Cao Xuân Huy, tác giả và tác phẩm

* Nguyễn Mạnh Trính

Viết về chiến tranh, có lẽ là một đề tài lớn của không những văn học Việt Nam và cả văn học thế giới nữa. Những tác phầm như Mặt Trận Miền Tây Vẫn Yên Tĩnh của E.M. Remarques hay Chiến Tranh và Hòa Bình là những danh tác mà ở đó chiến tranh đã được nhìn ngắm với con mắt của tâm hồn vĩ đại của nhân loại. Ở chiến tranh Việt Nam, cũng có nhiều nhà văn viết về chiến tranh có chất lửa và biểu hiện được một phần tâm tư của thời đại. Cao Xuân Huy là một trong những nhà văn đã viết lên những trang sách trung thực viết về cuộc chiến mà ông tham dự. Tản mạn về chân dung và tác phẩm Cao Xuân Huy có lẽ là một đề tài thú vị, nói về một tác giả mà tôi nghĩ gần gũi với chúng ta, những người tị nạn đã trải qua một thời thế có một không hai của lịch sử Việt Nam.

Ở thời điểm cuối tháng ba năm 1975, lịch sử Việt nam bắt đầu những khúc quanh mới. Và ở không gian thời gian này tạo thành nhiều lý do để chúng ta nói chuyện về Cao Xuân Huy. Tháng Ba Gãy Súng là một cuốn hồi ký ghi chép lại những diễn biến của mặt trận Thừa Thiên Huế mà tác giả là người kể chuyện lại. Cuốn sách đã được tái bản đến mười lần và có mặt trên 58 thư viện lớn trên toàn thế giới.

Nhưng, khi tôi đọc một đoạn trên mạng Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia thì tôi lại thấy một sự kiện lạ.

Theo đó thì ông Cao Xuân Kiên nêu lên một câu hỏi ”Theo tôi, chú tôi, Cao Xuân Huy, là một nhà tư tưởng lớn và có vị trí quan trọng trong nền tảng văn hóa Việt Nam. Ông Cao Xuân Huy (nhà văn-Tháng Ba Gãy Súng) cũng là một người có tiếng hiện nay. Làm sao để có cả hai trong Wiki?

Và ông Nguyễn Hữu Dụng, người phụ trách trang định hướng của Wiki trả lời :

”Bạn Cao Xuân Kiên, một trong những điều quan trọng nhất của Wiki là tính trung lập. Vì vậy bạn không thể nêu lên những ý kiến quá mang tính cá nhân như : ”Theo tôi chú tôi Cao Xuân Huy là một nhà tư tưởng lớn và có vị trí quan trọng trong nền tảng văn hóa Việt Nam”. Bạn hãy viết thêm cho đầy đủ về Cao Xuân Huy, ví dụ ông ấy có vị trí quan trọng trong nền tảng văn hóa Việt Nam, như thế nào, có tư tưởng gì lớn.. Nếu thực sự ông ấy chưa đạt được như vậy thì chúng ta nên xóa. Tôi có thử Google ”Cao Xuân Huy” thì chỉ được 982 kết quả trong đó phần nhiều nói về nhà văn hải ngoại Cao Xuân Huy kia…”
Ông Cao Xuân Huy ở trong nước là một nhà tư tưởng lớn.

Học giả Cao Xuân Huy (1900-1983) là một nhà nghiên cứ chuyên về lịch sử tư tưởng triết học phương Đông từng được gọi là nhà đạo học ngay từ thuở mới khoảng 30 tuổi. Ông được xem là một trong những người có những đóng góp to lớn trong việc đào tạo các nhà nghiên cứu cổ học Việt Nam. Ông để lại một số giáo trình đại học có giá trị về Kinh Dịch, Luận Ngữ, Mạnh Tử, Bách Gia Chư Tử. Ông còn là một giáo sư của Viện văn Học. Con ông là Cao Xuân Hạo là một nhà ngôn ngữ học dịch giả nổi tiếng tại Việt nam. Và tên ông đã được đặt cho một con đường ở Phường 25 Quận Bình Thạnh thành phố Sài Gòn. Thành phố Vinh cũng có một con đường mang tên ông.

