Truyện ngắn Nguyễn Ý Thuần
Tôi là con út của một gia đình có ba mươi bốn đứa con nhưng lại là anh của hai mươi chín đứa em vừa trai, vừa gái. Hơi rắc rối đấy nhé. Cần giải thích rõ hơn kẻo có sự lầm lẫn giữa người đọc và người viết, như việc lầm lẫn thường xảy ra giữa bố tôi và bầy con, khi gọi tên từng đứa.
Bố tôi là một người đàn ông đào hoa. Ngoài sáu bà vợ sống chung một nhà, ông còn khoảng (theo lời ông kể lúc vui chuyện) hơn chục bà nhân tình. Nghĩa là con số hơn chục bà nhân tình có thể hơn. Vì, như đã nói, đó chỉ là những bà ông kể lúc vui chuyện, còn lúc buồn chuyện thì chưa. Điều này còn có nghĩa ngoài số ba mươi bốn anh, chị, em tôi thuộc sáu dòng được công nhận, dám bọn tôi còn chừng ba mươi bốn hay nhiều hơn, hay ít hơn anh, chị, em nữa mà chưa nhận ra nhau. Và, sự rắc rối có từ ông bố đào hoa ảnh hưởng đến việc gây dựng vợ chồng cho đến đời cháu tôi mới dứt. Để tránh người cùng họ lấy lẫn nhau mà. Nhưng thôi! Đó là việc sau này, còn hiện tại ba mươi bốn anh em tôi đều ngán ngẩm "áp dụng" qui luật của bố tôi đặt ra: trước khi yêu ai, lấy ai phải xem kỹ có phải là một trong những đứa con bị ông bỏ quên không. Để yên tâm, bọn tôi thường né những người cùng họ nên đám con dâu, con rể của bố tôi đều mang họ khác. Phạm, Lê, Trần, Lý, Quách v.v... Còn tôi? Mãi đến nay vẫn còn độc thân bởi tất cả những cô gái tôi gặp đều toàn họ Nguyễn.
Trở lại với việc tôi là con út của gia đình nhưng lại là anh của hai mươi chín đứa em, nghe thì rắc rối nhưng thật ra chẳng có gì lạ. Mẹ tôi là bà cả. Sau mười năm xa cách, khoảng thời gian này được ghi nhận bằng ba bà vợ kế, bố mẹ tôi gặp lại ở Hà Nội. Và tôi ra đời. Thằng con út nhỏ hơn ông anh kế cả chục tuổi, cũng là kết quả của sự nhớ nhung trong mười năm nên được cưng chiều. Sự cưng chiều của mẹ tôi ngày thêm nhiều và lây sang các dì vốn nể mẹ tôi. Rốt cuộc, tôi được các dì cưng hơn mẹ tôi cưng. Cứ thế, tôi trở thành con út của gia đình, dù sau tôi vẫn còn hai mươi chín đứa em nữa.
•
Năm 1962, gia đình tôi dọn về Nha Trang. Sau hơn hai mươi năm giang hồ, hẳn bố tôi cảm thấy lạnh nên ông gom sáu bà vợ về chung một nhà. Anh em tôi được đoàn tụ. Ba mươi bốn đứa nhận mặt nhau trong căn biệt thự trên đường Hai Chùa. Nhưng chỉ anh em tôi nhận được nhau, còn bố tôi thì chịu. Ông chỉ có thể nhận được sáu bà vợ và rán nhớ thứ tự từng bà cũng đủ mệt, làm sao mà nhớ hết từng đứa con được.
Tính vô tâm của bố tôi đối với con cái được bỏ qua dễ dàng vì sinh hoạt gia đình luôn vui với các trận cười ròn rã. Chuyện cãi nhau gần như không có. Hơi khó tin nhưng đó là sự thật. Tất cả, từ sáu bà vợ đến ba mươi bốn đứa con đều vui vẻ sống bên nhau dưới quyền lãnh đạo của ông bố đa tình.
Đúng ra tám phần mười việc trong nhà đều qua tay mẹ tôi. Mà mẹ tôi, người đàn bà chưa hề ghen tuông, đối xử với các dì như em, làm sao các bà kế mẫu lộn xộn được. Lại nữa, nhà tôi tương đối khá giả nên lũ con sống đầy đủ, nếu không gọi là sung sướng khi so với một số gia đình khác lúc bấy giờ. Ba mươi bốn anh chị em đều được hưởng những "quyền lợi", tình thương như nhau nên không đứa nào ganh ghét hay mang mặc cảm với đứa khác. Chúng tôi thương yêu, đùm bọc lẫn nhau còn hơn anh em... ruột thịt. So sánh thế này hơi kỳ, nhưng biết sao? Còn cách nào để diễn đạt tình thương của anh em tôi hơn năm chữ: hơn anh em ruột thịt. Phải là hơn chứ không thể là như hay bằng được.. Bữa cơm hàng ngày là nơi gặp mặt và chia xẻ đủ điều.
