Hồi Ký Cao Xuân Huy
Năm
Lên đến trên tàu, không khí quá nặng nề ngột ngạt. Không phải nặng nề
ngột ngạt vì số người trên tàu quá đông, mà vì cả tàu đang bị bao trùm
bằng mùi giết chóc, căng thẳng.
Huy mập nhét vào tay tôi khẩu súng ngắn, dặn dò:
“Súng tôi lên đạn sẵn, ông giữ cẩn thận.”
“Còn gì nữa để mà phải thủ súng lên đạn sẵn?”
“Thì ông cứ giữ đề phòng. Biết đâu có lúc phải xài tới.”
Chưa kịp tìm chỗ ngồi, tôi nghe một tiếng súng nổ.
Hai người lính Thủy Quân Lục Chiến cúi xuống khiêng xác một người
lính Bộ Binh vừa bị bắn chết ném xuống biển. Một người lính Thủy Quân
Lục Chiến khác đang gí súng vào đầu một trung úy Bộ Binh ra lệnh:
“Ðụ mẹ, có xuống không?”
“Tôi lạy anh, anh cho tôi đi theo với.”
“Ðụ mẹ, tao đếm tới ba, không nhảy xuống biển tao bắn.”
“Tôi lạy anh mà, tôi đâu có gia đình ở ngoài này.”
“Ðụ mẹ, một.”
“Tôi lạy anh mà, anh đừng bắt tôi ở lại, anh muốn lạy bao nhiêu cái tôi cũng lạy hết. Tôi lạy anh, tôi lạy anh.”
“Ðụ mẹ, hai.”
“Trời đất, mình đồng đội với nhau mà, anh không thương gì tôi hết. Tôi lạy anh mà.”
“Ðụ mẹ, ba.”
Tiếng ba vừa dứt, tiếng súng nổ.
Người trung úy Bộ Binh ngã bật ngửa ra, mặt còn giữ nguyên nét kinh
hoàng. Viên đạn M-16 chui vào từ đỉnh đầu. Xác của anh ta được hai người
lính Thủy Quân Lục Chiến khác khiêng ném xuống biển.
Tên lính vừa bắn người thản nhiên tiếp tục chĩa súng vào đầu một
thiếu tá Bộ Binh đang sợ hãi nằm mọp người ở cạnh đó, mặt lạnh băng đầy
sát khí:
“Ðụ mẹ, tới thằng này, mày có xuống không?”
Ông thiếu tá Bộ Binh này hơi lớn tuổi, mặt cắt không còn hột máu, run lên cầm cập, năn nỉ:
“Anh tha cho em, anh tha cho em.”
“Ðụ mẹ, một.”
“Thôi, thôi, thôi anh để em xuống.”
Lết ra tới lan can tàu, ông ta quay lại năn nỉ lần chót:
“Anh tha cho em, anh thương em với.”
“Ðụ mẹ, hai.”
Biết là không thể năn nỉ, xin xỏ gì được, ông ta vừa khóc vừa nhảy xuống biển.
Cùng trong thời gian đó, tôi nghe thấy nhiều tiếng súng khác ở nhiều nơi khác nhau trên tàu.
Huy mập cho biết:
“Tàu chở nặng quá nên bị mắc cạn. Hồi nãy cố ra thử nhưng không nổi
nên quay đúng một vòng tròn rồi hết nhúc nhích. Ông thuyền trưởng cho
biết là tàu dành riêng cho Thủy Quân Lục Chiến, nên yêu cầu những ai
không phải Thủy Quân Lục Chiến rời tàu. Ông Râu thấy không, sức mấy mà
người ta chịu xuống. Thành ra ông thuyền trưởng yêu cầu Thủy Quân Lục
Chiến giải quyết. Lính mình tụi nó giải quyết bằng súng.”
“Vậy thì có nhằm nhò gì đến tôi mà ông bắt tôi phải thủ khẩu súng trong người.”
“Bộ ông tưởng thằng mặc đồ rằn nào cũng là Thủy Quân Lục Chiến sao.
Và bộ ông tưởng thằng Thủy Quân Lục Chiến nào cũng phải biết ông sao.
Trong lúc hỗn quân hỗn quan này, ông không lo thủ lấy thân còn ai lo cho
ông đây.”
Tiếng súng vẫn đì đoành đây đó trên tàu. Xác người vẫn tiếp tục bị
ném xuống biển. Nhiều người vừa khóc vừa nhảy ra khỏi tàu. Những khẩu
súng vẫn được kê vào đầu những người lính Bộ Binh, vẫn đì đoành.
Tình người!
Tình chiến hữu!
Tôi đứng nhìn bất lực. Tôi hoàn toàn bất lực trước cảnh đau xót này.
Thiếu tá Thành tiểu đoàn trưởng cũng có mặt trên tàu nhưng tôi tìm không gặp. Chắc thiếu tá Thành cũng chỉ bất lực như tôi.
Gặp trung úy Nghĩa – Hoàng Trung Nghĩa đại đội 1- hai đứa rủ nhau ra
góc tàu phía sau đài chỉ huy. Nghĩa nói như một lời nhận tội về sự bất
lực của mình.
“Tụi nó giết người dã man quá. Kiếm chỗ khuất này ngồi may ra còn đánh lừa được con mắt của mình.”
Một người lính còn mặc mỗi cái quần rằn, mặt ngơ ngác, mắt thất thần
hai tay giơ ra phía trước như phân bua như làm chứng cho lời nói chỉ sợ
người nghe không tin.
“Vợ tôi chết rồi, chết dưới biển rồi, thật mà, tôi nói thật mà, vợ tôi chết thật rồi, chết đuối dưới biển rồi mà!”
Một cô gái trần truồng, không còn một tí gì gọi là vải trên người,
hai tay không che hết những chỗ cần che trên thân thể nên cũng chẳng
buồn che, mặt còn in đủ những cảnh khủng khiếp vừa trải qua, hai con mắt
mở to ráo hoảnh. Còn gì nữa đâu để mà phải mắc cỡ, còn gì nữa đâu để mà
phải khóc lóc. Cô ta đón nhận một cách hững hờ cái quần của một người
lính và cái áo của một người lính khác.
