Chuyện ngắn Nguyễn Đức Lập
Tôi không thể nhớ chính xác được là tôi bắt đầu thích uống trà vào lúc nào. Điều có thể xác quyết được là tôi bắt đầu làm quen với trà từ hồi tôi còn học tiểu học. Tôi quen với trà vì thầy tôi uống trà. Gia đình tôi, theo tập quán bên nội, con cái gọi cha bằng thầy.
Thầy tôi uống trà một ngày hai cữ, sáng sớm mới thức dậy và buổi xế, khoảng 2 giờ. Thầy tôi có thói quen hay sai và sai theo kiểu "thấy mặt đặt tên". Khi cần một điều gì đó, ông đảo mắt ngó quanh, đứa con nào lớ ngớ trước mặt ông, đứa đó lãnh đủ.
Có một lần, ông đi đâu đó, đem về một cây bông nguyệt quới. Ông tìm chỗ hạ thổ cho cây, trên cái sân trước rộng không đầy hai chiếc chiếu. Đám xây-lô-cố trong nhà tò mò bu lại coi. Sáu đứa cả thảy chớ ít ỏi gì sao, hai gái bốn trai. Vậy mà không đủ cho ông sai. Đứa nầy chạy đi mượn cây cuốc. Đứa kia vô nhà lục lạo kiếm cái bay. Đứa nọ xách cái ky vô bếp lấy tro. Đứa khác thì kiếm xô xách nước... Sáu đứa chạy như cờ-lông-công. Cây nguyệt quới trồng xong, ông xoa tay sung sướng, tuy rằng từ đầu tới cuối, ông không mó tay vô một chuyện gì hết, ngoài việc rước cái cây bất nhơn đó về nhà.
Lần đó, má tôi phải nói:
- Chắc tôi phải đẻ thêm chừng mươi đứa nữa cho ông sai mới đủ.
Thầy tôi, như vậy đó, đụng ai sai nấy, thấy đâu sai đó, nhưng có một việc không bao giờ ông sai con gái. Đó là việc hầu trà. "Nam trọng nữ khinh" chăng? Tôi không biết. Nếu thiệt phải như vậy, "trọng" theo kiểu đó, không sướng ích cho đám con trai tụi tôi một chút nào.
Hầu trà phải hầu từ đầu chí cuối, từ tráng bình, lau chén, dọn khay, cho tới chẻ củi nhúm lửa, quạt than nấu nước, đâu đó xong xuôi mới thỉnh "ngài" ra "ngự".
Chừng đó lệ bộ mà đâu đã xong, còn phải kiếm chỗ đứng xớ rớ, hay ngồi ké né một bên, để còn nhận thêm nhiều "công tác" vặt vãnh khác nữa như lấy đóm cho thầy tôi hút thuốc lào, rượt đập mấy con ruồi làm cho thầy tôi khó chịu. Nhứt là phải có mặt ở đó để nghe khen hoặc chê về công việc sửa soạn bữa trà, thường thì chê nhiều hơn khen.
- Nước chưa sôi sao mầy đã xách lên!
- Thưa thầy, sôi rồi. Con nghe nó kêu đàng hoàng.
- Cái đó là mới kêu ấm thôi. Hiểu chưa? Xách xuống nấu lại cho sôi đi.
- Vậy thì... chừng nào nó... sôi?
- Phải coi ở miệng vòi. Chừng nào có hơi nước phun ra ở đó thì nước sôi...
Hoặc là:
- Sao mầy để nước sôi lâu quá vậy nè?
- Thưa thầy, để sôi lâu cho chắc ăn.
- Không được, hễ nước vừa mới sôi là phải xách lên liền. Nhớ chưa!
Tôi bắt đầu hầu trà cho thầy tôi vào năm tôi học lớp Nhứt trường Trương Minh Ký, mỗi ngày hầu một cữ vào buổi xế. Cữ buổi sáng tôi mắc đi học, anh tôi đảm nhận.