Tóm lại, tên tuổi Cao Xuân Huy là một tên tuổi rất lớn ở trong nước.

Thế mà, ở trên trang mạng điện tử thì nhà văn Cao Xuân Huy ở hải ngoại lại được nhắc nhở nhiều hơn.

Có lẽ, chúng ta không nên so sánh học giả Cao Xuân Huy ở trong nước và nhà văn Cao Xuân Huy ở hải ngoại như vậy. Mỗi người có một vị trí riêng. Nhưng, tôi liền có ngay ý nghĩ. À, thì ra nhà văn tác giả Tháng Ba Gãy Súng Cao Xuân Huy mặc dù ở hải ngoại nhưng cũng rất nổi tiếng ở trong nước.  Nói chuyện về một tác giả như thế chắc độc giả không nỡ bảo là áo thụng vái nhau. Như vậy, còn chần chờ gì nữa, đây sẽ là một đề tài lý thú. Nhất là trong thời điểm đáng nhớ của những người tị nạn nói chung và những người lính cũ, những người tù cải tạo như chúng tôi nói riêng. Dù đã đọc hồi ký này nhiều lần, dù đã viết bài đọc sách, đã phỏng vấn tác gỉa, tôi thấy vẫn cần thiết để chúng ta nói chuyện về một chân dung nhà văn, viết mà không có ý định làm nhà văn..

Hai mươi bốn năm về trước, 1986, tôi đã viết bài đọc sách “Tháng Ba Gãy Súng” và phỏng vấn Cao Xuân Huy. Bây giờ, năm 2010, tôi lại viết bài đọc sách “Vài Mẩu Chuyện“ và cũng cùng Nhã Lan phỏng vấn Cao Xuân Huy trên Hồn Việt TV và Little Sài Gòn Radio. Có nhiều người bảo tôi “ca” Cao Xuân Huy quá mức…

Riêng tôi, một cách thành thực, tôi chỉ nói lên và viết lên ý nghĩ chân thành của mình. Tôi không hề “ca” một ai cả. Thích thì viết, không thích thì lờ đi coi như không có. Tôi không phải là người phê bình, chỉ là người đọc sách. Tôi chỉ đọc những cái gì tôi thích và viết về nó. Tôi không muốn làm người đo đếm để khen chê phê phán. Nhưng, dù vậy, tôi thấy điều gì đúng thì tôi làm. Tôi vẫn đề cập đến tác giả và tác phẩm theo nhận xét của mình. Có lẽ, tôi nhìn thấy ở Huy có một điều gì khác với những người thường qua cuộc sống và tác phẩm. Tôi thấy đó là một người lính viết văn, trung thực, và dám bày tỏ ý kiến của mình một cách tự tin. Khi trả lời phỏng vấn, tác giả Cao Xuân Huy nói không có ý định làm nhà văn khi viết Tháng Ba Gãy Súng. Đó có phải là sự thực ?

Có lẽ phải hỏi lại câu hỏi trực tiếp này với Cao Xuân Huy! Nhưng, hình như anh đã khẳng định : ”Tôi là một người lính? Đúng.Tôi là một nhà văn? Điều này còn phải xét lại. Còn chuyện muốn bước qua nhà văn. Dễ ẹc. Cái chính là nhà văn như thế nào?”

Và khi bị hỏi là anh làm “văn chương“ như thế nào, và có xử dụng “hư cấu“ ra sao thì anh trả lời:

“Hư cấu? Tôi chưa hề là một người viết, tôi chưa hề muốn trở thành một nhà văn, tôi chưa hề nghĩ Tháng Ba Gãy Súng là một tác phẩm văn chương, tôi chỉ muốn kể lại một câu chuyện đã xảy ra, thay vì kể bằng miệng chỉ có một ít người biết, tôi đã kể bằng chữ để cho nhiều người cùng biết. Và tôi chấp nhận tất cả những gì xảy đến cho mình từ những điều tôi viết. Như vậy làm gì có hư cấu trong tiểu thuyết này...”

