Nguyễn Đức Lập
Vào những năm khoảng cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, trên báo Sài Gòn Mới của ông bà Bút Trà có đăng một mẫu quảng cáo về một lớp dạy đờn tranh, trên đó, có hình một thiếu nữ đang ngồi đánh đờn.
Thiếu nữ nầy mặc áo dài trắng, vóc người mảnh mai, tóc dài xõa một bên bờ vai, che một phần ngực, mặt trái xoan thoáng buồn, đẹp não đẹp nùng.
Mỹ nhân trong hình đó là cô Phương Lan, cũng là người đứng ra mở lớp dạy đờn.
Thiệt ra, hình nầy, cô chụp đâu hồi còn con gái, thuở xa lắc xa lơ, chớ hồi tôi gặp cô, biết cô, cô đã ở tuổi ngoài bốn mươi, ngoại hình so với người đẹp trong ảnh, đã khác xa một trời một vực…
Dám mở lớp dạy đờn ngay giữa Sài Gòn hoa lệ, nơi qui tụ không biết bao nhiêu nhạc sĩ, nhạc công tài danh của khắp ba miền Nam, Trung, Bắc, hẳn nhiên, người phụ nữ Quảng Ngãi nầy có tài thật sự và tự tin ở khả năng của mình.
Vào thời trước, ở miền Nam, người phụ nữ mà sử dụng nhạc cụ, trình diễn trên sân khấu, hay trong các buổi đờn ca tài tử tại các đám tiệc, được coi là hiện tượng lạ. Có chăng là một vài người xuất hiện vào khoảng thời gian thập niên 1930, còn được nhắc nhở tới bây giờ như cô Hai Nhiễu, hay cô Ba Trần Ngọc Viện. Vào những năm khoảng cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, trên báo Sài Gòn Mới của ông bà Bút Trà có đăng một mẫu quảng cáo về một lớp dạy đờn tranh, trên đó, có hình một thiếu nữ đang ngồi đánh đờn.
Thiếu nữ nầy mặc áo dài trắng, vóc người mảnh mai, tóc dài xõa một bên bờ vai, che một phần ngực, mặt trái xoan thoáng buồn, đẹp não đẹp nùng.
Mỹ nhân trong hình đó là cô Phương Lan, cũng là người đứng ra mở lớp dạy đờn.
Thiệt ra, hình nầy, cô chụp đâu hồi còn con gái, thuở xa lắc xa lơ, chớ hồi tôi gặp cô, biết cô, cô đã ở tuổi ngoài bốn mươi, ngoại hình so với người đẹp trong ảnh, đã khác xa một trời một vực…
Dám mở lớp dạy đờn ngay giữa Sài Gòn hoa lệ, nơi qui tụ không biết bao nhiêu nhạc sĩ, nhạc công tài danh của khắp ba miền Nam, Trung, Bắc, hẳn nhiên, người phụ nữ Quảng Ngãi nầy có tài thật sự và tự tin ở khả năng của mình.
(Cô Hai Nhiễu là con của nhạc sĩ Nguyễn Tống Triều ở xứ Cái Thia, Mỹ Tho. Cô chuyên sử dụng đờn tranh trong ban nhạc tài tử của cha. Trong ban nhạc nầy còn có cô Ba Đắc, cũng là tay đờn tranh có hạng nhưng chỉ đảm nhận phần ca vì cô vừa đẹp vừa có giọng ca quyến rũ, dễ làm say đắm lòng người. Ban nhạc của ông Tư Triều thường trình diễn tại các nhà hàng ở Mỹ Tho và mỗi tuần một lần lên Sài Gòn trình diễn ở Đông Pháp lữ quán. Ông Tư Triều đã từng đưa ban nhạc sang Pháp, trình diễn tại hội chợ đấu xảo Paris. Hội chợ nầy có sự tham dự của vua Khải Định. Còn cô Ba Trần Ngọc Viện, người xứ Rạch Gầm, Mỹ Tho là chị ruột của nhạc sĩ Trần Văn Triều. Ông Bảy Triều nầy là cha của nhạc sĩ Trần Văn Khê và quái kiệt Trần Văn Trạch, là ông nội của nhạc sĩ Trần Quang Hải. Cô Ba Viện cũng thiện thủ đờn tranh và là giáo sư dạy đờn tại trường Áo Tím, là trường Gia Long thời Cộng Hòa. Cô tham gia hoạt động quốc sự, bị nhà cầm quyền Pháp bắt và bị tù. Mãn tù, cô về Mỹ Tho mở lớp dạy đờn và lập gánh hát Nữ Đồng Ban, diễn viên toàn là phái nữ.)