Thường, thầy tôi không uống trà một mình. Bao giờ cũng phải có má tôi ngồi đối diện. Bên khay trà, hai người đối xử với nhau như khách quí. Thầy tôi đích thân pha trà. Việc nầy, thầy tôi cho rằng không sai ai được. Trà, sau khi rót từ bình qua chén tống, chuyển từ chén tống qua chén quân, thầy tôi trân trọng cầm một chén đưa ra trước mặt má tôi. Má tôi đưa tay đỡ lấy, cũng trân trọng không kém. Trước khi uống, má tôi có thói quen đưa chung trà lên sát mắt, cho hơi nước bốc vào mắt.
Uống xong, má tôi nhẹ nhàng để cái chung xuống trước mặt. Thầy tôi vói lấy cái chung, lại rót, lại trao... Cái câu "tương kính như tân", những lúc đó, mới thấy thiệt hay, thiệt đẹp.
Độ trà thường kéo dài nửa tiếng đồng hồ. Trong lúc thầy má tôi uống trà, thỉnh thoảng, tôi cũng được "ban" cho một chén, mà chỉ từ nước thứ ba trở về sau. Tôi quen với trà từ đó.
Đặc biệt, tôi để ý, trong cuộc trà, thầy và má tôi ít khi bàn chuyện thế sự, thời cuộc hiện tại, mà chỉ cùng nhau ôn lại quá khứ với những khuôn mặt cũ, với những việc làm cũ...
Ngoài những buổi trà có giờ giấc nhứt định, thường xuyên đó, thầy tôi còn có những bữa bất thường. Đó là những dịp thầy tôi có bạn tới thăm, có thể là những bạn mới, có thể là những cố nhơn lâu năm cách biệt.
Đây là những bữa trà đem đến không biết bao nhiêu là thích thú và ích lợi cho tôi, ích lợi cho tới ngày giờ nầy và chắc còn ích lợi nhiều nữa về sau.
Khách đến thăm thầy tôi, nói theo giọng kiếm hiệp, là những "giang hồ dị sĩ", hoặc là những tao nhơn mặc khách đương thời, cũng có khi là những chánh trị gia đang có ngôi có vị.
Những lúc như vậy, công việc hầu trà có mòi bận rộn hơn, nhưng không bao giờ tôi cảm thấy bực dọc khó chịu.
Thằng trà đồng khoái hóng chuyện các bực trưởng thượng. Cái ý niệm học hỏi hồi đó, chắc chưa có, chỉ là tò mò muốn biết chuyện người lớn. Và, nhờ tò mò, gã trà đồng biết được nhiều người, nhiều việc thiệt.
Thầy tôi có thói quen, khách nào tới nhà, cũng biểu anh em tụi tôi gọi bằng chú. Có nhiều ông, hình như lớn hơn thầy tôi nhiều tuổi, vẫn bị kêu oan mạng bằng chú như thường. Chỉ trừ có hai người, tụi tôi phải kêu bằng bác. Đó là ông Tạ Nguyên Minh và ông Nhà Nam. Hai ông bác nầy, cho tới ngày nay, tôi vẫn còn nể phục.
Ông Tạ Nguyên Minh, người nẩm thấp, có hơi nới về bề ngang, da đen, mắt sáng, râu rậm, dài suông đuột tới lưng chừng nửa ngực, tiếng nói lớn và ngân như tiếng chuông. Ở trong quyển Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh - Hoài Chân, có ghi tên thiệt của bác là Tạ Nguyên Hối, có đăng hình của bác hồi còn trẻ, râu chưa rậm và dài như hồi bác tới nhà tôi. Bác và thầy tôi là bạn đồng chí với nhau vào cái thời bôn ba chống Pháp.