Cao Xuân Huy trả lời ra sao về văn chương từ Tháng Ba Gãy Súng?

Anh trả lời, rất... Cao Xuân Huy, tự nhiên nhưng có một điều gì hơi mỉa mai, hơi ngang ngang khác người:

“Văn chương? Sau khi viết xong và nhất là sau khi in sách tôi mới quen biết với các nhà văn và tôi cũng mới được (hay bị) gọi là nhà văn. Tôi không hiểu văn chương nằm ở chỗ nào trong quyển hồi ký này. Tôi xin lập lại nguyên văn một câu phê bình của một nhà văn viết rất nhiều về lính là Nguyên Vũ ”Cậu viết có hồn nhưng kỹ thuật còn kém” và tôi đành ”Tôi viết làm chó gì có kỹ thuật mà kém với không kém” Kể lại một câu chuyện thật đã xảy đến cho mình và đồng đội mình, như vậy mà cũng cần có kỹ thuật à? Chẳng hóa ra làm văn chương khó hay dễ như vậy sao? Mà cho tôi xin hỏi thật một câu ”Văn chương là cái mẹ gì vậy?”

Thật là khó mà trả lời cho tác giả Tháng Ba Gãy Súng, có mà không, trong cái không đã sẵn cái có, nhất là ở trong tâm thái của Cao Xuân Huy. Muốn làm văn chương nhưng chưa chắc đã được, nếu không có duyên khởi, nếu không có tâm thành..

Nhắc đến duyên khởi khi Cao Xuân Huy viết Tháng Ba Gãy Súng thì đó là một tình cờ lý thú. Anh kể : ”Tôi ở trại tị nạn qua Mỹ được đâu khoảng một năm. Ở nhà của nhà văn Hoàng Khởi Phong với cha con nhà văn Nguyễn Mộng Giác. Tôi đọc được trên báo lời phát biểu của một ông tướng ”làm mất nuơc là tội chung của mọi người lớn tội lớn bé tội bé” tôi điên tiết lên. Chỉ có những kẻ bỏ đơn vị mà chạy, chỉ những kẻ có quyền hành trong tay đã đánh lừa thuộc cấp để chạy lấy thân, những kẻ “chiến đấu đến giọt máu cuối cùng của người khác” mới là những kẻ có tội.

Tôi viết để chứng minh tôi và những người lính cầm súng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng không có tội.

Khi viết được khoảng vài chục trang tự nghĩ là mình chữ nghĩa kém nên bỏ ngang không viết tiếp. Trong bữa nhậu với mấy đồng đội cùng tiểu đoàn, chúng tôi nhắc lại chuyện bị bắt trong cuộc rút quân, kiểm điểm bạn bè đồng đội ai còn ai mất. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác tình cờ ngồi nghe sau đó hỏi tôi sao không viết tiếp. Nhà văn nguyễn Mộng Giác lấy đọc rồi tự ý đăng trên một tờ tuần báo mà anh đang làm chủ bút. Thế là sau đó cứ đăng hết từng đoạn, anh Giác lại thúc tôi viết tiếp. Nếu không có anh Nguyễn Mộng Giác tự ý đem đăng và đòi bài như đòi nợ thì đã không có quyển “Tháng Ba Gãy Súng” và không có “nhà dzăng” Cao Xuân Huy, vì hồi ký viết cho mình thì lai rai viết tà tà bao giờ chả được”.

Với tư cách là một người đọc, tôi có cảm giác gì khi đọc Tháng Ba Gãy Súng?