Bốn mươi lăm người là kể cả hai chị bếp và hai chú tài xế, bữa cơm hàng ngày của gia đình tôi như đám giỗ của gia đình khác. Ồn ào với đủ thứ chuyện trên trời dưới đất được gom về trong từng tiếng nói cười. Chỉ cần nhìn nụ cười mãn nguyện của bố tôi là đủ hình dung hạnh phúc. Luôn luôn ông là người đứng dậy sau cùng. Hình như mỗi câu nói, mỗi cử chỉ của từng người đều mang lại cho ông niềm vui. Tôi đã thấy nhiều bữa cơm bố tôi không ăn, hay ăn rất ít nhưng vẫn ngồi suốt bữa. Ông vui vẻ theo dõi từng câu chuyện bá láp của lũ con. Nét bao dung ẩn hiện trong mắt. Bố tôi giống một ông bụt trong bộ quần áo lính. Không còn dấu vết nào của người lính. Một người lính chuyên nghiệp từ năm mười chín tuổi.
Như đa số thanh niên nhà giàu của Hà Nội vào cuối thập niên 30, bố tôi chịu ảnh hưởng của Pháp nhiều. Tư tưởng Âu Tây du nhập làm người thanh niên cảm thấy bị bó buộc trong nền nếp gia đình Á Đông. Ông mơ cuộc sống tự lập, cách mạng lãng mạn như Dũng trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Ý tưởng thoát ly gia đình âm ỉ và bùng lên khi ông nội tôi bắt ông lấy vợ vào năm mười chín tuổi. Bố tôi không chịu, bỏ nhà ra đi và bắt đầu cuộc sống lang bạt.
Nhưng không được như Dũng trong Đoạn Tuyệt bởi nơi sinh ra và lớn lên là Hà Nội ăn chơi giàu có. Những ngõ nghách cách mạng không tìm đến ông. Chàng công tử con nhà giàu sau mấy tháng giang hồ ở Hà Nội đã không chịu nổi cảnh nghèo túng, sống nhờ bạn bè. Chàng vào lính.
Sau thời gian thụ huấn tại trường Tông, bố tôi ra trường và gặp mẹ tôi lúc vừa mang lon thiếu úy. Hai người yêu nhau và dắt nhau đến trình diện ông nội tôi. Tất nhiên ông nội phải nhượng bộ trước cậu quý tử ngang ngược, đành chấp thuận mối tình không được thông báo trước. Ba ông anh và bà chị tôi ra đời trong thời gian này.
Những biến cố lịch sử của thập niên bốn mươi được đánh dấu trong gia đình tôi bằng những lần bố tôi lấy vợ lẽ. Mười năm xa nhau, mẹ tôi về quê ngoại ở Gia Lâm, Bắc Ninh nuôi bốn đứa con chờ chồng. Ngược lại, mười năm của bố tôi là mười năm đào hoa. Thời gian phục vụ từ núi rừng Việt Bắc đến thành phố ánh sáng Paris bố tôi phát triển chất đào hoa một cách lẫy lừng. Bốn bà vợ và cả tá nhân tình là thành tích. Đám em cùng cha khác mẹ của tôi ra đời liên tục, rải rác khắp chốn. Tưởng như đâu cũng có nơi để bố tôi tìm về. Mặc mọi biến cố lịch sử xảy ra, ông cứ an hưởng hạnh phúc bên các bà vợ.
Ngày 9 tháng Ba năm 1945 Nhật lật đổ Pháp tại Đông Dương, bố tôi thong dong ở Pháp. Ngày 17 tháng Tám năm 1945 cả trăm ngàn người biểu tình trước Nhà Hát Lớn Hà Nội, các lãnh tụ công chức, thanh niên và sinh viên kêu gọi nhân dân đề cao cảnh giác trước việc ngăn chận Pháp trở lại Việt nam. Các lực lượng Bảo An nổi lên chống Pháp, bố tôi vừa chinh phục được bà vợ thứ tư. Ngày 2 tháng Chín tại quảng trường Puginier, Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn Độc Lập vay mượn từ bản tuyên ngôn Độc Lập năm 1776 của Hoa Kỳ đẩy đất nước vào khúc quanh mới, bố tôi trong tuần trăng mật với dì tư của chúng tôi... Giữa bố tôi và đất nước, dân tộc chẳng liên quan gì đến nhau. Ông sống như một chàng Don Joan đứng ngoài thời cuộc.
Dòng lịch sử vẫn trôi với các biến cố xảy ra dồn dập từng tháng của những năm bốn mươi. Tháng Chín năm 45 quân Tàu theo Lư Hán vào Bắc Việt, rồi quân Anh và quân Ấn Độ vào Sài Gòn, rồi nạn đói năm Ất Dậu... cả đất nước chuyển mình, quằn quại trong cơn bão lịch sử, bố tôi và một số sĩ quan khác vẫn đứng ngoài lề. Cái còn lại ở Việt nam với ông hẳn chỉ là hình bóng mẹ tôi, cô gái Bắc Ninh với đồng tiền trên má phải đang sống với bốn đứa con.
Bố tôi rục rịch về nước sau hiệp định sơ bộ ngày 6 tháng Ba năm 46. Nhưng chỉ rục rịch thôi, chứ ngày về của ông còn xa lắm, mãi hơn ba năm sau mới thực hiện được. Tháng Sáu năm 1949 ông theo Bảo Đại về. Sự thăng quan tiến chức với bố tôi thật lạ. Suốt thời gian từ ngày nhập ngũ cho đến khi về Sài Gòn ông chưa bắn một phát súng nào. Luôn luôn hưởng an bình với bộ quân phục trên người. Về sau, nhắc đến đoạn đời này ông thường bảo.
