Nguyễn Ngọc Ngạn
Chẳng bao giờ Hựu có thể mường tượng nổi cái nghèo lại ập đến với chàng một cách bất ngờ và tàn bạo như thế. Thành phố kỹ nghệ vốn có tiếng là sầm uất nhất nước, nơi chàng định cư hơn sáu năm nay, bỗng một sớm một chiều thay đổi hẳn bộ mặt. Các hãng xưởng thi nhau sa thải công nhân, sinh hoạt thương mại mọi ngành tê cứng lại, thoi thóp trong cảnh nằm chờ chết. Bao nhiêu năm qua, từ thuở Hựu còn cắp sách đến trường, đã nghe người ta nói đến chu kỳ suy thoái hoặc khủng hoảng trong nền kinh tế tư bản như một thứ qui luật tất yếu của hệ thống cung cầu tự do. Các lý thuyết gia miệt mài tìm hiểu và cắt nghĩa hiện tượng để tìm phương thức ngăn chặn, nhưng thực tế vẫn khắc nghiệt xảy đến, không cách nào tránh khỏi.
Khoảng thời gian này hai năm về trước, cuộc sống của Hựu trải rộng trước mắt, thênh thang một viễn tượng màu hồng rực rỡ. Giả như cứ trơn tru tiến bước như chàng dự phóng thì chỉ vài năm nữa, Hựu có thể an nhàn hưởng thụ, về hưu ở tuổi mới ngoài bốn mươi.
Khoảng thời gian này hai năm về trước, cuộc sống của Hựu trải rộng trước mắt, thênh thang một viễn tượng màu hồng rực rỡ. Giả như cứ trơn tru tiến bước như chàng dự phóng thì chỉ vài năm nữa, Hựu có thể an nhàn hưởng thụ, về hưu ở tuổi mới ngoài bốn mươi.
Ðặt chân vào ngành địa ốc đúng thời điểm thị trường bắt đầu bốc mạnh, chẳng cần bao nhiêu kinh nghiệm nghề nghiệp, Hựu cũng đã nhanh chóng thành công, gây dựng được một số vốn khá lớn. Mà không phải riêng Hựu. Những tay hiền lành và thầm lặng nhất trong cộng đồng, không có vẻ gì là thích hợp với vai trò trung gian mua bán, thế mà gặp lúc cơn sốt nhà cửa tăng vọt, họ cũng kiếm tiền dễ dàng như trở bàn tay. Cái nghề làm chơi ăn thiệt, thời khóa biểu hết sức linh động, chẳng ai gò bó. Mỗi ngày thức giấc khi trời đã sáng rõ, lang thang ra quán cà phê, có khi chỉ trong câu chuyện thường đàm vớ vẩn với một người không thân thiết lắm cũng nảy ra một thương vụ béo bở. Lâu lâu tạt vào công ty, nhìn những khuôn mặt rạng rỡ của đồng nghiệp, đùa giỡn xôn xao như trẻ thơ đón Tết, chia sẻ với nhau toàn những tin vui. Có đêm cao hứng tụ tập bằng hữu ở quán nhậu, đốt tiền không chút đắn đo, nói chi đến những màn tắm hơi, hưởng lạc... là điều dường như không thể thiếu được khi người đàn ông thấy mình dư giả. Phú quí sinh lễ nghĩa, hội hè đình đám trong thành phố, nhóm nào ngỏ lời xin ủng hộ, Hựu cũng rộng lượng ký cheque ngay.
Chàng tặng quà cho thí sinh dự thi hoa hậu, phát giải cho các em trong dịp Tết Trung Thu, góp phần bảo trợ đồng bào ở trại tị nạn... hầu như chỗ nào tên chàng cũng được long trọng nhắc đến như một Mạnh Thường Quân hào phóng nhất. Chàng nghiệm ra một chân lý của cuộc đời là không có gì thoải mái bằng được sống giữa xã hội văn minh mà không phải lo sinh kế. Y phục xứng kỳ đức! Mới ngày nào quần jean áo bạc vật lộn với máy móc trong hãng xưởng, bây giờ Hựu nhanh chóng lột xác, lôi về bốn năm bộ vest thời trang của Harry Rosen, chú ý đến màu sắc của từng chiếc sơ-mi, cà-vạt và bí-tất, bộ nào ra bộ nấy. Chàng mướn dài hạn chiếc BMW bốn cửa, gắn điện thoại trong xe và cẩn thận hơn, mua thêm cái beeper gài ở cạp quần. Vẫn chưa đủ. Ít lâu sau, Hựu lại sắm thêm cái điện thoại cellular cầm tay như một cái mode cần thiết để chứng tỏ với bá tánh là lúc nào chàng cũng bận rộn. Cái phone ấy, lắm khi không cần thiết, chàng vẫn sử dụng ngay trên đường phố hoặc trong quán cà phê đông người để thiên hạ thấy rõ phong độ chuyên nghiệp của mình, cũng như bộ tuxedo đắt tiền chàng mua chơi, mặc dù chưa có cơ hội mặc thử.
Mới đó mà mọi chuyện đã trở thành dĩ vãng tưởng như xa xôi lắm. Thị trường địa ốc đang nóng bỏng, nhà cửa đang lên giá vùn vụt thì bỗng dưng dừng hẳn lại rồi tụt nhanh như chiếc xe trên triền dốc đứng. Lạ quá! Sao lại như thế được? Nhà đất đâu phải là chim cút mà hôm nay còn là tài sản kếch xù, ngày mai đã trở thành vô dụng? Từ nay đến 1997, dân Hồng Kông còn kéo sang nườm nượp thì lý do gì nhà bỗng mất giá? Hựu không tin. Ðồng nghiệp của chàng cũng nhất định ngờ vực. Chắc chỉ đứng giá tạm thời trong ít lâu rồi đâu lại vào đấy. Thì cứ nhìn sang New York sẽ thấy ngay. Một mảnh đất nhỏ nhoi chỉ căng đủ cái lều giữa khu thị tứ cũng đáng giá cả trăm ngàn Mỹ kim. So với thị trường ấy, vùng đất này đã thấm vào đâu! Toàn những luận cứ để tự an ủi và xoa dịu lẫn nhau nhưng thực tế vẫn trái ngược, cảnh <Ỵ147>bể dâu<Ỵ148> vẫn diễn ra, đem ê chề cho bao nhiêu người trong thành phố. Một tháng chính phủ tăng lãi suất ba lần, lại đúng vào lúc hiệp ước thương mại free trade vừa có hiệu lực khiến những nhà đầu tư lâu năm rút gần hết vốn liếng về Mỹ và chuyển hướng sang Mễ Tây Cơ, nơi có lực lượng lao động dư thừa và rẻ mạt.