Rất cảm khái, khi tôi đọc hồi ký này. Phong cách diễn tả tự nhiên bình dị không màu mè lên gân. Ngôn ngữ súc tích. Đối thoại gần gũi đời thường chuyên chở được ý nghĩ trung thực. Viết về chiến tranh, đầy những cảnh chém giết nhưng vẫn có nét nhân bản của con người chứ không phải sự say máu của loài vật. Tuy nhiên, khi gập lại quyển sách, người đọc là tôi vẫn còn giữ nguyên sự bàng hoàng của một người không tin vào sự thực. Lẽ nào, ở trên mặt đất này có một sự vô lý như thế. Khi người thua bại là hơn bốn ngàn binh lính của một lữ đoàn TQLC binh chủng thiện chiến nhất của quân lực VNCH dũng mãnh nhất mà bị làm tù binh. Mà kẻ thắng lúc đó chỉ hơn một đại đội du kích mà những tên lính nhiều khi ở tuổi chưa trưởng thành mới mười lăm mười sáu tuổi… Và lẽ nào, có những cảnh tượng kinh hoàng hỗn loạn của những kẻ cầm súng khơi khơi giết người vô tội. Cũng như lẽ nào, có cảnh thiết vận xa cán lên những đầu người đang bơi trên biển để cập vào tàu hải quân. Lẽ nào và lẽ nào, tôi như ngợp đi trong thảng thốt ấy... Có nhiều người đã cho rằng tôi quá nhạy cảm về những chi tiết kể trong Tháng Ba Gãy Súng. Quân lực VNCH, mà những đơn vị Tổng Trừ Bị như Thủy Quân Lục Chiến lại bị thua thiệt cay đắng như thế. Viết và nói về những nhạy cảm ấy có thể gây phản ứng cho nhiều người. Nhưng, như thế chúng ta không thể nói lên sự thực hay sao, khi Cao Xuân Huy là một nhân chứng sống đã mô tả một cách xác định như thế.

Cao Xuân Huy đã viết gì về chiến tranh trong những ngày tháng ba ấy?

Thời gian của Tháng Ba Gãy Súng là hồi ký anh ghi chép lại từ những ngày sau khi thành phố Ban Mê Thuột bị thất thủ và chấm dứt khi bị bắt làm tù binh. Không gian là mặt trận ở Huế, của nơi chốn mà tác giả đã cùng với đơn vị của mình đổ máu, mồ hôi để giữ vững qua những thời kỳ chiến đấu ác liệt. Chàng sĩ quan trẻ tả lại cảm giác của những người lính tuy cam chịu những hy sinh của đời lính chiến đấu thực sự ngoài tiền tuyến nhưng hình như trong lòng có sự dằn vặt vì sự nghi ngờ về khả năng cũng như sự công bình liêm chính của những cấp chỉ huy bất xứng mà trong đời quân ngũ của anh phải chịu nhiều hậu quả. Người đổ xương máu cho chiến trường thì không được tuyên dương trong khi những tay chân “con ông cháu cha” ở hậu cứ thì lại được hưởng nhiều ân sủng. Tuy vậy, anh cũng rất kính trọng những cấp chỉ huy xứng đáng và những người lính can trường, những người coi đơn vị như là trong gia đình và lúc gian nguy không quay mặt bỏ rơi đồng ngũ bạn bè.

Từ đời sống thực để trở thành chữ viết chắc phải là một công việc không dễ dàng. Chắc nhà văn CXH phải có nhiều động lực lắm như sự xúc động tạo thành nỗi niềm dằn vặt trong cuộc sống?

Đúng như vậy, CXH trả lời : ”Một cái ấn nút. Tất cả mọi hình ảnh bi hùng tất cả mọi diễn biến của trận đánh đã in đậm trong đầu tôi như một cuốn phim. Sức đẩy? Không. Dằn vặt? Không. Xúc động? Đúng. Người ta đã bán đứng anh em chúng tôi. Vậy mà bây giờ ở bên này người ta còn huênh hoang nhiều trò, người ta còn tiếp tục làm hề, và người ta bắt chúng tôi chịu chung tội để "mất nước” mà mất nước là tội chung của mọi người, lớn tội lớn bé lỗi bé” Chính câu này là cái ấn nút để tôi viết Tháng Ba Gãy Súng. Hình ảnh những cái chết anh hùng của đồng đội tôi, của bạn bè tôi đã bị bôi nhọ, bị bôi bẩn. Trường hợp tôi anh nghĩ sao?”

