Hội An, Nơi Chôn Cuống Rún Thơ

Luân Hoán

Lâu năm trở lại Faifo
nghe hồn Phố Hội dạt dào cỏ cây
Chiêm, Hà, Bồ, Pháp, Tàu, Tây...
còn vương trong hạt bụi bay hững hờ
chỉ giùm ta vạt đất nào
đã chôn cuống rún trổ thơ thành chùm
...

Hội An, Hội An, với tôi là một tên gọi đằm thắm, thân quen như tên một người yêu chung tình.
Trong hơn sáu mươi năm tiêu xài cuộc sống, tôi đã trôi dạt đến nhiều nơi trên mặt đất,dòng máu trong tim tôi bây giờ không biết đã hao hụt bao nhiêu, đậm nhạt thế nào. Nhưng có một điều chắc chắn, chúng vẫn đỏ, và vẫn nồng nàn khi nghĩ về những địa danh ở quê nhà, nhất là nơi đã chôn giữ cuống rún bé nhỏ của mình.
Nhớ về Hội An, viết về Hội An, nơi chôn cuống rún tôi, không thể không lấy lòng ra để sờ mó, nhìn ngắm lại một vóc dáng, một nhan sắc của một con đất kỳ diệu thuộc xứ Quảng Nam. Thịt da của đất đá, của cỏ cây, của con người ở chốn trầm hương này đã dần dần trưởng thành từ thế kỷ 16. Khuôn mặt kinh tế, khuôn mặt văn hóa đã có thời phương phi, rạng rỡ, có thể là một vùng sống hợp chủng đầu tiên, được gọi bởi nhiều mỹ danh. Nhưng cho dù là Hải Phố,Hoài Phố, Hoa Phố, Faifoo, hay gọn nhẹ, thân mật chỉ một từ Phố, Hội An vẫn là Hội An, với cốt cách, phong thái vừa đủ để mời gọi, vừa đủ để nhớ tưởng.
Cuối năm 1999, tổ chức UNESCO đã chính thức công bố tại thành phố Marakech nước Maroc, tuyển chọn Hội An vào danh sách Những Di Sản Văn Hóa Của Nhân Loại, có là một khẳng định giá trị đích thực của Hội An?
Tôi có cái may mắn được chào cuộc sống trong lòng phố cổ nhỏ bé này. Lại càng được may mắn, chỉ có duyên hít thở liên tiếp cái không khí của cõi Hội An trong vòng năm năm đầu đời. Năm năm, một chiều dài quá ngắn nhưng đã vừa đủ để một não óc non nớt, một trái tim trong suốt, chụp bắt, lưu giữ đến trọn đời những hình ảnh ngọc ngà nhất. Tôi ngây ngô tin rằng: thời gian càng dài, kỷ niệm càng đầy thì lòng tưởng nhớ, mến thương càng hao hụt. Và tôi đã bằng lòng, rất bằng lòng với cái gia tài kỷ niệm nghèo nàn, gầy vốn trên vuông đất đã chôn cuống rún của mình. Bởi lẽ, trong cái nghèo đó, tôi thấy giàu mãi ra những nhớ nhung, thương mến.
Đã biết bao nhiêu lần tôi ngồi một mình, nằm một mình, đi một mình và miên man nhớ về Hội An. Một cây vông đồng già đầu ngõ phố, một mái hiên đầy gió, một vuông sân cát vàng, lúc thúc hai chỏm tóc. Ngày theo tháng, tháng theo năm lặng lẽ qua. Một chỏm tóc học đòi đùa chơi với ngôn từ. Còn chỏm kia không biết về đâu. Còn tồn tại hay đã bị hủy diệt? Kẻ đùa chơi với vần điệu là thằng tôi hư hỏng này. Kẻ biệt tăm biệt tích kia là người bạn đầu tiên trong pho danh sách bằng hữu dày cộm của anh chàng mê thơ, tên Châu.
Không hình dung nổi khuôn mặt, không gợi nhớ nổi tên gọi. Nhưng rõ ràng bên tôi thỉnh thoảng vẫn phảng phất hình dáng người bạn xưa với cái vỏ nghêu đầy cát cùng cái lông gà mướt hương tay. Người bạn đó, không chỉ sống trong tôi bằng mường tượng. Anh còn sống trong tôi bằng một vết hằn da thịt thân thương. Ôi làm sao có thể tin vết răng sữa ngày xưa vẫn hiện diện trên lớp da bụng dày bụi đời của mình. Tôi sờ lên vết cắn, cho tay và lòng cùng thấy lại chiếc răng. Ngậm ngùi thay kỷ niệm. Cái xót xa dịu dàng tình cờ làm tôi ngây ngất vu vơ. Chồi kỷ niệm về bằng hữu đầu đời của tôi chỉ đơn giản như thế.
Trong vòng hơn 4 năm, kể từ ngày được ra đời, tôi đã sống với Hội An trong những tháng năm ấm đẹp. Kinh tế gia đình song thân tôi tương đối khá giả, giúp tôi có một ấu thơ thật trong sáng. Vào những đêm trăng mùa hạ, tôi thích thú nằm trên chõng tre được đặt trước sân nhà. Ngoài những cơn gió thỉnh thoảng bay ngang, tôi còn được một chị nuôi luôn tay đẩy đưa chiếc quạt giấy, và vui miệng kể những chuyện cổ tích thật xa lạ, hoặc khe khẽ giọng ru những câu hát, mà tôi chưa hề biết đó là ca dao.