Theo thầy tôi nói lại, bác Tạ Nguyên Minh là một nhà cách mạng lão thành, suốt cuộc đời, một lòng tận tụy cho dân cho nước. Có thời bác đẩy xe mì, bán ở Hàng Châu, chịu nghèo, chịu khổ để hoạt động. Có lúc, bác tựa vào Quốc Dân Đảng Trung Hoa để tìm thế đánh Pháp. Bác trở thành một cố vấn cho Tổng Thống Tưởng Giới Thạch. Sau năm 1954, bác xin với tổng thống họ Tưởng, rời Đài Loan về miền Nam, mong đem hết chuỗi ngày còn lại phục vụ cho nước nhà. Về tới Sài Gòn, bác bị chánh quyền Ngô Đình Diệm bắt giam và chỉ được thả sau khi cuộc chánh biến 1-11-1963 xảy ra.
Mỗi lần bác tới nhà tôi, bác và thầy tôi ngồi bên khay trà, trao đổi với nhau về những kỷ niệm cũ, về những đắc thất của cuộc đời, về những nhơn vật, những sự kiện đã và đang xảy ra.
Chao ơi, nếu tôi nhớ hết được nội dung của những câu chuyện nầy, ích lợi chắc chắn là hơn sách trăm pho, hơn mười lăm năm miệt mài ở ghế nhà trường.
Lớp người trước, yêu nước như vậy, chịu gian nan như vậy, mà bầu nhiệt huyết lúc nào cũng hừng hực như lửa cháy rừng, từ thuở tóc xanh, chí ư tới hồi tóc bạc. Thời ư? Thế ư? Mệnh ư? Sao chí sĩ phải ngậm hờn?
Còn bác Nhà Nam, tôi không biết tên thiệt của bác là gì. Bác người Nghệ An, tướng tá cao lớn, sừng sững, da hơi đen, nét mặt hơi thô, có vẻ quê mùa. Bác nói rổn rảng, giọng Nghệ đặc sệt. Bác có một tiệm may ở góc đường Amiral - Courbet, sau nầy là đường Nguyễn An Ninh, đối diện với cửa Tây chợ Sài Gòn. Tiệm của bác chuyên may âu phục, nhưng về phần bác, lúc nào cũng vậy, dù ở ngoài đường, dù ở trong nhà, bác luôn mặc một bộ bà ba trắng, đôi khi màu trắng ngả qua màu cháo lòng, hình như bác có ăn trầu. Bộ dạng của bác, cách phục sức của bác, rõ ràng bác là một ông già nhà quê. À, bác còn mang một đôi guốc mộc làm bằng gỗ cây vông nữa chớ.
Lúc đầu, tôi có vẻ không được kính nể lắm đối với ông lão nhà quê nầy. Tuy rằng, thầy tôi, đối với bác Nhà Nam cực kỳ kính trọng. Đề cập tới bác Nhà Nam, tôi gọi bác là "Ông già Ba Tri", mặc dù quê bác ở cực bắc miền Trung, không có liên quan gì hết tới xứ dừa Bến Tre.
Má tôi rầy:
- Bác Nhà Nam là một nhà cách mạng lỗi lạc trước kia. Bây giờ, thời thế không thuận, bác đi làm thợ may độ nhựt. Con phải kính trọng bác như thầy.
Theo thầy tôi cho biết, đối với bác Nhà Nam, thầy tôi mang ơn nặng. Ngày xưa, khi còn bôn tẩu xuôi ngược trên đường cách mạng, thầy tôi bị bịnh nặng, mê man bất tỉnh, tiểu tiện không hay, chính một tay bác chăm sóc cho thầy tôi, cả những việc dơ dáy, bác cũng không từ. Nhờ bác mà thầy tôi sống được. Bác đã gặp cảnh thời thế không thuận, chịu đắng cay làm một người thợ may già. Bác mong thầy tôi lập nên sự nghiệp. Nhưng, thời thế cũng đâu có thuận đối với thầy tôi. Lớp Nho gia nhiệt thành yêu nước, lớp chết, lớp lê kiếp sống tàn. Thảm!