Vào khoảng thập niên 1950, ở Sài Gòn có Madame Phiệt cùng với chồng là ông Nguyễn Thế Phiệt học nhạc, học đờn ở bên Pháp. Về nước, hai ông bà tổ chức nhiều buổi trình diễn và bà có mở lớp dạy dương cầm. Đây là lớp học dành cho giới thượng lưu, vì thời đó, dương cầm rất hiếm hoi và mắc mỏ, không ai dễ gì có tiền mà mua.
Cũng trong thời gian nầy, trong lãnh vực sân khấu, có cô Thúy Nga, vợ của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, mỗi khi xuất hiện, tóc xõa ngang vai, ôm cây accordéon trước ngực, vừa đờn vừa hát, được tán thưởng nhiệt liệt, cũng được coi là một hiện tượng lạ. Các thanh nữ thời đó, nhìn những tấm ảnh của cô Thúy Nga tay ôm đờn, đều tấm tắc khen cô là một kỳ nữ.
Đầu thập niên 1960, ở Đakao, Sài Gòn, có cô Huyền Nga mở lớp dạy tây ban cầm. Cô nầy người Bắc, có chồng là một hạ sĩ quan, là nhạc công của các ban nhạc. Tuy là dạy tây ban cầm, nhưng cô lại chuyên biểu diễn đờn hạ uy cầm…
Sở dĩ tôi phải dài dòng làm vậy, mục đích là để cho thấy rằng số phụ nữ trình diễn nhạc cụ trên sân khấu, hay mở các lớp dạy đờn, vào thời trước, đếm được trên đầu ngón tay.
Cô Phương Lan, với gia đình tôi, là chỗ bà con.
Cha cô là ông Chín Nghệ, một tay đờn kìm trứ danh ở Quảng Ngãi thời trước. Ông là cậu của thầy tôi.
Ông Chín Nghệ nầy, tôi có biết. Một lần, hồi kháng chiến chín năm (1945-1954), tôi không nhớ rõ năm nào, ông có đến thăm. Hình ảnh của ông mà tôi còn nhớ là một ông già tầm thước, râu dài, đầu cột khăn nâu, bận áo bà ba nâu, quần đen, mang guốc, nhớ mày mạy vậy thôi.
Tôi biết về ông qua các bà chị. Người thì nói rằng ông đờn hay lắm, tiếng đờn tươi tắn, dòn tan. Người thì khen tướng ông rất đẹp lão, đẹp hơn con trai ông nhiều. Một bà chị khác, thỉnh thoảng vẫn hát một bài Bình Bán vắn mà ông đã dạy cho, hát hoài đến nỗi mấy đứa em bắt thuộc luôn:
Con nầy con lắng tai
Con nghe lời mẹ dặn một hai
Mẹ dặn con chớ nên chơi bời
Phận làm trai trung hiếu hai vai
Chăm lo đèn sách hôm mai
Để ganh đua với người cho kịp
Học cho được cương thường luân lý
Học cho được cách vật trí tri…
Như vừa nói, một bà chị của tôi khen ông Chín Nghệ đẹp hơn con trai của ông. Người con trai nầy là chú Trịnh Chức, một nhạc sĩ đờn tranh, trình diễn thường xuyên trên đài Phát thanh Sài Gòn và có dạy ở trường Quốc gia Âm nhạc. Ngoài ra, chú còn đi dạy đờn ở các tư gia.
Điều cần để ý ở đây là cha thì nổi tiếng đờn kìm, mà con thì lại thiện thủ đờn tranh. Sao kỳ vậy?