Nằm trên cái bao la êm dịu ấy, tôi chưa bao giờ thiu thiu ngủ. Mắt tôi đậu lên mặt trăng. Quả thật có một cây đa to ở đó, như lời chị nuôi đã kể. Tôi tìm chưa gặp đuợc chú cuội. Có thể chú đang nằm khoanh bên một nhánh rễ lớn nào dưới gốc đa. Tôi nghiêng đầu, mặt trăng nghiêng theo. Tôi quay ngược cả hướng nằm, mặt trăng vẫn dán ngay trước mặt tôi cái đĩa bàn vàng óng của nó. Một nỗi lâng lâng khó tả xâm ngập cơ thể tôi. Làm sao mà ngủ cho được. Trong miên man chiêm ngưỡng, mắt tôi chợt bám theo một ngôi sao vụt bay. Ánh sáng im lặng kéo dài ra như một sợi chỉ mềm và tức thì đứt đoạn. Ngôi sao bén rễ trên bầu trời, tự dưng bị bứng ra rồi rơi về đâu? Tôi chưa bao giờ thấy được điểm đến của ngôi sao băng. Đường bay thật rõ ràng dù chớp nhoáng, nhưng sau đó chìm khuất hẳn giữa muôn triệu ngôi sao khác đang lấp lánh. Nó trốn cuộc chơi? Nó đi ngủ? Hay vì một lý do nào khác, hình như tôi đã biết băn khoăn.
Bầu trời đêm mùa hạ, mỗi lúc như rộng dần ra. Sao và trăng đua nhau tỏa sáng. Trong ánh sáng này, tôi nghiệm ra bao giờ cũng óng ánh nước và chưa hề hay không muốn lấp hết nền trời phơi phới xanh. Những chòm mây cũng hiện diện lặng lẽ, tưởng chừng như chúng đã chết sững từ lâu.
Đêm tinh khiết làm lòng tôi càng thanh thoát. Đâu đã biết gì để ước mơ, nhưng rõ ràng có một chờ đợi. Và không hẹn, nhưng gần như đêm nào tôi cũng gặp một giọng rao, một ánh đèn bị giam trong bốn tấm gương nhỏ, biết di động như một con đom đóm lớn. Con đom đóm đó đã mang lại cho tôi những chén chè đậu váng thơm ngọt, gởi gắm cho tôi cái thú hảo ngọt suốt một đời.
Hội An chỉ mới cho tôi được ngần ấy. Chưa kịp cho tôi già ngày tháng với một cánh cửa lớp, một đoạn đường thơm sách vở trên lưng. Đã vội vã cho tôi những nghi ngại, ngỡ ngàng khi được lặng lẽ cõng xuống một chiếc ghe bầu . Đêm không tối lắm. Và không hiểu sao lâu nay ba tôi đi vắng. Trong lòng ghe chồng chềnh, má, chị và em trai tôi đều có mặt, đều im lặng. Chúng tôi bỏ Hội An mà đi bằng chính dòng sông thân yêu của nó.
ra đi vào nửa đêm
trăng vừa lặn một bên
trời trải sao lấp lánh
đêm từ từ mông mênh
nằm ngửa giữa khoang ghe
lắng nghe mái dầm tre
chao nghiêng vào sóng nước
trôi lựng chựng e dè
mẹ ngồi ẵm em trai
bỏ lọt tiếng thở dài
rơi qua dòng tóc dính
hương thơm chiếc trâm cài
...
Sau năm 1955, tôi có dịp ghé thăm Hội An thường hơn. Mặc dù mái gia đình của ba má chúng tôi không còn ở phố cổ này. Ông bà tái lập nghiệp tại Đà Nẵng. Mỗi lần vào Hội An, tôi mang cái cảm tưởng, mình là người khách lạ. Càng về thăm, càng lạ dần. Càng lạ dần, tôi càng lo thu giữ cho mình được nhiều kỷ niệm. Cái mâu thuẩn này có vẻ ngớ ngẩn nhưng riêng tôi, nghiệm rất đúng. Gia tài kỷ niệm về Hội An của tôi giàu hẳn ra theo cái chiều dày của danh sách bằng hữu cư ngụ tại Faifo. Những Thành Tôn, Thái Tú Hạp, Hoàng Quy, Tống Nhạn, Tống Văn Diệu, Hoàng Lộc, Duy Mãnh, Nguyễn Quới... mang đến cho tôi thật nhiều hình ành.
Tuy vậy, những đêm ôm Hội An mà ngủ của tôi cũng chưa vượt nổi số lượng ngón trên hai bàn tay. Trong khoảng thời gian hai mươi năm kể từ 1955 đến 1975 tôi chỉ có được hai đêm để chuẩn bị vào làm học sinh trường trung học Trần Qúy Cáp. Một đêm thức trắng tán dóc với Thái Tú Hạp ở một góc sân chùa Ông. Một đêm uống nước mía với Nga-Đại Lộc. Một đêm ăn cao lầu với Quyên-Thanh Bình. Một đêm lau nước mắt cho Lý-Phước Ninh. Một đêm hộ tống Dương Phù Sao (Phan Duy Nhân) đến chiêu dụ Ngân Hà. Vỏn vẹn chỉ có thế. Những lần khác chỉ sáng đi chiều về, nhưng đều đều ba bốn tuần một bận.
Tổ ấm của người chị cả tôi ở đường Phan Châu Trinh vẫn xếp tôi vào loại thượng khách, bởi lòng thương em vô biên của chị, bởi sự quí kính ông cậu của các cô cháu gái mặn mà nhan sắc: Quế, Xuân, Quyền, Hòa. Nhưng tất cả những tình thương tuyệt vời ấy đã không giữ được tôi qua đêm với Hội An.
Cái gì làm cho tôi ngại với bóng tối của cổ phố giàu nghệ thuật này? Không có lý do nào chính đáng. Tôi thèm đi, thèm nhìn, thèm rong chơi. Nhưng rất lười ăn, lười ngủ. Chiều dài của một đêm nằm trong mùng, nghe muỗi than thở xin máu trên một cái giường lạ hơi, quả không hấp dẫn nổi tôi. Tôi cũng rất chán lặp lại những cuộc viếng thăm bất đắc dĩ đàn rệp ở rạp Phi Anh. Đồng thời ngán ngẩm trước những mai phục của bóng tối trong lòng các con đường thanh vắng.
