Nẻo Quyên Ca

Chuyên ngắn Vũ Quỳnh Hương
 
Ðã từ lâu, tôi tự coi như mình không còn trẻ nữa. Ðó không phải là một cách ràng buộc mình, một cách chống chỏi với những lúc buồn phiền, hay một cách gìn giữ lòng trung trinh. Tôi chỉ giản dị tự cảm thấy mình không còn trẻ nữa.
Nói một cách khác, tôi chỉ còn đủ trẻ để tiếp tục chờ đợi Khắc chứ không còn đủ trẻ để khởi đầu một đời sống khác. Bằng cách suy nghĩ đó, tôi thôi không tự hỏi liệu nếu năm mười năm nữa tôi vẫn không gặp lại Khắc thì còn chi là cuộc đời tôi.
Có những lúc bắt gặp tôi trong cơn ủ rũ, Ý Nhi đã quanh quẩn bên tôi với vẻ bứt rứt đầy trắc ẩn. Càng về những năm sau này, những cơn ủ rũ như vậy càng thưa thớt đi nhiều, nhưng vẫn đủ để Ý Nhi bắt gặp được. Có lần, nó nói đại khái là tôi cũng cần phải sống đời của tôi, là tôi không được công bằng với chính tôi.
Ý Nhi nói tiếng Việt, nhưng tôi nghe ra trong câu nói của nó cái ngôn ngữ của một người Mỹ. Con gái tôi nói chuyện với tôi bằng thứ tiếng của người bản xứ, như nói với một người bạn gái duyên phận long đong. Tôi há miệng toan trả lời nhưng chợt nhận ra cái vẻ bè bạn đó, tôi ngừng lại, im lặng quan sát Ý Nhi.
Hai mươi năm trước, khi lấy Khắc, trong mớ quần áo sách vở mang về với chàng, tôi đã đem theo cả những tập thơ chép tay mà tôi đã cặm cụi chép suốt những năm trung học. Tôi đã ép hoa ép lá ở đó. Tất cả những mơ mộng thời con gái của tôi gom lại ở đó. Thoạt đầu, thời mới lớn của tôi được ướp thơm bằng những bài thơ tiền chiến e ấp dịu dàng, có bóng dáng những người con gái bên song cửa yêu những người ở cuối chân mây. Ðến khi yêu Khắc và bước vào cuộc sống của chàng thì những người con gái sầu mộng kia cũng dịu dàng bước vào dĩ vãng để nhường chỗ cho những cảm xúc mãnh liệt hơn. Ôm em trong tay mà đã nhớ em ngày sắp tới. Tôi rơi vào trong tình yêu của Khắc, tôi run rẩy tan thành khói. Rồi thoắt chốc tôi hóa thành nước mắt. Chàng thì đi cõi xa mưa gió. Thiếp lại về buồng cũ gối chăn.
Khi đọc tới những tập thơ đó, Khắc đã cười ha hả. Anh đâu có ngờ là cô Quyên của anh lại lấy anh vì những bài thơ như thế này.
Ðó là lúc mà lòng tôi còn đủ hồn nhiên để gây gổ với Khắc. Nếu anh cho rằng em lấy anh chỉ vì yêu... thơ thì anh thật nhảm.
Tuy vậy, khi tôi sinh con, Khắc vẫn lãng mạn đặt tên con gái chúng tôi là Ý Nhi. Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu. Hỏi ngày về hẹn nẻo quyên ca. Nay quyên đã dục oanh già. Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo. Khắc ôm lấy mẹ con tôi, thủ thỉ. Em chẳng phải là nàng chinh phụ của anh sao? Nhưng chúng ta đâu có sống mãi ở một thời đại như thế này. Chúng ta sẽ sống trong thời đại của Ý Nhi mà.

**
Thời đại của Ý Nhi.
Ở rất nhiều phương diện, tôi thấy Khắc lãng mạn hơn tôi.
Ðầu tháng Tư năm 75, thành phố Sài Gòn được ví như một cái chảo nóng hực lửa mà trong đó, bách tính bò vòng quanh như bầy kiến tuyệt vọng. Một người lính của Khắc mang về cho tôi mảnh giấy của chàng. Nếu em lo thì cứ về ở với thầy mẹ. Nhưng đừng quá lo, tình hình sẽ thay đổi.
Tôi không bao giờ có dịp hỏi lúc ấy Khắc thực sự tin ở điều chàng viết hay chỉ viết để trấn an tôi. Nhưng tôi cũng nghe lời Khắc, đem Ý Nhi về ở bên thầy mẹ tôi. Cuối tháng Tư, Khắc lại nhắn. Mang Ý Nhi đi theo thầy mẹ, anh sẽ đi sau.
Tôi không có đủ thì giờ để quyết định nên hay không nên nghe theo lời Khắc nữa. Ngọn lửa đỏ cuốn tôi đi. Tôi rơi mất vào trong sức nóng và tro than của nó.
Những năm đầu ở đây, với Ý Nhi trong tay, tôi là trung tâm của lòng thương xót. Về sinh kế, tôi có trợ cấp xã hội. Về tình thương, tôi trú ẩn trong sự đùm bọc của thầy mẹ chị em tôi. Tôi chỉ thực sự sống thở đi đứng nằm ngồi phơi trải lòng tôi với cơn đau đớn vì chia lìa Khắc. Lúc đó tôi còn rất trẻ, hương lửa chúng tôi đương nồng. Sự đau đớn cộng với nỗi ân hận đã không ở lại bên Khắc dày vò tôi như banh da xé thịt.
Những năm kế tiếp, cái đại gia đình mà tôi nương tựa phân tán dần. Các chị tôi đã tạo được sinh kế vững vàng, mua nhà ở riêng. Các em tôi dần lớn lên, cũng lấy vợ lấy chồng, cũng có nhà cửa riêng, cuộc đời riêng. Chúng tôi không còn phải nương tựa nhau từng bước để mà sống như những năm đầu nữa. Chỉ còn tôi ở lại với thầy mẹ, loay hoay với định nghĩa về một cái tổ ấm. Ðây cũng là những năm mà tin tức từ quê nhà được gửi sang đầy đủ hơn. Ít nhất là đủ để tôi bắt lại được tin tức Khắc.
Tôi biết rằng trong những ngày đầu tiên của tháng Năm năm ấy, Khắc đã về ở nhà một người bạn cùng đơn vị, trước khi cả hai ra trình diện. Tôi biết ngôi nhà của thầy mẹ tôi ở đường Ngô Tùng Châu đã biến thành một cửa hàng phân phối chất đốt. Tôi biết cái tổ ấm nhỏ bé của chúng tôi ở con hẻm bên cạnh đó đã đổi chủ nhiều lần. Tôi gửi tiền về đều đặn để gửi gấm người vợ bạn Khắc, một người đàn bà tốt bụng mà tôi không quen, đi thăm chàng giùm tôi. Tôi viết mải miết cho Khắc những lá thư hoang mang và đẫm nước mắt nhớ thương. Tôi nhận được thư chàng trước sau vài mảnh giấy xé từ một loại vở học trò vàng úa bẩn thỉu. Anh vẫn khỏe mạnh, lao động tốt, học tập tốt. Yên tâm hơn khi có tin của em và con. Chị T. là ân nhân của chúng ta. Cảm ơn chị ấy hộ anh. Những mảnh thư ấy giúp tôi hồi sinh.
Tôi cảm ơn ân nhân của chúng tôi bằng cách trích hẳn một phần lợi tức khiêm tốn của tôi, gửi về hằng tháng dưới đủ mọi hình thức. Tôi không được gồng gánh, không được trèo non vượt suối đi thăm chồng thì tôi bù đắp cho chàng bằng cách gửi tình yêu của tôi về qua một đại dương. Tôi vội nghĩ đến ngày Khắc trở về. Chàng còn sống mà viết thư cho tôi thì ắt phải còn sống mà trở về. Ðể Ý Nhi đừng quên cha, tôi bày biện hình ảnh Khắc khắp nhà, đưa Khắc vào cuộc sống hằng ngày của chúng tôi. Bố sẽ vui lắm nếu biết Ý Nhi học giỏi. Bố sẽ thương Ý Nhi lắm nếu biết Ý Nhi ngoan. Ðêm đêm, có lúc tôi nhìn bóng mình trên tường rồi chạnh nghĩ đến chuyện cổ tích. Giả sử như một ngày Khắc về dang tay ôm con, Ý Nhi sẽ dẫy nẩy lên. Không không cha tôi đêm tối mới về. Không không cha tôi đêm tối mới về. Chắc Ý Nhi sẽ không ca cẩm như thế. Nó sẽ nói You're not my Daddy.
Tôi tưởng tượng ra đủ mọi cảnh sum họp. Một hôm, chị tôi nói với Ý Nhi. Thích nhé, khi nào bố Khắc sang đến đây thì mẹ Quyên sẽ chở bố đi xin welfare, còn Ý Nhi thì được đưa bố đi học Anh văn cơ đấy. Câu nói đùa không vẽ ra được điều khó khăn nào làm tôi ngại ngùng. Nó lan thấm vào lòng tôi như một dòng suối mát. Tôi sẽ đưa chàng ra khỏi cái địa ngục kia. Tôi sẽ giúp chàng bước vào đời sống này. Xin vì chàng xếp bào cởi giáp. Xin vì chàng giũ lớp phong sương.
Khoảng thời gian hạnh phúc thoi thóp ấy kéo dài không được lâu. Chị T., trong một lá thư ngắn ngủi sau cùng, báo cho tôi biết rằng T., Khắc và một vài người nữa tổ chức trốn trại thất bại. Khi lên thăm, chị được dẫn tới một chỗ có rất nhiều nấm mộ đắp vội. Người bạn tù đưa đường chỉ cho chị một nấm mộ mới mà anh đã đánh dấu bằng một thanh tre. Ðây là mộ anh T. Còn Khắc nằm ở một chỗ gần đâu đó.
