Hồi Ký Cao Xuân Huy
Sáu (Hết)
Trời đã tối, tiếng súng bắn đi đã êm, chỉ còn những tiếng súng Việt
Cộng bắn chúng tôi. Tiếng chân người chạy mỗi lúc một nhiều về hướng
nam.
Khải máy và Phước râu chạy đến chỗ tôi. Khải máy la lên:
“Trời ơi ông thầy, người ta chạy hết rồi, ông còn nằm đó mà “moi lỗ”!”
“Còn phải đợi thằng Bưởi nữa chứ.”
“Ðợi gì nữa mà đợi. Có thể nó đã chết rồi, cũng có thể nó đã chạy rồi.”
Tôi quay sang cô gái:
“Thôi, chạy đi cô em.”
Cô gái nhìn tôi, lắc đầu.
Tôi đứng dậy, chạy theo Khải máy và Phước râu.
Chúng tôi chạy lom khom qua hết những cái gọ nằm rải rác trên bờ, nhập vào dòng người đang chạy sát mé nước.
Chạy thì cứ chạy, không lẽ mọi người đã chạy mà mình lại không chạy,
nhưng thực sự tôi không hiểu là chạy để làm gì, và chạy đi đâu, chạy về
hướng nam tức là chạy về phía cửa Tư Hiền. Tôi chẳng buồn nghĩ là chạy
về đó rồi sẽ làm gì, và mình có chạy nổi về đó hay không.
Phước râu đề nghị:
“Hồi nãy tụi nó tự tử nhiều quá, hay là mình tự tử luôn đi ông thầy.”
Khải máy góp ý:
“Có lý đó ông thầy. Mình chạy như vầy để làm cái gì?”
“Không, tụi mày ngu thấy mẹ. Người ta cắt đất để giao cho Việt Cộng.
Tụi mình dở nên mình bị kẹt. Nếu bị bắt cũng chừng vài tháng chứ mấy,
khi nào được trao trả về, đụ mẹ, đánh lại.”
“Làm tù binh của Việt Cộng chịu gì nổi ông thầy.”
“Cái gì mà không nổi, tụi mày không thấy tù binh được trao trả hồi
ngưng bắn à, người ta ở tù bao nhiêu năm người ta còn chịu được. Bộ tụi
mày không thấy thiếu úy Bông, chuẩn úy Nhường à!”
Tiếng súng phía sau lưng đã hết, nhưng dòng người chúng tôi lại bị ăn
đạn từ phía trong bờ mỗi lần chúng tôi chạy ngang một cái chốt của Việt
Cộng. Cũng có những tràng súng, cũng có những quả lựu đạn được bắn trả,
được ném trả vào những cái chốt đó. Không biết có giết được mạng nào
không?
Việt Cộng được dịp bắn thả cửa vào chúng tôi. Số người trúng đạn không phải là ít.
Tôi nói với hai thằng đệ tử:
“Chạy trên cát thì lẹ nhưng mà nguy hiểm quá, trong khi mình đâu cần
chạy nhanh hay chạy chậm. Chạy dưới nước chậm hơn nhưng an toàn hơn. Ðạn
bắn ra chỉ trúng thằng chạy trong thôi.”
Phước râu và Khải máy mỗi đứa chạy một bên để đỡ tôi, khi nào mệt tôi
choàng cổ hai đứa để được dìu chạy, khi nào tôi chạy được một mình,
Phước râu lại tấp vào phía trong bờ, chạy trên cát.
Tôi ngạc nhiên:
“Mỗi lần buông tao ra mày chạy trên cát cho đỡ mệt hả?”
“Tui đâu có mệt ông thầy, chạy phía này lỡ có bị bắn tui còn che được cho ông chớ.”
Tôi xúc động ứa nước mắt. Khải máy đã từng về dự đại hội chiến sĩ
xuất sắc ở Sài Gòn, nhưng vì là gốc quân phạm nên leo mãi leo hoài vẫn
không lên nổi cái lon hạ sĩ trong khi đã đeo binh nhất từ trước khi về
đại đội cũng có đến ba năm. Khải mang máy đại đội nên là tay thân tín
của đại đội trưởng, thay vì chạy theo đại đội trưởng vừa đỡ mệt vừa có
cả gạo sấy thịt hộp, Khải máy lại chạy với tôi, lãnh đủ cả đói lẫn mệt.
Phước râu là hạ sĩ, đã có một thời gian năm 72 làm quyền tiểu đội
trưởng khi còn là binh nhất, trong khi với Thủy Quân Lục Chiến, hạ sĩ
mới hy vọng mon men được đến cái chức tiểu đội phó. Hạ sĩ Phước là tay
đánh giặc có hạng nhưng cũng là tay cứng đầu, nên vừa rồi đã được đại
đội trưởng “trân trọng kính mời” ra khỏi đại đội để qua đại đội mới là
đại đội 3. Là một con cáo già trong những trận đánh, đồng thời Phước râu
cũng là một tay kinh nghiệm đầy mình trong những đợt “di tản chiến
thuật”. Bây giờ Phước râu tự ý lấy thân che đạn cho tôi trong khi tôi
không còn là cấp chỉ huy của anh chàng.