Ngày ngày Hựu đến văn phòng, đăm chiêu đàm luận với các đồng nghiệp, bàn ra tán vào toàn những lời lẽ ưu tư chất chứa. Những giọng cười sảng khoái tự tin, những cử chỉ nghênh ngang ngạo nghễ biến đâu mất cả để chỉ còn lại không khí trang nghiêm của một công ty địa ốc vừa bước sang một khúc rẽ nặng nề. Làm gì còn những ngày open house mới sáng sớm đã hàng loạt người ùa vào xem, hăm hở ký offer trả giá! Làm gì còn cái thuở mà những căn nhà cổ lỗ, ọp ẹp, hàng đàn gián bình thản nối đuôi nhau dạo quanh tường mà vẫn có người sẵn sàng dọn vào! Còn đâu nữa cái thuở vàng son một căn nhà lên list chưa đầy ba ngày đã bán xong và thậm chí có lần chính Hựu đã bán cái condominium hoàn toàn trên giấy tờ,
khách hành không thèm đến coi, bởi họ chỉ cốt ý mua để sang tay kiếm lời mà thôi! Ngày trước đi làm trong nhà máy, hằng tuần háo hức chờ lãnh tấm cheque hơn 400, Hựu đã thấy cuộc sống tương đối ổn định rồi. Sang ngành địa ốc, mỗi lần bán căn nhà nhỏ, tiền commission chỉ một hai ngàn, chàng nhìn tấm cheque khinh bỉ vì thấy thua sút nhiều đồng nghiệp trong hãng. Lâu lâu ra phố hoặc đi dự tiệc, tình cờ gặp lại những người bạn cũ vẫn còn bám lấy công việc ở nhà máy, chàng nao nao tội nghiệp và càng hãnh diện vì mình đã sáng suốt chuyển nghề đúng thời điểm.
Nhưng sông có khúc, người có lúc. Cuộc đời chẳng biết thế nào là khôn dại. Bây giờ thì Hựu đến văn phòng thường xuyên hơn, lý do giản dị là khách mua nhà biến đâu hết cả. Mỗi ngày lật nhanh tờ báo, lớn tiếng bàn bạc về chính trị, một lãnh vực mà chàng chưa bao giờ để ý đến. Chính trị ở đây không phải là vấn đề chống Cộng cứu nước hay tình hình biến chuyển của Ðông Âu mà là phê phán chính phủ Canada bất tài, giết chết nền kinh tế đang phồn thịnh, đưa cả nước vào chu kỳ suy thoái, gây bao nhiêu cảnh giở khóc giở cười cho bá tánh. Ðầu thập niên 80, những thành phố lớn ở Manitoba, Alberta, Texas... cũng đã từng lâm vào cảnh này, nhưng người ta dễ dàng thông cảm bởi biết rõ nguyên nhân là dầu hỏa. Còn ngày nay thì vô lý quá. Thành phố đang như chàng trai sung sức, đột ngột lâm bệnh liệt giường liệt chiếu và Hựu thấy chỉ có thể cắt nghĩa được tình trạng này bằng nguyên cớ duy nhất là chính phủ ngu ngốc!
Ở văn phòng địa ốc, chẳng phải một mình Hựu đau khổ. Hầu như ai cũng ít nhiều điêu đứng và nếu cứ đà này thì chỉ vài tháng nữa cả công ty sẽ sập tiệm. Công ty sập tiệm không quan trọng lắm, bởi vì thảm cảnh đích thực của Hựu không phải là chỉ mất cái job nhàn hạ và sung túc này, mặc dầu chàng có tiếc thật. Mối lo gan ruột làm chàng mất ăn mất ngủ hiện nay là chàng đang cõng trên lưng tới ba căn nhà, một để ở, hai để đầu tư, mà cả ba gánh nặng ấy đều chỉ trông vào nguồn lợi tức duy nhất chàng kiếm hằng tháng. Chàng cũng có cho người thuê, nhưng nhà mua vào lúc giá quá đắt mà chàng đặt cọc không có bao nhiêu, giật đầu này đắp đầu kia theo kiểu mượn đầu heo nấu cháo, cho nên tiền cho mướn thu được hàng tháng không bao giờ tự trả nổi mortgage. Chàng vẫn phải lấy credit của mình bù đắp, hy vọng nhà lên giá thì tống ngay đi kiếm chút cháo. Ðàn anh trong nghề bảo Hựu: ”Làm nghề bán nhà muốn khá phải biết đầu tư. Chỉ ăn commission thì suốt đời không bao giờ giàu được”. Câu chỉ dẫn đầy kinh nghiệm ấy, giờ đây đang trở thành cái án tử cho Hựu và đồng nghiệp.