- Tao, ngoài sao đào hoa chiếu mệnh luôn luôn còn có quý nhân phù trợ.
Anh cả tôi cười:
- Quý nhân của bố toàn là đàn bà. Những sáu quý nhân chính và cả chục quý nhân phụ. Làm sao không an nhàn cho được?
Bố tôi cười theo.
- Có lẽ anh nói đúng.
Tính vô tâm và không xem việc gì làm trọng đã thành nếp trong người bố tôi. Lâu ngày biến thành xuề xòa, dễ dãi. Ông cởi mở, thân mật với thuộc cấp một cách quá đáng. Hầu như không còn khoảng cách hay lễ nghi. Sự quan hệ giống tình cảm gia đình của một ông anh cả đối với em, hay gần hơn nữa, một ông bố đối với con. Khi sang Mỹ tôi lại nghe nhắc từ những thuộc cấp cũ của ông ngày một nhiều. Nhưng rút lại tất cả thường kết luận.
- Dù sao chăng nữa, tôi cũng chưa gặp người nào có lòng nhân hậu, hiền lành, dễ dãi như ông.
Tất nhiên tôi cảm động. Bố tôi là người có lòng nhân. Thật hãnh diện. Nhưng bởi cái nhưng này nên niềm hãnh diện của tôi vơi quá nửa. Bố tôi ngoài lòng nhân đối với thuộc cấp và mọi người, ông đã không có gì thêm trong đời lính. Bộ quân phục đã khoác lầm lên người bố tôi chăng? Tôi bắt đầu có ý nghĩ này khi một người bạn của ông nói lại:
- Ngày ở cùng bố cậu tại sư đoàn 25, đóng tại Đức Hòa tôi ngạc nhiên vô cùng. Bởi trong đời, tôi chưa gặp một ông đại tá nào như vậy. Chẳng bao giờ thấy to tiếng hay nóng giận. Luôn luôn là nụ cười trên môi và bỏ qua mọi lỗi lầm của thuộc cấp. Hình như bố cậu lạc lõng trong quân đội...
Tôi ngỡ ngàng vì nhận xét này. Liên tưởng đến đời lính của bố tôi, lòng nhân hậu là điểm lớn nhất và cũng là duy nhất tôi nhìn thấy từ ông. Nhưng trong cuộc chiến, trên cương vị một quân nhân thì nguy quá.
Hãy tưởng tượng đến một ông đại tá suốt đời chưa bắn một phát súng nào, nhất là một ông đại tá của cuộc chiến đang diễn ra từng giờ trên đất nước. Chiến tranh và mọi việc xảy ra như không gì liên quan đến bố tôi cả ngoại trừ bộ quân phục đang mặc.
•
Dọn về đường Hai Chùa ít lâu thì bố tôi phải đi theo đơn vị. Ban Mê Thuột, Đà Nẵng, Đức Hòa... Mỗi lần ông mang theo một bà, trừ mẹ tôi trấn đóng tại gia. Sự xuất hiện của ông trong những lần về phép ngắn ngủi không gây xáo trộn nào trong gia đình cho đến lúc biến cố Tết Mậu Thân xảy ra. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông giận dữ tại nhà.
Hình ảnh bố tôi với gương mặt đỏ bừng, đập mạnh tay xuống bàn làm hơn bốn mươi người giật mình còn in trong trí tôi đến giờ. Cái đập tay được làm sau khi nghe tin anh thứ ba tôi tình nguyện vào trường Võ Bị Đà Lạt.
- Tại sao mày bỏ học vào lính?
- Thưa bố, con thấy cần như vậy.
- Cần?
- Vâng ạ!
- Ai cần đến mày?
Anh tôi im lặng nhìn bố tôi. Cả hai người đều có thoáng ngạc nhiên trong mắt. Rồi bố tôi nhìn sang hướng khác, ánh mắt dịu lại khi dựa lưng vào thành ghế. Ông có vẻ mệt mỏi. Sau cùng, bằng một giọng nhỏ nhưng rõ ràng, anh tôi nói khi đẩy ghế đứng dậy:
- Con đã quyết định thế rồi bố ạ.
Những ngày kế, cả hai đều tránh nhau. Luôn luôn vắng một người trong bữa cơm. Không bố tôi thì anh tôi. Không khí trong gia đình đang vui nhộn bỗng thành ngột ngạt. Bọn tôi không dám cười nói ồn ào như mọi khi, mạnh đứa nào đứa ấy ăn, xong đứng dậy vội vã.
Bố tôi đổi thái độ rõ ràng. Nụ cười trên môi đã mất, ông lặng lẽ trong suốt bữa ăn. Cho đến bữa cơm tối kế ngày đi, anh thứ ba của tôi mới xuất hiện. Lần này hai người ngồi gần nhau. Mọi người trong bàn ăn nín thở, chờ một cái đập tay giận dữ của bố tôi. Nhưng mọi việc diễn biến tốt đẹp. Cuối bữa ăn, anh tôi buông bát đũa xuống.
- Thưa bố, mai con đi.
- Ừ.
- Con đã sắp xếp xong hết. Chín giờ sáng mai ra trung tâm nhập ngũ.
- Con cần gì không?
- Cần gì hả bố?
Anh tôi ngạc nhiên hỏi lại. Bố tôi không trả lời, chỉ buông thõng.