Ba thầy trò tôi chạy dĩ nhiên là chậm so với những người cùng chạy
nên cứ tụt dần về phía sau. Nhưng dòng người hình như vô tận nên chúng
tôi dù có bị tụt dần vẫn không phải là những thằng sau chót.
Lại rất nhiều người bị bắn ngã từng chặng từng chặng khi chạy qua
những cái chốt của Việt Cộng. Chưa bao giờ bọn chó má này được bắn sướng
tay đến như vậy. Mỗi tràng đạn ít ra cũng phải trúng vài ba người.
Nhưng ai ngã mặc ai, những người chạy vẫn cứ chạy.
Lại có rất nhiều người tự tử. Bây giờ họ không tự tử từng người, từng
cá nhân mà họ tự tử tập thể. Không rủ, không hẹn và hầu như họ đều
không quen biết nhau trước hoặc có quen biết đi nữa, bạn bè đi nữa họ
cũng không thể nhận ra nhau trước khi cùng chết với nhau một lúc. Dòng
người chúng tôi đang chạy, một người tách ra ngồi lại trên cát, một
người khác cũng tách dòng người ra ngồi chung, người thứ ba, người thứ
tư, người thứ năm nhập bọn, họ ngồi tụm với nhau thành một vòng tròn
nhỏ, một quả lựu đạn nổ bung ở giữa.
Dòng người chúng tôi tiếp tục chạy, lại một người tách ra ngồi trên
cát, lại người thứ hai, người thứ ba, người thứ tư… nhập bọn, lại tụm
với nhau thành một vòng tròn nhỏ, lại một quả lựu đạn nổ bung ở giữa.
Dòng người chúng tôi vẫn cứ tiếp tục chạy, lại một người tách ra ngồi trên cát, lại người thứ hai, người thứ ba, người thứ tư…
Tôi không thể nhớ để mà đếm nổi là đã có bao nhiêu quả lựu đạn đã nổ ở
giữa những vòng tròn người như vậy. Nhiều, thật nhiều quả lựu đạn đã
nổ.
Chúng tôi vẫn cứ chạy, những người tự tử tập thể vẫn cứ tụm thành
những vòng tròn, quân đội Nhật năm 45 khi đầu hàng cũng không thể nào
hào hùng hơn thế này được. Lịch sử Việt Nam chưa thấy viết một dòng nào
về những cái chết hiên ngang của những thằng tốt đen như vậy, nhưng họ
có đó, vẫn oai hùng khí phách chấp nhận những cái chết vô danh như vậy.
Chúng tôi vẫn cứ chạy, khi ngang qua những cái chốt của Việt Cộng,
những người bị bắn trúng vẫn cứ ngã, những người tự tử vẫn cứ nổ lựu
đạn. Ngoài biển vẫn có ánh đèn của những chiếc tàu qua lại.
Những người phía trước chạy chậm dần, chậm dần rồi ngừng lại.
Trong suốt thời gian chạy tôi nghe đủ thứ tiếng, tiếng chân, tiếng
thở, tiếng sóng, tiếng súng, tiếng lựu đạn nhưng không nghe tiếng nói.
Bây giờ mới bắt đầu ồn ào tiếng người.
“Ðụ mẹ, sao không chạy tiếp?”
“Chắc đến cửa Tư Hiền rồi.”
“Cửa Tư Hiền còn xa, chắc gặp tiểu đoàn 8 lên đón.”
“Ông thầy cho em miếng nước.”
“Ðụ mẹ, tao là lính chứ đâu phải sĩ quan mà kêu tao ông thầy.”
“Thì đàn anh cho đệ tử một hớp.”
“Hớp cái con cặc, bộ mày không có bình toong à!”
Nghe đến nước, tôi mới thấy là mình cũng đang khát. Tôi liếm môi chịu
đựng. Nhìn bình nước trên tay người vừa chửi thề, thèm thuồng. Cố tưởng
tượng rừng me của Tào Tháo, vô ích, cổ tôi vẫn khô ran, không có tí
nước bọt nào để mà nuốt.
Phước râu biết ý, ngoại giao.
“Anh cho trung úy tôi một hớp.”
Người có bi đông nước nhìn tôi.
“Trung úy thiệt không đó cha?”
“Thiệt mà, ổng là đại đội phó tui.”
Anh ta đưa bình nước cho tôi.
“Một hớp thôi nghe ông.”
Sau khi làm một ngụm nước, tôi mới có thể nói được.
“Cám ơn bạn.”
Việt Cộng xuất hiện, chĩa súng về phía chúng tôi ra lệnh.
“Ði một hàng dọc lên đàng trước”
Một giọng khác có vẻ là cấp chỉ huy.
“Tất cả giơ tay lên!”
Có tiếng trả lời.
“Bắt thì bắt, không giơ tay.”
“Bọn này ngoan cố, không hàng, chúng ông bắn bỏ mẹ.”
