Để chuẩn bị di cư qua Montréal Québec Canada, năm 1984, gia đình tôi rời thành phố Đà Nẵng, vào tạm trú tại nhà người chị cả tôi, ở số 22 Lê Lợi, quận 1 Sài Gòn. Trong những ngày ngồi không chờ lên đường, tôi có ba lần tình cờ gặp mặt nhà văn Song Thao.
Lần thứ nhất. Trong đám người xô bồ Hoa, Việt, lóng ngóng tại cơ quan lo việc xuất cảnh, 1B Duy Tân, không hiểu sao, tôi đặc biệt chú ý đến một người đàn ông trạc tuổi tôi. Anh gọn gàng tươm tất, so với cái lè phè của tôi, càng nổi bật vẻ lịch sự, trang nhã của anh.
Lần thứ hai. Giữa lúc chen chúc trong hành lang của một biệt thự lộng lẫy, tại góc ngã tư Tú Xương, Trần Quý Cáp, để chờ được phái đoàn Sở Di Trú Canada phỏng vấn. Tôi chợt bắt gặp lại khuôn mặt ông chững chạc lần trước. Vẫn trang phục bảnh bao, anh đến cùng vợ và bốn con. Chúng tôi nhìn nhau, lạnh lùng, không một nụ cười xã giao. Cái hồi hộp, lo sợ lạ lùng của đám người chờ được phỏng vấn hôm đó, đã tạo ra một khung cảnh nghiêm trang đặc biệt. Gia đình nào cũng tỏ vẻ trầm lặng. Có lẽ vì cái không khí này, tôi đã bỏ ý định gặp anh để tìm thêm một vài kinh nghiệm cần thiết trước khi vào gặp giới hữu trách. Sau này, tôi được biết, lúc đó anh cũng có chú ý đến gia đình tôi và chị Song Thao, loáng thoáng nghe giọng nói của tôi, đã sớm đặt cho tôi một cái tên khá ngộ : " Cái ông Đà Nẵng ". Chúng tôi ra mắt phái đoàn Canada ở hai phòng khác nhau, và lặng lẽ ra về.
Lần thứ ba. Nắm được giấy đăng ký chuyến bay trong tay, từ 1 B Duy Tân, tôi vội vã ra về thì đụng đầu Song Thao ngay cổng vào. Anh cùng đi với một người đàn ông khác. Họ chặn tôi lại, tỏ ý muốn xem mặt mũi những mẫu giấy tờ tôi vừa được cấp phát. Tôi nôn nóng chìa cho Song Thao đọc lướt qua, rồi bỏ đi liền, không chào. Và anh, hình như cũng quên cảm ơn.
Chuyến bay của gia đình tôi trễ gần một tháng so với ngày đã đăng ký. Chúng tôi được ăn cái tết Nguyên Đán cuối cùng ở Sài Gòn nhờ chính phủ Việt Nam đương thời, bốc đồng sửa lại âm lịch. Lang thang với Hoàng Trọng Bân trong những ngày còn lại, tôi có để ý tìm gặp người bạn " cùng đi một đường" mấy lần trước, nhưng đáng tiếc, không gặp.
Cuộc đời ở appartement tại Montréal của gia đình tôi bắt đầu ngày 02 tháng 2 năm 1985. Nhưng mãi đến giữa mùa hè 1986, tôi và Lý mới tình cờ gặp lại anh chị Song Thao, bên góc ngã tư Sherbrooke, Saint Laurent. Lần này, bốn chúng tôi không những chào mừng nhau mà còn thăm hỏi xã giao một đôi điều. Chúng tôi tự giới thiệu quí danh và trao đổi số điện thoại. Trong tháng ngày thiếu vắng những bạn vàng, gặp và quen Song Thao, một khuôn mặt mới, nhưng dường như đã thân từ lâu, tôi rất vui.Tuy không rành tướng thuật, nhưng qua năm ba phút đối thoại, tôi nhận ra Tạ Trung Sơn, tên thật của Song Thao, vui tính, bộc trực, cởi mở. Nhớ hôm đó, vợ chồng chúng tôi đang đứng chờ xe buýt với một chậu cây cảnh khá sum suê. Anh Sơn đã vui miệng hỏi:
- Ông bà mua cây gì đây?
Tôi ngớ ra vì không biết tên gọi loại cây vừa mua. Qua hai mùa tuyết lạnh, căn nhà mình cư ngụ dẫu bé nhỏ, vẫn cảm thấy lỏng lẻo. Nên chúng tôi cũng học đòi, bắt chước thiên hạ tha dần về vài chậu cây cảnh, cùng hồ cá, lồng chim...để chêm cho căn phòng giàu thêm sức sống, đỡ phải ngồi ao ước: "...phải chi có con kiến, hay một hai con ruồi...". Thấy tôi có vẻ bần thần, anh Sơn vui vẻ mách:
- Cây này là cây Sinh Tiền; cái điệu này ông bà nhất định nhặt hết bạc cắc của Montréal đây, nhớ dành phần cho tụi này.