- Ừ, mai đi. Thỉnh thoảng viết thư về kẻo mẹ mày mong.
- Thưa bố, vâng ạ.
- Ráng giữ gìn sức khỏe.
- Vâng.
Bố tôi gật đầu khi anh tôi xin phép đứng dậy. Bữa ăn đã xong, hai chị bếp ra dọn dẹp mà ông còn ngồi yên. Hai ngày sau khi anh tôi đi, bố tôi trở về đơn vị. Lần này ông không dắt theo bà nào cả.
Bốn tháng sau ông về nhà, thái độ đã tự nhiên. Nhưng ngay hôm đầu tiên cả nhà lại nín thở khi nghe ông anh thứ hai của tôi mở lời.
- Bố à, con có chuyện muốn thưa với bố.
- Tiền hả?
- Không phải bố ạ, tiền mẹ vẫn cho đủ.
- Gì thế?
Anh tôi ngập ngừng một lúc rồi nói nhanh:
- Con muốn vào Thủ Đức.
- Thủ Đức?
- Vâng.
Bàn ăn đang ồn ào bỗng im lặng. Cả nhà hồi hộp chờ cơn giận của bố tôi tái diễn. Nhưng không, ông ngồi yên, nụ cười trễ xuống. Bát cơm trên bàn tay trái được đặt xuống bàn.
- Tại sao vậy?
- Thưa bố, con muốn thế.
- Muốn?
- Vâng ạ.
Bàn tay phải bố tôi đặt đôi đũa xuống bàn. Ông xoay người sang phía anh tôi:
- Con đã nghĩ kỹ chưa?
- Thưa bố, kỹ rồi ạ.
- Tùy con, con đã lớn.
Bố tôi mỉm cười thản nhiên rồi cầm đũa và bát cơm lên, tiếp tục ăn. Bây giờ người hốt hoảng là mẹ tôi.
Sau lần đó, đám em trai, con của các dì, lớn tuổi hơn tôi lần lượt vào lính. Đứa thì Võ Bị, đứa thì Thủ Đức. Động viên có mà tình nguyện cũng có. Bàn ăn vắng dần, chỉ còn những đứa bé và lũ con gái ngồi với sáu bà mẹ.
Bố tôi im lặng hơn trong những lần về phép sau. Ông nhìn từng đứa con tuôn vào ngõ ngách cuộc đời mà không nói tiếng nào. Tuổi mười chín đang sống lại trong ông chăng? Lần quyết định cách đây mấy mươi năm đã cho ông cuộc sống hạnh phúc hôm nay thì bây giờ đám con chọn lựa sao lại ngăn cản? Hẳn ông đã nghĩ thế.
Cuối cùng đến lượt tôi, thằng con út được cưng chiều đã tình nguyện đi lính vì lý do thất tình. Lần tôi đi, bố tôi vắng nhà. Đó là năm 1972 lúc Hạ Lào đang bùng lên cuộc chiến của lần hành quân Lam Sơn.
•
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ mọi việc xảy ra trong buổi tối trước khi đi tù cải tạo. Bấy giờ gia đình tôi đã dọn về Bảy Hiền. Và căn lầu bốn từng là nơi cả gia đình gặp lại sau 30 tháng Tư năm 1975. Lần gặp cuối cùng để mãi mãi không còn lần nào đông đủ nữa. Gia đình tôi tan nát sau buổi tối đó.
Bố tôi ngồi im, trước mặt là ly trà đã nguội. Ông lặng lẽ nhìn mẹ tôi và các dì đang thồi gạo vào các bao nhỏ. Mỗi người đàn ông trong gia đình là một bao gạo 15 ký. 16 bao kể cả bố tôi và 15 đứa con trai. Một lần chuẩn bị đi tù tập thể. Mẹ tôi và các dì cẩn thận buộc chặt miệng bao, đếm đi đếm lại. Rồi thức ăn, rồi mùng mền, rồi vật dụng cần thiết. Tất cả đều được chia thành 16 phần gọn ghẽ. Cuối cùng mẹ tôi đứng dậy:
- Đủ cả mọi thứ rồi bố nó ạ!
Vừa dứt câu bà lại ngồi xuống, lần mò từng phần một để kiểm lại. Những ngón tay tái xanh của mẹ tôi nổi bật trên nền bao cát cùng màu một cách thảm não. Tôi nghe thấy tiếng thở dài của bố tôi. Anh em tôi đều im lặng. Sau cuộc chiến, những người đàn ông trong gia đình đều may mắn trở về nguyên vẹn. Một vài thương tích nhỏ trên thân thể không ảnh hưởng đến đời sống. Ai cũng an lành. Mẹ tôi và các dì đã mừng rỡ trong những ngày đầu tháng Năm với mỗi lần về của từng người đàn ông. Mười bảy người đi mười bảy người về đủ. Từ bố tôi là lớn nhất, cấp bậc đại tá cho đến đứa con áp út của dì năm là nhỏ nhất, đang học trong quân trường Thủ Đức. Nó là người thứ mười bảy và được ở lại. Một điều may mắn cho gia đình sau cuộc chiến khốc liệt. Và hôm nay, lại bắt đầu một lần đi từ mệnh lệnh của những kẻ thắng cuộc.
- Chẳng biết có sao không?
