Cao Xuân Huy
Toàn mơ màng, suy nghĩ. Đã nhiều lần anh chàng tự nhủ, ừ, tại sao lại không, tại sao lại không nghĩ nhỉ. Không có gì quý hơn độc lập tự do, thì tại sao lại không tận hưởng cái quyền độc lập và tự do không giới hạn này, nghĩ. Nghĩ thế, Toàn cứ một mình tiếp tục ung dung suy nghĩ, đố đứa nào báo cáo, chúng mày có giỏi thì kiểm thảo xem. Nghĩ, miên man hết chuyện này sang chuyện khác. Chuyện giày cao gót, chuyện giày saut, chuyện dép râu, rồi thì chuyện củ sắn củ khoai… Kể cả chuyện một mai anh trở về dang dở đời em…
Ấy thế mà, cái phần gia tài duy nhất ấy rồi cũng cạn dần theo năm tháng. Toàn bây giờ như phiến đá, như cây rừng. Thôi ngủ yên đi con, ngủ cho qua cơn mộng dữ này. Đừng vui, đừng buồn, đừng hy vọng thì lấy gì mà tuyệt vọng.
“Toàn, mày tiếc bữa ăn sáng phải không?”
Lại cái thằng Phương lý tài, Toàn dấm dẳn:
“Tiếc cái con củ cải tao ấy, càng đỡ phải nhịn đi cầu.”
“Không tiếc thì tại sao lại cứ thừ người ra như vậy?”
“Thừ với thiếc cái mẹ gì. Có bốn cái khoái trên đời…”
“Áp-phe thì phải vậy chứ. Muốn được cái nọ thì phải bỏ cái kia. Bỏ cái khoái thứ nhất đổi lấy cái thứ ba, lời thêm được cái thứ tư, cái đỡ phải nhịn… còn than gì nữa?”
“Cái khoản thứ ba ấy à, cái khoản này, mẹ, ’nhìn’ còn không có, có chi ‘chi’. Tao với cái khoản ấy đã ly tán từ cơn gió bụi này rồi.”
“’Ly tán’? Sắp ‘tha hương ngộ cố tri’ chứ.”
“Ừ thì ‘ngộ cố tri’.”
Không muốn nói chuyện thêm với Phương, Toàn quay đi. Nhưng cái vụ “ngộ cố tri” cứ lẩn quẩn trong đầu.
Đã bao năm rồi không thấy nó,
Mà ta vẫn sống, có lạ không?
Toàn lắc đầu, vậy mà cũng đòi làm thơ, lạ mẹ gì, thi sĩ mà không có óc tưởng tượng, hoặc kiếm được gì gợi hứng cho sự tưởng tượng, anh mới than thân như vậy. Chứ còn như ta đây:
Ta “sờ râu” ta cho đỡ nhớ
Không thanh tâm tuyền,
Không Thanh Tâm Tuyền!
Toàn bật cười, vừa ngâm nga một cách thú vị, vừa đưa tay xoa xoa, sờ sờ cái cằm lởm chởm râu. Bộ râu chẳng phải vật “tư hữu” của Toàn là gì. Vậy mà, có mỗi bộ râu để “sờ”, anh chàng cũng phải để một cách lén lút. Mà râu thì ở ngay trên mặt, ở ngay trên cằm chứ có kín đáo gì cho cam, để lén thế quái nào được, làm sao mà để “chui” cho được, hơi lởm chởm thế này cũng đã là một kỳ công rồi. Thành thử ra…
Ta sờ râu ta cho đỡ nhớ…
Râu thì cũng lại đành là, có đủ đâu để mà sờ, nhưng chút nữa đây, một chút nữa thôi, cái “cố tri”, cái mà Toàn phải sờ râu “cho đỡ nhớ” sẽ hiện ra, ngay trước mặt, bằng “xương”, bằng thịt.