Tôi cười như ngầm thỏa thuận. Tiếc thay, chưa đầy một năm sau, cái cây mang tên Sinh Tiền do anh Sơn gọi, đã bị cái tính ưa đổi mới của tôi loại bỏ. Lâu rồi, quên hỏi anh Sơn, có loại cây Sinh tình hay không. Nếu có, mách tôi mua về, xem thử ở vài thập niên cuối cùng của đời người, mình có thêm một bóng hồng nào nữa hay không?
Sau lần gặp gỡ đó, chúng tôi có thêm vài lần tình cờ gặp nhau đôi ba phút tại các siêu thị, vào những ngày cuối tuần. Mối giao hảo của chúng tôi vẫn ở trong lằn mức xa giao bình thường của những người cùng một dân tộc xa xứ. Chúng tôi không ai tiết lộ cái nghề tay trái xưa kia của mình. Mãi đến một buổi tối, tôi nhận được một cú điện
thoại:
- A lô, cho gặp ông Châu.
- Xin lỗi, tôi đây.
Bên kia đầu dây, tiếng cười đi liền với câu hỏi:
- Ông là Luân Hoán phải không? Tạ Trung Sơn đây.
Im vài giây.
- Sao Ông biết vậy?
- Thì vừa mới đọc Làng Văn. Bà xã tôi đưa tấm ảnh " cái ông Đà Nẵng" in trên đó ra hỏi, là tôi nhận ra ông ngay.
Tôi vui, nhưng thoáng có chút bối rối. Tính tôi hay mắc cỡ khi bất chợt có người lạ hoặc chưa quen thân gọi, nhắc đến bút hiệu của mình.
- Thì buồn cũng viết bậy vậy thôi.
Tôi chưa biết phải nói gì thêm, anh Sơn nói tiếp:
- Này, tôi biết tên ông lâu rồi nghe, từ cái hồi làm Thời Nay.
Tôi bỡ ngỡ:
- Ủa, anh có làm ở Thời Nay?
- Tôi là Song Thao.
- Hả?
Tiếng "hả" của tôi đầy ngạc nhiên và vui vẻ. Song Thao, một cái tên không xa lạ với tôi. Khởi nghiệp viết báo từ năm 1959, Song Thao có nhiều bài viết đăng tải cùng lúc với thơ tôi trên nhiều tạp chí. Anh là cây bút thường xuyên của Thời Nay, Thời Việt, Đời Nay, Tìm Hiểu. Tôi với anh còn quen tên nhau đậm đà trên tạp chí Văn Học của Phan Kim Thịnh. Riêng ở bán nguyệt san Thời Nay, anh giữ nhiều mục, có cả lúc tuyển chọn thơ, nên anh nhắc hỏi đến những Nguyễn Thị Liên Phượng, Thái Tú Hạp, Hoàng Thị Bích Ni...những bạn thơ có gốc cội Trung phần như tôi. Sau khi nhận "bà con", chúng tôi hào hứng hàn huyên. Giao tình bạn hữu giữa chúng tôi bắt đầu khởi sắc. Cảm ơn anh Hồ Trường An dưới bút hiệu Đào Huy Đán đã nối cho giao tình này từ những câu phỏng vấn của anh.