Chị không chia buồn với tôi. Không an ủi tôi. Cũng không dặn dò chi hết về mối liên lạc giữa tôi và chị. Hai người đàn ông đã chết. Không còn gì để nối hai người đàn bà lại với nhau. Hai người đàn bà trước đó đã không biết mặt nhau và sau đó đã không cùng chia với nhau một đời sống. Tôi tiếp tục gửi thư và quà về cho chị vài lần nữa nhưng mất hẳn liên lạc với chị. Có thể nỗi đau đớn của người đàn bà tốt bụng ấy quá lớn để có thể tìm thấy niềm an ủi từ một người bạn xa xôi như tôi. Có thể chị cho rằng tôi là người may mắn hơn, hay ít nhất cũng dễ tìm thấy may mắn trong cuộc sống hơn chị. Tôi nghĩ chị đã mang các con rời khỏi thành phố. Tôi muốn giữ liên lạc với chị, như muốn níu lấy mối dây cuối cùng đã nối kết Khắc với cuộc sống, nhưng chị đã vuột khỏi tầm níu kéo của tôi.
Cái chết của Khắc được đánh dấu trong đời tôi một cách đơn giản. Một buổi lễ phát tang. Thầy mẹ, chị em tôi có mặt đông đủ chung quanh tôi. Một vài người bạn trong sở. Tôi vẫn còn là trung tâm của lòng thương xót. Chúng tôi xin lễ ở một ngôi chùa nhỏ cất tạm trong một khu dân cư. Từ lúc sang đây, tôi không thường lên chùa lễ Phật, cũng không biết gì về nghi thức của một buổi lễ phát tang. Mọi việc đều do mẹ và các chị tôi sắp xếp. Ðúng hơn, tôi ở trong vị thế không thể làm gì và cũng không nên làm gì cả. Một người đã chịu quá nhiều bất hạnh thì sẽ được miễn chấp những trách nhiệm thường thường hay những lỗi lầm thông tục. Ý Nhi quanh quẩn bứt rứt nắm vạt áo tôi. Chị tôi quấn lên đầu mẹ con tôi vành khăn tang trắng. Tôi nắm tay Ý Nhi ngồi yên lặng trong lúc mọi người đi lại lao xao chung quanh. Mắt tôi khô hốc. Thần trí tôi tỉnh táo. Tôi nghe rõ tiếng lũ trẻ chạy đuổi nhau bằng skate-board ngoài đường, tiếng xe chạy, tiếng nói chuyện râm ran của mấy bà cụ làm công quả đang sửa s oạn cho bữa cơm chay trong nhà bếp.
Có người đưa đến trước mặt tôi quyển kinh đã mở sẵn ở một trang, chỉ tôi đọc từ một dòng nào đó. Tôi lâm râm đọc theo mọi người. Quì bên cạnh tôi, Ý Nhi cử động tựa như một cái máy. Tôi thấy tội nghiệp cho con tôi. Ấn tượng về Khắc trong trí nó vốn đã mơ hồ mà ý niệm về cái chết của chàng còn mơ hồ hơn nữa. Không khí của buổi lễ, kinh kệ rầm rì và đèn nến lung linh soi trong mắt nó niềm hốt hoảng rờn rợn. Suốt từ lúc được quấn lên đầu mảnh khăn tang, Ý Nhi cứ bấu lấy tôi, nhìn tôi bằng đôi mắt thảng thốt của một con thú nhỏ. Tôi muốn bảo Ý Nhi cứ đứng dậy ra ngoài nếu nó cảm thấy không thể quì thêm được nữa. Mùi khói hương nồng bát ngát làm tôi cũng choáng váng. Tôi ngước lên nhìn ảnh Khắc. Tôi đã lựa một bức ảnh bán thân tươi cười nhất của Khắc để phóng lớn ra làm ảnh thờ. Trước mặt chàng, bát cơm trắng đầy vun bao quanh quả trứng luộc. Nén nhang chị tôi cắm rơi đầy tàn bụi đen phủ trên mặt cơm.
Khắc chưa bao giờ nhìn tôi cười lâu như thế mà không bước đến bên tôi. Tôi chưa bao giờ dọn cho chàng một bữa ăn kỳ lạ như thế, chưa bao giờ tôi xới cho chàng một bát cơm vun đầy với một quả trứng luộc như thế. Không. Tôi ngã nhào. Ðầu tôi đập xuống nền gạch. Tôi được khiêng vào trong, đổ dầu nóng xoa bóp rồi được đưa ngay về nhà. Tôi không hề gì, chỉ bị xúc động và mất sức sau mấy đêm không ngủ mà thôi. Chị tôi giải thích với mọi người như vậy. Chị thay mặt tôi mời khách ở lại dùng cơm chay sau buổi lễ, cảm ơn họ và tiễn họ về hộ tôi.
Khi tôi tỉnh lại, mẹ tôi và Ý Nhi ngồi bên giường. Ý Nhi úp mặt vào bàn tay tôi khóc thổn thức. Mẹ làm Nhi sợ quá mẹ ơi. Tội nghiệp Ý Nhi, nó khóc hết nước mắt. Mẹ tôi nói. Bà nói về Ý Nhi, không nói về bà, nhưng tôi nhìn thấy ở khóe mắt bà những giọt lệ vừa lau. Tôi ứa nước mắt. Mẹ đừng lo cho con, con không sao đâu.
Tôi muốn nói mẹ đừng lo cho con. Con sẽ sống được mà.
Tôi bắt đầu cuộc sống của một góa phụ.
Tôi không sắp xếp đời tôi như là sẽ có Khắc nữa. Mọi việc hoặc phải bắt đầu lại, hoặc phải tiếp tục một cách khác. Tôi không còn Khắc để mang ra làm động lực khuyến khích con tôi học hành nhưng cũng may Ý Nhi là một đứa trẻ thật ngoan. Sau lần thấy tôi ngất xỉu trên chùa, nó sợ hãi vì ý nghĩ sẽ mất luôn cả tôi. Khắc thì từ lâu đã không có mặt trong đời nó nên việc chàng mất đi chỉ có nghĩa như một sự khẳng định rằng chàng sẽ không bao giờ có mặt. Nhưng nó không thể tưởng tượng ra cuộc sống không có tôi. Mẹ con tôi còn lại nhau, nương tựa nhau mà sống. Tôi được khuyên nên gửi ảnh Khắc ở chùa để chàng nghe kinh kệ cho linh hồn sớm siêu thoát. Hai giải khăn tang của tôi và Ý Nhi cũng được để lại chùa. Tuy nhiên, tôi vẫn không năng lui tới đó, tôi không tìm thấy niềm an ủi nào khi nhìn ảnh Khắc giữa rất nhiều ảnh người đã chết khác, xếp ngay ngắn trên bệ thờ, chung quanh là tượng các vị Phật, hoa trái và nhang đèn. Tôi muốn bắt giữ một điều gì, hoặc rõ rệt hơn, hoặc bao la hơn. Tôi muốn thấy Khắc nằm ở dưới một nấm mộ, để tôi đến khóc than lớn tiếng khi cần thiết. Tôi muốn cầm giữ trong tay tro than của chàng để tôi thờ phượng vái van lúc yếu đuối. Tôi muốn có những di vật của chàng để không phải tiếp tục tưởng tượng chàng đã sống và đã chết đi như thế nào. Tôi muốn ôm trong tay khuôn mặt chàng, muốn vuốt mắt chàng để thực sự tin rằng chàng vẫn là của tôi cho đến lúc mất đi. Có rất nhiều điều không rõ rệt về cái chết của Khắc mà tôi không thể tìm kiếm, cũng không thể xác nhận hay chối bỏ.
**
Cuộc sống góa bụa của tôi kéo dài được hai năm thì mẹ tôi tình cờ gặp một người bạn cũ của Khắc vừa vượt thoát khỏi Việt Nam. Mẹ tôi kể lể với anh chuyện tôi đã sống như thế nào trong nhiều năm qua, trước và sau ngày Khắc mất. Người bạn nhảy dựng lên. Khắc mất hồi nào?
Theo lời anh, Khắc, T. và vài người nữa thực sự đã tổ chức vượt trại và bị bắn gục vỏn vẹn hai tiếng đồng hồ sau đó. Nhưng trong những xác mà các người tù cải tạo kéo về chôn trong buổi trưa ngày hôm sau không có Khắc và một người nữa.
Trước sự ngỡ ngàng của gia đình tôi, người bạn lúng túng giải thích thêm. Anh không hề biết tin gì hơn về Khắc cho tới lúc anh bị chuyển đi trại khác, rồi được thả về và đi thoát sang đây. Nhưng đêm hôm đó thì chắc chắn là Khắc thoát. Nhiều ngày sau, vệ binh vẫn tiếp tục đi lùng kiếm. Nhiều tháng sau, trước khi có vụ chuyển trại, họ vẫn còn ra rả lên lớp về những hình phạt dành cho người trốn trại, về sự tinh vi của màng lưới tình báo nhân dân ở bên ngoài. Mấy nấm mộ đắp bên bìa rừng vẫn được dùng như một hình phạt nhãn tiền làm gương cho người còn lại. Chị T. trong lúc quá xúc động có lẽ đã đinh ninh rằng tất cả nhóm người vượt trại đã cùng nằm yên dưới mộ như chồng mình. Hay chị đòi hỏi một sự công bằng của số mệnh?
Mẹ tôi mừng phát khóc. Bà tíu tít đi chùa ăn chay, lễ tạ Trời Phật. Tôi mừng. Nhưng tình trạng của tôi sau đó lại càng lúng túng hơn nữa. Bọn chúng không bắt được Khắc nhiều tháng sau đó không hoàn toàn có nghĩa là chàng còn sống. Tất cả câu chuyện với nhiều chi tiết cụ thể hơn lá thư ngắn ngủi của chị T. nhiều năm trước chỉ đưa đến một kết luận rằng Khắc đã không mất trong cùng một ngày với anh T. Có thể Khắc đã vùi thây ở một xó rừng nào đó. Chàng đã chết đi không được bạn tù chôn cất, không có lấy một manh chiếu quấn thân, không một bia mộ tre đánh dấu chỗ nằm. Rồi mai sau, nếu có ngày trở về, tôi biết tìm chàng nơi đâu?
Nếu Khắc còn sống, vấn đề đặt ra là chàng đang ở đâu và tôi biết tìm chàng nơi nào?