Không có khách, Hựu vẫn kiên nhẫn đến văn phòng ngồi chờ hoặc lang thang ra quán cà phê tiêu nốt những đồng bạc khan hiếm cuối cùng, vẫn đăng quảng cáo dài hạn và theo dõi báo chí địa phương, đợi chờ một phép lạ khiến thị trường địa ốc sống lại. Hai căn nhà của Hựu cắm bảng ”for sale” đã cả năm nay, chỉ có một người hỏi và không hề trả giá. Hàng loạt các căn nhà khác thiên hạ nhờ Hựu lên list cũng chìm trong im lặng. Có người sốt ruột khuyên Hựu nên giao nhà của chàng cho ngân hàng, đừng nuôi thêm hy vọng hão huyền nữa. Ðau lâu tốn thuốc! Giữ lại ngày nào, phí tiền ngày ấy. Nhưng Hựu không đành lòng, phần vì tiếc của, phần vì vẫn còn tin rằng thị trường sẽ phải phục sinh, không thể cứ trì trệ mãi thế này được. Vả lại, giao nhà cho ngân hàng cũng chẳng giải quyết được gì, bởi lúc mua, Hựu đặt cọc quá ít, nợ nhà băng quá nhiều. Nhà băng phát mại khi nhà xuống giá, thu không đủ phần tiền chàng nợ, có nghĩa là chàng chẳng những đã mất nhà mà vẫn còn thiếu ngân hàng thêm mấy chục ngàn nữa. Ðúng là cái vũng lầy Hựu lỡ bước chân xuống, rút ra không được mà càng cựa quậy càng lún sâu thêm. Thực chất con người Hựu vốn không phải là kẻ ưa bốc đồng, vung tay quá trán. Chính Hựu cũng biết giá nhà tăng một gấp đôi, gấp ba trong hai năm 87 và 88 không phải là giá trị đích thực của căn nhà, mà do yếu tố tâm lý quần chúng tạo nên. Chẳng qua vì bị lôi cuốn theo nỗi háo hức chung ấy, cộng thêm một chút bất cẩn khi tính toán và một chút lạc quan quá trớn trong khi phân tích thị trường mà ngày nay chàng phải đối diện một bài toán hóc búa hầu như không có giải đáp.
Hơn một năm không có lợi tức, credit line hai mươi ngàn đã gần hết, hai cái thẻ tín dụng cũng đụng tới limit, vài món nợ tư nhân lãi suất cắt cổ, tháng tháng chỉ trả tiền lời cũng đủ làm Hựu hụt hơi. Chàng không biết tính toán thế nào để tìm cho ra lối thoát, cả ngày cứ đăm chiêu suy nghĩ, mấy lần ngồi trên xe vượt cả đèn đỏ suýt gây tai nạn. Về nhà, chàng đứng ngồi không yên, chán ngán nhìn những hóa đơn gửi đến dồn dập. Hai đứa con xúm lại kể chuyện, Hựu hững hờ ra mặt và đôi khi bẳn gắt vô cớ. Hựu hay đứng thẫn thờ ở cửa sổ, ngó ra khu vườn sau, nơi chàng đã chăm chút bãi cỏ xanh tươi và hàng cây ăn trái, nao nao nhớ lại hôm ăn tân gia, bạn bè kéo đến đông đảo, ai cũng trầm trồ khen ngợi. Có người bảo:
“Hai vợ chồng với hai đứa con, mua nhà lớn quá, ở sao cho hết!”
Họ nói đúng. Nhà Hựu lớn thật. Nhưng mai kia sẽ vừa vì gia đình bên vợ chàng sắp qua thêm bốn người nữa. Và để chuẩn bị đón tiếp, Hựu chiều vợ, sắm sửa tất cả mọi thứ cần thiết mà vợ chàng yêu cầu.
Bây giờ thì tình hình đã biến đổi, không chắc cái ngày thân nhân bên vợ Hựu qua, họ còn có dịp chui vào căn nhà thênh thang này nữa. Bởi chính Hựu cũng không nắm vững được là chàng sẽ còn ở đây cho đến bao giờ! Mỗi khi thơ thẩn dạo quanh vườn, Hựu buốt nhói hình dung chỉ trong một tương lai rất gần, chàng sẽ đánh mất tổ ấm này, nếu không có một phép lạ. Mà phép lạ nào bây giờ, ngoại trừ trúng Loto 6/49 Hựu vẫn mua hằng tuần.
Một hôm có người điện thoại đến ngỏ ý muốn mua nhà. Buồn ngủ gặp chiếu manh, chưa biết có hy vọng gì không nhưng Hựu bật dậy, ăn mặc chỉnh tề lấy lại phong độ rồi phóng xe đi ngay đến điểm hẹn. Khách là một người đàn bà trẻ, dắt theo đứa con chừng năm tuổi, đứng chờ Hựu trước cửa một cao ốc trên đường Jane. Hựu dừng xe, bước xuống niềm nở chào rồi vỗ nhẹ vào vai đứa bé, vui vẻ hỏi:
“Cháu tên gì?”
Không chờ nó trả lời, Hựu mở cửa mời hai mẹ con lên xe và nhập đề:
“Tôi là Hựu, chị biết rồi. Xin lỗi, tôi chưa được biết quí danh chị?”
“Dạ, tôi tên là Liễu.”
Hựu chuyển mục:
“Chị mua nhà lúc này có hai cái lợi lớn. Thứ nhất là giá nhà đã xuống nhiều, và thứ hai là chị có nhiều cơ hội để chọn lựa, không như mấy tháng trước.”
Liễu quay lại phía sau bảo con cài seat belt rồi gật đầu:
“Vâng, hồi đó tôi cũng định mua, nhưng thấy người ta chụp giựt quá thành ra tôi hoãn lại.”
Hựu thăm hỏi chi tiết về sở thích của khách: Nhà loại gì, nhằm mục đích thương mại hay thuần túy để ở, mấy phòng ngủ, khu vực nào, gần trường học, trạm xe bus, subway v.v... để rồi cuối cùng chàng đề nghị đưa mẹ con Liễu về văn phòng, dò computer, chọn cho nàng căn nhà thích hợp. Liễu ngần ngại từ chối:
“Thôi, khỏi mất công anh. Anh cứ cho mẹ con tôi đi coi vài căn, được thì tôi lấy.”