Nếu tôi trả lời CXH, thì chữ “người ta” ấy chỉ là một phần rất nhỏ của người tị nạn. Và không phải tất cả những người đang tranh đấu để chống lại chế độ độc tài toàn trị hiện nay không phải toàn là ”huênh hoang nhiều trò”, hay “tiếp tục làm hề”. Cũng có những người làm việc nghiêm chỉnh thật. Và điều mà CXH vì phẫn nộ quá mà phát biểu có lẽ còn phải cần nhiều tranh luận…

Nhiều người đọc Tháng Ba Gãy Súng và thấy rằng đáng lẽ câu chuyện còn phải tiếp tục. Nhà văn CXH kết cuộc đột ngột quá chăng?

Không biết lý do nào mà nhà văn lại ngưng ngang xương như thế. Có thể vì... lười và không thích viết tiếp. Có thể vì muốn để dành cho những tác phẩm khác tới hơn, dữ dội hơn. Tôi không dám làm … thầy bói. Nhưng có khi tôi lại nghĩ. Kết cục đột ngột như thế nhiều khi lại tình cờ trở thành một nét đặc thù của CXH thì sao?

Có một bạn đọc nhận xét rằng đối thoại của Tháng Ba Gãy Súng ngắn gọn và là văn nói “thứ thiệt”. Nhưng độc giả này thấy có một cái gì dữ... dữ... ở trong những câu đối thoại ấy...

Riêng tôi thì không thấy có cái gì dữ... dữ trong những câu đối thoại của CXH. Có lẽ vì tôi cũng là lính và cũng hay ăn nói và xài giấy bạc 500 hoặc 1000 hơi nhiều. Tôi có hỏi CXH trong bài phỏng vấn và anh trả lời :

”Chịu chơi? Sai rồi. Tôi không phải là một tay chịu chơi. Tôi chỉ là một thằng thích sự thành thật. Những mẫu đối thoại của lính, bất cứ là lính gì cũng đều có đệm những tiếng chửi thề cho nên khi viết lại tôi đâu có đạo đức đến độ không dám viết ra. Tôi chỉ lập lại. Còn tục hay không là tùy theo người đọc, và còn những tiếng chửi thề của chính tôi, tôi hỏi thật anh bạn khi tức giận anh bạn có chửi thề không có văng tục không? Kể cả những người tự coi mình là đạo đức khi tức giận có văng tục không? Hơn nữa tiếng chửi thề tôi không cho là xấu, nó chỉ là một “hùng dũng từ” Một tiếng đệm của giốpng đực. Dĩ nhiên là đừng có lúc nào cũng muốn chứng tỏ là mình hùng dũng...”

Người lính như CXH chắc đời sống tình cảm “ngầu“ lắm …

CXH nói về mình:

“Tôi nghĩ ra sao về tình yêu, tình dục? Anh hỏi bây giờ hay lúc bàn tay tôi còn mò trong poncho? Tình yêu là cái mẹ gì đối với một thằng lính tác chiến? Dĩ nhiên là loại trừ những tay đã có người yêu từ trước khi về TQLC. Anh thử nghĩ mỗi năm được về phép bảy ngày thấy một cô gái chưa kịp làm quen đã hết phép thì yêu thế chó nào được và con gái thành phố thời đó hầu như thích cặp kè với lính “thứ dữ” chỉ để đi bát phố rước đèn chứ đâu phải để yêu thương. Có bao nhiêu người con gái đã yêu thứ người cả năm mới gặp một lần rồi sau đó đợi ”ngày mai đi nhận xác chồng” đâu

Còn tình dục, cũng vậy thôi. Khi về phép thì kiếm chị em ta còn khi hành quân thì... với chị năm...”

Tôi nghe câu trả lới của CXH lại nhớ đến câu thơ Nguyễn Bắc Sơn chợt nảy trong trí óc ”Nếu mai đụng trận may còn sống. Về ghé sông mao phá phách chơi. Chia sớt nỗi sầu cùng gái điếm. Đốt tiền mua vôi một đêm vui. Ngày vui đời lính vô cùng ngắn...”