Khi tôi nói với Ý Nhi rằng có thể bố Khắc còn sống, nó mở to mắt nhìn tôi kinh dị. Ðôi mắt trong suốt tựa như mắt một người bản xứ khi nhìn vào những điều không thể thông hiểu được của người thiểu số. Tôi kể lại một cách thiếu mạch lạc câu chuyện trốn trại của Khắc. Ý Nhi vùng ôm lấy tôi, đôi bàn tay nhỏ của nó siết trên lưng tôi, vỗ vỗ. Tội nghiệp mẹ quá, Nhi tội nghiệp mẹ quá. Trong phút chốc, Ý Nhi vẫn ở trong tay tôi mà bao nhiêu Ý Nhi khác trở về trong trí tôi. Ý Nhi mà tôi bồng bế trên tay, khóc ngằn ngặt trong những ngày đầu tiên trên đất nước này. Ý Nhi khóc và tôi cũng khóc. Ý Nhi lên sáu khi tôi quyết định bỏ trợ cấp xã hội để đi làm. Ý Nhi buổi sáng mặc chiếc áo ngủ bằng nỉ trắng lấm chấm những chùm bong bóng màu hồng màu vàng, vùng vẫy quơ quào trong tay mẹ tôi. Nhi đi với mẹ, cho Nhi đi với mẹ. Ý Nhi trong ngày phát tang Khắc, úp mặt vào bàn tay tôi mà khóc. Mẹ làm Nhi sợ quá mẹ ơi.
Tôi nhớ đến những con chuột tôi đã xem lũ trẻ trong xóm đánh bẫy thuở nhỏ. Chúng giữ những con chuột trong lồng đùa nghịch hành hạ chán chê, dội nước nóng, đốt lửa, đâm mù mắt xong rồi mới giết. Khi đó, những con chuột không còn đủ sức để vùng vẫy, không còn mang lại được trò vui nào nữa. Tôi giống như con chuột mẹ cõng theo chuột con sa chân vào lồng, cuống cuồng nhìn ra ngoài bầu trời xanh mà không tìm được lối thoát thân. Bên cạnh mức độ bạo tàn, cuộc chiến tranh mà tôi vừa sống qua vẫn còn đầy những sự phi lý dai dẳng buộc vào tôi như buộc vào một người tù chung thân. Tại sao tôi lại trở thành một tù nhân của chiến tranh?
Tôi trở lại chùa để mang ảnh Khắc về. Ngôi chùa hoạt động chưa được bao lâu thì bị dân bản xứ ở chung quanh thưa kiện vì tiếng chuông mõ và xe cộ ra vào những ngày rằm ngày lễ quấy rầy họ. Khi tôi đến thì người ta đang dọn dẹp vườn tược phòng ốc, biến cái chùa ấy thành một đơn vị gia cư. Những người thợ đang bận rộn làm việc. Một nhóm dán giấy hoa lên tường, một nhóm khác lót thảm trong gian chánh điện. Ðó là chỗ năm trước được lót gạch hoa, chỗ tôi ngã xuống trong ngày phát tang Khắc. Ở ngoài sân, một tấm bảng của hãng địa ốc Century 21 cắm trên sân cỏ. Những luống hoa vạn thọ vàng thắm tốt tươi đang bị nhổ lên. Những cây hoa hướng dương khỏe mạnh cao vượt đầu người bị đốn ngang thân, không còn quay đầu về phía mặt trời. Tôi ghét cái loại hoa to lớn không hương ấy. Hướng dương lòng thiếp như hoa. Không có một mùa hoa nào còn nở trong lòng tôi. Tôi không gặp vị sư trụ trì, cũng không nói với ai ở trong chùa về chuyện Khắc. Tôi không biết phải nói sao. Nói Khắc sống lại? Nói Khắc chưa chết? Nói Khắc mất tích? Nói Khắc đang từ từ biến thành một chiếc bóng? Không. Tôi không biết gì về Khắc hiện nay cả.
Tôi muốn vào lễ Phật, nhưng các tượng Phật trên điện thờ đã được dời đi. Khi tôi quay ra thì mấy cụ già đang lui cui xếp kinh sách vào thùng giấy ân cần dặn dò tôi. Nhớ đem hình lên chùa mới nghe con. Phật tử đã cúng dường mua được mảnh đất rộng rãi thanh tịnh phía trên núi để dựng chùa. Nhớ đem hình thẳng lên chùa cho thẳng được mát mẻ.
Khắc có được mát mẻ không?
Tôi đem bức ảnh Khắc về, để dựa vào ngọn đèn ở đầu giường tôi, nói chuyện với chàng một đêm. Trả lời em đi. Anh sống hay chết? Sao không liên lạc với mẹ con em? Em thực sự sống với anh dưới một mái nhà bao nhiêu ngày mà lìa anh đã gần hết nửa đời rồi. Em không còn xuân sắc nữa đâu. Một năm một nhạt màu son phấn. Anh sống hay chết trả lời em đi.
Cuối tuần đó tôi đem hai dải khăn tang lên núi đốt. Ðó là một công việc mà tôi đã toan tính kỹ. Lửa không phải là trò chơi an toàn và tôi không muốn bị ai trông thấy khi làm việc đó. Nhưng tôi khao khát được cầm trên tay một thứ tro tàn.
Tôi ngồi loay hoay vừa che gió cho hai chiếc khăn cháy hết, vừa nhìn quanh quẩn trông chừng xuống con độc đạo quanh co dẫn lên chỗ tôi ngồi.
Lửa chậm chạp liếm đen vuông vải trắng. Tôi run lên vì gió lạnh và vì nỗi khổ sở dữ dội cháy nghiến trong lòng. Sau khi đã vốc nắm tro trên tay, thả bay xuống vực như một đứa trẻ nghịch cát, tôi khóc lớn. Tôi thấy mình đáng thương. Tôi oán trách ai đó đã sắp xếp đời tôi. Trong bao nhiêu năm tôi đã kiêu hãnh làm người vợ thủy chung nhưng bây giờ tôi chỉ là người đàn bà trần trụi chống chỏi với một thứ định mệnh khắc nghiệt hơn sức chịu đựng. Tôi không làm chi được cuộc đời tôi.
Tôi nuôi dưỡng ý định trở về tìm Khắc.
Tôi biết một người đàn bà hàng xóm cũ ở quê nhà. Khi sang đây, gia đình chị tiếp tục ngành kinh doanh cũ. Dần dà, dòng họ chị làm chủ một hệ thống kinh doanh có tiếng, chiếm cứ nhiều cửa tiệm dưới phố. Chị là một trong những người đầu tiên trở về. Chị về để lo giấy tờ mang anh sang. Không ai chê trách gì chị. Không ai đem những quan điểm chính trị đặt trước một người đàn bà đi tìm chồng. Khi chị đưa được anh sang đây, mẹ tôi thúc hối tôi đến thăm để hỏi đường đi nước bước. Tôi từ chối. Làm sao chị có thể chỉ tôi con đường đi tìm Khắc? Số mệnh tôi khác số mệnh chị. Chồng chị không trốn trại, không bị bắn, cũng không mất tích. Anh được thả về với gia đình anh cho đến khi chị đón anh sang. Họ không bao giờ bị mất liên lạc nhau. Còn tôi, tôi biết tìm Khắc ở đâu? Sau cùng, tôi cũng mượn cớ đến mua hàng để tìm chị.
Tôi nhìn thấy hạnh phúc của chị hiển nhiên hơn hết thảy mọi lời đồn. Ngày xưa chị không đẹp, cũng không có duyên. Những năm mới đến đây, chị cũng xơ xác héo hon như bất cứ người đàn bà tị nạn nào. Bây giờ, đời sống đầy đủ phủ gấm lụa lên thân chị và hạnh phúc tô điểm dung nhan chị. Anh bận rộn cân hàng cho khách. Chị đứng ở quầy tính tiền, cất tiếng gọi anh. Giọng chị ngọt, kéo dài. Cái giọng của một người nữ tự mãn vì có đầy đủ tình yêu. Mặt chị ửng hồng như gái đương thì. Ở tuổi chị, cái sắc hồng không do son phấn như một thứ quả trái mùa ấy gợi trí tò mò. Cử động chị chậm chạp một cách uể oải và hài lòng. Tôi đoán không sai, chị đang hoài thai. Sau một lúc chuyện vãn, chị đặt tay lên vai tôi, thân mật tâm sự. Mình lớn tuổi rồi, cũng không muốn sinh đẻ làm chi nữa, nhưng ảnh đòi con quá. Thôi mình cũng phải rán sinh thêm cho ảnh một đứa nữa. Vợ chồng hàng chục năm không gặp nhau...
Tôi hấp tấp kiếu từ chị. Hạnh phúc của chị làm tôi ghen tị. Chuyện đàn bà sinh nở làm tôi bối rối như thuở chưa chồng. Chiếc đồng hồ nằm im tiếng đâu đó trong thân thể tôi gõ những tiếng chuông kính coong kêu gào.
Tôi xa Khắc đã quá lâu để những kỷ niệm về đời sống vợ chồng còn nồng nàn trong trí nhớ, nhưng tôi cũng muốn có con lần nữa. Tôi muốn sống lại cơn lo âu thay da đổi thịt trong thời kỳ thai nghén. Tôi muốn hưởng lại cảm giác bềnh bồng mất thăng bằng khi trọng tâm tôi nghiêng nặng về phía trước. Tôi muốn nghe lại nhịp thở mong manh của một mầm sống đang lớn lên trong thân tôi. Tôi muốn giấc ngủ mệt nhọc nửa đêm của tôi bị đánh thức bởi cái đạp thắt ruột của một bàn chân nhỏ bé. Tôi muốn nôn ọe buổi sáng, chóng mặt nhức đầu buổi trưa, muốn được đấm lưng muốn được xoa chân bóp tay buổi chiều buổi tối. Tôi muốn chịu đựng lại cơn đau xé rách châu thân lúc bầu nước tôi vỡ òa và tôi nở bung như bông hoa cái hân hoan dâng hiến hạt mầm. Người đàn bà mang thai và sinh con hạnh phúc trở thành vũ trụ riêng. Họ là biểu tượng của đất, của suối nguồn. Họ yêu và ban phát sự sống. Họ là hiện tại là tương lai.
