Kinh nghiệm viết văn: Viết và lách

Nguyễn Hưng Quốc

Lâu nay nghĩ đến chuyện viết lách là người ta nghĩ ngay đến tình trạng vừa viết vừa lách dưới chế độ cộng sản, ở đó, giới cầm bút, nói như Nguyễn Minh Châu, trong bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh hoạ” đăng trên báo Văn Nghệ tại Hà Nội số 49 & 50 (5-12-1987), “muốn viết một câu trung thì phải viết một câu nịnh”, “mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút: một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc.”
Nghĩ đến chuyện lách trong viết lách, chúng ta nghĩ ngay đến sự thất bại của giới cầm bút và của văn học nói chung. Của giới cầm bút: không giữ được sĩ khí. Hay nói như Nguyễn Minh Châu, trở thành hèn. Cũng trong bài viết vừa dẫn, Nguyễn Minh Châu tự sỉ vả mình và cả giới mình: “Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn.”
Cái hèn ấy không trừ ai cả, kể cả những người vốn được xem là những cây thông sừng sững trên văn đàn. Như “một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên giữa đám đàn em: ‘Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ biết sợ!’, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng.”
Nhiều người nói nhà văn đàn anh ấy là Nguyễn Tuân.
Vì cái sợ và vì cái hèn ấy, cũng nói theo Nguyễn Minh Châu, người ta phải “tự mài mòn đi mọi cá tính và tính trung thực trong ngòi bút”. Hậu quả là nhà văn thì “đánh mất cái đầu” và tác phẩm văn học thì “đánh mất tính tư tưởng”; cả nền văn học biến thành một nền văn học minh hoạ rập khuôn, giả dối và nghèo nàn.
Những lời nhận định đầy chua xót, hơn nữa, đau đớn của Nguyễn Minh Châu nhất định là đúng. Càng ngày người ta càng thấy là nó đúng. Hiện nay, ngay ở Việt Nam, dường như hiếm có ai dám quả quyết là những chính sách độc đoán và thô bạo của Đảng Cộng sản không làm huỷ hoại nhân cách và tài năng của cả mấy thế hệ văn học, từ những người đã cầm bút và nổi tiếng lừng lẫy trước năm 1945 và những người sinh ra và lớn lên dưới chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.
Tuy nhiên, không nên quên là hiện tượng viết lách, viết và lách, không phải chỉ có dưới chế độ cộng sản.
Cộng sản độc tài? Đã đành. Nhưng đó không phải là chế độ độc tài đầu tiên hay duy nhất. Công bằng mà nói, lịch sử văn học viết của nhân loại, kéo dài gần ba ngàn năm, hầu như lúc nào cũng diễn ra dưới những sự áp chế của đủ loại độc tài. Tự do, chứ không phải độc tài, mới là ngoại lệ.
Thời xưa có độc tài của thời xưa. Thời nay có độc tài của thời nay. Khó nói được tính chất độc tài ngày xưa dễ chịu hơn độc tài dưới chế độ cộng sản. Nguyễn Du chỉ mới viết “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai” mà, theo tương truyền, đã bị Tự Đức đòi nọc cổ ra đánh đòn (nếu ông còn sống!). Nguyễn Thuyên chỉ làm một bài thơ vớ vẩn mà cũng bị chém đầu, và cha ông, Nguyễn Văn Thành, một đại công thần, bị buộc uống thuốc độc chết.
Ai dám bảo là những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ... ngày xưa không hề lách khi viết? Ngay cả Lý Bạch ở Trung Hoa, nghênh ngang là thế, chắc gì đã không lách? Bắt quan lại cởi dây giày cho mình thì được. Làm thơ ca ngợi cung phi thì được. Nhưng thử phê phán vua chúa xem sao. Chưa chắc cái đầu đã còn, đừng nói gì đến bàn tay cầm bút.
Có thể nói viết lách, viết và lách, là một hiện tượng phổ biến, thậm chí, phổ quát, trong lịch sử.
Hơn nữa, theo tôi, đó cũng là điều cần thiết. Hơn thế nữa, theo tôi, đó còn là yếu tính của văn học: Viết tức là lách. Sáng tạo, nói chung, cũng có nghĩa là lách.
Chỉ có vấn đề là lách cái gì. Lách những cấm kỵ về chính trị. Lách những ràng buộc của đạo đức. Quan trọng hơn và cũng gần gũi với văn học hơn, là lách những khuôn sáo, từ những khuôn sáo trong quan điểm mỹ học đến phương pháp sáng tác và ngôn ngữ văn học.
Harold Bloom, trong cuốn Anxiety of Influence: A Theory of Poetry (1973) và A Map of Misreading (1975), xây dựng lý thuyết về thơ của mình trên quan niệm về ảnh hưởng, đúng hơn, ám ảnh về sự ảnh hưởng, hay nói đúng theo chữ của ông, sự lo lắng về ảnh hưởng (anxiety of influence). Ông cho người cầm bút nào, tự thâm tâm, cũng mang mặc cảm Oedipus, nói theo ngôn ngữ của Freud, vừa thán phục lại vừa ghen tị với cha, những bậc thầy của mình trong quá khứ. Mỗi người cầm bút đều cố gắng viết lại (re-write) những gì tiền nhân đã viết. Viết lại, thật ra, là đọc nhầm (misreading) và diễn dịch nhầm (misinterpretation). Qua việc đọc nhầm và diễn dịch nhầm, người ta