Đời sống trên xứ người, so với những năm trước 1975, đối với chúng tôi, quả có nhiều thua thiệt. Song Thao tâm sự về thời gian vàng son của anh:
Sau 6 ngày hiệp định Genève được ký kết, Song Thao theo thân phụ, một cựu viên chức của ngành không quân Pháp vào tới thành phố Sài Gòn ngày 26 tháng 7 năm 1954. Chiều dài con đường học vấn của Song Thao thật bằng phẳng. Từ Dũng Lạc Hà Nội, qua Chu Văn An để rồi tốt nghiệp Đại học Văn Khoa Sài Gòn năm 1964. Trong thời kỳ sinh viên, anh đã có thể tự giải quyết về những chi phí của mình bằng cách cộng tác với các tờ báo, kể cả nhật báo Sống của nhà văn Chu Tử và dạy giờ tại trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu. Tốt nghiệp xong, Song Thao trở thành chuyên viên nghiên cứu của Bộ Xã Hội. Ngoài hai lần được tu nghiệp ở Hoa Kỳ, 1967; Phi Luật Tân 1973; anh còn có duyên thăm viếng các quốc gia Nhật Bản, Đại Hàn, Hồng Kông. Với một vốn liếng kiến thức như vậy, vẫn chưa đủ để trở thành một công dân bình thường của nước Cộng Hòa Xa Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, nên sau 1975, Song Thao được tiếp tục vào đại học cải tạo tư tưởng ở Long Thành. Cuối năm 1976, anh "tốt nghiệp", có quyền về mở quán cà phê ở Phú Nhuận. Song song với nghề bán cà phê, Song Thao còn chịu khó học nghề sửa radio, tivi và tập tành vào nghề xây cất. Rất may, kể từ năm 1978 đến năm 1983 anh được trở lại bục giảng của trường cấp ba Thanh Đa trong bộ môn Anh Văn. Song Thao nộp đơn xin đoàn tụ gia đình tại trụ sở Nguyễn Du cuối năm 1983 và đến Montréal Canada ngày 5 tháng 6 năm 1985. Những năm đầu ở xứ người, anh dự thi và được chọn làm biên tập viên đài tiếng nói Hoa Kỳ. Nhưng cái duyên mới bén ở đất nước Canada chưa cho phép, anh đành ở lại xứ này sinh sống với một nghề khiêm nhường hơn. Không hiểu với nghề nghiệp mới đã tiêu phí của anh bao nhiêu thời gian, công sức mà những năm đầu dựng nghiệp, anh có vẻ rất lười cầm bút.
Lợi dụng tình thân hữu đang tốt đẹp, tôi hết lòng rủ rê anh trở lại cuộc chơi. Trong một tập thơ viết về nhiều khuôn mặt bạn bè, tôi đã tặng Song Thao 4 câu :
Nợ cơm áo, nợ xe nhàKhông hiểu khả năng chiêu dụ của bốn câu trên ra sao, nhưng chẳng bao lâu, tôi mừng thấy Song Thao hào hứng tán đồng và một loạt truyện ngắn được đăng tải trên các tạp chí Làng Văn, Văn Học, Văn, Nắng Mới, Thế Kỷ 21, Đi Tới...Với thân tình cùng anh Trương văn Nghĩa, giám đốc kiêm chủ nhân nhà xuất bản Kinh Đô tại Houston Hoa Kỳ, tôi giới thiệu nhà văn Song Thao và được anh Nghĩa nhận lời xuất bản tập truyện đầu tay của anh, tập Bỏ Chốn Mù Sương. Trong khi chờ đợi anh Vũ Ngọc Hiến sắp chữ, tôi và Song Thao lo trình bày bìa. Tôi đã mạn phép họa sĩ Nghiêu Đề, lấy ảnh chụp một bức tranh của Nghiêu Đề gởi tặng, tặng lại Song Thao làm mẫu bìa. Cái tội của tôi không những chỉ ở lỗi tự ý quyết định, mà tôi còn to gan lợi dụng tình bạn lâu năm, thay mặt tác giả, ký đại trên bức tranh. Khổ thay, giấy ảnh quá láng, không dùng viết đặc biệt, nên chữ ký giả không có chút hơi thở nào của Nghiêu Đề. Không vừa ý, tôi tẩy sửa đâm ra lem nhem. Đã có lỗi với Nghiêu Đề, tôi còn làm buồn cả Song Thao. Dù hai anh có tha cho, tôi cũng khó tha cho mình, nên tự hậu xin chừa cái tật ẩu tả, lợi dụng này.
Cong lưng anh trả tà tà khoái chưa
Nợ văn chương nỡ chịu thua?
Ở đây giấy bút quá thừa, mời anh
Tác phẩm thành hình từ Houston gởi về, Song Thao đề tặng ngay các bạn văn của anh. Trong quyển dành cho tôi, ngoài lời đề tặng anh còn cho cả thơ :
ở đây giấy bút quá thừaSong Thao không phải viết bừa, anh đã hoàn tất một tác phẩm đúng nghĩa với đầy tâm huyết của anh.
bạn trao, ta cứ viết bừa cho vui
Tập truyện Bỏ Chốn Mù Sương thành công ở cả hai mặt: giá trị nghệ thuật và số lượng tiêu thụ. Trong đêm ra mắt sách cùng lúc với thi phẩm Ngày Qua Rất Vội của nhà thơ Lưu Nguyễn; được tổ chức tại Montréal ngày 22 tháng 5 năm 1993, nhà văn Hồ Đình Nghiêm đã đưa ra những ưu điểm của tác phẩm Bỏ Chốn Mù Sương :
"...Nhà văn Song Thao là người kể chuyện rất mực đàng hoàng từ tốn. Văn anh giản dị trôi chảy, anh không phải là người ưa chơi khó người đọc...một giọng văn tỉnh táo, nhẹ nhàng không bẳn gắt.."