Hựu chiều ý:
“Vâng, vậy cũng được. Nhưng bữa nay chắc không coi được nhiều, bởi chị gọi bất ngờ, tôi mới chỉ lấy hẹn được hai ba căn. Giờ này phần lớn chủ nhà đều đi làm. Nhà thì rất nhiều, nhưng phải hẹn trước lấy chìa khóa.”
Liễu vui vẻ:
“Coi hai ba căn cũng đủ mệt rồi. Mai tiếp.”
“Vâng, tối nay tôi lấy hẹn, ngày mai đưa chị đi coi cả ngày cũng được.”
Rồi Hựu theo thói quen nghề nghiệp:
“Ai giới thiệu tôi cho chị?”
“Tôi đọc quảng áo trên báo.”
Hựu gật đầu, à nhỏ một tiếng. Liễu tò mò hỏi lại:
“Lúc này nhà còn bán được không anh?”
Hựu nhấn mạnh:
“Vẫn được chứ chị! Giảm đôi chút, chừng ba mươi phần trăm thôi!”
Nói dứt câu, Hựu nén tiếng thở dài và lảng sang đề tài khác. Chàng thấy ngượng vì lời phát biểu lạc quan của chàng không đúng với sự thật. Hựu càng ngượng hơn khi liếc mắt nhìn qua bên cạnh, thấy rõ trong ánh mắt Liễu thoáng hiện vẻ ngờ vực và chế giễu. Một người bình thường nhất cũng biết rõ rằng trong cơn suy thoái kinh tế hiện nay, vấn đề nhà cửa đang làm điêu đứng cả thành phố, và đặc biệt, cộng đồng Việt bị tác hại trầm trọng bởi sự đầu tư quá đà, đua nhau mua nhà theo trào lưu thôi thúc, gần như tham dự một trò chơi cờ bạc. Có người mua căn nhà quá lớn, vượt hẳn khả năng tài chánh của mình. Có người đáng lẽ chỉ nên sắm một căn thì lại lạc quan vay thêm second mortgage để tậu thêm hai ba căn khác. Kinh tế cứ bình thường, gồng mình trả nợ ngân hàng cũng đã đủ mệt rồi, huống chi gặp lúc suy thoái. Những sắc dân như ý, Bồ Ðào Nha... vẫn còn mua bán lai rai, chứ riêng cộng đồng Việt thì mãi lực trên thị trường địa ốc lúc này kể như đã hoàn toàn câm lặng.
Im lặng một lúc, Hựu hỏi:
“Chị định mua nhà giá bao nhiêu?”
Liễu không suy nghĩ:
“Chừng ba trăm ngàn trở lại.”
Hựu hơi giật mình, vừa mừng vừa lo. Ðang rách, bán được căn nhà cỡ này là tốt rồi. Nhưng kinh nghiệm cho thấy, đưa khách đi coi nhà mà chỉ có riêng vợ hoặc chồng thì thường chẳng bao giờ thành công, chẳng bao giờ close được cái deal dù to hay nhỏ. Biết bao nhiêu lần người vợ đã dứt khoát quyết định, rồi anh chồng chỉ chê một tiếng, chuyện lại không đi đến đâu. Và ngược lại, người chồng hăm hở đòi ký giấy offer, vợ nhíu mày lắc đầu, Hựu lại ra về tay không. Bởi vậy, để tiết kiệm thì giờ, Hựu luôn luôn đòi có mặt cả hai vợ chồng khi anh đưa đi xem nhà. Ở Bắc Mỹ này, căn nhà là sự nghiệp một đời, không phải một món hàng tiêu dùng vớ vẩn, cho nên khách hàng nào cũng cân nhắc tỉ mỉ trước khi đặt cọc. Hựu dè dặt thăm hỏi:
“Nhà ba trăm ngàn, mua lúc này là nhà khá lớn đấy. Gia đình chị có đông người không?”
Câu hỏi ấy chỉ là cách nhập đề lung khởi để Hựu khám phá cái điều chàng cần biết là Liễu có chồng hay không! Nếu có, Hựu sẽ hẹn ngày mai hoặc một ngày cuối tuần để cả hai cùng hiện diện. Liễu bình thản đáp:
“Ở không hết thì cho mướn, phụ trả tiền nhà.”
Câu trả lời vẫn chưa đúng ý. Hựu lại vòng vo kể:
“Hôm trước có hai vợ chồng nhờ tôi đưa đi coi căn nhà ở đường Bloor. Cả hai vợ chồng đều thích lắm, đồng ý ký giấy offer. Phút chót bà mẹ vợ đòi đi coi. Bà cụ chỉ chê có cái cầu thang hơi dốc, thế là cả nhà đổi ý, không mua nữa. Thành ra, đi coi nhà nên dẫn cả nhà cùng đi. Hoặc ít ra là những người có quyền quyết định.”
Liễu cười:
“Tôi toàn quyền quyết định, anh cứ yên chí!”
Xe dừng lại trên đường Dufferin trước một căn nhà gạch hẹp ngang và sâu hun hút. Ðó chính là căn nhà của Hựu đang cho mướn. Hựu mở cửa xe cho mẹ con Liễu và giải thích:
“Nhà này bốn phòng, chưa kể basement. Cho thuê rất tiện vì có lối đi riêng bên hông.”
Chàng bước lên thềm, đưa tay ấn chuông, chờ một lát rồi lấy chìa khóa riêng mở cửa mời Liễu vào. Chàng bật đèn rồi dẫn hai mẹ con đi một vòng khắp các ngõ ngách, xuống cả basement và chui ra cái sân nhỏ phía sau. Chàng toan đưa Liễu lên lầu nhưng biết có người trên đó nên chỉ đứng ở chân cầu thang và bảo:
“Trên đó hai phòng ngủ, rộng rãi lắm!”