Nhiều tiếng nói trong chúng tôi vang lên.
“Bị bắt là tù binh, giơ tay hàng tụi nó coi mình là hàng binh. Không giơ tay”
Nhất loạt chúng tôi không ai giơ tay, chỉ nối đuôi nhau thành một
hàng dọc đi tới. Ðang đi một hàng dọc như vậy, một người tách ra khỏi
hàng, chạy ào ra ôm cứng lấy một tên Việt Cộng. Tiếng lựu đạn nổ, cả hai
ngã vật ra chết.
Một người khác lại chạy ào ra ôm cứng một tên Việt Cộng khác, lại một tiếng lựu đạn nổ, lại cả hai ngã bật ra chết.
Chúng tôi và Việt Cộng vẫn còn đang ở trong thế gờm nhau, chúng tôi
đông nhưng đã mất chỉ huy và không có vũ khí, Việt Cộng tuy xuất hiện ít
nhưng có súng.
Tôi nghe Việt Cộng nói với nhau.
“Bọn lính thủy đánh bộ này thằng nào cũng ngoan cố. Chắc chắn tụi nó còn lựu đạn trong người.”
Một tên Việt Cộng, tên này chắc chắn là du kích nằm vùng vì đang xúng
xính trong áo cà sa, đầu trọc lóc, đúng là một ông sư nhưng thay vì tay
cầm mõ cầm nhang, lại lăm lăm một khẩu AK, mồm thay vì nói kinh nói
Phật, lại ra lệnh cho chúng tôi.
“Chúng mày còn giấu lựu đạn trong người. Tất cả cởi hết quần áo ra!”
Chúng tôi nhìn nhau, chưa có phản ứng gì, tên sư du kích quát lên.
“Ðứng lại! Cởi hết quần áo ra!”
Một người lính buột miệng hỏi: “Cởi quần áo ra có bị coi là hàng binh
không?” Cả chúng tôi lẫn Việt Cộng đều phì cười. Có lẽ tiếng cười đã
làm không khí căng thẳng dịu lại. Chúng tôi cởi quần áo ra rồi tiếp tục
đi tới.
Ðã có rất nhiều người bị bắt tập họp thành từng khối, ngồi quay lưng
ra biển. Những người này không bị cởi quần áo như chúng tôi – những
thằng bị bắt sau.
Ba thầy trò tôi ngồi nối đuôi nhau thành một hàng dọc trong khối mới bị bắt.
Phước râu nói với tôi.
“Ông khai là lính thôi nghe ông thầy.”
“Sao vậy?”
“Mình đi chung có gì tui còn lo cho ông được.”
“Ðâu được mậy, mình bị bắt cả đơn vị, tụi nó điều tra thế nào cũng lòi ra.”
“Nhưng ông đâu đủ sức sống một mình trong tù.”
“Nhằm nhò gì, ở tù ít tháng thôi chứ mấy, mà để coi ra sao đã.”
Có tiếng nói từ trong đám tù binh.
“Yêu cầu cho nước uống.”
Nhiều tiếng khác vang lên, lúc đầu còn rời rạc, càng lúc càng ăn nhịp dần, cuối cùng có cả tiếng vỗ tay bắt nhịp.
“Nước! Nước! Nước!”
Cứ như vậy cho đến khi nước uống được hai ả du kích cái mang ra.
Nhiều người bu lại uống nước, lúc đầu còn uống tử tế, đến thùng thứ
ba được mang ra, cũng vẫn nhiều người bu lại, nhưng chỉ một số người
uống nước, số khác giả vờ chen lấn giành nước để bóp vú hai ả du kích.
Nhiều tiếng chí chóe vang lên. Tên Việt Cộng đứng ngoài hắng giọng hỏi.
“Cái gì ồn ào thế?”
Thùng nuớc được hất đổ kèm theo nhiều tiếng nói.
“Hết nước rồi, yêu cầu cho thêm.”
Tên Việt Cộng đứng ngoài ra lệnh.
“Ðề nghị hai đồng chí mang thêm nước.”
Khi thùng nước kế tiếp được mang ra, màn bóp vú lại tái diễn, và khi
hai nữ đồng chí được đề nghị mang thêm nước lần nữa thì trốn luôn.
Không còn nước, không còn đàn bà, mọi người ngồi trở lại trong hàng.
Một người lính vừa ngồi xuống bên cạnh quay sang nhìn tôi cười.
“Ðụ mẹ, bị bắt mà còn được bóp vú Việt Cộng, đã quá!”
Sau khi đếm người xong, Việt Cộng đưa chúng tôi vào sân của một trụ sở ấp.
Tôi hỏi giờ một người đeo đồng hồ. Ðúng 12 giờ khuya ngày 26 rạng 27 tháng Ba.
Nghe đâu làng này có cái tên rất độc đáo: làng Cự Lại.
Ngày 26 tháng Ba là ngày Người Cày Có Ruộng.
Ngày 26 tháng Ba là ngày cả một lữ đoàn Thủy Quân Lục Chiến bị khoảng một đại đội du kích Việt Cộng bắt sống.