Nhan sắc Hội An chỉ quyến rũ được tôi dưới ánh nắng ấm mặt trời. Ánh sáng mời gọi tôi nhìn ngắm những ngôi nhà cũ kỹ với mái ngói âm dương liền sát nhau, như những cánh tay quàng vai thân mật. Màu nâu thẫm của ngói, màu xám sậm của tường, màu xanh mướt của những tảng rêu, rủ rê nhau vươn lên, níu lấy những bụi cỏ hoang mọc ngất ngưởng trên nóc nhà đã cho tôi cái cảm giác nhẹ tênh, bay bổng. Nhà cửa xúm xít, quây quần bên nhau giữa một không gian thênh thang. Và trong cái bát ngát ấy chứa đựng rất nhiều âm thanh, rất nhiều tiếng nói, tiếng gọi, thoảng vọng từ một thời xa xưa, ngút ngàn. Hội An chợt trở thành một tác phẩm hội họa có sẵn cho những Hồ Thành Đức, Đinh Cường, Cù Nguyễn...Bước đi giữa vẻ đẹp sinh động, một đôi lúc tôi cảm thấy bước chân mình như đang vấp phải những dấu giày, dấu guốc của ai đó, một thời xa xưa. Họ có thể là những người Chàm, người Bồ Đào Nha, người Tây Ban Nha, người Nhật Bản...Hay là người Hòa Lan, người Trung Hoa, người Phi Luật Tân...Cũng có thể là người Xiêm La, người Anh, người Pháp, người Ấn...Tất cả họ đã có một thời hít thở trên con đất này. Một con đất mà vua Gia Long, năm 1815, đã cho đo đạc cụ thể được 17 mẫu, 7 sào, 10 thước.
“ Đất lành chim đậu”. Chim càng tìm đến, đất càng cần phải vươn vai lớn rộng. Dòng sông Hoài thân yêu đã không quên mang về thêm cho Hội An 1 mẫu 3 sào 9 thước vào thời vua Thiệu Trị, 1841, đúng một trăm năm trước khi tôi có mặt trên cõi đời này. Dĩ nhiên con đất Hội An không dừng sự bành trướng. Thêm 1 mẫu, 1 sào, 1 thước đủ để cho vua Tự Đức cho mở thêm con đường mang tên Bạch Đằng ngày nay, vào năm 1872.
Hội An không là một đô thị lớn, nhưng là một thành phố đẹp. Nắng nằm từng miếng vàng nhỏ trên mặt đường. Những con đường nằm nghiêng nghiêng, không mấy nơi bằng phẳng, như vẫn đang nghe ngóng, trông đợi và không ngớt thầm thì. Chẳng phải mình tôi từng nắm tay thi ca để được bước đi trên những con đường này. Chẳng phải mình tôi từng dẫn thơ dạo chơi qua những ô cửa, lấp ló những ánh mắt thăm hỏi lặng lẽ, chân tình. Thời nào không có những anh chị lãng mạn dễ thương. Dễ gì kể hết những tài hoa từng vịn vào Hội An mà đứng lên. Hội An luôn luôn có những đôi mắt của lòng người khuyến khích, cổ vũ.
Bên cạnh đó, Hội An không thiếu những đôi mắt cửa. Những đôi mắt được hình thành bằng tập tục tín ngưỡng, lẫn nghệ thuật trang trí. Dù để phơi trần ngoài nắng mưa hoặc được phủ đậy dưới một mặt vải điều, những đôi mắt vô tri ấy vẫn không ngớt nhìn ngắm con người. Trông chừng, che chở, mời gọi... Hội An giàu thêm sự mầu nhiệm, huyền hoặc...
Thượng tuần tháng một năm một ngàn chín trăn tám mươi tư, trước khi rời Việt Nam, tôi và Lý vào giã từ Hội An. Bà con của chúng tôi cư trú tại thành phố này chỉ còn độc một gia đình người em gái của Lý. Hội An vốn đã buồn, lúc bấy giờ càng buồn hơn. Sau ngày 29 tháng 3 năm 1975, cùng với con người, cảnh vật như mắc phải bệnh phiền muộn, tê liệt. Con bệnh không thuốc chữa nên sự tàn phai mỗi lúc một rõ nét. Đây là tình trạng chung của hầu hết các đô thị miền Nam sau ngày đất nước qui về một chính thể. Nên chắc chẳng cần phải vẽ vời tỉ mỉ.
Từ Đà Nẵng vào Hội An, chúng tôi không chạy xe bằng con đường gần, ngang qua Ngũ Hành Sơn, “năm cụm núi quê hương” của Tường Linh, mặc dù lúc này không còn nạn bắn tỉa, hoặc chận bắt bất ngờ của quân “giải phóng”. Chúng tôi vẫn quen đường lên ngã ba Huế, rẽ trái về hướng Hòa Cầm, qua cầu Đỏ, qua chợ Miếu Bông, qua cầu Quá Giáng, qua cầu Vĩnh Điện, qua trường trung học Nguyễn Duy Hiệu, đã vắng ông hiệu trưởng Hoàng Thị Bích Ni, qua chợ Vĩnh Điện, áp sát nhà Hồ Luân và rẽ trái. Chúng tôi không ghé thăm nền đất ngôi nhà thân mẫu tôi ra đời, không ghé thăm nhà cố thi sĩ Nguyễn Nho Sa Mạc. Chúng tôi bỏ lại sau lưng cổ thành Vĩnh Điện, bia mộ cụ Trần Cao Vân, lò gạch Cẩm Hà và những ổ gà trên mặt đường nhựa bạc màu.
Đã đến bến xe đò Hội An. Từ đây vào thành phố bằng hai hướng. Hướng bên trái dẫn xuống Khổng Miếu, Tòa Tỉnh... Hướng bên phải sẽ gặp một cây đa lớn, một quán mộc tồn, nhà ở, hàng quán... trước khi đến Chùa Cầu...