Nét mặt Liễu bình thản đến độ hờ hững. Có lẽ nàng chê căn nhà cũ quá! Hựu đoán thế và lên tiếng phân trần:
“Nhà trong phố thì căn nào cũng đại khái như thế này. Nhưng được cái tiện đường xe bus. Bước ra cửa là có trạm xe ngay. Xéo bên kia là trường học.”
Liễu gật đầu theo Hựu ra cửa. Ðứa con nàng đứng trên thềm chỉ tay ra phía ngã tư và nói:
“Mẹ ơi, McDonald kìa!”
Hựu vừa khóa cửa vừa quay lại bảo:
“Cháu muốn ăn McDonald hả? Ðược, lên xe đi, chú đưa qua.”
Liễu nói bâng quơ:
“Tối ngày chỉ ăn toàn đồ ăn Tây, thức ăn Việt, món nào nó cũng chê!”
Rồi nàng cúi xuống bảo đứa bé:
“Con ăn gì thì cho bác biết, bác mua cho. Humburger hay Big Mac?”
Nghe câu nói dịu dàng và lịch sự của Liễu, đến mấy phút sau, ngồi trong xe, Hựu mới nhận ra sự vô lý của nó: Dường như Liễu coi việc mua McDonald cho con nàng là một bổn phận tự nhiên của Hựu. Có nghĩa là, khi một người agent đưa khách đi coi nhà, thì phải mời khách ăn trưa luôn, dù chưa biết người ấy sẽ có mua nhà hay không! Dĩ nhiên, cho đứa nhỏ ăn một chầu McDonald đến vỡ bụng cũng chẳng tốn bao nhiêu. Nhưng Hựu thấy buồn lòng vì Liễu coi đó là trách nhiệm tự nhiên của người bán nhà.
Và cứ thế, liên tiếp trong ba ngày. Buổi sáng, khoảng 10 giờ, Hựu đem xe lại đón. Chạy vòng vòng coi nhà, ghé tiệm phở ăn trưa, tạt vào McDonald mua humburger cho đứa bé, rồi chiều tối lại chở mẹ con Liễu về. Tính ra, từ đông sang tây, cả chục căn rồi mà Liễu vẫn chưa ưng ý. Cũng không sao, lúc này Hựu rảnh rỗi lắm. Vả lại, kinh nghiệm nghề nghiệp cho thấy khách hàng nhiều người rất khó tính, bán buôn phải chiều khách là điều tự nhiên.
Sang ngày thứ tư, Hựu phone cho Liễu để lại đón thì nàng thẳng thắn bảo Hựu:
“Thôi, anh khỏi tới nữa. Tôi đổi ý, không mua nhà nữa. Ðịnh dùng tiền để mở business. Anh cảm phiền vậy!”
Hựu níu kéo vài câu rồi buông điện thoại. Chàng thờ thẫn lái xe đến văn phòng. Công ty địa ốc lúc này vắng ngắt, tiếng phone lâu lắm mới lại vang lên. Ðồng nghiệp quá nửa đã bỏ nghề đi tìm việc khác. Và đó mới thực là một thảm cảnh. Người ta đi lên thì thênh thang, đi xuống thì quá vất vả. Ðã quen nghề tự do ăn trắng mặc trơn, đã quen tiêu pha rộng rãi, bây giờ quay về hãng xưởng giờ giấc bó buộc, đồng lương cố định, người nào cũng cảm thấy tù túng khó chịu. Mà nói thế thôi chứ lúc kinh tế suy thoái, muốn tìm một công việc bảy tám đồng trong xí nghiệp cũng hết sức lao đao, không phải dễ kiếm.
Cô thư ký của hãng địa ốc gật đầu chào Hựu rồi trao cho chàng một xấp message người ta gọi tới lúc Hựu vắng mặt. Chàng đón lấy, liếc nhanh từng tờ và ngao ngán thở dài. Toàn những số điện thoại và những cái tên quen thuộc. Hai tờ báo đòi tiền quảng cáo đã nửa năm nay Hựu chưa trả. Hãng xe yêu cầu chàng gọi lại vì tháng rồi chàng ký cheque không tiền bảo chứng. Hựu thấy xấu hổ với chính mình bởi thực chất con người chàng vốn tự trọng, luôn luôn đề phòng những tai tiếng về tiền bạc. Không ngờ hoàn cảnh đưa đẩy chàng vấp phải cái lỗi mà chàng không bao giờ muốn phạm.
Hựu lật tiếp mấy mẩu giấy nhắn tin. Một người thuê nhà gọi chàng đến thụt lỗ cầu tiêu bị nghẹt. Một người khác báo tin cho Hựu biết cuối tháng này sẽ dọn ra, không mướn căn nhà của Hựu ở đường Dufferin nữa. Hựu đau nhói trong lòng tuy không ngạc nhiên lắm bởi người đó đã ngỏ ý từ tháng trước. Hựu bất đắc dĩ phải giảm giá thuê nhưng người ta thất nghiệp phải dọn ra để nhập chung với gia đình người quen.