Chuyện không bao giờ tin được đã xảy ra.
Hỏi trời, hỏi đất, hỏi lính, hỏi quan. Hỏi ai đây, trách nhiệm ai đây về chuyện ô nhục này của quân sử?
Tôi sực nhớ đến câu có vẻ cải lương nhưng ngẫm thấy cũng có lý: “Làm
trai không sợ gì sương gió, chỉ sợ đời không có gió sương”. Chúng tôi
những thằng lính tình nguyện về một binh chủng thừa mứa gió sương, và
bây giờ bị Việt Cộng bắt, chúng tôi sắp sửa được hưởng một cuộc sống
chắc chắn là không thiếu gì sương gió, không hiểu một tên lính nào đó
khi xâm hàng chữ này vào người có nghĩ đến hoặc có tiên đoán đến ngày
hôm nay, ngày 26 tháng Ba này không?
Phước râu lại dặn dò tôi.
“Ông thầy nhớ khai là lính nghe.”
Lúc trời gần sáng, Việt Cộng yêu cầu ai là sĩ quan tập họp riêng ở gần cổng trụ sở ấp.
Lúc đầu còn lác đác nhưng rồi chỗ tập họp riêng cho sĩ quan đông dần, hình như chẳng còn thiếu ai, ngoại trừ mấy ông cấp tá.
Tôi gặp trung úy Gắt, thiếu úy Dzu, Huy mập, Du Hồ. Tôi lại gặp Sĩ tiểu đoàn 2 Pháo binh.
Tôi còn gặp cả một thằng bạn cũ cùng học với nhau hết bậc trung học ở
trường Nguyễn Trãi, Vũ Ðức Giang, khi chúng tôi đang bị trói chung bằng
một sợi dây điện dài. Tôi ngạc nhiên kêu lên.
“Giang, mày làm gì mà cũng bị bắt ở đây?”
“Ơ Huy, cả chục năm mới gặp lại mày.”
“Tao hỏi mày làm cái giống gì mà cũng bị bắt ở đây?”
“Tao Thủy Quân Lục Chiến.”
“Mẹ kiếp, cậu đếch tin, mày mà cũng dám giết người à? Mà sao ở Thủy Quân Lục Chiến, tao không gặp mày?”
“Tao mới ra trường về Thủy Quân Lục Chiến khoảng nửa tháng nay.”
“Mày bác sĩ à?”
“Ừ, tao về tiểu đoàn 7.”
“Tội nghiệp thằng bé, mày cũng sợ đời không có gió sương à?”
Giang ngơ ngác.
“Gió sương gì? Cởi trần ngồi suốt đêm ngoài trời thế này mày bảo không bị sương à?”
Trời sáng rõ.
Mấy tên Việt Cộng gác chúng tôi cầm súng đi qua đi lại trước cổng.
Một tên đứng gác trên chòi canh. Dân chúng bu sát vào hàng rào tò mò
nhìn chúng tôi. Nhiều người đã cầm sẵn trên tay rổ khoai lang khoai mì
để bán cho chúng tôi.
Những người bị bắt trước tôi không bị cởi quần áo nên họ có tiền, và
vì là lính nên không bị trói, ra sát hàng rào mua bán với dân chúng.
Bọn Việt Cộng cố gắng ngăn cản vụ mua bán nhưng không nổi, cuối cùng
đành phải ngó lơ. Nhiều người lính đem khoai sắn đến đút cho chúng tôi
ăn.
Số sĩ quan chúng tôi cũng có đến cả trăm mạng, bị trói quặt cánh tay
ra sau, nối tiếp nhau bằng sợi dây điện dài. Một số đã bị trói bằng dây
kẽm vì không đủ dây điện. Lợi dụng lúc lộn xộn không có hàng ngũ gì,
chúng tôi đã bàn với nhau.
“Nếu được đi chung với lính thì thôi, còn nếu bị dắt đi riêng ra phía
biển, tức là bị đem đi bắn, chúng tôi sẽ cướp súng bắn lại”
Ðằng nào cũng chết, cướp súng bắn lại ít ra cũng giết gỡ được vài mạng.
Phước râu, Khải máy, trung sĩ Khang cũng bu đến chỗ tôi ngồi. Tôi nói đủ cho mấy đứa nghe.
“Khang đứng lùi ra che mắt mấy thằng gác, thằng Khải xin miếng khoai
đút tao ăn, còn thằng Phước ngồi xuống nới lỏng dây trói cho tao.”
Tôi dặn thêm Phước râu.
“Nới lỏng vừa đủ để nếu cần, rút tay ra được. Lỏng quá dễ bị bể.”
Bằng cùng một cách này, tất cả dây trói chúng tôi lần lượt đều được nới lỏng.
Những tin đồn về mấy ông tiểu đoàn trưởng của chúng tôi được loan truyền.
“Chính mắt thằng A thấy ông Cang bắn súng vào đầu tự tử.”