Tôi nói với Nghĩa:
“Thôi thì phó mặc, đã leo lên được trên tàu này rồi, sống hay chết,
chạy thoát hay bị bắt nằm ngoài khả năng của mình. Giao hết mọi thứ cho
số mạng.”
“Mày cũng đổ cho số mạng cái chết của những người lính Bộ Binh đang bị bắn kia à?”
Tôi cãi bướng:
“Mỗi người có một số mạng tận cùng nên mới có thành ngữ “tận cùng bằng số”.”
Số người trên tàu đã vơi đi thật nhiều, chiếc tàu đã nhẹ hơn trước,
nhưng nước thủy triều xuống còn nhanh hơn nên chiếc tàu vẫn bị mắc cạn.
Thêm nữa, một máy tàu bị hỏng không biết từ lúc nào, thợ máy cũng bó
tay, nên chỉ còn một cách duy nhất là cầu cứu chiếc tàu khác vào kéo.
Mọi người đều bồn chồn nóng nảy, thủy thủ đoàn lăng xăng gọi nhau ơi
ới, tiếng súng vẫn tiếp tục nổ đì đoành đó đây trên tàu, tiếng khóc,
tiếng la, tiếng cười, tiếng chửi thề cộng chung với nhau tạo thành một
thứ âm thanh hỗn độn không thể gọi tên một cách chính xác.
Thuyền trưởng là một ông chuẩn úy già – chuẩn úy Tấn – cố gắng một
cách liên tục vừa đốc thúc sửa máy vừa liên lạc với những chiếc tàu khác
còn đang qua lại ngoài khơi.
Thời gian chờ đợi nào cũng dài hơn giờ thực sự của kim đồng hồ.
Một chiếc tàu từ ngoài khơi quay mũi vào bờ để tiếp cứu.
Thủy thủ đoàn – gọi là thủy thủ đoàn nhưng thực ra ngoài ông thuyền
trưởng già đang liên lạc máy và người thợ máy đang cố gắng sửa máy dưới
hầm, họ chỉ còn khoảng chừng ba, bốn người – được sự tiếp tay của mấy
người Thủy Quân Lục Chiến còn khỏe mạnh lo chuẩn bị dây cáp để chuyền
sang chiếc tàu đang từ ngoài vào.
Nhưng chiếc tàu vào cứu đã không vào được đến nơi, vì khi còn cách
chúng tôi chừng trăm thước, chiếc tàu đã ăn nguyên một quả tàn tàn – tàn
tàn là tên chúng tôi đặt cho loại hỏa tiễn tầm nhiệt AT-3 của Việt
Cộng. Có lẽ chỉ bị hư một máy nên chiếc tàu đã từ từ quay mũi và trở ra
ngoài khơi. Vị cứu tinh của chúng tôi đã bỏ đi, niềm hy vọng của chúng
tôi đã chạy mất.
Ðến bây giờ mọi người mới sực nghĩ là mình vẫn còn đang nằm trong tầm súng của Việt Cộng.
Cảm giác hãi hùng truyền đến cho tất cả mọi người trên tàu. Chúng tôi
đang là những con cá đã nằm trên thớt, vậy mà không một ai để ý. Mọi
người chỉ để ý đến một điều là tranh giành nhau, bắn giết nhau để có
được một chỗ “ngon lành” trên “cái thớt”.
Nhưng đã trót thì phải trét, không lẽ chúng tôi lại chịu bó tay, còn
nước thì còn tát. Ông thuyền trưởng già lại liên lạc liên tục để xin tàu
khác vào cứu, nhưng hình như hệ thống truyền tin của Hải Quân lúc này
đang “hỏng”, hay vì hiệu thính viên của các tàu khác đang “ngủ gục” nên
có đến cả gần một tiếng đồng hồ, ông thuyền trưởng vẫn không liên lạc
được với bất cứ một chiếc tàu khác nào nữa. Giở khóc giở cười, ông ta
nói với thiếu tá Thành, tiểu đoàn trưởng tôi.
“Tôi không thể nào liên lạc được với những chiếc tàu ngoài kia nữa.
Chắc chắn là tụi nó có nghe nhưng thằng nào cũng lạnh gáy nên không dám
trả lời. Bây giờ nhờ thiếu tá liên lạc qua hệ thống của Thủy Quân Lục
Chiến xem có giúp giải quyết được gì không?”
Thiếu tá Thành vào đài chỉ huy. Chừng nửa giờ sau, ông ra cho biết:
“Sẽ có một chiếc tàu nữa vào kéo, nhưng không vào sát trong này. Mình phải cho người đem dây cáp ra miết ngoài xa giao cho nó.”
Một chiếc ca nô cấp cứu được hạ xuống biển. Kêu gọi và tuyển lựa được
một tay lính Thủy Quân Lục Chiến bơi giỏi và khỏe mạnh xuống theo chiếc
ca nô, bơi bằng dầm để mang dây cáp ra ngoài xa đón chiếc tàu sắp vào.
Nước thủy triều vẫn đang rút, gió đã ngưng thổi từ lâu, nhưng không
hiểu tại sao lại có sóng. Mọi người đổ dồn cặp mắt vào chiếc ca nô bị
sóng nhồi, dập dềnh từ từ ra biển. Ðã có một chiếc tàu khác quay mũi
vào, nhưng với vận tốc của chiếc ca nô thì còn khướt đầu dây cáp mới đưa
được lên chiếc tàu vào cứu.
Ù uỳnh.
Tiếng nổ long trời làm tai tôi ù đi, mắt tôi hoa lên, hai hàm tôi tê
dại đi. Sức ép của tiếng nổ làm tôi khó thở, phải há miệng ra để hớp
không khí.
Một quả đạn đã bắn trúng đài chỉ huy.