Mẹ tôi ngồi thừ người sau câu hỏi trống. Mười sáu người đàn ông chung quanh đều ái ngại và không biết trả lời thế nào. Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau rồi lại tránh mắt nhau. Ai cũng lo cho người chung quanh mà quên mất mình cũng thế.
- Chắc không sao đâu mẹ. Thông cáo đã ghi chỉ mươi mười lăm ngày lại về.
Anh cả tôi trấn an mẹ bằng giọng đều đều, nhưng thái độ thiếu tin tưởng.
- Có bao nhiêu người đàn ông đều phải đi hết. Trong nhà biết liệu thế nào?
- Thì chúng con đi lại về... Mẹ lo gì, dăm bữa nửa tháng sau lại đông đủ cả.
- Sao tao thấy thế nào ấy...
Mẹ tôi ngập ngừng bỏ ngang câu nói, sự bối rối hiện rõ. Bố tôi bưng ly trà lên uống một ngụm rồi gượng cười:
- Bà khéo lo, ngày xưa đánh nhau ầm ầm mà chả có việc gì, không có đứa nào sứt mẻ cả. Bây giờ chỉ tập trung cải tạo mươi ngày có gì đâu mà lo.
- Còn ông nữa, đã lớn tuổi rồi phải cẩn thận, lo giữ gìn sức khỏe.
- Ối dào... tôi còn khỏe chán. Kỳ này đi về tôi sẽ lấy thêm một cô nữa cho vui.
Câu pha trò của bố tôi không được ai hưởng ứng. Hơi ngượng, ông nậng cái ly thủy tinh đã cạn trà lên.
- Bà đừng lo đến tôi. Mấy chục năm đi lính tôi hiền lành, chẳng bắn một phát súng, lấy ai mà thù ghét. Tôi tròn trịa, trơn tru như cái ly này. Chẳng gây việc gì phiền nhiễu, mọi người... ai ai cũng quý mến, có gì đâu mà lo.
Ông bật cười hồn nhiên sau khi ví mình với ly trà. Trong bọn anh em tôi có vài tiếng cười theo. Không khí trong nhà bớt ngột ngạt. Nhưng lúc đó tôi chợt thấy có điều gì bất ổn trong câu nói của bố tôi. Một cái ly thủy tinh trong suốt, trơn tru đó là hình ảnh để ví von với bố tôi thật đúng. Tính hiền lành, độ lượng của ông là độ cong, không tỳ vết. Lòng nhân hậu, sự thành thật đến vô tâm biểu hiện qua sự trong suốt. Nhưng cái ly sẽ dễ dàng bị vỡ... Tôi lắc đầu xua đuổi ý nghĩ một cách sợ hãi. Tôi đứng dậy bỏ ra sân sau và cố quên sự liên tưởng đó.
Phía sau nhà tôi thông với chợ Tân Việt. Ngôi chợ Bắc kỳ di cư này chỉ họp buổi sáng, chiều xuống là vắng, chỉ lèo tèo vài gian hàng chạp phô. Đêm đến lại tiêu điều hơn. Những sạp gỗ liền nhau tối đen, cao thấp không đều lắng trong mùi tanh hôi nồng nặc làm ngôi chợ như một bãi tha ma hoang phế. Đêm nay ngôi chợ có vẻ hoang phế hơn mọi đêm. Tôi đốt điếu thuốc trong cảm giác rờn rợn với điều liên tưởng mới. Ngôi chợ và gia đình tôi như nhau. Lúc đông lúc tứ tán. Ngày mai gia đình tôi sẽ là cảnh chợ chiều. Rồi sẽ đông lại, mọi người sẽ trở về như buổi chợ sáng... Nhưng rồi lại chiều, mọi người sẽ... Cái gì đây? Tôi lại nghĩ bậy bạ nữa rồi. Búng mạnh điếu thuốc xuống khe rãnh sát tường, tôi dợm bước vào nhà.
Có tiếng động từ phía sau, tôi giật mình quay lại. Đó là Từ An, đứa em gái út đúng nghĩa của gia đình. Nhỏ tuổi nhất nhà và là con út của dì út.
- Bé con ra đây làm gì?
- Mấy mẹ khóc hoài làm em sợ quá.
- Khóc?
- Vâng. Cả sáu mẹ cùng khóc, bố cũng khóc nữa.
Tôi quỳ xuống trước mặt đứa em út mười hai tuổi. Ở đuôi mắt em tôi, có giọt nước mắt đang đọng.
- Bé con nín đi. Làm gì phải khóc.
- Em sợ lắm.
- Sợ gì?
- Mấy mẹ nói ai cũng đi hết à... cả anh nữa, anh cũng đi.
- Rồi anh sẽ về mà...
- Anh út, anh đừng đi nghe...
Từ An ôm choàng lấy vai tôi. Lòng chùng lại tôi vuốt tóc em tôi. Có tiếng thút thít của Từ An. Tôi mím môi, nén tiếng thở dài, bế con bé đứng dậy. Phía đuôi mắt của tôi hình như cũng có giọt nước mắt đang đọng.
Trong hai đợt trình diện, mười sáu bố con tôi chia tay cùng gia đình và chia tay lẫn nhau. Đại gia đình họ Nguyễn còn lại hai mươi lăm người gồm đàn bà và trẻ con. Những con người chưa bị ném vào đời một lần bắt đầu sống trực diện với cuộc đời đã hoàn toàn thay đổi. Và tất cả bốn mươi ba người đều không nghĩ, không hề nghĩ rằng: đó là buổi tối sum họp cuối cùng trong kiếp người họ Nguyễn.