Hựu bước vào bàn của mình, mệt mỏi ngồi xuống, đưa mắt nhìn quanh. Sâu tít trong góc phòng, Hựu thấy Phiên đang khoắng cà phê. Cả công ty, có lẽ chỉ còn mình Phiên đứng vững. Ông là một tay địa ốc già dặn và cẩn trọng. Chính ông đưa Hựu vào nghề và thường ân cần giảng cho chàng những kinh nghiệm hữu hiệu của công việc bán nhà. Và cũng chính ông thường khuyên Hựu phải nắm lấy thời cơ để đầu tư bất động sản. Ông lấy tờ giấy, viết những con số và bảo Hựu:
“Nếu ông có một trăm ngàn, đem gửi ngân hàng, lãi suất khoảng 8 hay 9%, compound interest, thì tám năm sau, một trăm ngàn sẽ tăng gấp đôi, nghĩa là ông có hai trăm ngàn. Nhưng cái trăm ngàn tiền lời đó sẽ phải nộp thuế, thành ra chỉ còn khoảng sáu chục ngàn thôi. Lại phải nhớ rằng, mức lạm phát chính thức mà chính phủ công bố hằng năm là 4.5 đến 5%. Nghĩa là cứ một đồng bạc năm nay thì chỉ trị giá 95 xu năm tới. Ông làm một con tính, ông sẽ thấy tổng số tiền lời một trăm ngàn, sau khi trừ thuế và trừ tỷ lệ lạm phát, ông chỉ còn chừng bốn chục ngàn. Chưa kể, trong tám năm đó ông vẫn phải đi mướn nhà trả tiền thuê hằng tháng. Thành ra bao nhiêu tiền lời chỉ để trả tiền mướn nhà. Cho nên thà rằng ông đem một trăm ngàn mua nhà. Nhà có lúc lên lúc xuống, nhưng chỉ là nhất thời thôi. Về đường dài, nhà không bao giờ lỗ. Lúc lên, ông biết lợi dụng thời cơ. Lúc xuống, phải cố gắng cầm cự để chờ thời!
Những điều Phiên nói ra không phải chỉ là lời rao hàng của một chuyên viên địa ốc nhằm dụ dỗ người ta mua nhà, mà là những dữ kiện có thật dựa trên các thống kê của nhiều giáo sư đại học chuyên về tài chánh. Trong suốt ba mươi năm qua, từ 1960 đến 1990, ngành đầu tư đã chứng tỏ rằng nhà cửa đem lại lợi nhuận cao nhất, vượt cả thị trường chứng khoán, vàng bạc và công khố phiếu. Canada Savings Bonds là phương thức đầu tư vững chắc nhất, có lúc tiền lời lên đến 19.5% như năm 1982, nhưng tính đổ đồng nhiều năm thì lãi suất trung bình chỉ là 7%, trong khi nhà đất được ghi nhận tới 12%. Dĩ nhiên những thăng trầm bất khả kháng của thị trường, lúc tăng vọt như điên dại, lúc mất giá một cách thảm thương, đều chỉ là những chặng đường ngắn ngủi rồi sẽ qua đi. Về lâu về dài, địa ốc vẫn là cái nôi an toàn của mọi người, miễn đừng coi đó là một canh bạc nhất thời.
Ðồng nghiệp trong công ty không ngạc nhiên thấy Phiên thành công bởi ông là người mực thước, biết lui biết tiến. Nhờ vậy, giờ này, trong khi bao nhiêu đồng nghiệp điêu đứng thì ông rất bình thản bởi ông chỉ có một căn nhà để ở, mortgage nhẹ nhàng, thất nghiệp cũng không sao. Lúc thị trường lên cao điểm, ông cũng đã nắm bắt thời cơ, mua đi bán lại, sang tay nhanh chóng, mỗi căn kiếm chút ít ném dần vào căn nhà căn bản của gia đình ông, chuẩn bị tinh thần sẵn cho thời kỳ tuột dốc hôm nay.
Phiên bưng tách cà phê lại bên bàn Hựu, kéo ghế ngồi và hỏi:
“Hôm qua tôi thấy ông chạy bên phố Tàu đông. Tôi bấm còi nhưng ông không để ý. Hình như ông chở mẹ con bà Liễu, phải không?”
Hựu ưỡn người dựa vào thành ghế, chán nản đáp:
“Ðưa bà ấy đi coi cả chục căn mà chả ăn thua gì!”
Phiên uống hớp cà phê rồi nhìn Hựu chia sẻ:
“Ông bị tổ trác rồi!”
Hựu quay người lại, trố mắt nhìn. Phiên chậm rãi tiếp:
“Con nhỏ đó chuyên môn phá người ta không à! Ông thấy mặt mũi nó hiền lành dễ thương, nói năng tử tế cứ y như là ma soeur, ông lầm chết. Một thời thằng cha Hoạch chết lên chết xuống, xém bỏ vợ vì nó đấy!”
Hựu càng tò mò:
“Ông nói nó phá là phá làm sao?”
Phiên kể:
“Con nhỏ đó làm gì có tiền mà mua nhà! Lãnh trợ cấp single mother, ở nhà chính phủ, tháng có mấy trăm bạc, làm sao mua nổi nhà! Hai mẹ con cứ lâu lâu lại mở báo biếu ra, lật trang quảng cáo rồi kêu đại một ông địa ốc đến, chở hai mẹ con đi chơi vòng vòng thành phố cho đỡ buồn. Thằng con đang nghỉ hè mà! Tôi bị rồi! Cả chục thằng bị rồi, chứ đâu phải riêng ông!”
Hựu thấy nghẹn ở cổ, lặng người không nói được gì nữa. Phiên bưng tách cà phê đứng dậy và buồn rầu tiếp:
“Mất thì giờ, tốn xăng vô ích mà còn phải mua McDonald cho thằng nhỏ nữa.”
Hựu ngượng ngùng cười khẩy:
“Tai nạn nghề nghiệp!”