Dưới sàn tàu, người ta dồn nhau về bên này, rồi dồn nhau về bên kia,
rồi lại dồn nhau về bên này tàu. Mọi người đều cố tìm một lối để chạy,
nhưng, làm gì có lối nào để mà chạy. Chắc chắn là có rất nhiều người bị
chèn, bị ép, bị dẫm, bị đạp bởi mỗi một lần người ta dồn nhau. Nhiều
tiếng la, nhiều tiếng hét, nhiều tiếng gào vang lên. Nhiều tiếng chửi
rủa cũng vang lên.
Trên boong tàu, cảnh chết chóc mới thật là khủng khiếp. Thịt, óc,
quần áo, máu văng tứ tung trên thành tàu, lên thành đài chỉ huy, máu
chảy lênh láng không còn chỗ nào là không có máu. Những tiếng rên, những
tiếng khóc, những tiếng van vái của những người bị thương hòa lẫn với
những tiếng kêu gọi nhau ơi ới của những người còn nguyên vẹn. Tôi không
thể nhận ra được trong đám người chết, trong đám người bị thương đang
nằm trên vũng máu khổng lồ ai là người mình quen, ai là người trong đại
đội mình. Chỉ trừ một người tôi nhận ra, binh nhất Dũng mang băng ca
kiêm thợ hớt tóc của đại đội. Dũng ngồi dựa lưng vào thành tàu, hai chân
duỗi dài, đầu bị chẻ dọc gần như làm đôi, nửa đầu nhỏ hơn gẫy gập xuống
gần chấm đến vai. Óc và máu văng dính vào thành tàu. Tôi nhận ra Dũng
nhờ bảng tên không bị đẫm máu và hai bàn tay có những móng tay để dài
hơn móng tay con gái của Dũng.
Thiếu tá Thành bị thương vào chân đang được y tá băng bó. Ông chuẩn
úy Tấn thuyền trưởng già bị thương vào đầu, đang quấn băng cá nhân quanh
trán, trông như người đang quấn khăn tang.
Tôi hét to cố át những tiếng ồn ào để hỏi ông thuyền trưởng già:
“Súng trên tàu còn sử dụng được không?”
Ông thuyền trưởng già vừa mấp máy đôi môi vừa gật đầu. Tôi lại gần ông ta, nói cũng
vẫn khá to vì tai tôi vẫn chưa hết bị ù:
“Ông cho súng bắn tập trung vào cái miếu trên bờ kia kìa.”
Trên bờ đã vắng tanh vắng ngắt, không một bóng người, xa xa phía
trong chừng một vài trăm thước nằm trơ ra độc nhất có một cái miếu thấp
thoáng có bóng người. Những bụi rậm, những lùm dương còn nằm sâu hơn nữa
ở mút phía trong. Khẩu súng đã bắn chúng tôi chắc chắn là phải được đặt
trong miếu.
Bây giờ chúng tôi lại mới nhận ra được một điều nữa, sau khi quan sát
cái miếu và bờ biển. Mũi cái tàu mắc cạn của chúng tôi chỉ còn cách mé
nước khoảng chưa đầy ba thước. Cả cái tàu đã nằm phơi gần hết thân trên
cát.
Thiếu tá Thành ra lệnh cho ông thuyền trưởng và tôi:
“Huy ở trên này cho lính bắn tập trung vào cái miếu để yểm trợ. Ông
thuyền trưởng cho hạ bửng tàu xuống để mọi người lên bờ.. Khi lên bờ
xong, Huy cho nhặt súng đạn chuyển lên bờ cho mọi người. Ông thuyền
trưởng cho gom tất cả những dụng cụ đựng nước ngọt và thực phẩm mang lên
bờ.”
Tiếng súng nhỏ từ trên bờ bắt đầu bắn ra tàu khi cái bửng được từ từ hạ xuống.
Dưới sàn tàu đã nhốn nháo từ khi bị quả đạn, bây giờ lại càng nhốn
nháo hơn vì cái bửng tàu không còn là vật che đạn cho mọi người nữa.
Bằng cái loa trên tàu, thiếu tá Thành ra lệnh:
“Tất cả mọi người rời khỏi tàu lên bờ. Càng nấn ná trên tàu bao nhiêu càng dễ chết bấy nhiêu.”
Súng trên tàu nổ ròn nhưng vẫn không đủ khả năng làm câm họng những khẩu súng bắn từ trên bờ.
Nhiều người ngã chết ngay trên bửng tàu, nhiều người ngã chết ngay trong lòng tàu.
Nhiều người vẫn tiếp tục nhảy vào bờ.
Bây giờ không còn gọi được là lên bờ vì bửng tàu đã lên cao hơn mặt
cát có đến hơn một thước. Vượt qua được cái “ải” bửng tàu là đã được an
toàn vì vào sâu trong bờ chừng chục thước có một bờ cát cao lên che
khuất được đầu người.
Nhiều người không dám vượt qua cái ải bửng tàu, nằm co rúm, nép người vào thành tàu.
Nhưng không dám vượt qua bửng tàu để vào bờ vẫn không thể được coi là
an toàn. Nhiều quả đạn M-79 đã được bắn vòng cầu rơi vào nổ ngay trong
lòng tàu, nổ ngay trên sàn tàu.
Tôi vẫn cố gắng quan sát vị trí của địch để chỉ điểm mục tiêu cho
những khẩu súng trên tàu, nhưng ngoài cái miếu ra, tôi chỉ có thể biết
thêm được là Việt Cộng còn nằm rải rác đằng sau những mô cát thấp. Bắn
thì chúng tôi cứ bắn chứ kết quả thì không đáng kể, chỉ đủ làm giảm bớt
tiếng súng của địch một phần nào gọi là thôi.
Mũi tàu đã được hạ bửng là một mục tiêu cố định và ngon lành cho
những tay súng của Việt Cộng tập bắn. Nhưng dù thế nào, số người vào
được trong bờ vẫn mỗi lúc một đông thêm.
Thiếu tá Thành đã vào bờ trước, ông đang bố trí mọi người để lập thành một tuyến phòng thủ mới.
Khi trên tàu đã vắng người, khi tiếng súng đã thưa và khi tại tuyến
phòng thủ mới đã có thể bắn cầm chừng, tôi và mấy xạ thủ trên tàu mới
nhảy xuống sàn tàu, lại một cảnh chết chóc nữa đập vào mắt tôi. Những
người bị giẫm nát không còn hình thù của một con người, thịt da nhầy
nhụa.