Viết về chiến tranh có rất nhiều tác giả và tác phẩm. Một số nhận xét về Tháng Ba Gãy Súng có chút gì tương tự với một vài danh tác mà tôi được đọc. Nếu nói là so sánh thì không đúng, nhưng đó chỉ là một vài liên tưởng.

Đọc Hemingway, đọc E. M. Remarque, đọc Phan Nhật Nam tôi đã hỏi CXH thì Huy nhận xét:

“Chiến tranh giống nhau. Sự cực khổ giống nhau. Sự sợ cái chết giống nhau. Thằng lính giống nhau. Nhưng mỗi cuộc chiến mỗi khác. Nhân vật của Hemingway và Remarque có những cấp chỉ huy không giống với cấp chỉ huy mà chúng ta đã có. Còn Phan Nhật Nam ông ta viết từ một cái nhìn ở nơi cao hơn chỗ ông ta viết. Và cao hơn chỗ tôi được biết”.

Có lẽ đó chỉ là nhìn ở một góc cạnh thôi và nếu muốn đầy đủ thì phải “tản mạn“ nhiều hơn. Riêng tôi, tôi có một chút đối chiếu giữa Tháng Ba Gãy Súng và Nỗi Buồn Chiến Tranh, giữa CXH và Bảo Ninh...

Tiểu thuyết Nỗi Buồn Chiến Tranh của Bảo Ninh, một nhà văn trong nước nổi tiếng... Cả hai, CXH và Bảo Ninh đã nhìn chiến tranh với đôi mắt quan sát và suy tư khác nhau. Bảo Ninh tham dự cuộc chiến của một người trẻ lớn lên từ chế độ XHCN và tuy có lúc suy tư đi ngoài những quy định bắt buộc. Văn chương ông có lửa, có ghi chép lại sự thực nhưng là sự thực được đãi lọc. Và cái nhìn của Bảo Ninh về người lính VNCH giống y như trong tuyên truyền, nhiều hận thù, nhất là khi viết về những người lính thám báo hoặc kể lại sự chống cự mãnh liệt của người nữ quân nhân VNCH ở Ban Mê Thuột. Còn CXH, thì nhân bản hơn và trong Tháng Ba Gãy Súng đã phác họa đúng một chân dung người lính chiến đấu VNCH... Sự thực được kể lại thành thực trong hồi ký có lẽ khả tín hơn trong tiểu thuyết với hiện thực và hư cấu tạo thành…

Còn với, “Vài Mẩu Chuyện”? tôi nhìn thấy chân dung một người lính rõ ràng hơn. Nói là kiếp nhân sinh của một người mặc quân phục như lối nói của Trần Như Hùng cũng là một nhận xét đúng. Chuyện ở tù Công Sản. Một chút Chuyện được tha trở về. Một chút Chuyện sang sống lưu lạc xứ người. Một chút Chuyện chiến đấu thuở xưa. Một chút... Tất cả những một chút ấy trở thành nét phác họa, tưởng là mờ nhạt nhưng lại là những nhát dao giải phẫu đến tận cùng những kiếp nhân sinh, tuy là chuyện riêng của CXH nhưng cũng có thể chung của nhiều người trong chúng ta. Những chuyện ấy, đã quen thuộc nhưng không thành tầm thường. Bởi vì, phảng phất ở đâu đó, những nỗi niềm mang theo, những chua chát lắng sâu trong ngày tháng của những cuộc đời trôi nổi theo thời thế. Và, sâu hơn nữa, là những thoáng hy vọng về tình người, dù ở trong hoàn cảnh nào cũng thắp sáng được phần nào những biển cả u trệ đen tối…