Tôi là quá khứ. Tôi chết héo hon. Nhưng tôi muốn sống. Tôi muốn bước đi bằng những bước chân nặng nề nghiêng về phía trước và đôi cánh nhẹ tênh bay vút tới tương lai, tới thế hệ mà tôi sẽ sinh nở ra. Ý Nhi không còn là đứa trẻ ngủ ngoan trong lòng tôi. Nó không còn mái tóc mềm như tơ để tôi ve vuốt. Nó không còn đôi má thơm mùi sữa để tôi hôn siết. Ðã lâu rồi tôi không còn là người mẹ trẻ với cuộc đời chan chứa yêu đương. Trời ơi tôi muốn sống. Muốn sinh con đẻ cái. Muốn trở lại làm một người đàn bà son trẻ, có chồng, có con.
Tôi quyết định trở về tìm Khắc.
Muốn vậy, trước tiên tôi phải có trong tay một số tin tức và dữ kiện. Tôi liên lạc tìm kiếm hết thảy những người bạn đã cùng sống với Khắc trong các trại cải tạo.
Sau một thời gian nhận tin và xét đi xét lại xem mình suy nghĩ đã chín chưa, tôi nhận được một số tin tức trái ngược nhau và hoàn toàn không vui. Từ những tin tức đó, Khắc có nhiều phần được coi như một người thất lạc, không phải một người đã khuất.
Một người nói Khắc bị bắt lại và bị đưa ra miền Bắc.
Một người khác cho biết gia đình Khắc có vào Nam tìm chàng.
Một người khác không nỡ nói thẳng với tôi mà nói phong thanh qua nhiều người, rằng dường như họ có trông thấy Khắc đi trên đường phố Sài Gòn, bên cạnh một người đàn bà. Giữa mớ sỏi đá hỗn độn mà tôi nhặt nhạnh được từ mơ hồ, trên đường tìm kiếm Khắc, viên đá đó liệng trúng lồng ngực tôi.
Tôi nổi giận vì tính chất mơ hồ của nguồn tin.
Tôi nổi giận vì nhiều người đã nghe cái tin đó trước tôi và nhiều người đã tội nghiệp tôi.
Từ trên chiếc bệ cao của một bậc tiết phụ, tôi rớt xuống làm một người đàn bà bị phụ rẫy tự mười mấy năm.
Ðêm hôm đó tôi lại đem bức ảnh thờ Khắc ra để bên đầu giường, chong đèn nói chuyện với chàng. Anh có phụ rẫy em không? Anh có biết mẹ con em đã sống thế nào trong mười mấy năm qua không? Em đã không phản bội anh ở một nơi có thừa cơ hội để phản bội. Em có thể tiếp tục tin tưởng ở tình yêu của anh không?
  Em có nên tiếp tục chờ đợi anh không? Sau khi đã nguôi cơn khóc lóc giận dữ, sau khi đã vật vã với lòng mình cho tới tan nát, sau khi đã phân tích và suy xét bằng chút lý trí còn sót lại, tôi nhìn ra sự phi lý của tất cả mọi chuyện.
Không có gì thật khi người ta nói Khắc đã chết. Không có gì thật khi người ta nói Khắc còn sống. Cũng không có gì thật khi người ta nói Khắc có mặt cạnh một người đàn bà.
Chỉ có một sự thật khắc nghiệt là tôi phải chịu đựng nỗi đau đớn của tôi và phải tiếp tục sống hết đời tôi.
Ðời tôi?
Nhiều năm trước tôi phải sống và tôi có bổn phận giúp Khắc sống. Tôi có bổn phận chờ đợi chàng. Bây giờ thì mức độ bức thiết của bổn phận đó đã phai nhạt đi.
Một cách lãng mạn, tôi tin rằng trong đời Khắc không thể có bóng dáng người đàn bà nào lớn bằng bóng dáng tôi. Một cách thực tế, tôi biết rằng một người đàn ông và một người đàn bà có thể sống cạnh nhau mà không cần tới tình yêu. Tôi tưởng tượng ra Khắc vượt qua cái chết trở về thành phố. Chàng không liên lạc được với tôi, không tin rằng tôi còn chờ đợi chàng, hay cũng nghe ai nói rằng có một người đàn ông nào đó ở bên cạnh tôi. Tôi tưởng tượng Khắc, tổn thương từ thể xác tới tâm hồn, trở về nhìn thấy một xã hội biến đổi. Tôi tưởng tượng Khắc không nhà không cửa, không vợ con, không có ai thân thuộc trên đời. Tôi tưởng tượng Khắc cần sự có mặt của bất cứ một người nào đó bên cạnh như cần một cái phao để bám vào cuộc sống. Nếu sự thật giống như vậy, tôi không hiểu rằng Khắc lãng mạn hơn tôi hay mềm yếu hơn tôi?
Một cách cao thượng, tôi tha thứ cho Khắc.
Nhiều năm trước tôi phải sống vì tôi có bổn phận nuôi dưỡng Ý Nhi, có bổn phận vun đắp tương lai cho con. Bây giờ thì Ý Nhi đang bước những bước vững chãi ra khỏi đời tôi.
**
Tôi từ chối nhìn vào sự thật đó.
Tôi không phải lo lắng nhiều về việc học của Ý Nhi. Từ thuở nhỏ, Ý Nhi đã được rèn luyện để hiểu rằng tương lai của nó phải đặt trên nền tảng học vấn. Tôi tin rằng tôi đã làm tròn trách nhiệm của tôi trong việc này. Tôi lo lắng nhiều hơn về việc gìn giữ cho Ý Nhi các cá tính và đức hạnh Ðông phương. Dưới sự hướng dẫn của tôi, cộng với nề nếp cũ của thầy mẹ tôi, Ý Nhi biết đủ khuôn phép để có thể cư xử như một người con gái Việt thuần túy. Nhưng nó vẫn là đứa trẻ hấp thụ nền học vấn từ xã hội này. Tôi không thể biết rõ gia đình và học đường đã chia ảnh hưởng như thế nào trong đời sống và tâm hồn con tôi.
Tôi biết mức dinh dưỡng đầy đủ khiến trẻ nhỏ ở đây bước vào tuổi dậy thì sớm hơn trẻ nhỏ ở quê nhà. Vậy mà trong một lần xếp dọn tủ áo cho Ý Nhi ngày nó vừa lên trung học, tôi vẫn hốt hoảng khi trông thấy một hộp Maxi-pads và một hộp Mini-pads chia chỗ trong ngăn tủ. Chưa hết, một hộp Tampons nhỏ chiếm một diện tích khiêm nhường hơn ở đáy ngăn. Tôi lục tung hết cả căn phòng Ý Nhi lên, không tìm thấy gì hơn. Tôi trở về phòng mình, khép cửa. Khóc. Tôi giận tôi đã không theo dõi Ý Nhi đến nơi đến chốn. Tôi giận tôi không biết mảy may gì về chuyện đó. Tôi nhớ tôi thuở xưa một sáng thức dậy thấy đáy quần mình hoen máu thì khóc lóc đi tìm mẹ. Mẹ tôi đem con búp bê nhỏ ra làm người mẫu, chỉ tôi cách săn sóc mình. Con búp bê và tôi chia nhau đời sống từ lúc tôi còn thơ dại đến khi tôi thành đàn bà. Con búp bê ấu thời của tôi. Ý Nhi không cần tới một con búp bê nào. Không một giọt nước mắt bồi hồi. Không một lời kể lể. Ý Nhi chia sẻ những điều đó với ai?
Khi Ý Nhi về đến nhà thì tôi đã hết khóc. Tôi nhẹ nhàng hỏi nó. Sao con không cho mẹ biết? Ý Nhi trả lời giản dị. Con biết tự lo chuyện đó mà. Sự giản dị tới mức tối đa ở câu trả lời và cách trả lời của Ý Nhi làm tôi muốn khóc nữa. Không biết nói sao, tôi hỏi gặng thêm. Nhưng con đừng dùng Tampon Nhi ơi. Con đã dùng nó chưa? Thấy điệu bộ tôi căng thẳng quá, Ý Nhi bước đến ôm lấy tôi. Con không dùng loại đó đâu mẹ. Tụi nó chỉ con, con đem về coi chơi vậy thôi. Nhưng nếu con dùng thì cũng có gì đâu mà mẹ serious dữ vậy?
Có gì đâu. Con gái tôi lại trấn an tôi về chuyện dậy thì của nó. Có gì đâu. Con gái tôi đang lớn lên như cây cỏ mùa xuân, như có mây gió bốn mùa gom lại căng tràn trong thân thể. Trong khi đó thì tôi đứng lại ở bên đường.
Tôi chỉ là một người đàn bà thuộc về một thế hệ khác. Tôi sẽ mau chóng trở thành một bà mẹ già không theo kịp mức độ văn minh của thế kỷ 21. Tôi không theo kịp thời đại của Ý Nhi mà cũng không có Khắc bên cạnh để yên lòng sống nốt thời đại của chúng tôi. Cái hình ảnh về một Ý Nhi độc lập, tự tin và có thể sẽ không hoàn toàn giống như tôi muốn gò ép hiện ra như một tương lai xa lạ và đầy bất trắc.
Tôi khởi đầu nói với Ý Nhi về những vấn đề giáo dục sinh lý. Khi quyết định như vậy, tôi tự coi mình là một bà mẹ cấp tiến lắm. Nhưng khi Ý Nhi vui vẻ kể ra những điều nó đã thu thập được từ trong và ngoài lớp học thì tôi biết mình lầm. Những điều tôi định giảng cho Ý Nhi không có gì mới lạ hết. Tôi vẫn đi chậm một bước.
Tôi tiếp tục từ chối nhìn vào sự thật đó cho đến ngày Ý Nhi tốt nghiệp trung học.
Từ giữa năm học, bọn trẻ đã rộn ràng tính toán về chương trình buổi lễ tốt nghiệp và sửa soạn quần áo cho đêm dạ vũ.
Tôi kiểm soát Ý Nhi như con rồng cái canh giữ kho tàng. Con tôi thông minh và xinh đẹp nên có khá nhiều bạn. Nhưng nó chưa có bạn trai.
Tôi lăm lăm chờ đợi đến ngày tên tuổi trẻ đó xuất hiện.