Những người bị dồn ép ngộp thở mà chết trông khá nhất, họ nằm chết trông như ngủ.
Những người bị đạn bắn chết nằm gục ngang gục ngửa, có người bị trúng
đạn ở đầu, có kẻ trúng mặt, người trúng ngực, kẻ trúng bụng.
Họ trúng đạn đủ chỗ và nằm chết đủ kiểu.
Những người bị thương đang quằn quại, rên la.
Có người ngồi gục đầu xuống, máu từ ngực phụt ra có vòi như vòi nước.
Chẳng ai buồn nghĩ đến chuyện mang những người bị thương vào bờ. Nằm
trên tàu hay khiêng vào bờ nào có khác gì nhau. Có biết đến bao nhiêu
người bị thương, làm sao mà lo cho xuể trong khi chính những người còn
khỏe mạnh lo cho nhau, lo cho mạng sống của mình còn chưa xong. Tôi thấy
trung úy Chức tiểu đoàn 2 Pháo Binh bị thương không biết nặng nhẹ, máu
ướt đẫm áo quần, nằm thoi thóp.
Tôi ngạc nhiên khi thấy cô gái Huế học Văn Khoa đang ngồi vái trời
vái Phật, miệng ngoác ra mà khóc. Không hiểu tại sao cô nàng lại ở trên
tàu. Ðúng ra cô ta đã phải ở trên chiếc tàu cùng với lữ đoàn trưởng và
lữ đoàn phó của tôi, đang lênh đênh ở ngoài khơi kia.
Nhưng tôi cũng chẳng có thời giờ đâu mà thắc mắc. Tôi nói lớn với cô ta:
“Thôi chứ cô nàng, không lo mà vô bờ đi, còn bày đặt mà ngồi đó vái cái thành tàu.”
Bưởi nói với tôi:
“Con nhỏ này là Việt Cộng đó ông thầy, nó ngồi trên tàu làm bộ khóc,
làm bộ vái trời, chứ thật ra là chỉ điểm cho Việt Cộng. Ông nhớ không,
hồi tối ở tuyến nó cũng khóc rùm trời.”
Tôi phì cười:
“Bộ mày tưởng nó ngồi đó làm hiệu rồi Việt Cộng tránh không bắn nó,
hay mày tưởng đạn của Việt Cộng biết nó cùng một phe nên né nó.”
“Chứ sao nó ngồi trên đó mà không trúng đạn?”
Tôi không thể trả lời và cũng không thể giải thích như thế nào. Mọi
câu trả lời nếu được thỏa đáng đều phải vịn vào một đấng vô hình.
Tôi vào bờ cát. Tiếng súng đã im.
Trời đã về chiều, hình như là ba hay bốn giờ gì đó.
Chúng tôi đứng một hàng dọc dọc theo bờ cát.
Mặt trời chiều chiếu thẳng vào mặt.
Sóng vỗ nhè nhẹ sau lưng.
Tôi nhìn quanh cố tìm những khuôn mặt quen thuộc trong đại đội, chẳng
có bao nhiêu, chừng năm, bảy mạng gì đó. Ðâu rồi đại đội trưởng, đâu
rồi Huy mập, đâu rồi Ngô Dzu, đâu rồi Khải máy, Phước râu, đâu rồi
Ðăng…. đâu rồi tụi bay?
Lòng tôi chùng xuống, nước mắt trào ra. Bao nhiêu gian lao, bao nhiêu
khổ ải từ bao nhiêu năm nay không sao, không lẽ lại rủ nhau cùng chết
một cách đau thương tức tưởi và lãng nhách ở đây hay sao?
Thiếu tá Thành từ phía đầu kia của tuyến đi lại:
“Ông Huy, súng đạn của mình hiện giờ ra sao rồi?”
“Không bao nhiêu hết, thiếu tá. Tôi đang cho người đi nhặt súng đem xuống rửa dưới biển.”
Vừa lúc, một chiếc GMC từ phía nam đi trờ tới, thiếu tá Thành chận xe lại và nói với tôi:
“Huy ở đây chỉ huy tuyến này. Tôi đi kiếm thêm súng đạn.”
Chiếc GMC tiếp tục chạy lên hướng bắc, trên xe chỉ có thiếu tá Thành và người tài xế.
Tôi đi một vòng dọc tuyến, thấy mấy người lính tiểu đoàn 2 Pháo Binh, tôi nói với họ:
“Tụi bay lên tàu khiêng trung úy Chức xuống.”
Ðiều này gợi tôi quyết định lập một toán khỏe mạnh lên tàu khiêng
những người bị thương xuống. Nhưng dĩ nhiên cũng chỉ khiêng những ai là
Thủy Quân Lục Chiến, còn những người thuộc các binh chủng khác thôi thì
kệ họ.
Tôi cũng cho người lên tàu kiếm đạn và đồng thời tìm cách chuyển nước ngọt xuống tiếp tế cho mọi người.
Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy những người lính này, không phải là tất
cả nhưng cũng không phải là ít, lúc nãy khi còn ở trên tàu, họ hung hăng
dữ tợn bao nhiêu thì bây giờ họ lại hiền lành ngoan ngoãn bấy nhiêu.
Tuyến phòng thủ cấp thời này được tập hợp bằng những người lính của khá
nhiều đơn vị khác nhau của Thủy Quân Lục Chiến, tiểu đoàn 3, tiểu đoàn
4, tiểu đoàn 5, tiểu đoàn 7, tiểu đoàn 2 Pháo Binh, lính Vận Tải, Truyền
Tin, lính Quân Y, Viễn Thám… Tôi không phải là cấp chỉ huy trực tiếp
của họ, lúc nãy họ có thể hứng chí tặng tôi một viên vào đầu sau những
tiếng đếm đụ mẹ một, đụ mẹ hai, đụ mẹ ba. Nhưng bây giờ họ tuân lệnh tôi
một cách tuyệt đối.