Trên đây là hai vị "kỳ nhơn", còn "dị sĩ" mà tôi đã hầu trà, nhiều vô kể. Tôi chỉ còn nhớ được có mấy mạng thật là đặc biệt, như chú Năm Ung Văn Cầu ở Tây Ninh, chú Thanh Phong người Nghệ, chú Điển Võ ở đâu miệt Châu Đốc, Thất Sơn, chú Nguyễn Xương Thái ở Quảng Nam, chú Hoàng ở Quảng Ngãi...
Chú Năm Ung Văn Cầu, người gốc Quảng Ngãi, nhưng hành nghề làm thuốc và cư ngụ ở Tây Ninh. Người chú roi roi, ốm ốm, khắc khổ, chuyện trò thì hay nói pha lửng cầu vui. Mỗi tháng chú ghé nhà tôi một lần nhân tiện từ Tây Ninh xuống Chợ Lớn mua thuốc Bắc. Mỗi lần chú tới, anh em tụi tôi vui ghê gớm. Bởi vì, không bao giờ chú tới tay không. Lần nào chú cũng tay xách nách mang đủ thứ quà, nào bánh, nào trái, nào thịt quay, phá lấu. Một món không bao giờ thiếu là hai cái chưn trước của con heo quay vàng. Giò heo, mà lại là giò trước, là món khoái khẩu cùa thầy tôi. Nói về thịt heo, thầy tôi thường nhắc: "toàn thân đô thị nhiệt, duy hữu tứ đề lương" (toàn thân con heo ăn vô sẽ bị nhiệt, chỉ có bốn cái giò là hiền). Ăn ở như chú thiệt là hết tình, món mà thầy tôi thích, chú không bao giờ quên.
ụi tôi gọi chú một cách thân mật là chú Cầu. Trong khi ở trên Tây Ninh, dân ở chợ và ở chung quanh bến xe gọi chú là thầy Năm Cầu. Theo chú nói thì chú làm thuốc có tiếng trên đó. Nhưng thầy tôi lại nói khác:
- Mầy mà làm thuốc cái gì? Mầy giết người ta thì có. Có giỏi, mầy chỉ giỏi về bó gãy xương trật gân. Bộ muốn giết hết thiên hạ sao mà mầy đi làm thuốc?
Thầy tôi phê bình sàn sạt như vậy mà chú chỉ nhe răng cười hề hề.
Chú có thời bỏ quê hương Quảng Ngãi, theo thầy tôi làm cách mạng. Thầy tôi coi chú như em ruột. Còn chú, chú là người sát cánh bảo vệ thầy tôi trong những cơn nguy nan.
Theo thầy tôi nói, chú Cầu giỏi võ ghê lắm. Về lãnh vực nầy, chú là bực sư. Có một thời những tay anh chị ở Sài Gòn, những đám mã thầu dậu ở Chợ Lớn chạy mặt mỗi khi gặp chú.
Có một lần, chú đem xuống nhà tôi một cặp song xỉ mà chú đã tự tay làm lấy. Chú nói:
- Tụi bây là dân Quảng Ngãi mà. Song xỉ là món binh khí thiện thủ nhứt của dân Quảng Ngãi. Chú phải dạy cho anh em tụi bây mới được.
Tôi, hồi đó, cũng bắt đầu bị kiếm hiệp hành, nên lanh chanh:
- Song xỉ là võ khí tà chớ không phải chánh.
Chú Cầu vỗ ngay tim bình bịch, nạt ngang:
- Chánh hay tà là ở chỗ nầy đây nè, không phải ở võ khí!