Mắt Toàn sáng lên khi thấy toán tải thương thấp thoáng ngoài cổng trạm xá. Ta đợi em từ ba mươi năm. Cuối cùng thì Toàn cũng sẽ được nhìn, có thể còn được cả chạm tay vào cái “em”, cái mà lâu nay anh chàng chỉ được nhìn ngắm, chiêm nghiệm qua trí nhớ, mà mấy năm nay anh chàng chỉ được sờ, được mân mó qua chính cái… cằm của mình. “Cái ấy” đang đến gần, đang tình cờ đến gần và lọt thỏm vào tầm tay Toàn.
Toàn đã phải năn nỉ, ỉ ôi, đã phải nộp nguyên phần ăn sáng ngày hôm sau cho cái thằng Phương nhất định giành “công tác” cầm đèn với mình. Đói thì đã đói rồi, nhịn thêm một bữa ăn sáng cũng vẫn là đói, chứ có thằng Tây nào chết đâu. Nhịn phần ăn sáng để đổi lấy việc cầm đèn.
Cầm đèn!
Ừ, cầm đèn.
Chỉ cần nghĩ đến cảnh một chút nữa đây, tay trái cầm đèn soi thật rõ để tay phải lần cởi cái cúc áo, nhẹ nhàng cởi cái dải rút… Trời ơi, Phương ơi, dù có phải nộp mười phần ăn sáng cho mày tao cũng ừ, chứ đừng nói là có mỗi một phần. Thiên hạ cứ hay nói “ăn cái dải gì” một cách ngon lành, mà chắc gì đã hiểu được cái giá trị “kinh tế vĩ đại” này. Thế hóa ra cái “dải rút”, trong một vài trường hợp cũng “ăn” được đấy chứ, Phương nhỉ.
Toán tải thương dùng võng cáng vào phòng mổ một người con gái bị trúng mảnh đạn M-79 khi cô nàng đang cuốc đất. Nhìn con mồi mơn mởn nằm trên võng, mắt nhắm nghiền, mặt tái xanh, Toàn mỉm cười. Qua kinh nghiệm, rõ ràng là cô nàng thiếp đi vì sợ, chứ vết thương tuy nhiều, máu ra cũng khá, nhưng, ối giào, một loại kiến cắn, cao lắm cũng chỉ ngang với gà mổ là cùng, đâu nguy hiểm đến nỗi mà phải ngất đi như thế kia.
Bác sĩ Thông, buông dao đang băm dây lang nấu cháo heo xuống, rửa vội tay trong thau nước, quẹt quẹt hai tay vào hai bên hông, rồi chạy thẳng vào phòng mổ. Thiên chức thầy thuốc khiến bác sĩ Thông nhà ta đành phải buông dao nuôi heo chuyển sang cầm dao cứu người.
Phòng mổ, một gian nhà tranh, vách trét đất, bên trong kê một cái bàn bằng gỗ tạp để dao kéo.
Giường mổ, một cái chõng tre, có giăng mùng để che ruồi.
Toàn mặt mũi hớn hở đứng sẵn trong mùng, tay cầm đèn quơ qua quơ lại trên thân thể cô gái lúc đó vẫn chưa tỉnh, miệng không ngớt réo Phương đang ngồi hì hục quay máy phát điện bên ngoài:
“Mạnh tay lên chút coi. Đèn mờ quá.”
“Mờ cái gì? Có câm mồm đi không?”
“Mẹ kiếp, một bữa ăn sáng, nhớ nghe con.”
Bác sĩ Thông cười cười:
“Cũng mua bán được à?”
“Mua chứ! Ba bốn năm nay mới có một thuở mà, ông ơi. Vợ con thì đã chẳng…”
“Còn thằng Phương?”
“Nó dân địa phương ông ơi, vợ nó ở ngay đây, lâu lâu vẫn ‘mang’ vào cho nó. Ít nhất thì dù lén lút, ‘xuân thu’ nó cũng còn được ‘nhị kỳ’.”
“Thôi đủ rồi cha nội, làm việc đi. Mà cởi từ từ thôi nghe. Chỗ mấy vết thương, nhẹ tay nghe cha.”