Kỷ luật quả thật là một yếu tố căn bản để tạo thành sức mạnh của quân
đội. Khi đã mất chỉ huy, khi mọi thằng đã bằng nhau thì thằng nào mạnh,
thằng nào có súng thằng ấy nắm quyền sinh sát. Khi tình trạng bằng nhau
đã hết, tình trạng hỗn quân hỗn quan đã hết, khi sự chỉ huy được tái
lập, mọi người lại răm rắp đâu vào đấy.
Bây giờ đến lượt chính tôi kê súng vào đầu một người lính, tay này to
cao như một thằng Mỹ, cởi trần trùng trục, xâm đầy hình và chữ trên
tay, trên lưng, trên ngực, tay khư khư ôm một khẩu M-79, đã không dám
đứng dậy để chiến đấu, mà lại cũng không chịu giao súng cho ai. Tôi nói:
“Ðụ mẹ, tao đếm tới ba, mày không đứng dậy hoặc không đưa súng cho tao, đụ mẹ, tao bắn.”
“Súng của em mà trung úy.”
“Ðụ mẹ, một.”
“Em mệt quá rồi trung úy, trung úy cho em ngồi nghỉ mệt chút rồi em đứng dậy, trung úy.”
“Ðụ mẹ, hai.”
“Trời ơi, ông giết em thật sao trung úy?”
“Ðụ mẹ, ba.”
Tiếng “ba” chưa dứt, tên lính vội vàng đưa khẩu súng M-79 bằng cả hai tay cho tôi, miệng lắp bắp:
“Súng đây trung úy, súng đây trung úy.”
Tôi lấy khẩu súng giao cho một người lính đứng cạnh đó.
Tôi không cố tâm bắn chết người lính này, nhưng nếu anh chàng không
giao súng cho tôi hoặc không đứng dậy để chiến đấu, thôi thì cũng đành
vậy. May cho anh chàng và cũng may cả cho tôi!
Không có bóng dáng một người lính Bộ Binh nào trong tuyến này. Khi
xuống tàu thì tranh giành cũng ra gì lắm, nhưng khi cần phải cầm súng
đánh nhau với Việt Cộng thì chỉ còn chúng tôi. Phải chăng họ hận chúng
tôi vì chuyện vừa xảy ra trên tàu hay vì chúng tôi là những thằng được
khoán trắng cho việc đánh trận. Trừ một số người tuy không bị thương
nhưng vẫn nhất định nằm lì lại trên tàu -không hiểu họ còn hy vọng gì
nơi cái tàu đã nằm hơn nửa thân trên cát- những người còn lại không biết
đã chạy biến đi đâu mất.
Sự vắng mặt của những người lính Bộ Binh đã làm nhiều người lính Thủy
Quân Lục Chiến càng thêm tin là quả đạn bắn vào đài chỉ huy chiếc tàu
lúc nãy là do những người lính của sư đoàn 1. Những lời bàn tán và đồn
đãi:
“Bọn sư đoàn 1 bị bắn và bị đuổi xuống tàu đã lấy đại bác 57 ly không giựt bắn vào tàu. Không được ăn thì đạp đổ!”
Tôi không tin điều này, vì những người lính Bộ Binh làm gì còn súng
57 ly trong lúc này. Nhưng những lời đồn và bàn tán mỗi lúc một nhiều
cũng khiến tôi bắt đầu nghi ngờ sự suy đoán của mình.
Người tài xế chiếc xe GMC chở thiếu tá Thành đi kiếm đạn lúc nãy hớt hơ hớt hãi chạy bộ về. Anh ta báo cáo với tôi:
“Thiếu tá bị bắt rồi trung úy.”
“Tại sao mày lại về được đây?”
“Em chở thiếu tá đi lên cách đây chừng hai cây số, bị Việt Cộng chận
lại. Em khai là binh nhì, thiếu tá ổng khai là hạ sĩ. Tụi nó tịch thu xe
rồi nói em thay đồ dân sự về Huế mà sống, hình như tụi nó biết thiếu tá
là sĩ quan nên bắt đi theo. Em lừa lừa rồi trốn về đây.”
Niềm hy vọng kiếm thêm được súng đạn đã tiêu tan, cấp chỉ huy của tôi
đã bị bắt. Súng đạn đi mót nhặt tại chỗ dù đã rỉ sét vẫn không đủ cung
cấp cho chúng tôi trong khi chúng tôi vẫn bắt buộc phải bắn cầm chừng để
giữ chân Việt Cộng. Sau một hồi bàn bạc với các sĩ quan khác, tôi quyết
định bỏ cái tuyến này, rời xa chiếc tàu mắc cạn, kéo nhau vào tuyến của
lữ đoàn còn đang chiến đấu ở phía nam, nơi mà chúng tôi đã tách ra hồi
sáng để kéo nhau xuống tàu.
Khi về gần đến tuyến của lữ đoàn, chúng tôi bị một loạt đạn đại liên
từ chiếc M-113 đậu ngang tuyến của tiểu đoàn 5 bắn xẹt trên đầu chúng
tôi.
Mấy người lính tiểu đoàn 5 đứng trên chiếc thiết vận xa khoát khoát tay ra hiệu không cho chúng tôi vào tuyến.
Chúng tôi giơ hai tay lên đầu giống như những kẻ đầu hàng để chứng tỏ
chúng tôi không còn khả năng chiến đấu. Vừa giơ tay chúng tôi vừa tiếp
tục đi tới. Lần này khẩu đại liên trên chiếc M-113 nhắm thẳng chân của
những người đi đầu của chúng tôi mà bắn, đồng thời chúng tôi còn lãnh
thêm mấy quả đạn M-79. Bốn, năm người bị thương ngã lăn ra cát.