Cao Xuân Huy viết ngắn lời nhưng dài ý. Những câu đối thoại ngắn cụt lại bất ngờ chuyên chở những liên tưởng lạ. Hãy đọc thử một truyện ngắn chỉ dài chừng hơn hai trang giấy. Truyện ngắn “Trả lại tiền”. Ngôn ngữ quen thuộc của đường phố. Ba nhân vật. Gã, Ả, và tên dân phòng. Cùng vài khúc đối thoại ngắn. Thế mà, tả được tình đời, nói được tình người. Một cuộc mua dâm nửa chừng. Đáng lẽ, phải là chuyện trụy lạc, chuyện xấu xa xảy ra hàng ngày trên đường phố của một xã hội đang xuống cấp, của những cuộc đời tàn tạ. Gã. Người tù cải tạo được tha trở về thành phố. Ả. Cô gái điếm hạng bét nghèo khổ. Và người dân phòng, người đóng vai thông cảm. Cả ba, trong một vở kịch của đổi đời. Tự nhiên tôi nghĩ đến nhân vật đôi vợ chồng trong một truyện ngắn trong tập “I am đàn ba” của Y Ban. Cũng làm tình vụng trộm trên đường phố. Nhưng ở Cao Xuân Huy, thấy ngấm hơn và cảm hơn mà lại xúc động mạnh hơn. Theo tôi, đó là một truyện viết của CXH, thực mới dù chỉ là chuyện cũ thường ngày. Viết tự nhiên, không cần kỹ thuật, không cần ẩn dụ. Hữu chiêu hay vô chiêu, có kỹ thuật hay không, tôi dường như không cần chú tâm tới. Chỉ biết, qua hai trang tôi cảm nhận được tình đời và tình người…Gián tiếp nhưng sâu sắc. Không thấy bóng dáng của cầu kỳ hoa mỹ, của làm dáng trí thức. Nói thẳng băng, viết đơn giản, có lẽ đó là một cá tính rất rõ nét của tác giả biểu hiện trong tác phẩm.

CXH viết về trại tù Cộng Sản. Với phong thái khinh bạc, nhưng lại đẫm chất xót xa của những người bị hạ thấp giá trị, mà chế độ cai tù đã dùng những đặc quyền đặc lợi xét ra tầm thường ở ngoài đời nhưng lại vô giá trong hoàn cảnh tù ngục. Những nhân vật như Toàn trong “ Quyền tối thiểu”, trong “ Vải bao cát”, trong ”Cái lưỡi câu”, hay Mạnh trong “Ngu như lợn”, hay nhân vật xưng tôi trong “Miếng ăn”, có thể là CXH nhưng cũng có thể là một trong những hàng trăm ngàn người tù nhân của Cộng sản. Chuyện tù ngục mang danh cải tạo thì nhiều lắm, kể hoài không hết mà cũng không đủ. Mỗi người một cảnh không ai giống ai, nhưng đều có một chút biểu tượng chung của một thời thế chung.

Miếng ăn là miếng tồi tàn, nhưng ở trong tù lại là những điều vĩ đại. Cũng như chuyện ăn ngủ của vợ chồng cũng bị đem hạ giá thành một đặc ân để không chế những người tù. Và, những người trong âm thầm đã từ khước nó, bởi không thể đặt mình xuống ngang hàng với một sinh vật thèm ăn khát uống ham mê nhục dục được…

Đọc “Vài mẩu chuyện“, tự nhiên tôi thấy đời sống mình cũng như có điều gì gửi gấm vào trong đó. Kỳ lạ, có phải là tâm cảm chung của những thằng lính không? những mẫu số của một thời thế “chó chết” của những con chốt thí của cuộc cờ tàn chiến tranh. Nội chiến? chiến tranh ủy nhiệm? chiến tranh giữ nước bảo vệ tự do? Chiến tranh giải phóng? Những danh từ “chó chết” của những cai thầu chiến tranh, của chũ nghĩa Mác Lê Nin buôn xác người…Dù không muốn bấm có súng nhưng vẫn phải bắn, không chọn lựa chiến tranh nhưng vẫn phải lao vào lửa đạn. Tâm sự ấy, chung hay riêng, của những người muôn năm cũ đang lưu lạc trong cuộc thế ngửa nghiêng bây giờ…


Nguyễn Mạnh Trinh