Phiên lắc đầu thông cảm, rủ Hựu đi uống cà phê nhưng chàng thoái thác. Nói đúng ra lúc này Hựu ngại đi phố, tránh tụ tập ở các nơi công cộng. Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ! Hai ba chủ nợ, hễ gặp chàng là túm lấy đòi tiền. Cái điện thoại cầm tay từ mấy tháng nay không dùng tới nữa. Chiếc BMW mướn dài hạn, cố gắng cầm cự để giữ phong độ bề ngoài, chắc chắn cũng chỉ nội tháng này phải trả lại vì tài chánh kiệt quệ. Chàng ngồi đăm chiêu một lúc rồi với tay ấn nút bật cái ti-vi nhỏ đặt trên chiếc kệ đóng cao trên tường. Ông Tom Vu mặt tròn quay, đứng trên du thuyền bên cạnh hàng chục kiều nữ mặc bikini nằm phơi mông dưới ánh nắng, giữa đại dương lộng gió. Ông phồng mang trợn mắt thuyết phục thiên hạ đầu tư vào địa ốc để làm giàu. Bởi vì theo ông, nếu muốn có ngày được rong chơi bên bầy con gái như ông thì chỉ có con đường duy nhất là tạo mãi bất động sản. Giọng Anh văn nhà quê một cách cố tình của ông được lập đi lập lại cả trăm lần mỗi ngày trên băng tần quảng cáo độc quyền về nhà cửa. Ðem một người Mỹ có bằng cấp cao ra biểu diễn chắc chắn sẽ không ăn khách bằng đưa một người tị nạn ít học làm tấm gương về sự thành công. Cho nên mặc dù Tom Vu có thể nói tiếng Anh khá hơn, các cố vấn của ông nhất định bắt ông phải giữ nguyên cách phát âm rất bình dân đó, để nhấn mạnh rằng: ”If I can do it, anybody can do it!” Hựu cũng đã một thời say mê Tom Vu, bỏ thì giờ đến dự seminar, mua băng mua sách về học hỏi kinh nghiệm, mơ một ngày trở thành tay tư bản. Nhưng mộng chưa thành thì đã lâm vào ngõ cụt.
Hựu thở mạnh, tắt ti-vi và hững hờ mở tờ nhật báo ra xem. Lãi suất vẫn chưa có dấu hiệu gì là sẽ hạ thấp, mà các hãng xưởng thì đua nhau sa thải công nhân. Chàng quăng tờ báo, cầm xâu chìa khóa đứng dậy, uể oải bước ra cửa. Chàng vòng lối sau, men theo hành lang rẽ sang con đường nhỏ nơi chàng và bạn bè thường đậu xe. Bỗng thấy bên kia đường có bóng người quen, Hựu giật mình thụt lại, nấp vào gốc cây, đăm đăm ngó sang quan sát rồi nhẹ nhàng lùi dần, lùi dần cho đến khi chạm vào bức tường, quơ tay mở cửa và lao vội vào. Chàng trở lại văn phòng, kéo ghế ngồi thở. Người đứng chờ Hựu ở đường hẻm phía sau building mà Hựu vừa chạy trốn chính là bà chủ hụi mà chàng thiếu nợ đã mấy tháng.
Cơn sốt nhà cửa năm 88 như một thứ á phiện có ma lực quyến rũ đến nỗi Hựu hốt hụi non và đi vay lãi để lấy tiền đặt cọc! Bây giờ bình tâm nghĩ lại, chàng mới thấy mình quá vụng tính. Ðóng hụi mà hốt non thì chẳng có thứ lãi suất nào nặng hơn! Vay lời của tư nhân cũng là một thứ dây thừng xiết cổ, thế mà chàng lại dùng cả hai phương thức ấy để down nhà. Thử hỏi bán một căn nhà lời bao nhiêu để bù lại khoản tiền lời chàng nộp cho chủ hụi và chủ nợ hằng tháng? Bây giờ thì tiêu tan mọi hy vọng mà mấy món nợ cứ phải gồng mình gánh trên vai. Chàng làm ăn trong cộng đồng, sống bám vào cộng đồng, nên chủ tâm giữ chữ tín đến mức tối đa, nhất là về mặt tiền bạc. Nhưng trời chẳng chiều lòng người. Ðến nước này thì đành muối mặt trốn nợ. Chủ hụi điện thoại giục giã, chàng cứ khất lần mãi. Bất đắc dĩ bà phải đến tận văn phòng của Hựu và trách móc:
“Tôi biết đây là chỗ làm việc của ông, tôi không muốn nói chuyện tiền bạc, sợ mang tiếng cho ông. Nhưng ông không đóng hụi cho tôi thì tôi lấy tiền đâu để chồng cho người ta?”
Hựu ú ớ phân trần vài câu rồi ký chi phiếu dù chàng biết rõ trong trương mục không đủ số tiền chàng ký. Vài hôm sau chủ hụi đến tận nhà và nói thẳng, từ nay dứt khoát không nhận cheque của Hựu nữa. Cả hai cùng khổ sở. Hụi hè là một thứ tín dụng dựa trên lòng tin giữa những người quen biết nhau. Chính vì thế nó có tính cách dây chuyền, nương dựa vào nhau như những quân bài Domino, hễ một quân đổ thì những quân khác dễ dàng đổ theo. Hựu giật hụi, làm lung lay niềm tin của những tay khác khiến ai cũng nóng ruột đòi hốt hụi ngay vì sợ để lâu nguy hiểm. Bởi vậy, chủ hụi đôi khi bị giật mà vẫn phải ngậm đắng nuốt cay, không dám cho người khác biết.
Ngồi một lúc khá lâu, Hựu đứng dậy mon men tiến lại bức tường phía sau văn phòng, ngó qua cửa sổ. Chàng ngạc nhiên mừng rỡ vì thấy người đàn bà không còn ở đó nữa. Có lẽ chàng chỉ lo hão. Người ta tình cờ đi ngang chứ không chủ tâm đứng rình chàng. Tuy vậy, Hựu vẫn không dám ra ngay. Chàng đăm đăm quan sát một lúc cho chắc ăn. Chàng thấy một viên cảnh sát tiến lại đầu xe của chàng, ghi giấy phạt vì đã đến giờ cấm đậu. Hựu thở dài lẩm bẩm thành tiếng:
“Lại mất hai chục bạc!”
Cùng với tiếng than ấy, Hựu nhớ lại cái thời cực thịnh của mình hai năm về trước, chàng đậu xe bừa bãi khắp thành phố bất kể bảng cấm. Tiền Hựu kiếm dễ dàng mà parking ticket chỉ có mười đồng. Nhiều hôm nhận ba bốn tờ giấy vàng, Hựu nhìn khinh bỉ vì thấy món tiền không đáng để chàng bận tâm. Bây giờ thì hai chục đồng đã là lớn bởi cả năm nay Hựu không làm gì kiếm ra hai chục!