"Nhưng với tôi (HĐN), có lẽ điểm nổi bật nhất trong truyện ngắn của Song Thao là anh luôn quan tâm, đề cao phong tục, tập quán, sự thuận thảo, kính trên nhường dưới có phép tắc của người Việt. Anh viết nhiều đến đời sống chốn này, mượn cuộc sống xa lạ này làm hậu cảnh, lót nền. Những nhân vật phản diện mang tên Alain, Kristina, Claude, Sylvie, Marie...đã như những vệt màu lạnh trên khung bố làm nổi bật cái đốm màu nóng chủ điểm mà anh muốn nhấn mạnh. Và bức tranh ấy đậm đà hẳn lên nhờ anh biết khai thác tâm lý của những nhân vật luôn luôn đối chọi nhau bởi những điểm dị đồng.." ( Nắng Mới số 21 tháng 6/1993).
Một độc giả khác, nhà văn Hà Thúc Sinh, sau khi phân tích những ưu điểm chín truyện ngắn của Song Thao, qua một giọng văn rất linh hoạt, đi xa với ngôn ngữ điểm sách thường có, anh đưa ra một nhận định để kết thúc bài viết :
" Tôi ngừng nghe chuyện kể của tác giả Song Thao nơi đây với chút ý nghĩ bâng khuâng thế này : anh có giọng kể duyên dáng, ví von thông minh, có nhiều chi tiết mới lạ trong đời sống được khám phá bất ngờ. Nhưng với tác phẩm đầu tay (?) này, xem ra anh còn sung sức quá, có thể vì đó mà có nhiều chỗ hơi ức, nhiều đoạn diễn tả tâm trạng hay tâm tình các nhân vật, anh chấm ngòi bút hơi mạnh, hơi sâu vào bình mực. Điều đó cho người đọc niềm tin rằng ở những tác phẩm tới, có thể nhờ chút "mỏi tay", anh sẽ hạn chế được lượng mực và người đọc không lo gì mà sẽ được đọc thêm nhiều truyện ngắn mới vẫn rộn ra, nhiệt tình nhưng dưới hình thức ngắn gọn, chặt chẽ và xa thể ký sự hơn " (Nắng Mới số 23 tháng 8/1993).
Với tôi, truyện ngắn của Song Thao có vẻ không ngắn chút nào. Bởi hình như anh rất ham nhìn vào tận bản sắc và từng chi tiết chung quanh những nhân vật anh dựng. Đồng thời anh vịn vào những hình ảnh đó để phê phán kín đáo những khía cạnh của cuộc sống và đưa ra cái nhân sinh quan của mình. Nói tóm, truyện của Song Thao gần như có một chủ đích mà chủ đích đó là vun quén tinh thần dân tộc.
Chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau qua điện thoại. Và cuối mỗi tuần thường gặp mặt ở các quán cà phê. Song Thao là người phải tiêu nhiều thời gian trên xa lộ để đến điểm hẹn, nhưng chả khi nào anh than. Anh quí bạn và ham đọc. Mặc dù tình hình sinh hoạt văn học ở Montréal có vẻ chùng xuống nhưng chúng tôi vẫn sáng tác. Riêng Song Thao, giữa năm 1996 tác phẩm thứ hai của anh được trình làng, tập Đong Đưa Cuộc Tình. Lần này tôi lại khều Đinh Cường để tặng anh một mẫu bìa. Tác phẩm không ra mắt nhưng lượng tiêu thụ khả quan và Song Thao mắc lại chứng bệnh ham viết như thời còn ở Việt Nam. Ngoài Văn Học, Hợp Lưu, Văn, Thế Kỷ 21, tôi còn rủ anh tặng truyện cho Sóng Văn, một tạp chí mới do hai anh em Nguyễn Sao Mai, Hoàng thị Bích Ti ở Hoa Kỳ chủ trương, mở đầu mối cho Còn Đó Bóng Hình, tập truyện thứ ba của Song Thao, được nhà xuất bản Văn Mới gởi đến bạn đọc năm 1997. Hai năm sau, năm 1999, tập truyện thứ tư của Song Thao, Chân Mang Giày Số 6, cũng lại được nhà Văn Mới xuất bản. Cũng như nhiều độc giả khác, tôi hy vọng và chờ đợi người bạn văn của mình sẽ viết đều đều mỗi năm một tác phẩm đẹp.
Luân Hoán
Trích từ trang Song Thao
.