy.
Trường bật cười:
– À ! Thế là E lờ ! Linh! Linh chứ không phải Ninh. Nhưng này, cái gì mà “yêu trong nghĩa vụ thanh niên”. Nói yêu thôi, không phải là đủ à?
Sủng cúi đầu, bùi ngùi:
– Phải lói thế Ninh mới hiểu được nòng tôi. Bởi vì lếu không dính đến cái vụ nghĩa vụ thì tôi đã nuôn nuôn ở bên cạnh cô ấy rồi còn gì.
Trường chép miệng:
– Đất nước đã hòa bình, độc lập từ bao nhiêu năm rồi mà vẫn còn cái vụ nghĩa vụ làm cho tình yêu phải phân ly, chia lìa. Nói thật, cái giới lãnh đạo của chế độ này quả là một lũ người không còn nhân tính.
Sủng kêu lên:
– Chết! Anh phát ngôn ninh tinh như thế có ngày mang họa.
– Thì chỉ có tôi với anh. Chả lẽ anh đi tố cáo tôi. …
– Sợ nà sợ anh quen mồm đó thôi. Lói ở đây thì được, về tới trại mà như thế nà chết. Có thiếu gì tai mắt, nguy hiểm nắm.
Trường nhìn Sủng biểu lộ một sự cám ơn về lời khuyên cảnh giác của nó. Niềm cảm thông nẩy nở giữa hai người đem lại cho Trường thêm những ý tưởng mới mẻ. Rõ ràng cả cái dân tộc này cần tới một sự đối thoại. Bọn lãnh đạo, bọn có đầy đủ uy quyền chỉ là một thiểu số. Đa phần còn lại đều là những nạn nhân. Giữa nạn nhân nếu vẫn còn dựng lên những hàng rào, những hố ngăn cách thì sức mạnh tổng hợp không bao giờ tìm thấy được.
Những ngày sau đó, Trường chuyên chú vào việc mài rũa cái lược dành cho Sủng. Sủng có vẻ cảm kích lắm. Lòng nó hẳn có nhiều xốn xang khi nghĩ đến cái lược tuyệt hảo này sẽ được gài lên mái tóc của người yêu. Trường chưa bao giờ hỏi thăm một lời nào về Linh cả. Chàng chỉ nghĩ rằng họ cũng là những trái tim biết thổn thức. Ngoài chuyện cá nhân, đôi lứa, sự thổn thức của trái tim có hướng về một mục tiêu nào khác nữa hay không là do ở trình độ nhận thức, hiểu biết. Cái nhược điểm lớn lao của xã hội này là toàn thể mọi người đều bị chế độ bưng bít tối đa. Giống như tên xà ích che mắt một con ngựa để chỉ cho nó đi theo hiệu lệnh của làn roi. Con ngựa trở nên mù lòa và suốt đời không thể tưởng tượng ra được ở bên kia bóng tối bao trùm tất cả đời sống của nó, là cả một cánh rừng bao la, những đồi cỏ non, những thung lũng trải dài, những triền núi cao thăm thẳm. Và có cả những đàn ngựa hồng xoải vó cất tiếng hí vang động cả trời cao. Ý nghĩ này khiến Trường nẩy ra sáng kiến giành ra một góc nhỏ để trạm trổ một đôi ngựa. Như một thứ thông điệp tự do của kẻ nằm trong tù gửi cho những kẻ ở ngoài nhà tù. Chàng nhắn nhủ với Sủng:
– Nhìn ngắm đôi ngựa này để biết thù ghét kiếp ngựa bị che mắt và chỉ tuân hành theo chỉ thị của làn roi. Kiếp người cũng thế mà thôi.
Sủng chớp mắt liên hồi khi được Trường nhồi nhét cho cái hình ảnh ấy, điều mà trước đây, không bao giờ nó có thể tưởng tượng được ra. Nó hình dung đến hình ảnh một ngày nào đó trong tương lai, ngồi cầm lược chải đầu cho vợ mới cưới, hẳn nó sẽ bối rối nhiều lắm khi phải giải thích cho nàng nghe về ý nghĩ của một đôi ngựa.
Bẵng đi nhiều ngày sau, tự nhiên Trường không thấy Sủng xuất hiện trong những nhiệm vụ hằng ngày nữa. Lúc đầu, Trường dự đoán là Sủng bận rộn một công tác đột xuất nào đó. Sau dần dà, sự vắng bóng lâu lắc của nó gây cho chàng một mối lo ngại về một sự bất thường nào đó đã xẩy ra. Mãi đến hơn hai tuần sau, trong một buổi chập choạng tối, lúc chờ giờ phân phối thực phẩm ăn tối, Trường mới thấy Sủng bất ngờ xuất hiện một cách lén lút và kéo tay chàng ra một chỗ khuất riêng.
Sủng nói:
– “Em” bị gặp khó khăn rồi. Các đồng chí nãnh đạo kết tội em hữu khuynh và truy kích em kịch niệt. Các đồng chí ấy lói rằng tưởng em có nhiệm vụ cải tạo Mỹ Ngụy, lào ngờ chính em bị Mỹ Ngụy nàm cho chao đảo. Biện pháp áp dụng nà gửi em hoàn trả cho đơn vị gốc tùy lơi lày xử ný. Thế nà em không chờ anh hoàn tất được cái nược để em tặng cho Ninh rồi.
Trường vội vã nói:
– Chú chờ ở đây. Tôi tặng chú cái lược của chính vợ tôi.
Nói rồi Trường tất tả đi bới lên cái lược mà chàng đã cất giấu. Dưới ánh sáng chập chờn của những ngọn lửa trên lò bếp, nó vẫn sáng ngời như một thanh kiếm bạc. Chàng dúi vào tay Sủng và thầm thì:
– Tôi tiếc là không làm nhanh hơn để trên cái lược này có lời đề tặng của chú dành cho cô Linh.
Và chàng mỉm cười:
– Nhất là chẳng có một đôi ngựa…
Sủng mỉm cười theo:
– Chẳng có đôi ngựa ở trên nược thì em cũng đã ghi gói hình ảnh đó ở trong đầu. Em sẽ lói với Ninh về đôi ngựa ấy khi có dịp.
Trường xúc động ghì chặt lấy đôi vai vạm vỡ của Sủng. Trong cái nhá nhem của một ngày tàn, đôi mắt của Sủng chợt sáng lên một cách lạ kỳ. Rồi Sủng nhe răng nhoẻn một nụ cười thật hồn nhiên. Nụ cười của tuổi trẻ còn sót lại sau bao nhiêu thiêu đốt của những lò đổ khuôn một con người.
Sau lần đó, không bao giờ Trường còn được nghe nói về Sủng. Nhưng lòng của Trường vẫn tràn ngập một niềm vui vì chàng đã gửi đi được một thông điệp ngay giữa vòng rào kẽm gai của một trại tù.

NHẬT TIẾN
Santa Ana, tháng 12 năm 1985