“Chính mắt thằng B thấy ông Tiền tự tử chung với mấy người nữa bằng lựu đạn.”
“Thằng C đã vuốt mắt cho ông Sử ở bờ biển sau khi ông ta tự bắn vào đầu.”
“Chính mắt thằng này …”
“Chính tay thằng nọ …”
Những lời đồn đã làm chúng tôi hãnh diện, những lời đồn đã giúp chúng
tôi thản nhiên ngồi chờ Việt Cộng dắt ra bờ biển. Nhưng rồi, quá nhiều
lời đồn không giống nhau, có khi trái ngược hẳn nhau dần dần khiến chúng
tôi nghi ngờ. Không lẽ một người mà vừa tự tử bằng súng, vừa tự tử bằng
lựu đạn lại vừa trốn vào nhà dân mướn ghe, mướn tài công để chạy ra
biển.
Tôi hỏi một người vừa nói với tôi là ông Tiền tự tử.
“Mày có trông thấy ông Tiền cầm súng bắn vào đầu không?”
“Em không thấy nhưng thằng A nói chính thằng B trông thấy”.
Tôi hỏi một người khác nói về ông Cang.
“Mày có thấy ông Cang tự tử không?”
“Chính thằng tà lọt của ông Cang nói với em.”
Tôi nghĩ bụng, lính đồn nhiều khi rất đúng, nhưng lúc này thực ra chỉ
là để thỏa mãn một nhu cầu. Những lời đồn hiện đang được loan truyền
chỉ có thưởng chứ không có phạt trong lúc này.
Khoảng 9 giờ sáng, Việt Cộng kiểm điểm số sĩ quan chúng tôi rồi bắt đi một hàng dọc ra khỏi cổng trụ sở ấp.
Trước khi đi, chúng tôi đã nhìn nhau ngầm ra hiệu.
Ra khỏi cổng trụ sở ấp, qua khỏi cổng chùa nằm ngay cạnh ấp, chúng
tôi tập họp lại thành nhiều hàng ngang. Việt Cộng ra lệnh ngồi đợi. Ðợi
cái gì chúng tôi không biết.
Dân chúng vẫn bu quanh hàng rào để buôn bán. Lính tráng bị giữ trong
trụ sở ấp vẫn ồn ào; tôi còn nghe cả tiếng ca hát nữa. Họ quả là những
người thật vô tư.
Một người trong hàng chúng tôi lên tiếng.
“Yêu cầu các anh cho lấy trả chúng tôi quần áo.”
Tên Việt Cộng đứng canh chúng tôi hống hách.
“Cái gì của chúng mày, quần áo gì của chúng mày. Tất cả mọi thứ là của nhân dân, chúng mày không có quyền đòi cái gì hết.”
Chúng tôi cười ồ lên, nhiều người tranh nhau nói.
“Té ra người dân nào cũng là Thủy Quân Lục Chiến hết à?”
Không hiểu tên Việt Cộng vì không hiểu câu nói hay vì không nghe rõ nên tiếp tục hùng hổ.
“Ðến nước này chúng mày còn lôi Thủy Quân Lục Chiến ra dọa nữa hả? Ông cho chúng mày một tràng đạn xong đời chúng mày bây giờ.”
Trong hàng lại ào ào lên tiếng.
“Bắn đi.”
“Có giỏi bắn ngay bây giờ đi.”
Trong lúc nói ào ào lên như vậy, mọi người chúng tôi tuy tay vẫn để
quặt ra sau lưng nhưng đã rút ra khỏi dây trói. Tất cả đều ở tư thế sẵn
sàng.
Tên Việt Cộng mặt mũi còn non choẹt, không biết phải có thái độ như
thế nào trong hoàn cảnh này nên lính qua lính quýnh, tay nắm thật chặt
khẩu súng chĩa thẳng vào chúng tôi, chân bước giật lùi mấy bước, mắt ngó
dáo dác cầu cứu, mồm lắp ba lắp bắp.
“À, chúng mày làm loạn, chúng mày làm loạn.”
Một tên Việt Cộng khác có lẽ cấp bậc lớn hơn từ trong chùa đi ra hỏi.
“Cái gì đấy đồng chí?”
“Bọn này làm loạn.”
Tên mới ra này nhìn anh em chúng tôi.
“Yêu cầu anh em giữ trật tự. Anh em cần gì cứ cho chúng tôi biết nhưng không được làm ồn ào.”
“Chúng tôi yêu cầu trả quần áo lại cho chúng tôi.”
“Ðược rồi, anh em ngồi đợi tôi cho người đi lấy.”
Tên này quay vào chùa, cho thêm mấy tên nữa tăng cường để gác chúng tôi.
Những bàn tay đã rút ra khỏi dây trói, được ý tứ đút trở lại. Mấy
người dân ôm từng ôm, từng ôm quần áo của chúng tôi bị vứt bỏ dưới bờ
biển tối hôm trước lên để thành từng đống trước mặt chúng tôi.
“Yêu cầu cởi trói để chúng tôi mặc quần áo.”