Gần cuối năm học, Ý Nhi cho tôi biết nó sẽ chọn Devin để đi cùng trong đêm dạ vũ. Hai mẹ con yên lặng một lúc. Tôi đã lo ngại đến chuyện này từ lâu. Tôi nhắc đến tên một vài nam sinh người Việt học cùng lớp với Ý Nhi mà tôi biết. Ý Nhi nói rằng Devin lịch sự hơn. Nó lại dùng một câu trả lời giản dị tới mức tối đa trong khi tôi chờ đợi nó phơi bày hết trái tim non trẻ. Không nhịn được nữa, tôi hỏi thẳng. Devin có phải là bạn trai của con không?
Ý Nhi lắc đầu một cách mạnh mẽ. Không.
Sự phủ nhận mạnh mẽ ấy không làm tôi yên tâm. Nhưng tôi không thể khơi khơi lấy lý do Devin không phải người Việt để phản đối, vì thực sự Devin là một đứa trẻ ngoan. Chúng tôi không nói tới chuyện đó nữa. Ðúng hơn, tôi muốn hướng sự chú tâm của Ý Nhi tới những việc quan trọng khác. Tốt nghiệp trung học với điểm cao, Ý Nhi đang đứng trước một ngưỡng cửa rộng mở. Con đường ở phía trước còn nguyên chiều dài và Ý Nhi sửa soạn dẫm lên vạch khởi hành. Tôi thấy mình giống như người phải dự cuộc chạy đua tiếp sức khi hai chân đã đuối mà người bạn đồng đội của tôi thì mới vừa bước vào với sức lực tràn trề. Khi hắn hoàn tất vòng đua là khi tôi sẽ ngã chết. Khi Ý Nhi hoàn tất học trình, sống cuộc sống của một người trưởng thành là khi tuổi già tôi tới. Tuổi già. Tôi lại nghe đâu đó trong châu thân tôi những tiếng chuông ngân khẩn thiết.
Không. Ngày ấy vẫn còn xa. Con đường trước mặt mẹ con tôi còn dài. Còn nhiều nhọc nhằn phải đi qua.
Dù sao, tôi cũng tin rằng tôi đã sống qua những thời kỳ đen tối nhất trong đời. Chúng tôi đã có một đời sống vật chất tương đối ổn định. Về đời sống tinh thần, tôi mất Khắc rồi tôi lại tìm được Khắc, rồi tôi lại mất Khắc lần nữa. Bây giờ thì tôi là người biết ít nhất về sự sống còn an nguy của Khắc. Tôi không biết Khắc ở đâu và chúng tôi có còn thuộc về nhau không.
Nhưng điều đó dường như cũng không quan trọng nữa. Ðiều quan trọng nhất thuộc về tôi. Là tôi có muốn tiếp tục sống một mình nữa không? Thủy chung, phản bội, hay hạnh phúc, khổ đau thì cũng tự lòng tôi mà ra. Ngoài chính tôi, không ai có thể buộc tôi chờ đợi Khắc trong từng ấy năm. Nếu Khắc có mặt vào lúc này, tôi có thể hãnh diện đưa Ý Nhi đến trước chàng. Ðây là con gái của chúng ta. Hy vọng của chúng ta. Niềm lãng mạn mà chúng ta đã chia nhau vào những năm tháng xa xưa ấy. Em đã làm tròn bổn phận của em. Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân. Em không còn gì để dâng hiến. Cũng không còn gì để chờ đợi ở tương lai.
**
Devin đã xuất hiện ngoài ngưỡng cửa.
Tôi không muốn nghĩ hắn là biểu tượng của thời đại Ý Nhi mà Khắc đã nói tới trong ngày chúng tôi đặt tên con. Nhưng vẻ tuấn tú của hắn làm tôi phải bối rối.
Tuy biết trước bọn trẻ sẽ ăn mặc hết sức lịch sự, tôi vẫn đứng khựng khi thấy hắn chững chạc và đỏm đáng trong bộ lễ phục đen. Cậu bé Devin thường ngày đạp xe đi qua cửa nhà tôi trong chiếc quần jean bạc màu, áo T-Shirt, đôi giày ba-ta và chiếc túi đựng sách vở nặng trĩu sau lưng đã bước một bước dài ngàn dặm qua ngưỡng cửa thiếu niên. Hắn nghiêng người chào tôi, kiểu cách. Thưa bác, cháu đến đón Ý Nhi đi Prom.
Tôi cố ý cho hắn biết rằng bộ quần áo không làm tôi tiếp đãi hắn khác hơn ngày thường. Tôi để hắn đứng bên cửa, không mời hắn ngồi ở phòng khách mà cũng không đưa hắn sang phòng ăn. Devin đợi một chút nghe, tôi đang giúp Ý Nhi mặc áo. Tôi đang tỏ ra là một mụ già Á đông lui cui tô đắp cho dày bức tường chủng tộc. Nhưng hắn không biết tới điều đó. Hắn vui vẻ trả lời tôi. Vâng, cháu biết cháu đến sớm mà. Tiếng hắn đã rõ ra cái âm vang trầm ấm và tự tin của một thanh niên.
Khi trở lên giúp Ý Nhi mặc áo, nhìn con trong gương, ôm nhẹ tấm thân nẩy nở yêu kiều của con trong tay, tôi biết rằng Ý Nhi của tôi cũng đã thực sự trở thành một thiếu nữ. Lòng tôi tràn ngập một thứ cảm giác gần như hoang mang. Cảm giác ấy kéo dài cho đến khi tôi đưa Ý Nhi xuống lầu giao tận tay Devin, dặn dò hắn đưa Ý Nhi về đúng giờ, lái xe cẩn thận và đừng uống rượu... thì trở thành một thứ cảm giác bùi ngùi muốn khóc. Tựa như Ý Nhi sắp sửa đi lấy chồng. Tựa như Ý Nhi sắp sửa vuột khỏi tay tôi mà đi mất vào một đời sống khác.
Sau khi hai đứa trẻ đi khỏi, tôi ngồi lại ở phòng khách, nhìn ra cửa sổ và suy nghĩ rất lâu. Có thể tôi đã tính toán sai. Ý Nhi và Devin muốn thuê xe Limousine.
Chúng sẽ đi chung với hai cặp nữa và phí tổn thuê xe của một đêm sẽ được chia đều cho sáu đứa trẻ. Tôi và mẹ Devin nói chuyện với nhau. Qua điện thoại, tôi có cảm tưởng như trong khi tôi kỳ thị Devin vì nó là người Mỹ thì mẹ Devin cũng dành cho Ý Nhi thành kiến tương tự. Nhưng hẳn nhiên là chúng tôi không nói với nhau về chuyện đó. Ngược lại, chúng tôi có vẻ rất tương đắc vì mẹ Devin cũng nói bà không muốn tốn kém quá nhiều cho ngày tốt nghiệp của nó. Tôi thì nói tôi không muốn tập cho con tôi thói quen xa hoa. Mơ ước đi xe Limo của chúng bị hủy bỏ. Nhưng có chắc là hai người đàn bà bảo thủ như tôi và mẹ Devin đã tính đúng không? Nếu chúng đi xe chung, phí tổn chia ra cho nhiều người cũng không phải là quá khả năng chúng tôi. Hơn nữa, khi cùng đi trên một chiếc xe, một người tài xế và sáu đứa trẻ, không chuyện gì quá riêng tư có thể xảy ra được. Rồi khi trở về, bọn con trai có thể uống quá chén một chút cũng không hề chi. Tôi thấy mình vụng tính. Tôi hình dung lại lúc Devin cẩn trọng cầm bàn tay Ý Nhi, tấm lưng dài, sóng mũi thẳng, bán diện nó thật đẹp. Tôi hình dung lại chiếc xe thể thao màu đen của nó phóng vút đi ở cuối đường. Chiếc xe ấy đêm nay trở về sẽ đi với một tốc độ không kiểm soát được, sẽ đến một nơi chốn không người mẹ nào lường trước được.
Tôi bắt đầu ân hận. Tôi lên lầu, thổn thức nhìn cảnh tượng bừa bãi mà Ý Nhi bỏ lại. Vì phải sang phòng tôi để được giúp trang điểm và mặc áo, Ý Nhi gần như đã bày tất cả quần áo trang sức của nó lên giường tôi. Chiếc túi xách và hộp giấy của tiệm Kinney Shoes ở dưới đất. Mấy chiếc móc áo vất chồng lên đôi dép đi trong nhà. Chiếc nịt ngực, bộ quần áo thể thao và đôi vớ nylon màu đen có đính những hạt kim cương giả lóng lánh vất ở một góc. Trong lúc vội vã sửa soạn, Ý Nhi đã làm vướng móng tay vào đôi vớ mới tinh ấy, kéo sợi nylon rách xoạc đi một đường dài. Con bé ngồi bệt ngay xuống thảm, tay mân mê những hạt đá trên đôi vớ đắt tiền mà hai mẹ con đã dày công chọn lựa, rơm rớm khóc. Tôi phải vội vã dỗ dành nó. Mẹ còn một đôi khác gần giống đôi này. Ðể mẹ lấy cho. Ðừng có khóc mà lem hết son phấn bây giờ.
Cô con gái nhỏ của tôi sau đó đã ngồi rất nghiêm trang để được tôi trang điểm. Khuôn mặt trẻ măng phủ một lớp son phấn nhẹ nhàng chói sáng lên như một viên kim cương được mài dũa, phô bày hết cái nhựa sống tràn trề của thanh xuân. Cô gái nhỏ ấy đã ôm lấy tôi, xoay tôi lại cho thấy hai mẹ con kề vai trong gương. Mẹ trông con có giống mẹ không? Cô gái nhỏ ấy, khi xỏ chân vào đôi giầy cao gót bọc lụa nhuộm cùng màu với màu áo đã nhón gót xoay tít một vòng. Mẹ ơi, càng ngày con càng cao hơn mẹ rồi này. Cô gái nhỏ ấy sau khi mặc xong chiếc áo mơ ước đã vuốt ve nếp lụa, nín thở nhìn lại vòng eo thon, ngắm mình rất lâu trong gương rồi quay lại nói với tôi như một cách tỏ lòng tri ân. Mẹ trông con giống Cinderella không? Cô gái nhỏ ấy, trước khi theo bạn đi vào đêm vui đã quay lại ôm tôi hôn rất ngọt ngào. Mẹ ở nhà vui nghe. Khi cô quay đi, tà áo dài hai lớp quấn quít lướt thướt vào bước chân, xao xác cái thinh âm êm đềm của nhung lụa.