Tôi thường có khuynh hướng đi về phía bên phải. Chẳng phải vì trên đoạn đường này có ngôi nhà cửa xanh của Ỷ Vân, một cô bạn học năm đệ nhị, với mái tóc ngắn ôm sát hai tai, đôi mắt to chứa đầy thơ và đôi cổ tay tròn, đậm đà lông măng phơi phới.
Chùa Cầu cách nhà Ỷ Vân không xa.
Với chừng 18 thước chiều dài, chùa được người Nhật xây dựng vào đầu thế kỷ XVII. Tổng thể là một công trình nghệ thuật. Móng và trụ là những phiến đá rắn chắc, nâng đỡ một sườn gỗ gồm kèo, cột, rượng, trính...với mái ngói âm dương sậm màu, đỉnh cao từ giữa cong xuôi về hai bên. Kiến trúc này được chia làm hai phần có chung mái, phần bên ngoài là cầu, sàn được lót ván. Sàn cũng là mặt đường nối hai đầu giao thông. Trên sàn cầu còn có hai hành lang hẹp dùng cho người đi bộ, nhưng có lẽ chẳng mấy ai thực hiện qui định này. Nét duyên dáng nổi bật nhất của sàn cầu là bệ ngồi của hai hình tượng chó hoặc khỉ ở hai đầu với hai bát hương nghiêm trang, nhưng thường lạnh lẽo.
Phần chùa thường được đóng kín bởi những cánh cửa gỗ, chạm trổ đơn sơ. Trên đầu cửa treo một bức hoành phi gồm ba chữ đại tự, tôi chẳng biết là chữ gì. Liền phía đưới bức hoành phi là hai mắt cửa bằng gỗ hình tròn có chạm trổ. Hai bên cửa vào treo hai câu liễn chữ nho. Bên trong là nơi cư ngụ của vị thần Bắc Đế Trấn Võ. Tôi không rõ vị thần này mặt mũi nhân hậu, uy dũng ra sao, bởi chưa hề được diện kiến, vấn an ngài. Có lẽ ngài mang quốc tịch Nhật Bản ? và đã mang theo một thanh kiếm mầu nhiệm, đang được ghìm dưới móng chùa để ếm một con thủy quái. Nghe nói con vật có cái đầu ở nước Nhật, cái đuôi ở Hội An, ngay chỗ này, có tên gọi là con Cù. Mỗi năm nó vùng vẫy, giỡn chơi một lần sinh ra động đất bão lụt. Sự tưởng tượng phong phú của con người quả thật đã giúp cho cuộc sống thêm giàu những truyền thuyết, thần tượng.
Chùa và cầu ngoài cái tên thân mật, dân dã Chùa Cầu, còn mang tên Cầu Nhật Bản hay văn hoa hơn là Lai Viễn Kiều, do chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Chu đặt vào năm Kỷ Hợi, 1719. Mặc dù đã được trùng tu vào các năm 1653, 1763, 1817, 1865, 1915, 1917...Chùa Cầu lúc nào cũng có vẻ mỏi mệt. Vào năm 1984 không khí ảm đạm bên chùa có phần giàu thêm. Lạch nước nằm ngay dưới sàn chùa vơi cạn dần và rỉ rả tìm đường ra dòng sông, trong nhịp chảy như tiếng thở cầm chừng, chen lấn với những cỏ dại, sỏi đá, rác rưởi ngày một vươn cao.
Với riêng tôi, Chùa Cầu là một vị trí tối quan trọng. Bởi nơi đây, cầm giữ bổn mạng tôi, sau khi hai bậc sinh thành ủy thác vì khó nuôi. Chẳng biết thời gian bán khoán là bao lâu, nhưng cho tới nay hình như tôi chưa được chuộc ra. Chưa được tháo khoán. Có thể ba hoa: Chùa Cầu còn thì tôi còn, Chùa Cầu mất thì tôi mất, và biết chừng đâu ngược lại. Xin tha thứ, đùa một chút, để niềm nhớ về cái biểu tượng của Hội An trong tôi đậm đà hơn.
Là một thành phố cổ, được tổ chức Giáo Dục, Khoa Học, Văn Hóa của Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản văn hóa nhân loại, Hội An không chỉ có một Chùa Cầu. Nhà nghiên cứu, du khách đã tìm đến Hội An bởi những lễ hội, tập tục văn hóa cùng những Giếng Cổ, Chùa Miểu và hàng trăm ngôi nhà có tuổi thọ cao nhất thế giới, với các kiểu kiến trúc truyền thống Đông Nam Á, rực rỡ, lộng lẫy từ những chạm trổ tinh vi, giàu nghệ thuật lẫn văn hóa. Ở đây, bên Chùa Cầu, tôi muốn giới thiệu thêm một vóc dáng đã góp phần làm đẹp Hội An, và đã từng cho tôi vài chỗ ngồi tình tự một thời: đó là Khổng Miếu.
Khổng Miếu được xây dựng trong thập niên 60. Đây là một kiến trúc không mấy hùng vĩ, nhưng rất trang nghiêm. Chùa, tháp, hồ sen, tượng đá được dựng trên một mặt bằng rộng rãi, thông thoáng, nằm bên một con đường hình như rộng nhất Hội An. Cá nhân tôi, gần như lúc nào về Hội An cũng ghé đến Khổng Miếu, dù một đôi khi chỉ để đi quanh một vòng. Tôi tìm thấy sự yên tĩnh ngay dưới từng phiến gạch đỡ bàn chân tôi. Chẳng có đóa sen nào nở đúng dịp nhưng tôi bắt gặp mùi hương. Cũng chẳng cần nghiêng mình đốt nén nhang, nhưng tôi vẫn thấy được làn khói mỏng, cứ bay lên, bay lên và tan loãng.