“Yên tâm đi bác sĩ. Chỗ nào cũng nhẹ tay hết. Mọi chỗ, mọi chỗ đều nhẹ tay, nhẹ tay…”
Dù hai hàm răng đang trong thời kỳ giống như miền Nam vào những ngày cuối tháng Tư, Toàn vẫn dùng răng ngậm đèn để rảnh tay cởi quần áo cô gái. Cố gắng dùng thật ít ngón tay để cởi cúc áo, mấy ngón còn lại Toàn cố tình vi phạm hiệp định, lấn đất giành… da!
Người con gái vẫn nằm bất động, hai mắt nhắm nghiền.
Bác sĩ Thông nhìn Toàn, khó chịu, hơi gắt:
“Nhanh tay lên! Cái ngữ anh, chỉ cần làm y tá một buổi là tôi tống cổ ra tác chiến rồi.”
Hai hàm răng Toàn vẫn cắn lấy cái đèn:
“Thế ông mới là bác sĩ. Chứ tôi có phải là bác sĩ đâu mà ông không cho tôi động lòng… lương y như từ mẫu.”
Toàn vừa banh áo cô gái ra, vừa lẩm bẩm một mình:
“Cha mẹ ơi, gái quê, suốt ngày ngoài nắng mà sao da thịt trắng đến thế này!”
“Ông đang ‘khấn tiên sư’ gì đấy?”
“’Con khô mực’ này đâu có banh ra được, phải cởi ra chứ?”
“Làm lẹ đi cha nội!”
“Ông cầm hộ tôi cái đèn.”
Toàn vòng hai tay ra sau lưng cô gái, mũi dí sát vào một bên cổ cô nàng hít hít. Mùi khét nắng từ tóc, mùi hơi thở từ miệng, mùi da thịt giống cái từ dưới vành tai thốc thẳng vào mũi Toàn. Mê mẩn, lúc này, mùi gì từ trong thân thể cô gái toát ra mà chẳng làm anh chàng mê mẩn. Không biết vì lâu ngày không “nhớ chỗ” hay vì cố tình lính quýnh, mà anh chàng cứ như thằng hậu đậu, loay hoay mãi mới tháo được cái móc.
Ôi chao trắng quá nhìn không “da”.
Toàn liếm môi, Bộ ngực bi thương “co… ó…” rợn tình. Hai cái núm như hai “nốt ruồi son” đỏ hồng, con gái nguyên si? “Vú em chum chủm chũm cau; Cho anh bóp tí, nhỡ đau anh đền”. Trời ơi. Thế này thì có chết người ta không cơ chứ. Chết chứ, chết thật chứ chẳng chơi. Đền, nhất định là anh đền, dù đền bằng gì anh cũng vẫn cứ đền. Vẫn là cứ đền…
Những vết thương loang máu trên bụng, trên ngực làm cho nước da càng như trắng thêm. Da trắng thế này mà bì bạch thì phải biết! Anh chàng ngẩn ra, bị hai “nốt ruồi son” thôi miên mất rồi.
“Cởi nốt cái quần, rồi xê ra cho tôi làm việc.”
Tiếng bác sĩ Thông khiến Toàn chợt tỉnh. Bây giờ mới bắt đầu vào cao điểm của “chiến dịch tiến chiếm mục tiêu”.
“Cố tri” ơi, ta sắp “ngộ” nhau rồi!
Hai mắt Toàn hau háu.
Hai tay Toàn lính quýnh.
Toàn từ từ kéo quần cô gái xuống.
Hồi hộp.
Đợi chờ.
Trời ơi, bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng, bao nhiêu ngày; Hôm nay tao mới gặp mày, “cố tri” ơi. Không còn phải tưởng tượng nữa, không còn phải sờ râu nữa. Tao sẽ nhìn mày tận mắt, tao sẽ bắt mày tận tay, tao sẽ day mày tận…
Toàn háo hức đắm chìm theo những tưởng tượng…
Bất chợt, hai mắt đang hau háu chợt dịu lại.
Lúng túng.
Hai tay đang tụt quần cô gái chợt khựng lại.
Ngập ngừng.