Rồi chú kêu bốn anh em trai tụi tôi ra cho chú dạy. Chú đã già rồi mà tay chưn còn nhặm lẹ, bộ pháp mạch lạc, linh động. Chú múa một hơi, mà hơi thở vẫn nhẹ như không, mặt vẫn không hề biến đổi. Chú ốm nhách ốm nhom mà bộ tấn của chú còn vững hơn bàn thạch. Thầy tôi không nói quá khi nhận xét chú là bực sư. Lạ một điều, chú không có dạy học trò.
Chú Thanh Phong và chú Điển Võ, một người xứ Nghệ làm báo ở Sài Gòn, một người xứ Quảng, làm thuốc ở Châu Đốc ; một trẻ không râu, một già có râu ; lần nào ghé nhà tôi cũng như cặp bài trùng. Chú Điển Võ vẫn còn ăn bận theo "mốt" áo Tây Hồ của thời cách mạng mà chú theo đuổi, bộ bà ba vải trắng ở trong, áo "bành tô" khoác ngoài. Theo ước đoán của tôi, chú Điển Võ, râu trắng dài quá cổ, tóc bạc ngả màu hơi vàng, hơn thầy tôi cũng cỡ ba, bốn tuổi là ít. Giữa hai người không có liên hệ bà con gì hết. Vậy mà chú kêu thầy tôi bằng anh ngọt xớt. Thiệt khó hiểu cho mấy ông già.
Chú Điển Võ thích uống rượu hơn là uống trà. Chú không có cái thú thưởng thức từng chung trà nhỏ. Chú thường mượn một cái tách lớn, ụp nguyên một chén tống vào tách, uống cạn một hơi. Thầy tôi nói chú uống theo kiểu "ngưu ẩm", uống như trâu. Đối với chú, trà nào cũng giống nhau. Thiết Quan Âm, Long Tỉnh, Ô Long, Liên Thái gì cũng là trà hết. Thầy tôi sửa câu "thực bất tri kỳ vị", nói chú là "ẩm bất tri kỳ vị", chú cãi:
- Anh cứ đem đủ một chục thứ rượu ra đây, coi em có "tri kỳ vị" hay không cho biết.
Chú Điển Võ hay ngâm thơ và thường giảng những điển tích trong thơ cho tôi nghe.
Còn chú Thanh Phong thì có vẻ trẻ trung hơn, hay bông đùa với tôi hơn, nhưng chú nói thì chú hiểu, giọng Nghệ đặc sệt, trọ trẹ, tôi nghe không ra.
Má tôi dặn hai chú:
- Một chú là Thanh Phong, một chú là Điển Võ, hai chú nhớ đừng bao giờ đạp đất nhà tôi vào mồng một Tết nghen.
Chú Hoàng gốc Quảng Ngãi, nhưng sống ở Huế, vô nhà tôi có một lần mà tôi nhớ đời. Mặt mày chú, thân hình chú không có gì đặc biệt, ngoài một cánh tay bị cưa cụt tới tận nách. Đó là kết quả của một thời chống Pháp.
Hồi trước, chú và thầy tôi cùng ở Liên Khu 5. Sau, chú ra Huế. Ngồi uống trà với thầy tôi, chú vừa khóc vừa ngâm bài thơ mà thầy tôi ứng khẩu tặng chú, khi đưa chú đi Huế:
Anh đi về ngoài nớ
Tôi ở lại trong ni
Mừng anh, tôi tiễn anh đi
Anh đi, tôi lại nặng nì xót xa
Gió mây khoá kín sơn hà
Ô kìa! Cái én dời nhà về đâu
Về đâu, nhắn hộ đôi câu
Anh đi, tôi lại nặng nì xót xa
Gió mây khoá kín sơn hà
Ô kìa! Cái én dời nhà về đâu
Về đâu, nhắn hộ đôi câu
Rằng đây khách sẽ bạc đầu tương tư. Trong bài thơ, thầy tôi gọi chú bằng anh, nhưng lúc xưng hô, lại gọi chú bằng em. Thiệt khó hiểu quá trời!