Tên Việt Cộng hùng hổ lúc nãy lại tiếp tục sừng sộ.
“Cởi trói để chúng mày làm loạn à?”
“Không cởi trói sao mặc quần áo được?”
“Mặc sao được kệ chúng mày.”
Chúng tôi lại ào ào lên. Tên Việt Cộng có vẻ là cấp chỉ huy lại từ trong chùa đi ra, trông thấy đống quần áo.
“Sao chưa phát quần áo cho người ta”, – quay sang phía chúng tôi, tên này nói tiếp -,
“các anh lại ồn ào cái gì nữa?”
“Yêu cầu phát quần áo và cởi trói cho chúng tôi để chúng tôi mặc.”
Tên này đứng suy nghĩ có vẻ lung lắm.
Tôi chờ đợi và suy nghĩ cũng không kém. Số phận của chúng tôi đã được
quyết định sẵn, và quyết định như thế nào chúng tôi có thể đoán được
tùy theo việc của chúng tôi được cởi trói hay không. Nếu không được cởi
trói, chắc chắn chúng tôi sẽ bị bắn rất sớm. Còn nếu được cởi trói,
không hẳn là chúng tôi sẽ không bị thanh toán nhưng thời gian còn hơi
lâu, có thể là cuối ngày, có thể nửa đêm, có thể là phải đợi cho đến khi
nào bọn chúng có đủ phương tiện mang chúng tôi đi xa, thật xa những
người lính để họ không hay biết gì.
Quần áo cũng đã được mang vào trong vòng rào trụ sở ấp để phát cho
lính. Quần áo chất đống trước mặt chúng tôi được ném đến từng người tuy
chưa đủ. Như vậy chắc chắn chúng tôi sẽ được cởi trói, nhưng cũng chẳng
ai cấm bọn chúng chỉ cởi trói để chúng tôi mặc quần áo rồi sau đó lại
trói lại.
Tôi cười một cách đau khổ. Nếu cởi trói luôn, mọi chuyện sẽ tiến
triển tốt đẹp, nhưng nếu bị trói lại hóa ra chúng tôi lỗ vốn quá nặng vì
hiện giờ trên nguyên tắc là chúng tôi bị trói nhưng trên thực tế, chúng
tôi muốn rút tay ra lúc nào cũng được. Sau khi mặc quần áo xong, bị
trói trở lại, chắc chắn tay chúng tôi sẽ bị trói thật chặt. Bị trói chặt
cả trên nguyên tắc lẫn thực tế. Nếu bị đem đi bắn, khả năng chống cự
của chúng tôi sẽ yếu hẳn đi, chưa chắc đã giết gỡ được tên Việt Cộng
nào.
Tên chỉ huy có khuôn mặt cáo già, sau một hồi suy nghĩ đã ra lệnh cởi trói cho chúng tôi.
Cũng may, Việt Cộng cởi trói cho người ngồi ở đầu mỗi hàng, rồi sau đó
chúng tôi lần lượt cởi trói cho nhau, nên bọn chúng không biết được là
dây trói chúng tôi thực sự đã lỏng le lỏng lét.
Quần áo được phát sao mặc vậy nên trông chúng tôi rất tức cười. Tôi,
tiểu đoàn 4 mặc áo có bảng tên của tiểu đoàn 3, thằng tiểu đoàn 3 mặc áo
của tiểu đoàn 5; thằng to như trâu nước mặc áo quá nhỏ không thể cài
cúc, thằng nhỏ con mặc áo rộng thùng thình, nếu đứng dậy ai cũng phải
nghĩ là cởi truồng vì cái áo dài che luôn cả quần lót.
Chúng tôi chẳng thằng nào buồn đổi áo cho thằng nào, cứ vậy ngồi nhìn nhau khúc khích cười như một lũ con nít.
Chúng tôi bị trói trở lại. Quả thật là đau, đòi mặc quần áo chỉ là
một cái cớ để được cởi trói, bây giờ mặc quần áo rồi, bị trói trở lại,
chúng tôi chẳng còn nhờ được ai nới dây trói cả. Nhưng đã dự trù việc
này nên lợi dụng lúc mặc áo, chúng tôi đã bứt đứt sợi dây điện ở nhiều
khúc nên khi bị trói lần thứ nhì này, chúng tôi chỉ còn bị trói chung
từng tốp vài ba mạng, xoay trở chắc chắn dễ dàng hơn là bị trói chung
nhiều người vào một sợi dây dài.
Thua keo này bày keo khác! Bắt đầu có người đòi uống nước, đồng thời có người đòi đi đái, có người đòi đi ỉa.
Chúng tôi có cả một lực lượng lính hùng hậu không bị trói ở gần đó
đang theo dõi chúng tôi, nên Việt Cộng dù có muốn cũng chưa dám hành hạ
chúng tôi. Nước được đem ra và chúng phải bưng cho từng người chúng tôi
uống. Những người đòi đi đái đi ỉa được cởi trói dẫn ra phía bờ biển.