Từ sáng đến giờ, thời gian chưa đầy mười tiếng đồng hồ, chúng tôi đã
trải qua không biết bao nhiêu nỗi kinh hoàng. Bao nhiêu người đã chết,
bao nhiêu hy vọng đã tiêu tan. Bây giờ trở về để nương nhờ những người
bạn, những đồng đội trong cùng binh chủng. Nhưng cánh cửa đã khép chặt,
chúng tôi bị xua đuổi bằng những tràng đại liên, bằng những viên đạn
M-79. Thiếu tá Tiền tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 5 mới hôm qua hôm kia đây
còn nói với Huy mập “Thầy trò mày rán làm cho tao cú nữa, đây là trận
đầu của tao ở bên này”, trong khi thầy trò Huy mập đã tanh banh hết. Vậy
mà bây giờ, chính lính của ông -dĩ nhiên họ làm theo lệnh- vác đại
liên, vác M-79 ra bắn xua đuổi chúng tôi.
Chúng tôi tấp vào bờ cát, cách tuyến của tiểu đoàn 5 chừng bốn, năm chục thước.
Ngồi đây, ngoài tuyến hay vào trong kia – trong tuyến – thực sự đối
với tôi chẳng khác gì nhau. Ðạn Việt Cộng không chừa một chỗ nào và cũng
không chừa một ai. Trong tuyến mới đúng là nơi thu hút hỏa lực của
địch, còn chúng tôi nằm ngoài, cảm thấy không an tâm chỉ là tâm lý,
không an tâm vì mình đã mất khả năng tự vệ và bị từ chối sự bảo vệ của
những người mình trông đợi.
Mấy người bị bắn ngã đã được đưa vào tuyến.
Lính tráng thắc mắc tại sao họ không được cho vào tuyến. Trung sĩ nhất Ðăng thường vụ đại đội hỏi tôi:
“Ông thầy, mình cũng là Thủy Quân Lục Chiến chứ đâu phải là Bộ Binh, tại sao họ không cho mình vào tuyến?”
“Tiểu đoàn mình tan hàng rồi, mình vào tuyến bây giờ sẽ ảnh hưởng đến
tinh thần chiến đấu của những thằng đang đánh nhau trong đó.”
“Ảnh hưởng mẹ gì, ông thầy, mình vô tuyến rồi kiếm chỗ nằm tránh đạn ở
mút đàng sau này chứ mình đâu có lên đàng trước đâu mà làm mất tinh
thần của tụi nó.”
“Mày nên nhớ là họ chỉ cần nghe tin là tàu không bốc được tụi mình,
tinh thần của họ đã bị nhụt hẳn đi rồi, cần gì phải đợi mình kể lại. Mà
mày không thấy nằm đây mình không bị đạn bắn tới, đâu cần phải tìm chỗ
tránh đạn ở trong tuyến nữa.”
Tôi chưa nói dứt câu, nhiều loạt đạn nhắm thẳng chúng tôi bay tới.
Việt Cộng đã về đến chỗ tàu mắc cạn. Thầy trò cha con chúng tôi ùa chạy
vào tuyến, đạn Việt Cộng bắn vãi sau lưng.
Những người lính tiểu đoàn 5 trên M-113 thản nhiên ngồi chờ cho đến
khi chúng tôi vào hết trong tuyến mới bắt đầu bắn trả về phía tàu mắc
cạn.
Tuyến phòng thủ của lữ đoàn từ chiều hôm qua chỉ bị tấn công một mặt
từ hướng tây, nơi tiểu đoàn 7 bàn giao tuyến lại của tiểu đoàn 4 tôi.
Bây giờ bị thêm một mặt tấn công mới từ hướng bắc.
Xạ trường bằng phẳng, những loại súng bắn thẳng không bị cản trở bởi
bất cứ một chướng ngại nào. Những người lính trên M-113 đã rời xe, xuống
những hố cá nhân đào quanh đấy.
Chúng tôi, những thằng hết khả năng tác chiến, moi vội những cái hố ở phía sau những cái gọ của dân nằm úp đáy trên mặt cát.
Tiếng súng nhỏ nổ đì đoành trên tàu mắc cạn. Hình như Việt Cộng đang bắn những người còn nằm lại trên tàu.
Ðây là lần thứ hai tôi được xem, một cách rất bàng quan, những người
lính Thủy Quân Lục Chiến đánh trận. Lần đầu vào ngày 27 tháng Giêng năm
73, buổi chiều cuối cùng trước giờ ngưng bắn có hiệu lực tại Cửa Việt.
Tiểu đoàn 4 tôi được tăng cường hai đại đội của tiểu đoàn 2 và một đơn
vị Thiết Giáp – tôi không rõ cấp đơn vị – lập thành lực lượng đặc nhiệm
Tango do chính đại tá tư lệnh phó làm tư lệnh lực lượng. Lực lượng chúng
tôi có nhiệm vụ bằng mọi giá cắm cờ ở Cửa Việt trước 8 giờ sáng ngày 28
tháng Giêng. Trung đoàn Việt Cộng 48 phòng thủ.
Từ chạm tuyến lên đến mục tiêu khá xa, có đến mấy cây số nên từng nấc
dọc đường được chia thành nhiều mục tiêu phụ, chúng tôi từng đại đội
một chia nhau chiếm từng mục tiêu. Ðiểm xuất phát của đại đội tôi là mục
tiêu mà một đại đội của tiểu đoàn 2 đánh chiếm. Ðại đội tôi di chuyển
một cách thoải mái từ phía dưới lên. Ðại đội trưởng tôi lúc đó là trung
úy Tước – Dương Tấn Tước – gọi tôi lại gần và chỉ:
“Ông có thấy chiếc M-48 đang cháy kia không?”
“Thấy, Sao Mai.”
“Rồi, ông dắt con cái vô đó.”
Một cái lệnh hành quân rất nhẹ nhàng và dễ dàng. Nhưng thực sự, nói
vậy mà đâu phải vậy, M-48 mà cháy thì mục tiêu đâu phải là nhẹ ký. Tôi
vào đến nơi được xem những người lính của tiểu đoàn 2 đang chiếm mục
tiêu. Những người lính của tiểu đoàn 2 này không hổ danh với chính cái
tên mà Việt Cộng đã đặt cho họ, tiểu đoàn Trâu Ðiên. Họ xung phong, họ
xông xáo vào tuyến phòng thủ của Việt Cộng như vào chỗ không người. Có
chết chóc đấy, có bị thương đấy nhưng Việt Cộng không thể nào cản được
bước chân của họ. Có một trung đội quá hăng máu, tiến quá nhanh, vượt
qua khỏi mục tiêu tiến quá sâu vào phần đất dầy đặc Việt Cộng, nên đã bị
bao vây, không hầm hố, không mô cát để ẩn nấp, họ trở thành điểm tập
trung tác xạ của không biết bao nhiêu tay súng Việt Cộng.