Số là hồi còn là một thanh niên, chú Chức theo bạn bè đi buôn bằng ghe bầu, chạy bằng buồm. Tùy theo mùa gió, những ghe nầy đi ra Nghệ An, Thanh Hóa hay đi vào các tỉnh ven biển miền Nam. Trong một chuyến đi, gặp bão, ghe của chú bị trôi giạt, mịt mù san dã, tấp vào đảo Hải Nam. Chú phải ở lại trên đảo suốt sáu tháng, chờ mùa gió bấc, mới có thể nương theo ngọn gió, cho thuyền xuôi Nam mà về nhà được. Trong thời gian nầy, chú lân la làm quen và sinh hoạt với những tay đờn trên đảo và chú học được nghề đờn tranh. Nhờ có căn bản nhạc lý, biết đờn kìm, học từ cha, chỉ có sáu tháng học đờn tranh ở Hải Nam. Khi về nước, nghề riêng chú ăn đứt nhiều người, trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng.
Có cha như vậy, có anh như vậy, cô Phương Lan đờn hay, có thể trở thành bực thầy, không phải là điều khó hiểu.
Lớp dạy đờn của cô Phương Lan có đông đủ học viên hay không, tôi không rõ, vì chưa đến đó bao giờ. Tôi chỉ gặp cô mỗi khi cô tới thăm thầy má tôi.
Lần đầu tiên tới nhà tôi, cô đi với thím Chúc. Thầy tôi kêu tất cả anh chị em tôi ra trình diện, cho các cháu biết cô, biết thím.
Trông cô với thím Chức thì thấy rõ là hai thái cực. Thím Chức tóc bới, mặt không có một chút son phấn, bận áo dài nâu, quần đen. Còn cô thì tóc uốn cao, son phấn hực hở, áo dài nylon bông vàng bông đỏ, quần trắng. Thím Chức nói chuyện với cái dáng e ấp của người phụ nữ miền quê xứ Bắc, còn cô thì nói năng mạnh dạn, sảng khoái, cười tự nhiên, thoải mái.
Cô Phương Lan người vừa tầm, thấp hơn má tôi. Cô có làn da trắng mịn màng. Tuổi trên bốn mươi mà thân hình cô vẫn còn săn gọn. Cô có đôi vai hơi ngang và đôi gò má hơi cao.
Tôi ngạc nhiên khi thấy cô uống la-ve, uống rượu, cụng ly côm cốp với thầy tôi. Có thể nói đây là điều lạ vì thầy tôi không hề uống rượu với phụ nữ bao giờ. Cô là người đầu tiên mà tôi thấy và là người duy nhứt.
Từ sau lần viếng thăm đó, thỉnh thoảng, cô vẫn vào thăm thầy má tôi, vẫn nhậu với thầy tôi. Cô vẫn thường gọi thầy tôi là “ông anh của em”.
Có một lần tôi nghe cô nói:
- Em không dám tới thăm anh Bút Trà vì sợ ảnh nghĩ là em tới để xin tiền.
Trang điểm kỹ lưỡng như vậy, ăn mặc đẹp đẽ như vậy, nhưng tôi nghĩ là cô nghèo. Bởi vì, lần nào cô cũng chỉ mặc có chiếc áo dài nylon ấy thôi. Và, cô thường tới nhà tôi có lẽ là vì nghèo với nghèo dễ chơi với nhau hơn.
Dần dần, hình như tôi thấy cô cười nói ồn ào là để che lấp một nỗi buồn nào đó. Một nỗi buồn mà cô không bao giờ muốn nói tới.
Thường thì những người nghệ sĩ hay nhắc đến cái thuở huy hoàng chói lọi của mình, thuở tiếng đờn, tiếng hát, nghệ thuật trình diễn của mình được khán giả nhiệt liệt vỗ tay tán thưởng, hay được khách mộ điệu thưởng thức ca tụng. Ít nhất, họ cũng nhắc đến một sự thành công nào đó, cho đám em cháu biết, nhưng, cô Phương Lan không bao giờ kể cho chúng tôi nghe về quá khứ của cô. Cô chỉ nói chuyện hiện tại, và cũng không nói một cách quan trọng, chỉ là một chút đùa cợt, pha lửng để cầu vui.