Chúng tôi tiếp tục đòi uống nước, đòi đi đái, đòi đi ỉa loạn xà ngầu
lên. Bọn Việt Cộng phần cho người đi lấy nước, phần phải bưng nước cho
chúng tôi uống, phần phải cởi trói dẫn chúng tôi đi đái đi ỉa, phần phải
trói lại những người đi ỉa đái về, phần lại còn phải canh gác chúng tôi
nhưng vì không đủ người nên nhiều người trong chúng tôi đã không kịp bị
trói lại.
Cuối cùng có quyết định của tên chỉ huy là cởi hết dây trói chúng
tôi, với điều kiện chúng tôi phải giữ trật tự, ngồi trong hàng. Muốn gì
giơ tay xin từng người một.
Chúng tôi được cởi trói.
Ông sư bắt chúng tôi tối hôm qua từ trong chùa đi ra, đi dép vỏ xe,
mặc áo lam già, vai khoác AK, đầu trọc lóc không mũ được che bằng cái
khăn mù xoa buộc túm bốn góc, vừa cười vừa nói với chúng tôi.
“Chào anh em, anh em có khỏe không?”
“Bị bắt mà khỏe mẹ gì!”
“Anh em đừng nghĩ là mình bị bắt. Anh em phải lấy làm sung sướng vì
mình được nhân dân và cách mạng giải phóng ra khỏi guồng máy chiến tranh
xâm lược phản dân hại nước của bọn Mỹ Ngụy.”
“Ông lầm rồi, chúng tôi chiến đấu để bảo vệ tự do, chúng tôi đâu có xâm lược ai.”
“Anh em không xâm lược, anh em làm bia đỡ đạn cho bè lũ xâm lược. Tổ
quốc đứng về phía chúng tôi. Bây giờ anh em về với nhân dân, cách mạng
có nhiệm vụ phải bảo vệ anh em, lo lắng và giúp đỡ anh em. Anh em sẽ
được giáo dục để trở về đứng cùng một chiến tuyến với cách mạng, với
nhân dân. Anh em hãy theo gương trung đoàn 56 của trung tá Phạm Văn
Ðính, cách mạng đã đối xử một cách rất khoan hồng, lại còn cho giữ
nguyên quân hàm cũ.”
Người ngồi cạnh tôi, giơ tay lên vừa cười vừa nói.
“Vậy đồng chí cho xin điếu thuốc.”
Nhà tu hành đang tươi cười “thuyết pháp”, chợt sa sầm mặt xuống, chụp
ngay cổ áo người vừa nói, giựt giựt mấy cái, vừa giựt vừa gằn từng
tiếng.
“Ai là đồng chí với mày, mày là kẻ thù của tao. Không có chính sách khoan hồng của cách mạng thì mày đã toi đời rồi con ạ.”
Chúng tôi ngồi nháy mắt nhìn nhau cười.
Dân làng gánh những thúng cơm đến phát cho chúng tôi. Mỗi phần ăn
được chừng một bát cơm và một miếng cá khô gói trong lá chuối. Phần ăn
dù ít cũng không đủ để phát đều cho tất cả chúng tôi. Lý do khá giản dị
là không ai tưởng tượng nổi con số chúng tôi bị bắt đông đến như vậy.
Khoảng 2 giờ trưa, bọn Việt Cộng được tăng cường thêm bộ đội chủ lực
đến, di chuyển tất cả tù binh chúng tôi ra phá Tam Giang đợi gọ để đi
sâu vào trong đất liền.
Tại bờ phá, khi không còn bóng dáng người dân nào, chúng tôi bắt đầu
được nếm mùi thổ phỉ, kẻ bị tước bút, người bị lột đồng hồ, kẻ bị tháo
nhẫn, người bị gỡ dây chuyền. Nhiều tên du kích mặt mũi non choẹt, chừng
mười lăm, mười bảy tuổi vác M-16, vác AK la hét, chửi mắng chúng tôi.
“Thằng này đeo nhiều bút chắc chắn phải là thằng chỉ huy cấp lớn, lột hết bút nó đi.”
“Thằng này để nhiều râu chắc chắn phải là thằng sĩ quan, lột đồng hồ của nó ra.”
Thôi thì có quá nhiều lý do “chính đáng” để chúng tôi bị lột sạch. Thậm
chí đến sợi dây kim loại để đeo thẻ bài chúng tôi cũng bị lột với lý do
là phương tiện chiến tranh của quân đội Ngụy.
Ưu tiên sĩ quan chúng tôi qua phá trước hết.
Trong khi tập họp đợi tất cả mọi người qua phá, một tên hình như là cán bộ chính trị đứng thao thao bất tuyệt với chúng tôi.
Nào là quân đội nhân dân là quân đội bách chiến bách thắng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng.
Nào là các anh là những người may mắn đã được nhân dân và cách mạng giải phóng khỏi gông xiềng của Mỹ Ngụy.
Nào là chính sách khoan hồng nhân đạo của chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam đối với tù tàn binh biết ăn năn hối cải.
Nào là thành phố Ðà Nẵng đang bị bao vây mọi mặt, mọi phía từ đường núi, đường bộ, đường biển đến vùng trời.