Đức Khổng Tử không chỉ có mặt ở đây. Đã từ lâu, Ngài hiện diện rất nhiều nơi trên đất nước Việt Nam. Nhưng năm 1984, không biết Ngài có được cấp hộ khẩu không mà trông giang sơn của Ngài vô cùng tiêu điều. Không kể những hoen ố của màu nước vôi trên tường chùa, mặt tháp. Toàn thể diện tích bao trùm vẽ hoang tàn, bừa bãi. Nền gạch nhiều nơi được tháo gỡ để “giải phóng” mặt đất dùng vào việc tăng gia sản xuất. Rau muống nằm cạnh bên rau lang, bí bầu thương nhau chung một giàn. Háo hức tiếng heo trẫn mỡ. Tiếng gà thách thức, thị uy.
Tôi, sau ngày 29 tháng 3 năm 1975, kể ra cũng khá hơn Đức Khổng Phu Tử phần nào. Tuy có hồi hộp tập trung, có chăm chỉ sáng tác lý lịch, rồi băn khoăn học tập. Nhưng một cuộc đổi tiền đã cứu tôi. Thành phần cặn bã của xã hội, nhưng có một chút nghiệp vụ, vẫn nên khai thác. Tôi tạm là công nhân viên, trước khi tự nguyện, không cần viết đơn, để tập làm một gian thương còn rất nhiều lương tâm. Tôi đánh giá tôi như vậy, bởi chỉ một đôi lần, vừa run, vừa áy náy làm cò mồi cho bộ đội, cán bộ, mua quần áo, phụ tùng xe đạp từ sạp hàng của bà xã tôi. Không thể vì một cuộc đổi đời bất ngờ như một tai nạn mà tôi tự làm hại mình. Tôi buôn bán lương thiện, rồi tôi nuôi chim cảnh, chim hót. Những con chim kỳ diệu ấy đã lập được đầu cầu cho tôi đến một thương lượng, mà đã từ vài năm nắm giấy bảo lãnh xuất ngoại trong tay chưa dám xoay sở.
Tôi ứa nước mắt ra đi vào cuối tháng giêng năm 1985.
Tháng 8 năm 2002, tôi có dịp vội vã về Việt Nam.
Một sợi dây gân máu nào đó trong não bộ ông cha vợ tôi bị đứt, giúp tôi và Lý có hai ngày dành cho Sài Gòn. Mười ba ngày dành cho Đà Nẵng. Tôi trích ra gần 10 giờ của khoảng thời gian 13 ngày, cho Hội An. Tôi và Lý cùng 4 đứa em với một đám cháu, dùng xe gắn máy thực hiện chuyến viếng thăm.
Lần này chúng tôi đến Hội An qua ngã Non Nước Ngũ Hành Sơn. Điểm đến đầu tiên là một nghĩa địa, ngoại vi thành phố Hội An. Chúng tôi thắp hương cho Thái Tùng, em rể của Lý, người đã qua đời vì một tai nạn giao thông cách đây vài năm. Vợ chồng Tùng chính là những người chúng tôi đã từ giã tại Hội An năm 1984.
Sau nghĩa địa, chúng tôi ghé một ngôi chùa. Giờ đến, đúng vào giờ hành lễ của một ngày rằm nên tín hữu của chùa rất đông. Lý quì, cúng dường tam bảo, rồi rút gọn theo lệnh điều hành của tôi. Mục tiêu khoanh trong bản đồ tưởng tượng vẫn là Chùa Cầu.
Tôi phơi phới đứng bên bệ chó ngồi cho Lý bấm máy. Chợt nhìn thấy cửa của gian thờ Bắc đế Trấn Võ rộng mở từ bao giờ, tôi hí hửng nhưng thận trọng nhẹ bước đến bên cửa. Vừa mới nghiêng chưa được nửa cái đầu, tôi giật mình.
- Anh kia, dòm cái gì đó, đi ra.
Tôi chửng hửng. Không có một giây nào để kịp xấu hổ hay tức giận. Tôi dòm lại tôi. Quần tây dài màu sậm, áo chemise màu kem, cụt tay, bỏ ngoài, nhưng sạch sẽ. Tôi chợt giận mình sao không đóng bộ nghiêm chỉnh hơn, có nét Việt kiều hơn một chút, biết đâu tôi đã có cơ hội thưởng ngoạn mặt mũi các vị thần đã chết hơn là thấy khuôn mặt hách dịch của vị thần còn sống, vừa mới ra oai.
Còn đang hụt hẫng, tôi thấy một đám du khách da trắng, tung tăng bước vào gian thờ trong nụ cười rất tươi của vị thần quen luồn cúi, nịnh bợ. Ngán ngẩm nhưng không buồn, tôi rủ hết đám em, cháu ra đứng trước cửa một phòng vệ sinh để chụp ảnh. Một góc kỷ niệm mới của tôi về Chùa Cầu, tuy vậy không bị dính mùi gì.
Chúng tôi xuống bờ sông. Trời nắng. Gió nóng. Du khách trốn trong những hàng quán. Hậm hực những tiếng nhạc chen lấn những tiếng hát không phát âm rõ giọng, dội xuống cả mặt nước, đang đỡ hàng chục chiếc ghe thon dài. Hình như đã qua đi thời Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, đã qua đi thời Tiếng Đàn Ta Lư, để nhường không gian lại cho những ca khúc nằm dưới loại nhạc từng bị dè bỉu là sến vài ba bực. Chẳng hiểu sao, trong không gian đó, tôi lại tìm gặp một ý thơ không liên quan gì đến ngoại cảnh. Lượm Thơ Trên Phố Hội An, được viết thầm trong đầu ngay trên bờ sông Thu:

rất tình cờ được ghé thăm Hội An
na ná như xưa, vui vẻ một đàn
thế chỗ bạn bè, năm mười đứa cháu
xế nổ thay cho xe đạp tàng tàng

ghé vội thăm qua vài nhà quen cũ
ngói mái âm dương ngái ngủ cả đời
nắng vẫn đỏ au nằm ôm cửa nhớ
gió hát bao năm rả rích một lời

bước khẽ qua đường bụi vây đầu gối
mơ hồ tay lụa vỗ nhẹ bên vai
chẳng hẹn chờ sao mắt tìm quanh quẩn
bằng hữu bà con còn, thiếu những ai

ghé những ổ tình thân thương thuở nọ
xớ rớ mắt sờ, tay đọc bâng quơ
con khỉ Chùa Cầu nhờ đâu trẻ mãi
người đến người đi hương khói ơ thờ

Khổng Miếu thay tên hồ đồ dị hợm
đá không yên tròn phận với người
thế gốc sen vàng xanh dòng rau muống
thảo mộc dường như cùng biết ngậm ngùi

nắng tháng tám trong như dòng sông ngọt
ngồi bệt giữa đường ăn chén xu xoa
nhớ câu hát xưa, che tay tủm tỉm
cũng mê cái tình như thuở ông, cha

chẳng gặp được ai dân Trần Qúy Cáp
để bắt tay xưng đây bậc đàn anh
tán dóc một hồi loanh quanh đỡ nhớ
truy niệm cái thời có chút tinh ranh

chờ mãi không nghe chuông chùa Phước Kiến
không buồn, cũng thả bước bờ sông
ghe gối đầu nhau lơ lơ canh mộng
lượm được câu thơ ai rớt giữa dòng

biết cất vào đâu câu thơ nóng hổi
chẳng thấy ai tìm của lạc, đành thôi
sông Thu mấy nhánh tôi không biết
xin giữ trong lòng chỗ nằm nôi


Thơ chưa viết ra giấy mà bụng đã đói, chúng tôi vào một quán ăn nằm trên đường Trần Phú. Thực khách khá đông, đa số là du khách, phần đông mang màu da trắng. Họ cười nói vui vẻ. Trong khi chờ những món ăn, họ nghịch với từng đôi đũa, hoặc săm soi lại những vật kỷ niệm vừa mua được. Phụ nữ đa số đều sắm cho mình một chiếc nón lá, chẳng biết có bài thơ nào bên trong không. Cánh đàn ông ít thấy ai hút thuốc. Họ trang bị đầy đủ máy ảnh, máy quay phim. Có người mang cả ống nhòm. Du khách thuộc loại Tây Ba Lô không có nhiều. Nhưng không ít những người thong dong không có hành trang gì cả, Chừng như họ đã cư ngụ ở đây một thời gian lâu.
Quán chúng tôi chọn thuộc loại bình dân nhưng rộng rãi khang trang, Những chiếc bàn ăn bằng gỗ, phần nhiều có hình chữ nhật, được bày làm nhiều dãy trong ba khu, phân biệt bởi những cột nhà bóng nhẵn màu gỗ nâu. Có nhiều tên món ăn được in chỉnh tề trên thực đơn sạch sẽ. Tôi định chọn món Cao Lầu, nhưng trực nhớ người bạn chưa bao giờ gặp mặt, Tưởng Năng Tiến, tôi gọi Mì Quảng.
Cùng với hai nhà thơ Hoàng Lộc, Phan Ni Tấn, Tưởng Năng Tiến từng viết về món ăn độc đáo này của Quảng Nam. Duyên chữ nghĩa của anh hình như đã làm cho những sợi mì bột gạo vàng óng, những cọng giá trắng tươi, những con tôm mập hồng kết hợp một cách hài hòa với những cọng rau xanh, sợi búp chuối...Bài viết của Tiến đã trở thành một gia vị mới, giúp tô Mì Quảng càng thêm ngon. Tôi xin nhắc, chúng ta không nên dùng chữ “ngon” trống trơn để khẳng định, tán thưởng giá trị tuyệt vời của Mì Quảng, bởi như vậy anh bạn Tiến của tôi sẽ không mấy vừa lòng. Mời đọc vài dòng anh Tiến viết:
- Dạ...ngon
Trả lời như vậy là không được. “Ngon” là một hình dung từ mơ hồ, nếu không muốn nói là hàm hồ, không thể diễn tả được cái đặc sắc tuyệt vời của tô Mì Quảng. Có vụng về lắm thì người ta cũng phải đưa ra vài ba nhận xét “bâng quơ” như sau:
Dạ thưa bác mì ngon lắm. Tôm giã vừa nhỏ và nấu vừa nhừ. Rau chuối tươi mà không chát. Nước đậm đà vừa miệng
(Tưởng Năng Tiến).