“Làm gì mà đứng nghệt ra vậy?”
Toàn như không nghe tiếng bác sĩ Thông, vẫn đứng trơ ra, mắt như dán vào mảnh vải che phần dưới thân thể cô gái.
Đờ đẫn.
Thẫn thờ.
Mắt Toàn như dại đi.
Trong đầu, chập cToàn những hình ảnh. Giao thông hào, lô cốt, hầm chữ A, hầm chữ T. Tiếng bom, tiếng mìn, tiếng lựu đạn, không giật, sơn pháo. Những đợt tấn công, phản công. Những xác người, xác ta, xác địch, xác bạn, xác dân. Bữa ăn vội vã bên bìa rừng, một viên đạn bắn sẻ, thằng đệ tử ruột ngã ngửa, bát cơm biến thành bát máu. Đôi dép râu với cặp chân xanh mét vắt ngang giao thông hào. Và, bao cát, những bao cát đẫm máu một người dân, người thiếu nữ chết banh thây trên nóc một hầm trú ẩn, thịt da dính bầy nhầy trên những bao cát, óc trắng, tóc đen hòa với máu đỏ trộn lẫn với đất từ những bao cát… Cái chết bi thảm, cái hình ảnh tang thương của người thiếu nữ xuân thì ấy đã in đậm trong tâm trí Toàn, trở thành nỗi ám ảnh triền miên.
Và, bao cát, phương tiện thô sơ tận cùng, có mặt khắp mọi ngõ ngách của chiến tranh, bảo vệ người sống, chôn vùi người chết, đẫm máu người banh thây, mà lại còn có mặt như thế này sao? Phải thôi chứ, phải hết rồi chứ. Bao cát, sao lại bao cát, chiến tranh đã hết rồi mà, đã hết lâu rồi mà.
Chém giết đâu còn nữa mà trong đầu Toàn chập cToàn những hình ảnh cố quên. Đạn bom đâu còn nữa, mà trong tai Toàn vang dội những âm thanh đã cũ. Chỉ vì miếng vải thô nhám này sao?
Toàn dụi mắt, quẹt mồ hôi trán, cố trấn tĩnh nhìn lại thêm một lần nữa miếng vải duy nhất còn lại trên thân thể cô gái. Và bỗng dưng, thấy tràn ngập trong lòng một niềm cảm động, xót thương.
Bằng tất cả gượng nhẹ, với tất cả ân cần, Toàn cúi xuống gỡ nốt phần vải thô nhám loang những vết máu khô. Chàng lẩm bẩm nói với cô, như thầm nói với người thiếu nữ thịt da bầy nhầy dính vào những bao cát trên nóc hầm trú ẩn ngày nào:
“Khốn khổ cho cô, và cũng khốn khổ cả cho tôi, đã đành. Khốn khổ cho đất nước tang thương này. Nhưng chiến tranh đã qua rồi, chiến tranh đã qua lâu rồi mà, mọi chuyện rồi sẽ phải qua đi. Yên tâm đi cô bé, vết thương cô sẽ lành. Mọi vết thương đều sẽ phải lành. Ngủ yên đi cô. Thôi nhé, hãy ngủ yên và đừng sợ hãi. Sẽ không có ai làm gì cô đâu.
Một ngày nào đó, chúng ta sẽ không còn phải dùng bao cát để làm gì nữa. Không dùng bao cát để làm hầm trú ẩn, không bao cát để đắp giao thông hào. Và, như những phụ nữ may mắn được sống trong những nước không bị tan nát bởi chiến tranh như đất nước chúng ta, cô sẽ có lụa là mềm mại để mặc lên thân mình con gái, chứ không còn phải dùng bao cát để làm vải che thân nữa!
Chiến tranh đã hết rồi mà…”
Cao Xuân Huy
* Người viết xin mạn phép mượn thơ của các thi nhạc sĩ Linh Phương, Trịnh Công Sơn, Thị Lộ, Nguyễn Bính, Tuấn Huy, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Bút Tre, Hàn Mặc Tử, Đinh Toàn, Đoàn Thị Điểm.