Rắc rối nhứt trong chuyện xưng hô là đối với chú Nguyễn Xương Thái. Chú Thái, người Quảng Nam, râu tóc đều nhuốm bạc, lúc nào cũng mặc áo the khăn đóng, là bạn đồng chí của ông ngoại tôi trong Việt Nam Quang Phục Hội với các ông Trần Cao Vân, Thái Phiên. Bởi đó, má tôi phải kêu ông Nguyễn Xương Thái bằng chú. Chú ở đây không phải là "chú em".
Vậy mà chú Thái lại kêu thầy tôi bằng anh. Thầy tôi kêu chú bằng em. Má tôi cằn nhằn:
- Chú là chú của tôi.
Thầy tôi cười ngang:
- Chú của em, nhưng là em của anh.
Tôi bắt trớn theo đó, gọi chú Thái bằng chú ngon ơ. Lẽ ra, tôi phải kêu bằng ông mới phải...
Chú Cầu, chú Thanh Phong, chú Điển Võ, chú Hoàng, chú Thái là một lớp người nặng lòng với công cuộc quang phục của xứ sở, độc lập cho dân tộc. Tóc của mấy chú bạc trắng hết rồi mà độc lập ở đâu, vẫn chưa thấy. Ngoài Bắc thì Nga Sô, Trung Cộng là quan thầy, trong Nam thì Hoa Kỳ chủ sự. Hận đời, hận nước, mấy chú mang mểnh hoài hoài...
Nhờ nghe chuyện mấy chú mà tôi hiểu được tấm lòng yên nước của lớp người vừa chịu ảnh hưởng của tinh thần sĩ phu ngày trước, theo Đông phương, vừa chịu ảnh hưởng của dân quyền, dân chủ, tân học của Tây phương. Lớp người nầy một mặt muốn canh tân xứ sở theo trào lưu mới của nhơn loại, một mặt muốn gìn giữ những phong tục tập quán cũ của tiền nhơn.
Trà đồng còn học được nhiều thứ, nhứt là những nghi án của lịch sử. Lúc nghe là một khởi điểm. Sau nầy mới cố gắng tìm tòi những dữ kiện rãi rác trong sách vở, để giải thích những nghi án ấy. Nhờ đó mà thập phần bổ ích.
Cũng nhờ hầu trà, tôi biết được nhiều văn nhân thi sĩ nổi tiếng, thuộc lớp trước hay đương thời như Tùng Lâm Lê Cương Phụng, Đông Hồ, Mộng Tuyết, Thiếu Sơn, Tế Xuyên, Nguyễn Vỹ, Trúc Nam, Bùi Giáng, Nguyễn Mạnh Côn, Linh Giang, Tô Nguyệt Đình, Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư.
Trà đồng muốn nổ lỗ tai, điếc con ráy vì chuyện văn chương thơ phú. Đối với trà đồng, những chuyện nầy không hấp dẫn bằng chuyện của hai bác và mấy chú đã kể trước. Không hấp dẫn vì đề tài và lối nói chuyện không hào hứng. Cũng có ngâm thơ nhưng không có đập bàn sảng khoái. Cũng có bàn đề tài hát tuồng, hát bội nhưng không có hất râu, đá chưn theo kiểu đá giáp, không có những câu hát khách muốn bể nhà khiến hàng xóm phải muốn chạy ra coi.
Văn nhân thi sĩ nói chuyện "nghĩa lý" nhưng mù mì mủ mỉ, thiếu hào sảng.
Tôi chợt nhớ tới chú Hoa Đường. Chú người Quảng Ngãi, vừa học Nho, vừa học Tây. Chú vô Sài Gòn làm báo. Cha chú là một nhà Nho cách mạng, bị Tây bắt ở quê. Với danh nghĩa nhà báo, chú về Quảng Ngãi vận động cho cha được thả.
Cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, lúc đó đang ở Quảng Ngãi, phàn nàn cha của chú về việc nầy. Cụ coi là một việc không chính đính. Cha của chú úp mặt vô thau nước để bày giải nỗi lòng.
Chú trở về lại Sài Gòn, rồi ẩn cư ở Mỹ Tho. Trong một lần lên thăm thầy tôi, chú đã dạy cho tôi bài thơ của chú:
Xuân thời giai tiết,
Nhìn trời xuân, chi xiết nỗi hoài xuân
Bông bạch mai trắng điểm đã bao lần
Lá lục liễn khoe tân chừng mấy độ
Trời đã ghét ghen người má đỏ
Xuân không chờ đợi kẻ mày xanh
Líu lo oanh mừng bạn hót trên cành
Thơ thẩn khách đầu xuân khoanh tấc dạ
Xuân hứng, xuân ngâm, ai đó tá
Để mình ai lã chã giọt tương tư
Bông bạch mai trắng điểm đã bao lần
Lá lục liễn khoe tân chừng mấy độ
Trời đã ghét ghen người má đỏ
Xuân không chờ đợi kẻ mày xanh
Líu lo oanh mừng bạn hót trên cành
Thơ thẩn khách đầu xuân khoanh tấc dạ
Xuân hứng, xuân ngâm, ai đó tá
Để mình ai lã chã giọt tương tư
Tìm đâu cho được nụ cười Hồi đó, sống ngay trên quê hương mà chú Hoa Đường không tìm được một nụ cười giữa mùa xuân. Nụ cười nầy, trên đất khách, tôi tìm ở đâu bây giờ?
Tôi cũng muốn nhắc tới chú Ngu Í Nguiễn Hữu Ngư. Chú hay tới nhà tôi. Chú không thuộc vào loại khách mà mỗi lần tới thầy tôi phải bày một bữa trà riêng. Thầy tôi nói chú như em trong nhà. Có khi thầy tôi tiếp chú ở phòng khách, có khi ở giường ngủ. Chính chú, chú cũng tự coi như người trong nhà tôi. Không là người trong nhà sao được? Chính thầy tôi đứng cưới vợ cho chú, chị Thoại Dung, ở Quảng Ngãi, hồi "chín năm" kia mà.
Chú Ngư tánh khí không bình thường, nếu không muốn nói là khùng, ba trợn. Chú là con của cụ Nguyễn Hữu Hoàn, một nhà Nho cách mạng trong phong trào Duy Tân, ở Hàm Tân. Năm 1945, chú đeo ba lô đi bộ trên đường thiên lý từ Nam ra Bắc, dừng chưn ở Quảng Ngãi, gặp thầy má tôi. Ở đây, chú lên cơn điên, lấy phân bôi lên hình Hồ Chí Minh. Chú bị bắt, nhưng vì điên, Việt Minh không làm gì chú được, phải thả.
Ở Quảng Ngãi, lúc đó, có trường mẫu giáo Tơ Vàng. Cô giáo là chị Thoại Dung. Chị dạy cho con nít vừa hát vừa múa bài "Một ngón tay nhúc nhích". Chị nhìn ra cửa sổ, thấy một thanh niên vừa hát vừa múa theo. Người thanh niên ấy là chú Ngư. Mối tình của hai người bắt đầu từ đó. Má tôi có cho chị Thoại Dung biết cái tánh khí thất thường của chú Ngư. Chị Dung nói chị quyết hy sinh một đời để xây dựng hạnh phúc cho người yêu.
Tại sao tôi lại kêu chú Ngư là chú, mà vợ chú tôi lại kêu bằng chị?
Là vì chị Thoại Dung là bạn của chị hai tôi, chị Tú Anh. Một, hai, chị Thoại Dung cứ bắt tôi kêu chị bằng thím, cho tương xứng với chú Ngư. Nhưng chị hai tôi căn dặn:
- Thoại Dung là bạn của chị. Em kêu Thoại Dung bằng thím, thì chị phải kêu Thoại Dung bằng cái gì?