Trung đội Trâu Ðiên này vẫn tả xung hữu đột, vẫn bình tĩnh chiến đấu như đang thực tập một bài chiến thuật trong quân trường.
Khi đại đội tôi lên và giải vây cho họ xong, một người lính nhìn tôi cười nói:
“Ðụ mẹ, đánh giặc đã quá, ông thầy!”
Lần này là lần thứ hai, tôi nằm sau một cái gọ lật úp làm nơi ẩn nấp,
quan sát những người lính của tiểu đoàn 5 chiến đấu. Lần này, cái hăng
say, cái nhuệ khí của thế tấn công không có, chúng tôi đang ở cái thế bị
bao vây, lương thực chúng tôi hết cạn, đạn dược chúng tôi hết gần sạch
banh, đường về chúng tôi không có. Chúng tôi đang ở trong cái thế bi
thảm nhất cả về tinh thần lẫn phương tiện chiến đấu. Vậy mà những người
lính của tiểu đoàn 5, mấy con “đỉa đói” này vẫn vừa đánh giặc vừa cười
đùa. Có hai người lính đầu không mũ sắt, mình không áo giáp, chân không
giày, một người ôm nòng khẩu súng cối 60 ly được bọc bằng mấy cái áo
giáp cho khỏi nóng, một người cầm mũ sắt làm bàn tiếp hậu, tay cầm quả
đạn, cứ thế họ đặt súng chỗ này bắn một hai quả, đặt súng chỗ khác bắn
một hai quả. Vừa bắn vừa cười nói bô bô. Một viên đạn bất ngờ ghim sâu
vào ngực người lính cầm mũ sắt, quả đạn bên tay phải rơi phịch xuống
cát, mũ sắt bên tay trái văng ra xa. Một người lính khác tay cầm mũ sắt,
chạy tới nhặt quả đạn tiếp tục bắn. Người lính ôm nòng súng nhìn người
bạn vừa ngã chết, miệng cười tươi như không có gì xảy ra:
“Ðụ má, chết sớm dzậy mảy?”
Người xạ thủ thứ hai rướn người lên rồi ngã xuống vì viên đạn trúng vào bụng.
Người thứ ba cầm mũ sắt chạy ra. Vừa ra đến nơi chưa kịp bắn viên nào thì cả xạ thủ lẫn người ôm nòng súng ngã vật ra chết.
Nòng khẩu súng cối 60 ly nằm chúi họng xuống cát. Tôi ngồi xem hào
hứng đến độ quên luôn rằng cái gọ đang làm vật che đạn cho tôi cũng
trúng khá nhiều đạn, trong khi cái đầu tôi mỗi lúc một rướn cao lên để
xem cho rõ.
Nắng tắt dần, gió biển mỗi lúc một lạnh hơn.
Tôi thấy gai gai người, mới sực để ý mình đã cởi áo từ lúc nào và cũng không thể nghĩ được là tại sao mình đã cởi áo.
Bưởi xuất hiện đột ngột, từ bên hông một cái gọ nào đó chạy tới.
Trên người mặc có mỗi cái quần lót và cái áo giáp.
Gặp Bưởi lúc này còn hơn bắt được vàng. Bưởi ôm chầm lấy tôi:
“Ông thầy, em kiếm ông thầy quá trời.”
“Mày ở đâu chạy tới đây?”
“Em đi kiếm ông thầy quá trời. Ai moi cho ông thầy cái lỗ này?”
“Tao moi mình ên.”
Bưởi cười cười:
“Hèn chi.”
Tôi cũng cười cười:
“Hèn chi gì mày?”
“Ông thầy qua chỗ em đi. Em đào sẵn cái hố cho hai thầy trò mình nằm
thoải mái. Nếu lỡ có chết chỉ việc lấp cát là êm. Ông thầy nằm kiểu này
nếu chết đúng là cái lỗ không đủ chôn.”
“Ðụ mẹ, trù ẻo mày.”
“Thiệt mà. Mà bây giờ về em phải đào cho rộng thêm.”
“Sao vậy?”
“Hồi nãy đi kiếm ông thầy, em gặp một cái “lỗ”. Em mang “con lỗ” về nằm chung. Ấm lắm ông thầy ơi.”
Tôi cười cười, gian ý:
“Coi được không mày?”
“Trời ơi, số một mà ông thầy. Mà thời buổi này ông còn bày đặt kén nữa hả?”
“Ðâu có kén, mà đều cũng phải đỡ đỡ một chút chứ hôi rùm ai mà chịu nổi.”
“Ðâu có hôi, ông thầy, con nhỏ cũng mới tắm biển lên mà.”
Hai thầy trò tôi nháy mắt nhìn nhau cười.
Bưởi cởi áo giáp đưa cho tôi:
“Ông thầy mặc đi rồi mình dzọt.”
Tôi ngần ngừ:
“Thôi mày mặc đi.”
Bưởi nhất định không chịu:
“Ông không thấy đạn bắn quá trời sao? Ông chạy đâu có lẹ bằng tôi.”
“Mày tưởng chạy lẹ là không ăn đạn à?”
“Mà bộ ông không thấy lạnh hả? Người ông nổi gai ốc cùng mình kìa.”
Quả thật, gió biển mỗi lúc một mạnh hơn, tôi đã rùng mình nổi da gà
sau mỗi lần gió thổi, hai hàm răng tôi đã bắt đầu đập vào nhau. Người
tôi đã run lên vì lạnh. Hết phương từ chối, tôi mặc áo giáp vào rồi băng
mình chạy theo Bưởi.
Chúng tôi chạy từng quãng ngắn từ cái gọ này sang cái gọ khác.
Ðến cái gọ cuối cùng trước khi đến chỗ Bưởi nằm, tôi gặp Khải máy và Phước râu.