dọn quang những không gian tưởng tượng cho mình. Trong ý nghĩa đó, các bài thơ không viết về chính chúng hay một đề tài gì khác. Các bài thơ được viết về các bài thơ khác: “Một bài thơ là một phản hồi về một bài thơ, cũng như một thi sĩ là một phản hồi về một thi sĩ, một con người là một phản hồi về cha mẹ của hắn.” (A Map of Misreading, tr. 18). Hệ quả là không có một bài thơ nào có thể được hiểu một mình, như một cái gì độc lập và biệt lập; hay nói theo Bloom, “ý nghĩa của một bài thơ chỉ có thể là một bài thơ khác” (The meaning of a poem can only be another poem); và lịch sử đích thực của thơ là “câu chuyện các nhà thơ, với tư cách là nhà thơ, chịu đựng các nhà thơ khác”, cũng giống một bản tiểu sử đích thực là câu chuyện về những chịu đựng từ gia đình của một người nào đó” (The Anxiety of Influence, tr. 94).
Nói cách khác, lịch sử văn học, theo Harold Bloom, là lịch sử của những lo lắng về ảnh hưởng, là nỗ lực cật lực và liên lỉ của từng thế hệ và từng người trong việc thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của những người đi trước.
Ở Tây phương, ít nhất trong thế giới nói tiếng Anh, cả mấy thế kỷ nay, mọi người cầm bút đều tìm cách thoát khỏi cái bóng của Shakespeare.
Ở Việt Nam, cũng vậy. Không có những cái bóng khổng lồ, bao trùm cả lãnh thổ văn học như Shakespeare, nhưng cũng có những cái bóng trong từng khu vực. Làm thơ lục bát, chẳng hạn, không ai không cố gắng vùng vẫy ra ngoài cái bóng của Nguyễn Du, sau đó, của Nguyễn Bính và Huy Cận. Làm thơ tự do, người ta lại phải cố né tránh cái bóng của Thanh Tâm Tuyền. Viết truyện, né Nhất Linh hay Thạch Lam thì người ta lại đụng cái bóng của Vũ Trọng Phụng hay của Nam Cao.
Có thể nói, một cách tóm tắt, con đường viết văn và làm thơ nào cũng bao gồm việc học, ở đó, mình tự để các ảnh hưởng của những người đi trước tràn ngập lên mình, tạo thành thứ tư bản văn hoá cho mình, và việc lách các ảnh hưởng ấy để tạo thành một cái gì riêng biệt mang dấu ấn của chính mình. Người ta, một mặt, dù muốn hay không, cũng học từ quá khứ. Không đọc kỹ và không học kỹ di sản văn học của tiền bối, người ta sẽ không có nền tảng văn học và văn hoá để sáng tác. Nhưng đó chỉ là một giai đoạn, giai đoạn đầu tiên và tự phát. Để sáng tạo, người ta cần vươn tới một giai đoạn khác: chống lại các bậc tiền bối của mình.
Chống, phần nhiều, là lách.
Ý tưởng này đã có người viết rồi ư? Thì mình lách đi. Cách viết này đã có người sử dụng rồi ư? Thì mình lách đi. Giọng điệu này đã thấp thoáng ở ai đó rồi ư? Thì mình lại lách đi.
Quá trình làm thơ, viết văn, từ văn sáng tác đến văn phê bình lý luận, là một quá trình lạng lách liên tục. Đừng tin nếu có ai nói họ chỉ phóng bút ào ào và không thấy gợn trong đầu bất cứ nỗi lo lắng nào về ảnh hưởng cả. Hãy nhìn xuống dưới chân họ đi: chỉ có lối mòn. Toàn là lối mòn.
Những cú lách ngoạn mục nhất là những cú lách ra khỏi lối mòn. Ra khỏi vùng ảnh hưởng của cả những người đi trước lẫn những người cùng thời.
Nhưng liệu người ta có thể lách được mọi ảnh hưởng không?
Không đâu.
Đừng có nhiều ảo tưởng. Nhất là trong thời đại ngày nay, khi bề dày văn học đã kéo dài đến cả mấy ngàn năm và bề rộng của văn học không chỉ giới hạn trong phạm vi một quốc gia mà mang kích thước toàn cầu, những cái gọi là ảnh hưởng lại càng trở nên trùng trùng điệp điệp. Mới thoát khỏi ảnh hưởng của Nam Cao hay Vũ Trọng Phụng lại đụng phải Tolstoi; thoát khỏi ông Tolstoi, lại đụng phải ông Dostoievski; thoát khỏi ông Dostoievski, lại đụng phải ông Kafka; thoát khỏi ông Kafka, lại đụng phải ông García Márquez; thoát khỏi ông García Márquez, lại đụng phải ông Borges. Viết phê bình cũng thế. Mới thoát khỏi ảnh hưởng của ông Hoài Thanh đã mừng húm, tưởng mình sẽ được tự do phơi phới một đời, ai ngờ lại đụng phải ông Roland Barthes; mới né ông Roland Barthes thì lại đụng ngay chân của ông Michel Foucault; đang lúc tưởng tượng thoát khỏi cả ông Barthes lẫn ông Foucault thì lại đụng cái móng của ông Jacques Derrida và ông Jacques Lacan. Ở đâu cũng đầy đại thụ phủ bóng rợp cả một góc trời.
Không có nhiều ảo tưởng, nhưng cũng không thể bỏ cuộc. Bỏ cuộc là tự sát. Còn viết là còn phải lách. Lách được chút nào là mừng chút ấy.
Sự nghiệp văn học của một đời người, nghĩ cho cùng, được hình thành từ những cú lách như thế.

Nguyễn Hưng Quốc

Đọc Nguyễn Hưng Quốc thêm tại trang www.Tienve.org 
Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2020














.