•
Năm 1981 tôi về được nhà trong lần thứ tư vượt trại với khuôn mặt bị đánh nát gò xương má trái. Đắng cay, khổ nhục sau năm năm tù với những lần mục kích từng cái chết của bạn bè không đủ để tôi bình tĩnh nghe chuyện gia đình. Tình cảm ruột thịt đã làm tôi ngất hai lần khi nghe anh cả tôi nói chuyện. Mười sáu người đi, chết mất năm người tại bốn nơi khác nhau. Anh thứ ba tôi và hai đứa em con dì hai chết ở ba trại giam cách nhau đến hàng ngàn cây số. Hai đứa em con dì tư chết chung một ngày tại trại Kà Tum. Thằng lớn bị dàn cảnh bắt trèo rào để xử bắn cho dễ khép tội trốn trại. Thằng bé xót anh nhẩy ra, chụp súng cán bộ, bị bắn tại chỗ. Năm cái chết của năm người ruột thịt là mẩu tin thứ nhất anh cả cho biết trong ngày đầu tiên về nhà. Tôi chỉ nhớ cảm giác ngộp thở đến với mình khi lồng ngực trái nhói buốt, ép xuống rồi mắt tối sầm lại khi nghe xong chuyện.
Hình ảnh đầu tiên lúc tỉnh dậy tôi nhận được là khuôn mặt anh cả tôi. Trong căn phòng trên sân thượng chỉ còn hai anh em. Bấy giờ khoảng 6 giờ chiều, nắng bên ngoài đã nhạt. Những vệt sáng hắt vào phòng làm khuôn mặt anh tôi nhập nhòa nhiều vết đen. Như những nếp khổ đau hằn trên mặt người.
- Anh xin lỗi vì đã làm chú đau lòng, nhưng không nói thì không được chú à. Ngày mai anh sẽ vượt biên với gia đình vợ. Đêm nay phải xuống bến sớm.
Tôi ngỡ ngàng nhìn anh tôi. Im lặng một lúc lâu giữa hai anh em, rồi anh tiếp.
- Chú là người thứ hai về gia đình sau anh. Lại bị thương thế này mà anh bỏ đi thật không phải. Nhưng biết sao? Với tình cảnh, này anh không thể ở lại được. Chỉ mong đi thoát rồi từ từ sẽ lo cho từng người. Hôm nay, những người đàn ông trong gia đình mình đã hoàn toàn bất lực. Ra đi là biện pháp tốt nhất...
- Em hiểu...
- Cảm ơn chú.
Chúng tôi lại im lặng thêm. Sau cùng, anh tôi nắm lấy tay tôi bóp mạnh, giọng đanh lại.
- Chú bình tĩnh nghe anh kể tiếp về gia đình ta...
- Vâng.
- Ngoài chú bị thương thế này... nhưng dù sao chú cũng về đến nhà...
- !!
- Thằng Huỳnh con dì ba bị cây đè nát hai chân đang nằm ở sông Bé. Thằng Hoàng con dì năm đào hố bom ở miệt Phước Long bị nát tay phải, nhưng vẫn bị giam. Còn dì hai, ngoài hai đứa chết, cả hai đứa còn lại là thằng Huấn và Hóa đều mất tích ở biên giới Tây Ninh; và bố bị liệt hai chân đang chuyển từ Bắc về đây...
Anh tôi nói thật nhanh nhưng mỗi lời nói là một hình ảnh ruột thịt hiện về trong trí tôi và mỗi lời nói cũng là một tảng đá đè lên ngực tôi. Tôi hét lên một tiếng lớn khi bàn tay anh thả tay tôi ra. Và ngất lịm.
Một tuần sau, do sự giúp đỡ của thiếu tá bác sĩ Hội, một người đàn em của bố tôi, cũng là một trong những bác sĩ có tài được chính quyền mới cho làm việc tiếp, đang làm trưởng khoa Răng-Hàm-Mặt tại bệnh viện Điện Biên Phủ (Saint Paul), tôi dùng giấy tờ giả nhập viện. Hai tháng sau vết thương ngoài má lành lặn nhưng nguyên gò xương má trái của tôi đã bị tháo ra để thay bằng một miếng silicon. Nguời ngoài khó nhận được vết thương dưới mặt, nhưng trong tôi đã thành vết sẹo trong đời. Hệt như gia đình tôi ngoài mặt đã có vài đứa con trở về nhưng bên trong là những cái tang lớn mà cả gia đình cùng cam chịu.
Cũng trong thời gian này bố tôi được đưa về trại giam Bảo Lộc. Vì tình trạng tàn phế của ông nên những kẻ thắng cho phép người nhà lên nuôi trong thời gian quản thúc. Từ An, con bé út lãnh nhiệm vụ này vào năm mười tám tuổi.
•
Giữa năm 1983, trước khi vượt biên vài tuần tôi dùng giấy tờ giả lên thăm bố tôi. Vượt qua các con đường đất đỏ lầy lội tôi gặp bố và Từ An tại một căn nhà tranh nhỏ nằm cạnh trại tù, dành cho những tù nhân bị tàn phế nhưng không được trả về.