Để có được sự thưởng thức trên, Tưởng Năng Tiến đã không quên làm một cuộc so sánh giữa Mì Quảng cùng một vài món ăn khác như Bún Bò Huế, Bún Riêu, Hủ Tiếu, Mì Sợi, Hoành Thánh, Sủi Cảo...Tiến nhận xét, phân tích tỉ mỉ vô cùng thú vị, dù hình như, anh chẳng phải là người Quảng Nam.
Dù vừa nhai, vừa nghĩ ngợi bâng quơ, tôi cũng liếc mắt thăm hỏi chung quanh. Tôi bắt gặp mấy lồng nuôi chim. Một con khướu bạc má không được thon gọn, đang nhảy liên tục từ cầu đứng xuống sàn lồng và ngược lại. Một lồng cà cưỡng, không treo mà để gần sát vách, ngay cửa xuống gian nhà sau. Khác với con khướu, con cà cưỡng đứng im lặng, thỉnh thoảng đầu nó nghiêng nhìn đám thực khách phía trên, cùng những người đang bận rộn làm thức ăn bên dưới. Tôi nghĩ thầm con cà cưỡng này đã có thể nói được một vài tiếng người. Tôi có lòng chờ nghe một câu nói của nó, đại khái như: Hội An ấn tượng quá. Bạn cứ vô tư thăm viếng nhé...
 Sau khi rời quán ăn, chúng tôi ghé vào thăm chùa Phước Kiến. Muốn vào nghe kinh ngắm Phật, chúng tôi phải mua vé vào chùa. Không sao, tôi đã có cơ hội tiến sát đến bên bệ thờ Phật mà không phải cởi giày. Tin bạn biết tôi gặp nhiều bất tiện khi phải cởi giày ở bất cứ nơi đâu, trừ khi phải lên giường ngủ. Nguyên do: chiếc giày không ôm giữ bàn chân, mà dính liền với một đoạn gỗ có hình dáng ống chân, may mà chỉ có một bên trái.
Chùa Phước Kiến do người Trung Hoa, cư ngụ tại Hội An lâu đời xây dựng. Vào thời điểm này (2002), ngôi chùa không có nhiều thay đổi về hình thức, ngoài màu sơn có vẻ tươi sáng, lóe chói hơn. Trước đây, tôi rất thích thú với cảnh sắc trong sân chùa. Chậu kiểng, hồ cá, mặt gạch...luôn luôn là những điểm cù rũ dòng nhìn của tôi. Những hình khắc nổi trên mặt tường được gắn những mảnh sành với nhiều màu sắc cũng là một nguồn chất liệu lãng mạn tôi tìm thấy. Sân chùa Phước Kiến còn có một bức vách trên đó lưu giữ hình ảnh mặt trăng, cá chép, nhánh lá, lọn sóng... tất cả đều giản dị, đơn thuần như những tranh vẽ trong các sách giáo khoa, nhưng đã mang lại cho tôi cả thời thơ ấu cũ, thời từng biết mê thích những tranh vẽ màu mè trên nền giấy thô. Con cá chép, mặt trăng vẫn còn ở nguyên vị trí cũ, tôi
không thấy chúng già đi chút nào, ngay những chiếc lá đã bao năm muốn rơi vẫn chưa lìa cành. Còn tôi đã như thế nào ? Gót bước của thời gian, khó nghe ra, khó nhận ra sự thay đổi. Nhưng nhịp chuyển hóa trong từng giây là có thật. Tóc tôi chưa bạc, nhưng hàng râu mép-có-vẻ-như-chưa-bao-giờ-trưởng-thành của tôi đã có vài sợi trắng ra. Râu mau già hơn tóc, lạ thật.
Tôi lại nhìn quanh và không khó lắm để nhận ra, chùa Phước Kiến đang thu hút khách du lịch nhiều hơn là tín hữu đến cúng lễ. Cũng phải thôi.Thời kỳ kinh tế thị trường, thời mở cửa mà. Giá như những cánh cửa nhân quyền, báo chí, tín ngưỡng thông thoáng hơn chút nữa, ngành du lịch chắc chắn sẽ càng nở rộ thêm.
Tôi chợt nhớ quán cà phê Đạo ngày xưa ở đâu đây, không ghiền cà phê nhưng chợt thấy thèm. Bóng nắng không còn cho phép tôi cái thong dong, ngồi nhìn từng giọt nước thơm đen rơi vào một cõi mơ mộng.
Chúng tôi chạy chầm chậm qua một số đường phố của Hội An. Thành phố có nhiều cửa hàng buôn bán hơn thời sát phía sau 1975. Phần lớn là những cửa tiệm nhỏ bán vật lưu niệm cho du khách. Mặt hàng thủ công nghiệp được giới thiệu khá nhiều, sặc sỡ nhất là những chiếc lồng đèn với nhiều kích thước. Những galery trưng bán tranh sơn dầu, tranh lụa, tranh sơn mài...cũng nhộn nhịp du khách vào ra. Hội An đang có thêm một số hoạ sĩ tài hoa, rất tiếc tôi không có dịp được bắt tay họ một cái để những dòng này thêm thơm tình nghĩa văn học nghệ thuật.
Điểm cuối cùng chúng tôi ghé thăm là Khổng Miếu. Vừa rời yên xe, tôi đã hết hồn. Khổng Miếu đã đổi tên ? Tôi dụi mắt liên tiếp vài lần: Đài Tử Sĩ. Hóa ra nơi đây đã trở thành một mộ bia. Dù sao cũng còn đó cái hàng rào chạy quanh, được xây bằng xi măng, thấp, rất nghệ thuật. Bên trong lòng hàng rào vẫn cái hồ vuông, nửa chìm nửa nổi. Ngay trong lòng mặt nước hồ được xây những trụ cột để đỡ một mặt phẳng bê tông khá lớn, đủ để dựng lên đó một tượng đài hình tháp, thẳng đứng, bốn mặt có khắc chữ Hán. Ngay dưới chân tháp có tượng 4 con rồng lớn, nằm đưa đầu ra ngoài, như sẵn sàng bảo vệ ngọn tháp, nhưng trông rất hiền lành nhờ sự tài hoa của bàn nghệ nhân, không biết đã về đâu. Một lối đi lên tháp bằng những bậc tam cấp thấp, vững chắc, an toàn. Tôi đã từng có nhiều lần đặt bàn chân mình lên đó, không hiểu trong lòng xi măng của từng bậc bước, có giữ được chút hơi hám gì của tôi không ?
Những đám rau muống nở rộ theo thời ao cá bác Hồ hình như đã được di chuyển đi nơi khác một ít. Tôi bấm máy thu một đoạn phim, dù gì cũng đang có mặt ở nơi này sau 28 năm xa cách. Một gánh xu xoa lững thững đi ngang. Lý gọi. Chúng tôi ngồi quanh cô hàng, và tôi, không thể không nhớ đại khái câu ca : xu xoa mụ bán mấy đồng, mụ ngồi mụ để cái mồng mụ ra...xu xoa tau bán đồng ba, tau ngồi tau để cái... đầu cha mi ra ngoài.
Tiếng hót của một con khướu, từ vườn cây của ngôi nhà bên kia đường, vang rộng trong buổi xế chiều kéo tôi lùi về một quá khứ không mấy vui. Đã quá trễ, để có thể ghé thăm cửa Đại, vốc lên tay một nắm cát trắng và nhìn những ngọn sóng uyển chuyển, mềm mại. Chẳng có hy vọng gì những con còng nhỏ còn líu quíu trên bãi cát một cách dễ thương...
Nhớ về Hội An, viết về Hội An, thưa thật, tôi vừa thích vừa sợ. Kỷ niệm về một con đất đã chôn cuống rún của mình, chẳng phải quá nghèo nàn mà đúng ra tôi chưa đủ tài sức. Một vài bài thơ linh tinh không gói hết những tình cảm chân thành. Chẳng qua như vài tấm ảnh, để nằm chết trong cái nghĩa địa album. Chính mình chẳng mấy khi ghé thăm
...
cây nghiêng bóng cho lá cùng đi dạo
cùng ta qua, qua mấy nẻo u buồn
lòng nhẹ nhàng vướng trong sợi nắng vươn
Phố trầm lặng, Phố của ta thuở trước
....
Nhớ một thuở mê cháu Trần Qúi Cáp
May chưa yêu nên chưa được thất tình
Thơ chưa sầu, đời chưa biết lênh đênh
giờ người đẹp chắc đã đầy bổn phận
Còn riêng ta vẫn cuối trời lận đận
cõng câu thơ theo nhịp bước so le
tưởng thành danh, ngó lại, có ai dè
trống hốc cả khoảng đời không dừng lại...