Nhưng, thật sự, cô đã có một thời vàng son rực rỡ. Cô đã từng nổi danh tài sắc, khiến cho bao nhiêu chàng trai cùng thời phải dệt mộng.
Tôi nghe loáng thoáng người lớn nói chuyện, những mảnh rời rạc về cô. Vì một lý do đặc biệt (mà tôi không biết là lý do gì) cô đã kết hôn với một người Pháp. Ông nầy là một viên chức rất cao trong ngành mật thám. Người chồng dị chủng nầy đã thương yêu chiều chuộng cô hết lòng. Cô lên xe xuống ngựa. Tiền bạc, nữ trang, cô muốn bao nhiêu cũng có, muốn thứ gì cũng có. Cô tắm bằng sữa tươi có pha dầu thơm. Cô có một đời sống sang trọng mà người Việt Nam lúc đó không mấy ai có được.
Nhưng, ông Chánh mật thám người Pháp đó yêu thương cô, chăm sóc, cung phụng cho cô theo kiểu chăm sóc một con chim quí. Lồng son, cóng sứ, gạo trắng, nước trong đâu có thể làm cho con chim quên được bầu trời cao rộng ở bên ngoài. Cô là một con người, lại là một người nghệ sĩ, có trái tim phóng khoáng, yêu chuộng tự do. Cuộc sống dư thừa vật chất nhưng bị bao vây tù túng làm cho cô khắc khoải triền miên…
Cuộc hôn nhân dị chủng bị đổ vỡ và cô bước ra khỏi nhà của viên Chánh mật thám với hai bàn tay trắng. Cô bỏ cuộc sống giàu sang để đi theo tiếng gọi của trái tim. Người ấy là một nghệ sĩ lang thang đã từng nói yêu cô tha thiết. Điều mà cô không đo lường được là lòng người. Người ta nói yêu cô khi cô lên xe xuống ngựa, khi cô vung tay ra là tiền bay phất phới. Cô tay trắng, người đó quay lưng trốn chạy.
Thế là, cô không có đường bước tới mà cũng không còn nẻo quay về.
Cuộc đời cô lận đận lao đao từ đó…
Hèn chi mà cô không bao giờ nhắc lại chuyện quá khứ. Hèn chi mà cô vẫn giữ một cốt cách sang trọng mặc dầu cô rất nghèo. Hèn chi mà cô cười to nói lớn để che giấu nỗi buồn…
Rồi, bẵng đi một thời gian, ba, bốn tháng gì đó, không thấy cô tới nhà tôi nữa.
Một bữa, chú Trịnh Chức đến thăm, báo tin rằng cô đã mất, trong nhà thương thí Chợ Rẫy, mọi việc an táng đã xong xuôi. Má tôi cằn nhằn, thầy tôi nổi nóng la cho chú một chặp, rằng tại sao khi cô bịnh, khi cô mất, không báo cho thầy má tôi biết.
Chú Chức rơm rớm nước mắt nói rằng, đó là theo ý muốn của cô ; cô không muốn cho ai thấy cô tàn tạ với chứng bịnh ung thư ngặt nghèo, cô không muốn làm phiền bất cứ ai khi cô chết…
Vậy là thêm một nghệ sĩ tài danh nữa đã từ bỏ cuộc đời trong nhà thương thí Chợ Rẫy. Nhà thương nầy là nơi cưu mang cuối cùng cho những người nghệ sĩ sau khi đã đem hết tài nghệ cống hiến cho đời…
Xứ Quảng Ngãi tuy nghèo, chó ăn đá, gà ăn muối, nhưng người Quảng Ngãi đã tỏa ra tứ phương, đóng góp cho đời, cho đất nước trên mọi lãnh vực, một cách xứng đáng. Một người phụ nữ Quảng Ngãi mà mở lớp dạy đờn ngay giữa trung tâm Sài Gòn, nửa thế kỷ trước, không phải là chuyện dễ thấy, nếu không muốn nói là trường hợp có một không hai…
Nguyễn Đức Lập