Tôi chết sững khi vừa gặp bố tôi. Hình ảnh một ông đại tá mập mạp, phúc hậu ngày xưa đã mất. Chỉ còn lại trên chiếc chõng tre một con người da bọc xương với hai chân sưng to hơn thân thể. Bố tôi mỉm cười khi thấy tôi. Vẫn nụ cười độ lượng nhưng hôm nay sao nhăn nhúm, thảm não. Tôi ứa nước mắt quỳ xuống cạnh ông.
Bố!
- Con lành hẳn rồi chứ?
- Vâng.
- Mẹ, các dì, các em thế nào?
- Vẫn khỏe bố ạ.
Rồi lần lượt ông hỏi thăm từng đứa. Bây giờ sự lầm lẫn về thứ tự của ba mươi bốn đứa con không còn nữa, trong ông như có bầy con đang đứng theo thứ tự trước mặt. Tôi chỉ biết gật đầu với các tiếng "vâng". Bởi tất cả những câu hỏi của bố tôi đều bắt đầu bằng điều tốt lành. Ngay cả các câu hỏi dành cho những đứa con đã chết. Ông hoàn toàn không biết rõ tin của các con, ngoại trừ anh cả tôi đã đi và tôi bị thương qua sự liên lạc của bác sĩ Hội. Tôi gật đầu nhiều hơn nói. Mãi sau cùng tôi mới dám nói quyết định của mình và lo lắng chờ nét buồn thảm trên mặt ông. Nhưng không, chỉ thấy bố tôi mỉm cười, nụ cười rất lạ trên môi ông, lần đầu tôi được thấy.
- Như thế cũng phải con ạ.
- Vâng, sang đó con sẽ cố lo cho gia đình.
- Tốt.
- Bố ráng tịnh dưỡng...
- Bố già rồi, lại bịnh hoạn, sống nay chết mai. Có gì đâu mà lo lắng. Cái ly thủy tinh đã bị bóp vỡ rồi con ạ!
Tôi bàng hoàng khi bố tôi nhắc đến kỷ niệm cũ với giọng đều đều.
- Bố đừng nói gở.
- Gở cái gì... con khéo lo. Cái ly đã bị vỡ từ lúc bố chợt hiểu những điều mình làm trong mấy mươi năm qua. Nhưng đã muộn... Chỉ còn lại đời con, đời các con.
Tôi cố nén tiếng khóc.
- Bố nghỉ đi, bố có vẻ mệt rồi đó.
- Ừ.
Bố tôi xoay người vào trong. Tôi đứng dậy định bước ra ngoài với Tứ An thì bố tôi chợt nói thêm.
- À! Còn điều bố dặn thêm. Sang bên đó làm gì thì làm, học được thì tốt, con không được làm báo hay viết lách gì nghe không?
Tôi ngạc nhiên vì lời dặn cuối, định hỏi thì ông đã khoác tay.
- Thôi con ra ngoài với cái Từ An đi. Khổ thân các con...
•
Sang Mỹ, giữ đúng lời bố tôi dặn, tôi theo học tại Wichita State University. Anh cả tôi cũng giữ đúng lời hứa với tôi buổi chiều cuối, đã dành dụm gởi tiền về lo cho từng đứa ra đi. Cộng lại anh em tôi đã vượt thoát được chín đứa và hai đứa cháu con chị tư. Nhưng điều đáng buồn là chúng tôi ở khắp nơi. Anh cả và hai đứa em ở Úc, nhưng người ở Sydney, người ở Melbourne. Hải và Hiển con dì năm thì ở Pháp với vợ con. Thủy Tiên theo chồng về Canada. Tôi, Kim Chi và Hiếu ở Mỹ, nhưng lại ở ba tiểu bang cách nhau hàng ngàn dặm. Còn hai đứa cháu gọi tôi bằng cậu thì ở Đức. Tứ tán vẫn hoàn tứ tán. Nhưng chẳng sao, bọn tôi cần phải lo cho những người còn ở bên nhà trước. Rồi sẽ đoàn tụ, rồi sẽ gom lại tại một vùng đất nào đó để sống như những ngày còn ở Nha Trang.
Nghĩ thế, nên thời gian đầu đến Mỹ, tôi chỉ học và làm thêm việc phụ để kiếm tiền chi dụng. Chuyện văn nghệ, báo chí có cũng như không. Xem như một thú giải trí không tốn phí. Lời dặn của bố tôi còn đó, dù không hiểu nguyên nhân, nhưng gần nửa đời tôi chưa làm điều gì cho ông vui thì đây là một dịp tại sao lại chối từ? Lại nữa, trước mắt là sự thật của những người làm báo đường được - dù nhiều hay ít - thường sống bấp bênh, tương lai khó định, đôi khi còn là mối phiền cho mọi người, gia đình họ chẳng hạn, hoặc là mối phiền cho chính họ. Ngoài ra, tôi thấy tôi không có duyên văn nghệ, báo chí. Hơn hai mươi năm trước, chỉ một lần giữa tôi và báo chí có liên hệ là một bài thơ đăng báo năm mười bốn tuổi. Còn chuyện đặc san, bích báo tại trường thì nói làm chi?