Biết rõ cái vụng về của mình, nhưng nhiều lúc thật tình không cưỡng lại nổi, bàn tay do đó càng sinh tật, vô tội vạ như trong một lần trải tình trong 84 câu lục bát:

Lâu năm trở lại Hội An
chân hôn lòng phố ngổn ngang ổ gà
mắt theo lòng tột nóc nhà
ngói âm dương nở cỏ hoa ngóng trời
hình như ai mới gọi tôi
cả thành phố biết có người về thăm
.....
Lâu năm trở lại thăm mình
cái hồn sắp vữa cái hình chực cong
bao nhiêu bèo bọt trong lòng
thở vào chữ nghĩa mặn nồng chua ngoa
gởi hoang vu lại quê nhà
xin cho thương nhớ lột da sống đời

Hội An ơi, con đất chôn cuống rún của tôi ơi, gần đây, tôi thỉnh thoảng được gặp lại người trên nhiều chương trình phát hình từ VTV4. Thật chưa biết vui cũng chẳng có chi buồn. Những đêm rằm hàng tháng, Phố mở hội dưới ánh đèn lồng...Tôi nghe cả tiếng ngâm nga của một hội thơ. Tôi nhìn được những bức thư họa đang vượt lên từ những nhọc nhằn. Mọi nơi, mọi góc cạnh, tôi vẫn là một khán thính giả không thiếu tấm lòng. Nhưng như một định mệnh, tôi được ra đời ở đấy để làm một người khách, lim dim mắt, chống lòng nhìn phố cũ...Cuống rún của tôi chẳng lẽ chưa thành đất ? Bổn mạng của tôi vẫn ở Chùa Cầu. Tôi chưa có giờ chuộc lại. Cũng không định chuộc lại đâu

Luân Hoán

Đọc thêm thơ Luân Hoán từ trang Vuông Chiếu