Tôi la lên vì mừng:
“Ðụ mẹ, cả hai thằng mày còn sống hả?”
Khải máy có cái tên rất lịch sử -Trần Quang Khải- ôm chầm lấy tôi:
“Ba thằng tụi em chia nhau đi kiếm ông thầy. Em với thằng Phước râu mới về tới đây.”
Phước râu bây giờ mới lên tiếng:
“Tui thấy trung úy Gắt ngồi đằng kia kìa. Ðụ mẹ, ổng thủ nguyên một
bao cát gạo sấy thịt hộp. Thấy tui ổng ngó lơ. Kệ mẹ ổng chớ, ai thèm
xin.”
Nói đến gạo sấy và thịt hộp, tôi mới thấy đói. Suốt từ trưa hôm qua
tới giờ tôi có ăn uống gì đâu. Mà cũng có gì đâu để mà ăn uống. Ngoại
trừ sáng nay ngồi uống rượu với bọn thiếu úy Sĩ, tôi lại có tật hễ uống
rượu vào là không ăn gì nên tuy có đồ ăn nhưng tôi có nhét được miếng
nào vào bụng đâu. Tuy nhiên, cái đói chỉ thoáng qua rất nhanh.
Tôi an ủi:
“Ðói lúc này đâu có chết tụi bay. Tao cũng đói. Nhằm nhò gì!”
Bưởi giục:
“Mình về bên kia đi ông thầy.”
Khải máy dặn dò:
“Tụi em nằm đây, khi nào chạy kêu tụi em nghe ông thầy.”
Tôi và Bưởi băng qua một quãng trống ngắn, về đến hố của Bưởi.
Người con gái nằm trong hố, chùm poncho chỉ thò mỗi cái đầu ra ngoài. Khuôn mặt kể cũng dễ coi.
Vừa xuống hố, Bưởi ra lệnh:
“Ngồi dậy đi bà nội, lấy chỗ để tôi moi rộng thêm cho ông thầy nằm.”
Người con gái ngồi dậy, vẫn quấn chặt cái poncho.
Bưởi khoét cái hố rộng ra thật nhanh bằng mũ sắt.
Tôi cởi áo giáp:
“Trả mày cái áo giáp, lấy trả tao cái jacket.”
“Em vứt dưới biển rồi ông thầy.”
Tôi tiếc ngẩn ngơ:
“Ðụ mẹ, sao mày vứt của tao đi?”
“Lúc lội ra tàu mọi thứ em bỏ hết, em đâu dám vứt áo của ông thầy. Em
mặc trong người, có điều ở dưới biển lâu nó ngấm nước, nặng quá trời
luôn. Em mà không cởi ra bỏ, dám em bị chết chìm luôn rồi.”
Cả cuộc đời nhà binh bảy năm, gia tài của tôi chỉ có mỗi cái áo
jacket này. Nó là cái field jacket của Mỹ, áo thật dầy, có cả mũ. Tôi
lựa đúng cỡ người, hy sinh một bộ đồ bệt mới tinh để đắp ra ngoài. Cái
áo tôi mơ ước. Tôi mới có được cách đây chừng hơn một tháng. Sài Gòn
nóng như thế mà khi về phép tôi còn mang theo để tối tối, trời vừa đủ
hơi man mát là tôi lấy ra mặc. Mất Quảng Trị, mất Huế tôi không tiếc
bằng mất cái jacket này. Nhưng làm sao bây giờ, mất thì đã mất rồi, mà
lỗi thì không thể đổ lỗi cho Bưởi. Tôi trong trường hợp nó cũng phải làm
như vậy thôi.
Việt Cộng ở phía tàu mắc cạn hình như đã đến gần tuyến vì tôi nghe
tiếng súng mỗi lúc một chát chúa hơn. Tiếng súng phòng thủ của tiểu đoàn
5 chỉ còn là cầm chừng vì mỗi lúc tôi thấy một thưa hơn.
Bưởi vừa mặc áo giáp vừa nói:
“Ông thầy nằm đắp chung poncho với con nhỏ này, em đi tìm cho ông thầy cái áo giáp.
“Thôi Bưởi, nguy hiểm mày.”
“Gần ngay đây mà ông thầy.”
Nói chưa dứt, Bưởi đã chạy vụt đi.
Tôi nằm đắp chung poncho với cô gái. Hơi ấm từ người nàng làm tôi khó
chịu, không phải tôi khó chịu cô gái mà tôi khó chịu tôi. Ðời thuở nhà
ai, trong hoàn cảnh này, người ta ai cũng phải lo mà giữ sức khỏe, còn
tôi, tôi lại muốn phung phí sức khỏe. Bộ chưa đủ mệt hay sao?
Bàn tay tầm bậy của tôi mầy mò tứ tung trong poncho. Cô gái không có
thái độ hoan hô hay đả đảo gì ra mặt, nhưng người cô ta đang từ âm ấm
chuyển dần sang nóng, hơi thở dồn dập và rõ tiếng hơn. Ðến một lúc thuận
tiện, tôi tìm một vị thế thích hợp. Nhưng vị thế thích hợp đã không có
với chúng tôi. Cát dính lung tung lên người chúng tôi, ở dưới hố thì hố
được đào cong vòng như cái võng, kéo nhau lên trên miệng hố, đạn Việt
Cộng bay loạn xạ ở tầm rất thấp.
Rất thèm, nhưng thôi thì đành chịu, lắc đầu, chép miệng, “ngậm ngùi”.
Suốt từ lúc tôi về đến cái hố này, cô gái vẫn không nói một tiếng, và tôi cũng không nói một tiếng nào với cô ta.
Khải máy nói vọng sang từ cái gọ bên cạnh trong khi tay tôi vẫn đang mầy mò tầm bậy trong poncho:
“Người ta chạy hết rồi ông thầy ơi.”
“Thằng Bưởi chạy đi kiếm áo giáp cho tao chưa về.”
“Chắc nó chạy luôn theo mọi người rồi.”
“Chắc không đâu, đợi nó một chút nữa thử coi.”