Nhưng thôi! Hãy quay lại với tôi và xứ văn minh nhất thế giới. Qua những bỡ ngỡ ban đầu, tôi đến trường lớp một cách mê say. Phải đạt mức tối thiểu để giành cuộc sống bình thường. Rồi từ cái nền vật chất đó, chúng tôi sẽ gom lại, dựng lại gia đình họ Nguyễn trên đất Mỹ. Mọi điều trúc trắc, suy nghĩ vẩn vơ phải gạt qua một bên để sống, để bắt đầu. Thật ra, thỉnh thoảng nổi máu văn nghệ, tôi có làm vài bài thơ, viết dăm cái truyện ngắn gửi đăng tại tạp chí Làng Văn dưới một cái tên khác cho vui. Kể một chuyện đã gặp, viết một ý tưởng lãng mạn... vô thưởng vô phạt. Chẳng đâu vào đâu, chỉ để tiêu pha thời gian dư vào những ngày cuối tuần một cách không tốn tiền. Tôi đã nghĩ giữa tôi và báo chí như hai người khách lạ, tình cờ gặp nhau tại bến xe 'bus", giơ tay chào vài lần rồi mạnh ai nấy đi.
Tưởng thế, nhưng mọi việc đều xáo trộn từ lúc nhận được tin bố tôi chết trong trại giam. Hình ảnh ông nằm co quắp trên chiếc chõng, hai chân sưng to như hai cột nhà hiện lên trong trí tôi. Tôi không khóc nổi khi nhận được điện tín của mẹ tôi gửi sang, mắt đăm đăm nhìn hàng chữ báo tin mà nguyên cuộc đời của bố tôi được nhớ lại. Rõ ràng, từng chi tiết, từng giai đoạn. Tôi đã thấy cả cuộc đời của một con người. Rất nhân hậu, thành thật. Và dễ dãi nữa. Bố tôi đã chấp nhận lần thay đổi, chịu đựng để được sống như mọi người bình thường. Vậy mà chết. Cái chết thảm não dành cho một người chưa biết thù ghét là gì. Có lẽ, ngay cả phút cuối cùng ông vẫn không ngờ... Tôi chợt hiểu, có những điều xảy ra chúng ta không thể giải quyết bằng lòng nhân hậu và sự dễ dãi. Phải nhập vào cuộc sống, để sống đến tận đáy, để hiểu hết gốc ngọn và hành động. Bởi một người lính không thể là một nhà tu khoác áo lính.
Có một điều gì đó xốn xang trong lòng khi tôi trở về trường lớp. Có sự đắn đo, lần lựa giữa điều thôi thúc tôi phải thay đổi hay sẽ đi tiếp lối mòn đang chọn. Tôi lơ lửng giữa các động thái sống và tâm trạng giằng co trong trí. Cuối cùng tôi bỏ học, xin việc làm tại một tờ báo trong vùng.
Rồi lang thang khắp chốn với cái nghề kỳ cục là làm báo Việt trên đất Mỹ. Tôi đã gặp, tôi đã thấy những điều chưa hề nghĩ đến trong thời gian học tại WSU. Người lính trong tôi vẫn còn. Chắc chắn thế. Và khi chưa thể trở lại đội ngũ thì hãy làm điều gì đó trong khả năng của mình. Báo chí là một phương tiện. Ít nhất, trên những tờ báo đứng đắn và có quan điểm, chúng tôi. Phải! Chúng tôi vẫn còn nói được những điều cần nói một cách thẳng thắn với mọi người, với kẻ thù và với chính chúng tôi. Những điều mà bố tôi chưa làm trong suốt gần bốn mươi năm mặc áo lính. Những điều mà thế hệ trước chúng tôi đã lỡ bỏ quên.
Sau cái chết của bố tôi, sau thời gian lang thang từ tiểu bang nầy sang tiểu bang khác, ý tưởng gom lại đám anh em tứ tán để làm lại gia đình họ Nguyễn trên đất Mỹ không còn nữa. Tôi đã lớn. Các anh em của tôi đã lớn. Mỗi đứa sau cái chết bi thảm của một người đầy lòng nhân hậu như bố tôi hẳn đều hiểu mình phải làm gì và tự chọn một hướng đi. Tụ lại với nhau tại vùng đất xa lạ không còn cần thiết. Phải từ mọi hướng để tìm về căn nhà số Bẩy đường Hai Chùa. Còn tôi? Cho đến giờ tôi vẫn chưa hiểu được tại sao bố tôi lại cấm tôi không được làm báo hay viết. Nhưng tôi hy vọng, ở trên cao đó, bố tôi sẽ tha thứ cho tôi thêm lần nữa. Lần cuối cùng cãi lời bố tôi để được tiếp tục làm những việc mà ông chưa kịp làm khi còn sống.
Bố tôi là chiếc ly thủy tinh nhân hậu bị bóp nát bởi bàn tay phi nhân. Những mảnh thủy tinh vỡ đã văng đi, tứ tán mọi phương. Phải! Nhưng những mảnh thủy tinh đó, ngoài độ trong suốt của lòng nhân, lại có thêm các góc cạnh sắc bén đủ để đâm nát bàn tay kẻ thù. Những góc cạnh có được từ một lần vỡ nát. Tôi tin thế. Đã tin. Và mãi mãi tin.
Nguyễn Ý Thuần
Đọc thêm từ trang Nguyễn Ý Thuần
.