Làm sao mẹ có thể ở nhà vui?
Mẹ đã thoa son điểm phấn cho con.
Mẹ đã tô hồng chuốt lục cho con.
Mẹ không phải là bà tiên của Perrault biến cô gái nghèo thành trang quốc sắc thiên hương bằng chiếc gậy tiên trong khoảnh khắc. Mẹ đã vắt hết nhựa sống của mẹ để làm việc đó trong mười bảy năm.
Ðêm đó tôi thao thức cho đến khi Devin đưa Ý Nhi về. Tôi cố nghĩ rằng không có gì để phải quá lo lắng hết, nhưng vẫn cứ chong mắt đợi. Tôi vẫn thở ra khi nghe tiếng xe Devin dừng lại trước nhà. Nằm trong bóng tối, tôi lắng nghe tiếng giày gót nhọn của Ý Nhi và tiếng giày mạnh mẽ của Devin bước từ ngoài đường vào lối đi tráng xi măng, tiếng chìa khóa lách cánh trong ổ, rồi tiếng hai đứa thì thào từ giã nhau. Tôi mở căng mắt tưởng tượng ra cuộc từ giã bịn rịn như thế nào, thân mật như thế nào.
Ý Nhi đã thân mật với Devin tới mức nào?
Bất cứ mối quan hệ bình thường nào cũng có thể trở thành gắn bó trong một đêm đánh dấu mức trưởng thành trong đời như đêm nay. Tôi biết ở ngoài bầu trời mùa hè trong vắt, mát rượi và lấp lánh sao. Tôi biết tuổi trẻ tràn trề nhựa sống và trái tim run rẩy chờ đợi tình yêu. Tôi biết lửa gần rơm sẽ bén. Tôi biết. Tôi biết hết vì mới vừa đâu đó, mới như ngày hôm qua, tôi đã yêu Khắc bằng một tình yêu dữ dội. Trong đêm tối tĩnh lặng, tôi tiếp tục nằm nghe tiếng cửa khóa lại, tiếng chân Devin bước ra đường, rồi tiếng xe rời đi. Tôi không nghe Ý Nhi gây ra tiếng động gì hết trong một lúc lâu sau. Có thể nó cũng ngồi lại ở phòng khách, nhìn ra cửa sổ và suy nghĩ như tôi đã làm vào buổi chiều, khi hai đứa vừa đi khỏi. Sau đó, tôi nghe tiếng chân Ý Nhi bước nhẹ lên lầu. Tôi biết nó có dừng lại một lúc trước cửa phòng tôi. Trong ánh sáng của ngọn đèn đêm nhỏ gắn ở chân tường, tôi chờ đợi nhìn cái nắm đồng xoay nửa vòng. Tôi chờ đợi nghe tiếng gõ cửa khe khẽ rồi Ý Nhi chạy vào ôm lấy tôi, nói ríu rít để khỏa lấp tội về trễ. Không. Ý Nhi đi luôn về phòng nó.
  Tôi muốn ngồi dậy gọi Ý Nhi. Tôi muốn bật đèn sáng lên để nhìn lại nó. Tôi muốn xem màu môi màu má con tôi đã nhạt đi bao nhiêu khi trở về. Nhưng không. Chúng tôi cùng yên lặng. Có lẽ tôi đâu cần phải nhìn lại Ý Nhi, khi tôi biết chắc rằng nó không còn nguyên vẹn dung nhan như lúc ra đi.
Chúng tôi còn thức sau đó rất lâu. Tôi nằm nghe hết những tiếng động rón rén Ý Nhi gây ra trong đêm tối. Bước chân đi nhẹ trên thảm, nước chảy trong nhà tắm, một vật gì rất nhỏ như lọ nước hoa hay thỏi son rơi xuống bồn rửa mặt, cánh cửa sổ mở ra đóng vào. Tôi xoay người nằm úp mặt xuống gối. Tôi cắn chặt môi và khóc. Thuở mới gặp Khắc, mỗi khi đi chơi về tôi cũng trằn trọc rất lâu trước khi đi vào giấc ngủ. Tôi cũng cố hết sức tránh mặt mẹ tôi. Không phải tôi sợ bị khiển trách khi về trễ mà tôi sợ sự mẫn cảm của tình mẫu tử làm bà khám phá ra ngay rằng tôi đã yêu. Tôi cũng rón rén đi vào nhà tắm, để nguyên quần áo phấn son nhìn sững mình rất lâu trong gương, tìm kiếm cái dấu vết say mê mà tình yêu vừa để lại. Tôi ôn lại từng cử chỉ, từng lời nói chúng tôi đã trao đổi. Tôi mường tượng lại những nơi chốn chúng tôi đã tới, những con đường chúng tôi đã đi qua. Có khi tôi nhớ đắm đuối hai vành tai Khắc tôi nhìn thấy từ phía sau khi Khắc chở tôi trên chiếc xe gắn máy bụi bám của chàng. Có khi tôi hồi tưởng lại cơn ướt lạnh lúc một trận mưa bất chợt đổ ào xuống trên đường. Tôi run rẩy nép vào bờ lưng Khắc. Lưng áo chàng nồng mùi vải ẩm, mùi bụi bặm, mùi mưa và mùi của chàng. Tôi nhai lại. Giác quan tôi nghiền ngẫm lại mọi mùi vị, âm thanh và hình ảnh của cuộc hẹn hò cho tới khi chúng tôi gặp lại nhau lần khác.
Tôi đã yêu và lấy người tôi yêu. Tình yêu đó chưa bị sự quen thuộc của thời gian sống chung làm cho trở thành nhàm chán. Tình yêu đó bị cơn biến động lịch sử làm nên đắm đuối, bị thời gian sinh ly làm nên nồng nàn, bị sự ngộ nhận tử biệt làm nên thê thiết. Cuối cùng nó bị nhiều sự phi lý của đời sống chất chồng làm nên cay đắng.
Dù muốn dù không, tôi vẫn mường tượng tới một người đàn bà nào đó có thể đã có mặt trong đời Khắc. Rồi tôi mường tượng tới một người đàn ông nào đó có thể sẽ có mặt trong đời tôi.
Tôi vẫn có khả năng mài dũa lại sự quyến rũ của tôi. Sự quyến rũ của một sương phụ một con, cộng với niềm tự tin rất thực tế của một người đàn bà đã độc lập về mặt kinh tế. Nhưng tôi không làm gì hết. Tôi ở trong một vị thế khá chênh vênh khi giao tiếp với người đồng chủng. Trước kia thì người ta kính trọng lòng chung thủy của tôi. Bây giờ sự kính trọng đó biến thành một mối nghi hoặc phức tạp. Tuy vẫn sống cuộc sống phẳng lặng, tôi đột nhiên trở thành một người đàn bà có thể đang tìm kiếm tình yêu. Ðàn bà thì nghi kỵ tôi còn đàn ông thì nhìn tôi như một sinh vật nữ có thể yêu đương. Nếu tôi muốn, tôi vẫn dễ dàng chọn lựa được một người đàn ông xứng hợp để làm bạn. Nhưng những người mà tuổi tác và địa vị xứng hợp để làm bạn tôi đều là những người mà cuộc đời đã lỡ dở ít ra một lần. Phần lớn họ là những người đang phải gầy dựng lại cuộc sống, sinh kế không ổn định. Họ bị giằng xé triền miên giữa mặc cảm tự tôn và tự ti. Và tôi thì không thấy gì vui trong cái cảnh kết hợp trai lỡ phong vân gái lỡ tình. Có một lúc, tôi thốt nhiên giật mình khi nhận ra họ, những người đàn ông mà tôi đã nhìn như những người tôi có thể lựa chọn, đều là những phó bản của Khắc.
Thật ra, những lý do xã hội và kinh tế tôi đã dụng công phân tích chỉ là những lý do phụ. Lý do chính vẫn nằm trong trái tim tôi. Tôi không còn đủ năng lực để yêu ai nữa. Tôi có những mối liên hệ bằng hữu tốt đẹp hơn với người bản xứ ở nơi tôi làm việc, đàn ông cũng như đàn bà. Chúng tôi liên hệ với nhau trước hết vì công việc, sau đó chia sẻ cùng nhau một phần đời sống mà mỗi người tự ý muốn phơi bày. Ngoài ra, mỗi người vẫn là một cá nhân với những khoảng cách riêng biệt không ai xâm phạm tới ai. Giao thiệp với họ trên cung cách đó, tôi không phải cố gắng tỏ ra thế này hay thế kia. Tôi được hoàn toàn thoải mái và tự do. Sự thoải mái và tự do đó làm cho một người trong bọn họ bất ngờ bước đến gần tôi.
**
Ðó là một người đàn ông có địa vị khá cao. Anh đến làm việc sau tôi vài năm nhưng thăng tiến rất nhanh trong khi tôi vẫn chỉ là một nhân viên bình thường với một chút thâm niên. Một người đàn ông da trắng có học và có tham vọng thì thăng tiến rất nhanh. Nói như vậy, tôi có vẻ như ganh tị với anh và tự ti về thân phận đàn bà thiểu số của tôi. Thật ra, tôi không ganh tị vì tôi không có tham vọng. Tôi cũng không có gì để phiền hà anh. Anh là một người chỉ huy giỏi, làm việc hết lòng và gần gũi với tất cả mọi nhân viên.
Anh nghỉ phép ba tuần lễ vào dịp cuối năm. Trước ngày anh đi, mọi người chúc tụng anh một mùa Giáng Sinh và Tết dương lịch vui vẻ. Anh nói sẽ chỉ về thăm bà mẹ chứ không đi chơi đâu, nhưng tin rằng những ngày lễ sẽ đầm ấm trong không khí gia đình đang chờ đợi anh. Buổi chiều, tôi đem một số giấy tờ sang văn phòng anh, chúng tôi bàn về những công việc anh giao phó cho tôi trong lúc anh vắng mặt. Khi tôi sắp sửa bước ra, anh đột nhiên hỏi. Chị muốn gửi gì không? Tôi trả lời sau vài giây suy nghĩ. Nếu không có gì bất tiện thì tôi muốn có một chiếc vỏ ốc. Một con ốc lớn để tôi có thể áp tai vào và nghe tiếng sóng vỗ. Anh kêu lên. Mùa đông mà chị bắt tôi ra bãi biển nhặt vỏ ốc cho chị! Nhưng thôi được, tôi đã dại dột hỏi thì cũng cố làm vậy. Tôi giao hẹn. Nhưng anh phải hứa là sẽ ra biển nhặt chứ không phải tới tiệm mà mua đâu. Anh cười ha hả. Làm sao chị biết được. Con ốc tôi sẽ nhặt và con ốc người ta bán có khác gì nhau đâu? Cái đó thì chỉ tùy thuộc vào mức độ thành thật của anh thôi. Tôi nói.