Chú Ngư vừa dạy học, môn Sử Địa, vừa viết báo, tạp chí Bách Khoa. Chú chơi trò lập dị, chữ "y" không xài, xài chữ "i". Bởi vậy, họ chú là Nguyễn, chú viết thành Nguiễn, bút hiệu chú là Ngu Ý, chú viết thành Ngu Í. Viết như chú, Thanh Thúy thành Thanh Thúi, Thụy Du thành Thụi Du mất.
Chú không mơ tưởng công danh nhưng lòng chú quặn thắt theo thời cuộc, chú khóc uất hận, chú cười mất trí theo vận nước.
Người chú ốm nhom ốm nhách, tóc chú hớt cao, da chú xanh lướt, chú đeo kiếng trắng, chú cỡi mô-bi-lết xanh. Có bữa chú ôm thầy tôi mà khóc. Có bữa, đang uống trà, chú cười sằng sặc, nói thời thế nầy, má tôi không nên viết nữa. Sau đó, chú len lén lấy hết mấy cây viết của má tôi. Tới chừng chú về rồi, má tôi mới biết viết bị mất.
Chú ôm lòng nhiệt huyết từ hồi mười tám, hai mươi, vượt đường vạn lý đi kháng chiến. Chú ôm hận ở lứa tứ tuần. "Tứ thập nhi bất hoặc" mà lòng chú vẫn ngổn ngang trăm mối.
* * *
Sau nầy, bè bạn của thầy tôi thỏn mỏn lần. Lớp thì chết như bác Nhà Nam, chú Năm Cầu, chú Thanh Phong; lớp thì già quá rồi, đi lại chắc khó khăn. Mà, thầy tôi cũng già rồi.
Từ trà đồng, nhờ thời gian, tôi được ngồi trước mặt thầy tôi trong những bữa trà. Má tôi nhường vị trí cho tôi để ngồi bên cạnh thầy tôi.
Ba cái bình Mạnh Thần của ông ngoại tôi để lại, thầy tôi đều đem tặng bạn hữu. Trong đời thầy tôi, thầy tôi không có quí cái gì hết. Lý tưởng đã không tròn, còn quí cái gì nữa bây giờ? Thầy tôi dùng một bình trà bằng sứ tráng men do anh tôi mua từ Mã Lai mang về.
Tôi ngồi uống trà với thầy tôi, như vậy, được hơn mười năm. Đây là mười năm học. Tiếc rằng, tôi chỉ thâu thập lơ mơ. Tôi ngồi uống trà, chí cốt là để cho thầy má tôi đỡ cảm thấy sự quạnh quẽ của tuổi già, hơn là muốn nhận lãnh cái túi khôn của thầy, của má.
Bây giờ, nghĩ lại, hối hận thì cũng đã muộn quá rồi. Bao nhiêu kinh nghiệm, bao nhiêu sự khôn ngoan, theo xác thân của người xưa, mục nát hư hoại hết rồi. Các lớp người sau, cứ phải tự bản thân mình mà học lấy kinh nghiệm hoài.
Mấy năm gần đây, tôi uống trà trở lại. Các người bạn trẻ của tôi, các đàn em của tôi, mua cho tôi đủ các loại trà. Trà Quí Châu, trà Vân Nam, Thiên Nhân, Trà Vương, Bạch Mao Hầu trà, Thiết Quan Âm, Ô Long, Long Tỉnh... không thiếu một thứ gì. Cái loại bình, tôi cũng được tặng đủ. Tùy theo khách mà tôi chọn bình, lựa trà. Nhưng khách uống trà ngày nay đâu còn được bao nhiêu, mà cái không khí uống trà ngày nay cũng đâu có còn giống như ngày xưa...
Cuối năm, độc ẩm, đối bóng một mình, hương trà cũ phảng phất đâu đây!
Nguyễn Đức Lập
.