Một người đứng lên hỏi.
“Xin anh giải thích cho chúng tôi một số điều, thứ nhất hành động
chôn người tập thể tại Huế trong trận tết Mậu Thân và bắn giết bừa bãi
những người dân vô tội tại đại lộ kinh hoàng năm 72, thứ nhì, tại sao
mang tiếng là xâm lược mà khi chúng tôi rút khỏi Quảng Trị và Huế, dân
chúng lại bỏ chạy hết vào Ðà Nẵng và Sài Gòn để tránh nạn Cộng Sản, thứ
ba, anh giải thích thế nào về hành động quân đội nhân dân của các anh đã
và đang cướp bóc ở bên kia phá, thứ tư, chúng tôi sử dụng súng đạn của
đế quốc Mỹ hay mấy anh sử dụng súng đạn của Cộng Sản Nga, Tàu để tàn sát
đồng bào, thứ năm…”
Tên cán bộ chính trị Việt Cộng tức giận ngắt lời và ra lệnh cho bọn thủ hạ.
“Lôi cổ thằng ngoan cố này ra ngoài” – quay sang chúng tôi, hắn gằn
giọng – Các anh phải biết Đảng và nhân dân chỉ khoan hồng cho người nào
thực sự biết ăn năn hối cải, còn tên nào ngoan cố chỉ có hại vào thân
thôi.”
Nói xong, tên này hầm hầm đi ra ngoài.
Chúng tôi nghe một tiếng súng nổ ở phía phá Tam Giang.
Khi mọi người đã qua phá xong, chúng tôi bị dẫn đi dọc theo con đường đất quanh co hướng về phía quốc lộ 1.
Lúc nãy, ở bờ phía bên kia phá, chúng tôi được nếm mùi cướp bóc, thổ
phỉ, và bây giờ trên con đường đất hai bên là ruộng, là lùm, là bụi này,
chúng tôi được thưởng thức món giết người.
Ðoàn tù chúng tôi đi thất thểu trên đường, đoành một tiếng, một xác
người ngã xuống bờ ruộng, đoành một tiếng, một xác người nữa ngã xuống
bờ ruộng. Một người đi ngay bên cạnh tôi bị bắn vào đầu, máu và óc văng
dính cả vào người tôi.
Trò bắn giết rất kỳ cục và khó hiểu. Những người bị bắn chết và những
người không bị bắn -hay chưa bị bắn- đều không hiểu tại sao bọn Việt
Cộng lại bắn người này mà không bắn người kia. Tại sao thằng Việt Cộng
này không bắn người này mà bắn người nọ? Chúng tôi rất hoang mang nhưng
lúc này không ai có phản ứng gì, mọi người vẫn cứ lầm lũi, thất thểu đi.
Ðói, khát, mệt mỏi và luộm thuộm lếch thếch, chúng tôi đi, hoang mang
không hiểu bao giờ đến lượt mình bị bắn.
Số người bị bắn mỗi lúc dĩ nhiên mỗi nhiều hơn. Tất cả lon lá đã được
gỡ ra từ sáng, khi chúng tôi mới nhận được quần áo mang từ bờ biển vào.
Râu ria trên mặt biểu hiệu cho chức cấp hiểu theo nghĩa Việt Cộng cũng
không phải, vì nhiều người để râu, trong đó có cả tôi, không hay chưa bị
bắn, nhiều người râu ria nhẵn nhụi đã bị bắn.
Mãi về sau, khi nghe được bọn Việt Cộng cầm súng đi tìm người để bắn
nói chuyện với nhau chúng tôi mới vỡ lẽ ra. Những tên Việt Cộng nào đã
từng bị tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến nào đánh cho xất bất xang bang lúc
trước, lúc này cứ đi tìm huy hiệu và bảng tên của tiểu đoàn đó mà bắn.
Người mặc áo có gắn phù hiệu của tiểu đoàn 5 không bị thằng Việt Cộng
này bắn nhưng bị thằng Việt Cộng khác bắn. Người mặc áo có gắn phù hiệu
tiểu đoàn 3 bị bắn bởi thằng Việt Cộng không bắn người mặc áo của tiểu
đoàn 4.
Chúng tôi lột hết bảng tên và phù hiệu tiểu đoàn.
Cuộc bắn giết thưa dần rồi chấm dứt.
Chúng tôi bị đưa về căn cứ La Sơn nhốt tạm để sau đó, hạ sĩ quan và
binh sĩ bị đưa nhốt ở Khe Tre, Nam Ðông. Ðám sĩ quan chúng tôi bị đưa về
cây số 23, gần ngay chỗ Ban chỉ huy tiểu đoàn 4 ít ngày trước, đối diện
với làng Ðồng Lâm.
Khoảng giữa tháng Tư, chúng tôi bị đưa về trại tù binh chính thức nằm
phía bắc Khe Sanh, sát biên giới Lào, ở ngay đầu nguồn sông Bến Hải.
(Hết)
California, 1985