Chờ người cảnh sát đi khỏi, Hựu đẩy cửa bước ra, vừa đi vừa lấm lét nhìn quanh chiếc BMW của mình xem chủ nợ có ẩn núp đâu đó để xông ra chụp lấy chàng chăng! Hựu ngó sang bên kia con đường nhỏ. Chẳng có ai. Chàng tháo tờ giấy phạt nhét vào túi quần rồi mở cửa xe chui vào.
Về tới nhà, chàng thấy hai đứa con đang đuổi nhau trên sân cỏ, tiếng cười hồn nhiên vang lên từng chập. Bỗng dưng chàng đau nhói tội nghiệp vì chỉ nay mai chúng sẽ phải xa căn nhà này, quay về một cái apartment nghèo nàn nào đó, thiếu một khu vườn cho chúng đùa giỡn, một mảnh sân cho chúng tung tăng mùa hè. Hựu đặt chiếc Samsonite trên thềm, trước cửa ra vào rồi tiến lại chơi với các con. Quỳnh từ trong nhà bước ra, tay cầm tờ giấy, vui vẻ bảo Hựu:
“Em vừa phone cho anh, nhưng anh đi rồi. Có thư ở bên New York. Như vậy là chắc chắn gia đình em sắp qua.”
Hựu cố nở nụ cười, làm bộ hớn hở:
“Ừ, bảo lãnh cả bảy tám năm rồi còn gì!”
Quỳnh thản nhiên tiếp:
“Họ bắt phải trả tiền vé máy bay trước. Mai anh ra mua money order gửi cho họ!”
Hựu quay mặt chỗ khác, che giấu nét bối rối. Ðiều này chàng đã biết từ lâu. Những năm gần đây chính phủ Canada không ứng tiền trước cho người đi đoàn tụ nữa, bởi cho vay thì nhiều mà thu lại được rất ít. Hơn thế nữa, kinh tế Canada càng ngày càng xuống dốc, mọi thứ chi tiêu công cộng đều phải cắt giảm. Biết thế, Quỳnh nhiều lần nhắc chồng mở hẳn một trương mục tiết kiệm đặc biệt, bỏ riêng ra một ngân khoản để bất chợt khi nào bộ Di trú thông báo thì có ngay. Hựu đã làm theo và hứa với vợ là không bao giờ đụng đến món tiền tám ngàn Mỹ kim đó. Nhưng hứa là một chuyện. Gặp lúc túng quẫn, chẳng còn cách nào khác, chàng đành từ từ lôi ra trả mortgage mà Quỳnh không hề biết. Giờ này, nàng vẫn tưởng tiền vé máy bay cho gia đình nàng đã sẵn sàng và Hựu chỉ việc lấy ra. Hựu cố giữ giọng bình tĩnh:
“Bao nhiêu một người?”
“1250 Mỹ kim. Em tính rồi, tổng cộng mất tất cả chừng tám ngàn tiền Canada. Mai em đi với anh ra nhà băng. Gửi tiền xong, em đánh điện tín về cho bố mẹ em mừng.”
Hựu miễn cưỡng gật đầu rồi lảng nhanh sang đề tài khác:
“Hôm nay có thư từ gì không em?”
Quỳnh gật đầu:
“Có. Em để trên bàn. Chắc là toàn bill thôi.”
Hựu uể oải đứng dậy bước vào nhà. Chàng vừa cởi áo vest vừa tiến lại bàn ăn nhìn mấy cái phong bì xếp thành một xấp ngay ngắn. Từ bao nhiêu năm nay, mọi thứ chi tiêu trong nhà, hay nói đúng hơn, việc quản trị tài chánh gia đình hoàn toàn do bàn tay của Hựu, vợ chàng không can dự vào. Thư từ gửi đến, nếu không phải là của gia đình nàng từ Việt Nam, nàng không mở ra coi. Quỳnh giao hết mọi quán xuyến cho chồng và nàng tin ở khả năng của Hựu. Chính vì thế, cơn gia biến hiện nay đã trầm trọng lắm mà Quỳnh vẫn chưa nắm vững. Công việc làm ăn của Hựu gặp khó khăn, giá nhà trên đà tuột dốc, những tin tức ấy thì Quỳnh có biết, nhưng biết một cách đại khái và không cảm thấy lo ngại lắm bởi Hựu vẫn hàng ngày trấn an vợ. Những vay mượn chồng chất của Hựu ở ngân hàng, ngoài phố Tàu, Quỳnh hoàn toàn không được thông báo, cho nên giữa cảnh dầu sôi lửa bỏng như hôm nay, nàng vẫn bình thản như con chim làm tổ trên nóc nhà mà không biết căn nhà đang bốc cháy.
Hựu máng áo vest vào thành ghế, lật nhanh từng cái phong bì rất quen mắt mà không cần bóc ra chàng cũng biết là giấy đòi nợ của Visa và Mastercard. Chàng bỗng nhíu mày chú ý đến cái thư của sở thuế. Chàng lật đật mở ra coi và choáng váng suýt kêu lên vì con số mười một ngàn sở thuế đòi chàng phải trả do cái tội ngày trước gia nhập hệ thống AMWAY, đã ngây thơ nghe lời bạn bè, đi lượm biên nhận bậy bạ về khai income tax hai năm liên tiếp! Họa vô đơn chí! Chàng thở hắt ra, hai tay buông thõng, thừ người ngồi xuống ghế. Lâu lắm chàng mới uể oải đứng dậy tiến lại cửa sổ. Ngoài sân, nắng chiều còn trải dài trên thảm cỏ xanh mướt. Chàng thấy Quỳnh khom người đứng bên cạnh mấy cây hồng đang mùa nở rộ. Hai đứa con đuổi nhau trong vườn, giọng cười hồn nhiên vang lên từng chập.
Nguyễn Ngọc Ngạn
Canada 1991
Canada 1991