Khoảng hai tuần lễ sau, khi tôi đã quên bẵng chuyện cái vỏ ốc thì người thư ký mang đến bàn tôi một hộp nhỏ đóng con dấu từ thành phố Hannover, Tây Ðức. Chiếc hộp chỉ để tên người nhận là tôi và không có tên người gởi, nhưng người thư ký quả quyết là của anh. Ðúng là chữ ông R. mà, nhưng tại sao ông ấy lại ở Tây Ðức nhỉ? Một người khác lên tiếng. Cha mẹ ông ấy là người Ðức mà, chắc họ quyết định về nước thay vì ở lại Florida rồi.
  Lúc bấy giờ nhiều người đã đến vây quanh chiếc hộp của tôi. Khoảng thời gian cuối năm, giữa những ngày lễ, khi mà phần lớn nhân viên đã đi nghỉ phép thường niên, những người còn lại cũng không làm việc ở hiệu năng cao nhất của họ. Họ lơ đãng hơn. Lòng họ dễ rung động hơn. Mỗi người tự động thu nhỏ lại cái khoảng cách cá nhân để đến gần nhau và bận rộn vì những chuyện riêng tư của nhau. Họ đợi tôi mở chiếc hộp như thể nó được gửi cho cả sở chứ không phải cho riêng tôi.
Giữa những lớp giấy bản mỏng bao kín như bao một món dễ vỡ là một tặng vật đã vỡ. Một mảnh tường vụn. Và một tấm thiệp của anh. Tôi đã đến Berlin. Nghĩ đến chị và đất nước chị. Hy vọng chị sẽ vui lòng hơn là có con ốc ở Miami. R. Mảnh tường được đặt một cách trang trọng trên bàn tôi. Tấm thiệp được gắn lên tường. Tất cả mọi người đều nhìn ngắm, sờ mó và trò chuyện về chúng. Bên cạnh mối xúc cảm sâu xa mà mảnh tường vỡ đem lại, tôi cũng nghĩ anh thật khôn ngoan nên mới gửi nó đi trước để tôi phải xúc động, suy nghĩ và chờ đợi anh về.
Một tuần lễ sau, buổi sáng ngày anh trở lại làm việc, mọi người đều quây vòng quanh anh, trò chuyện rôm rả không dứt. Tôi không tham dự vào vòng người ấy. Tôi biết anh làm việc ở đây đã đủ lâu để hiểu cá tính từng người. Một phụ nữ nhỏ bé và trầm lặng như tôi sẽ khó có thể chen vào đám đông để nói với anh một lời cảm ơn. Nhưng người ta cũng không để tôi yên. Có một người nói lớn lên điều tôi ngại phải nghe. Sao trong sở này có biết bao nhiêu người mà anh chỉ gửi quà về cho mình Quyên? Quyên đâu rồi?
Vòng người dãn ra. Mọi con mắt quay về phía tôi. Anh cười lớn tiếng. Tôi sẽ tặng mảnh tường vỡ ấy cho tất cả quý vị nếu quý vị cũng là người tị nạn như Quyên.
Suốt ngày hôm ấy anh bận rộn với những công việc dồn lại trong vòng ba tuần lễ. Nhưng tôi vẫn có cảm tưởng anh cố không để tôi có dịp cảm ơn anh. Gần cuối ngày, anh bước vào phòng tôi, nhập đề trực khởi. Tối nay chị có bận gì không?
Tôi hỏi lại. Có chuyện gì vậy anh? Chị có thể đi dùng cơm tối với tôi không?
Khi đặt tôi vào cái thế bất đắc dĩ như vậy, anh có vẻ coi tôi như một thiếu nữ lúng túng và cả thẹn, không phải một người đàn bà đã sống hết nửa đời người.
Ðiều này làm tôi khó chịu. Bức tường Bá linh đã đổ nhưng bức tường giam giữ lòng tôi thì vẫn còn nguyên đây. Tôi cười tươi. Tiếc quá, tối nay tôi bận việc mất rồi. Nhưng anh có thể ngồi xuống cho tôi nói với anh vài câu không? Tại sao cả ngày hôm nay anh không để tôi có dịp cảm ơn anh vậy?
Anh chậm chạp ngồi xuống chiếc ghế trước mặt tôi. Ðôi mắt anh xanh biếc như mắt một con mèo rình mồi. Ðôi khi tôi thấy chị không giống người Á đông chút nào cả Quyên ạ. Tôi làm bộ nghiêm trang. Tôi cố tập ra như vậy đó chứ. Cuộc sống tôi đã có quá nhiều trắc trở rồi, tôi phải cố giản dị hóa nó được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Bây giờ thì nói cho tôi biết, anh đâu có định đi Berlin. Mẹ anh đẩy anh lên phi cơ phải không?
Anh ngửa cổ cười ha hả. Chị biết hết. Bà già làm tôi mệt quá. Tôi đã xếp đặt một chương trình nghỉ ngơi đúng nghĩa. Nhưng tôi đâu có ngồi yên được phút nào. Mẹ tôi cứ chạy tới chạy lui như ở trên đống lửa. Cái giọng của bà khi nói tới Berlin nghe giống y như giọng chị khi nói về Sài Gòn. Y hệt. Chị giống y như mẹ tôi.
Khi một người đàn ông ví bạn với mẹ hắn là khi hắn bắt đầu kiếm chuyện. Tôi mỉm cười, hỏi vặn. Anh không định nói tôi già như mẹ anh phải không? Nhưng thôi bỏ qua cái chuyện giống nhau đó đi, tại sao anh không mang mảnh tường về cho tôi mà gửi bưu điện cho mất công? Nó chỉ đến tay tôi có vài ngày trước khi anh về thôi.
Anh giơ hết hai tay lên phân bua. Nếu tôi mang nó về đây, biết đâu chị chẳng nghi ngờ rằng tôi đã đập nó ra từ bức tường phía sau nhà tôi. Tôi thà mất công một chút mà giữ được đủ chính nghĩa hơn.
Tôi không nhịn cười được nữa. Xét cho cùng thì cái chính nghĩa của anh cũng vẫn không được rõ rệt lắm đâu. Vì anh đâu có lấy được con dấu của bưu điện thành phố Berlin. Nếu tôi muốn, tôi vẫn có thể nói mảnh tường của anh là đồ giả mạo lắm chứ.
Tôi tưởng anh lại sẽ cười lên ha hả như cái cách chúng tôi vẫn trao đổi những câu chuyện đùa với nhau. Nhưng anh lại hóa ra hết sức chân thành. Tôi cũng định như vậy đó chứ, nhưng làm sao tôi có thể đứng xếp hàng trong cái dòng người dài dằng dặc ở nhà bưu điện được, trong khi mẹ tôi thì cứ như là có xỏ vào chân một đôi giày điên cuồng. Bà không thể đứng một chỗ nào lâu quá hai phút, mà tôi thì không dám để bà đi đâu một mình. Khi chúng tôi đến, người ta không còn khiêu vũ trên bức tường nữa, nhưng mẹ tôi vẫn cứ cười nói không ngớt với người không quen biết ở trên đường phố, rồi ôm chầm lấy họ mà không sợ trở nên lố bịch chút nào. Người ta vẫn mời nhau uống rượu, chen lấy nhau mà đi trong một thứ cảm giác say sưa hoan lạc quá độ. Mẹ tôi cứ hết cười lại khóc.
 
Lạy trời.
Cuối cùng thì bà tắt tiếng nên tôi khỏi phải nghe bà phát thanh ở bên tai nữa. Bà giống như một con cá được thả về dòng sông cũ. Rồi đột nhiên tôi nghĩ tới chị. Tôi nhớ lại mẹ tôi hai mươi tám năm trước, lúc đem tôi ra khỏi Berlin. Tôi tưởng tượng ra chị mười mấy năm trước, lúc chị đem Ý Nhi ra khỏi Sài Gòn.
Có một mối liên hệ giữa hai thời điểm đó, chị thấy không? Rồi tôi lại nghĩ nếu bức tường của chúng tôi đổ xuống sớm hơn, biết đâu biến cố trên đất nước chị đã không xảy ra và chúng ta đã không gặp nhau ở nơi này. Nếu có một bài học nào mà lịch sử đem đến cho chúng ta, thì đó là chúng ta quen dần với việc đón nhận ngay cả những điều khó tưởng tượng nhất.
Mẹ tôi cầm khư khư một mảnh tường trên tay. Tôi bỏ một mảnh khác vào túi. Chúng tôi đi trở về Wunstorf thăm một ông chú. Từ đó, mọi người lại quyết định trở sang phía Ðông để thăm viếng bạn bè, dòng họ cũ.
Toàn là những người đã răng long đầu bạc. Ở đâu cũng là những câu chuyện về một nước Ðức vẹn toàn, những kỷ niệm xưa cũ, những cái tang lâu đời và những niềm vui mà trái tim con người hầu như không chứa hết. Mẹ tôi cứ ngày một trẻ hơn và điên rồ hơn vì cái ánh lửa cứ bừng bừng lên ở trong đáy mắt. Còn tôi, cứ nhìn bà mà nghĩ đến chị. Tôi nghĩ nếu không có một biến chuyển tương tự xảy ra trên đất nước chị thì chị sẽ hóa ra như thế nào đây? Năm năm, mười năm, hai mươi năm nữa... Tôi thật không cam lòng nhìn một người đàn bà đẹp đẽ dịu dàng như chị phải sống già nua héo hắt đi như mẹ tôi đã sống. Mảnh tường ở trong túi tôi cứ nặng trĩu xuống khi chúng tôi về lại Hannover nên tôi bắt buộc phải gửi nó đi. Nếu không, hoặc nó, hoặc tôi sẽ nổ tung ra. Tôi đứng lên nói với anh rằng mảnh tường của anh đã không nổ tung ra nhưng nó làm tôi nhỏ lệ vì cảm động, rằng tôi hết sức cảm ơn những ý nghĩ tốt đẹp của anh về tôi. Nhưng tôi cũng tin rằng tôi sẽ không phải sống cho tới héo hắt già nua đi trong cảnh ngộ này. Tôi sẽ không phải đợi đến hai mươi tám năm mà chỉ vài năm nữa thôi, tôi cũng sẽ được làm con cá trở về dòng sông cũ.
Anh thận trọng ôm lấy hai vai tôi, siết chặt. Vòng tay anh khỏe và rộng. Tôi đứng chỉ thấp đến ngực anh. Bộ râu quai nón vàng hoe của anh chạm vào tóc tôi. Tôi vụt thấy mình giống như người đàn bà khốn khổ, cầu khẩn mãi không gặp được Bụt quê nhà mà lại gặp một vị thánh Tây phương.
Khi anh ra khỏi phòng, tôi ngồi mân mê mảnh tường trên tay, tưởng tượng ra mẹ anh. Một người đàn bà người Ðức hiền lành phúc hậu đã nuôi dưỡng anh nên người và đã sống lẻ loi cho tới tuổi già. Tôi có giống bà không và có thể sống hết đời tôi như bà không? Anh đã quên đi một điều khác biệt lớn giữa tôi và bà. Bà đã thực sự là một góa phụ khi rời khỏi Berlin, còn tôi thì không. Anh muốn làm gì đây nếu không đành lòng nhìn tôi già nua đi? Ra tay cứu độ cuộc đời tôi chăng?
Rất nhanh, tôi nghĩ tới Ý Nhi và Devin. Tôi nghĩ tới cái cộng đồng người Việt ở chung quanh tôi. Người ta sẽ nói về mẹ con tôi. Hai mẹ con nhà ấy, con gái đi với một thằng Mỹ, mẹ nó cũng đi với một thằng Mỹ. Thật là mất công biết bao nhiêu nếu cứ phải phân trần rằng người Mỹ ấy thật ra là một người gốc Ðức. Rồi lại phải giải thích về mối cảm thông kỳ diệu giữa một người Ðức và một người Việt trên những mảnh vụn hoang tàn của một chủ nghĩa đang sụp đổ.
Thật ra, tôi không biết có phải chính mối cảm thông ấy đã đưa tôi và anh đến gần nhau không? Hay chỉ vì tôi đã nhìn anh như là một chiếc bóng nối dài của Ý Nhi. Cũng như anh, Ý Nhi là thế hệ thứ hai của một sắc dân tị nạn tới mảnh đất này. Ý Nhi sẽ được hưởng ít ra là gần đầy đủ cơ hội thăng tiến như anh, có một chỗ đứng vững vàng trong xã hội như anh. Và cũng như anh, những năm tháng tốt đẹp nhất trong đời nó sẽ trôi qua ở đây, không phải ở Bá linh hay Sài Gòn. Khi rời khỏi thành phố ấy, anh là một cậu bé đã có đủ trí khôn để suy luận, để ghi nhận sự kiện và hồi ức. Vậy mà anh vẫn nói về Bá linh như là một thành phố lịch sử, không phải thành phố kỷ niệm. Tôi làm sao hy vọng Ý Nhi sẽ chia với tôi niềm rung cảm về Sài Gòn, vào một ngày chúng tôi trở lại? Tôi ắt khó có thể đi yêu một người chỉ vì người đó là hình ảnh tương lai của con tôi. Dầu vậy, tôi vẫn biết rằng tôi không được công bằng đối với anh. Tôi biết tôi phải bỏ đi hết cái yếu tố chính trị và chủng tộc để nhìn xuống lòng mình. Tôi chưa bao giờ suy nghiệm về lịch sử như một sự thật trong đời sống mà chỉ nhìn nó từ một góc của trái tim. Tôi không còn đủ khả năng để yêu ai nữa.
Không phải tôi đã yêu Khắc không thôi mà tôi còn yêu cả những đau đớn của tôi và yêu cả hương vị lạnh nhạt của những năm tháng xuân sắc đã trôi qua cùng với nỗi đau đớn đó. Có lẽ tôi vẫn tiếp tục chờ đợi Khắc vì một điều gì ở ngoài tình yêu.
**
Bây giờ thì nỗi đau đớn của tôi dường như đã hết. Tôi không còn giận dữ khi nghĩ tới cái giả thiết Khắc đã phản bội tôi. Tôi cũng không còn nghĩ đến việc trở về Việt Nam tìm chàng. Nhưng như thế cũng không có nghĩa là tôi đã ngừng hẳn mọi nỗ lực tìm kiếm. Tôi chỉ dò tìm tông tích Khắc một cách lặng lẽ hơn. Tôi biết câu chuyện của chúng tôi sẽ phải có lúc đi tới hồi chung cuộc. Rất có thể Khắc cũng tìm được tình yêu, bên cạnh một người đàn bà khác. Nhưng bản chất lãng mạn và cầu toàn của Khắc sẽ không cho phép chàng sống yên lòng với một chuyện đời còn dở dang. Rất có thể chúng tôi gặp lại nhau chỉ để nói, một cách thừa thãi và muộn màng, rằng chúng tôi trả tự do cho nhau. Nhưng chúng tôi cũng vẫn cứ phải gặp nhau. Tôi muốn gặp lại Khắc để nói với chàng rằng tôi đã chọn sự tự do ở lại trong số phận lẻ loi của tôi. Tôi muốn gặp lại Khắc để nghe chính Khắc, chứ không phải bất cứ ai khác, kể về cuộc đời chàng trong mười mấy năm qua. Cái cuộc đời cứ dần xa lạ đi vì chia cách, giống như những bức ảnh của chàng, những kỷ niệm về chàng cứ héo hon dần theo dòng đời. Trong khi đó thì cuộc đời của tôi giống như một khúc khuê oán cứ mỗi ngày mỗi réo rắt não nùng hơn vì sự lựa chọn lẻ loi của tôi. Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi. Tôi đã có rất nhiều năm nhìn xuống lòng mình, soi xét mình, dày vò mình và hãnh diện về mình. Niềm hãnh diện chẳng vì đâu. Chẳng ích lợi cho ai. Ý Nhi không muốn tôi sống như vậy. Khắc không cần tôi sống như vậy. Tôi đã không ước tính nổi cái giá của sự đợi chờ. Tôi đã mất đi bao nhiêu hạnh phúc vì sự phi lý của chiến tranh. Rồi tôi lại đi giam giữ mình trong sự phi lý của chính tôi. Những sự phi lý ấy tự nó cũng bị hủy diệt đi. Chỉ riêng có sự phi lý của thời gian thì tôi không thể vượt qua. Tôi không thể giữ mãi Ý Nhi ở bên lòng. Tôi không thể hình dung ra được khuôn mặt ngày hôm nay của Khắc. Và khuôn mặt của chính tôi thì cũng không còn làm rung động lên được cái hơi thở xao xuyến nào của tình yêu. Những tiếng chuông ngân khẩn thiết kêu gào trong thân thể tôi không được đáp lại đã nằm im tiếng. Những nếp nhăn của tuổi già đã tuần tự xuất hiện, không đoái hoài tới mọi nỗ lực tuyệt vọng của phấn son. Tôi đã già. Tôi không còn là sương phụ nửa chừng xuân mà là thiếu phụ trung niên. Tôi không còn nắm tay đưa Ý Nhi những bước chập chững vào đời. Ý Nhi đưa tôi vào thời đại của nó. Rồi bỏ tôi lại phía sau vì tôi đi quá chậm.
Thời đại của Ý Nhi.
Tôi không muốn làm vỡ đi cơn mộng đẹp vô tâm của con tôi. Tôi không muốn kêu lớn tiếng để nó biết rằng câu chuyện dở dang của chúng tôi sẽ còn tiếp tục giữa những biên cương thời đại. Nhưng tôi không biết cách nào để đi hết chặng cuối cùng của thế kỷ này, khi trận chiến giữa các quyền lực đối nghịch đang đi đến hồi kết cuộc, mà không bị thất lạc Ý Nhi quá xa. Sẽ có lúc nó phải biết rung động như R., trên những mảnh vỡ của bức tường bạo lực. Sẽ có lúc nó hiểu được rằng tôi đã phải góp một phần quá đắt của đời tôi vào trong cuộc chinh chiến vừa qua. Ðó là một trò chơi cay đắng và hoàn toàn vô nghĩa.
Trước kia, Khắc đã tham dự vào cuộc chiến tranh ấy một cách khắc khoải. Bây giờ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi tin rằng Khắc vẫn chiến đấu một cách khắc khoải. Có thể để giữ gìn sự toàn vẹn tương đối nào đó giữa cuộc sống đa đoan chung quanh chàng và thế giới trắc trở của lòng chàng. Có thể chỉ để tìm kiếm lại tình yêu say mê thời tuổi trẻ mà tôi không còn mang tới được. Cuộc vượt trại của Khắc và anh T. nhiều năm trước đã không làm tôi ngạc nhiên. Nó là phản ứng tất yếu của những người có cá tính như Khắc. Nó đã đưa đẩy chàng đi rất xa với số phận các đồng đội còn lại. Nó đã đưa đẩy chàng đi rất xa tôi. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi tin rằng Khắc vẫn đang chiến đấu. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi tin rằng tôi cũng đọc được lòng Khắc như đọc những cuốn sách ngày trước chúng tôi đã chia nhau. Có thể tôi và Ý Nhi sẽ là niềm khắc khoải cuối cùng trong những trang sách của đời chàng.
Có thể chúng tôi là những kẻ lãng mạn cuối cùng của thời đại. Những kẻ ấy sẽ không nhất thiết phải chung sống với nhau cho tới hết đời. Họ tiếc nhau. Nhưng họ không tiếc gì về cuộc đời mà họ đã lựa chọn để sống.
 
Vũ Quỳnh Hương
1991

Đọc thêm Vũ Qùynh Hương tại trang Gio-O









.