Hai Người Ðội Mũ

Hoàng Khởi Phong

Mặt trời đã khuất sau những ngọn cây sao của đường Nguyễn Kim. Hàng cây hiếm hoi còn sót lại trong thành phố, bao quanh khu vận động trường có lẽ đã được trồng từ thời Pháp thuộc. Những ngọn cây bên kia đường, ngay trước mặt tiền của sân vận động cao hơn cả khán đài trung ương. Gió chiều thổi lướt dọc trên con đường Nguyễn Kim, vắng tanh không một chiếc xe, không một bóng người.
Gió thổi những cánh hoa sao bay tan tác trên không, trước khi là đà đáp xuống các ngôi mộ của khu nghĩa trang. Nhiều bông hoa bay mãi tới cuối nghĩa trang, đâm sầm vào bức tường thấp bao quanh trước khi rơi xuống đất, hệt như hình ảnh một phi cơ Thần Phong lao thẳng xuống sàn tầu.
Trời đã bắt đầu nhá nhem tối, đột nhiên trong lòng phố vắng vang lên những tiếng động gióng một. Tiếng động gây ra bởi một chiếc nạng gõ xuống lề đường. Người chống nạng đội một chiếc mũ lưỡi trai kéo sụp xuống, anh đứng tần ngần cách bức tường bao quanh khu vực nghĩa trang, nhìn vào những ngôi mộ lô nhô trên mặt đất. Ðó đây một vài chữ thập, chữ vạn nhô hẳn lên cao khỏi những nấm mồ. Gió đột nhiên trở nên dữ dội, những cánh hoa sao bị gió hất tung lên trên không trước khi đổi hướng rơi xuống. Những cánh hoa quay vù vù trên không, trông như những người lính nhẩy dù đang lơ lửng giữa trời cao. Một cánh hoa vô tình đáp xuống nhẹ nhàng trên vành mũ lưỡi trai, khiến người cụt chân nghển cổ, ngoẹo đầu ngó lên. Hàng trăm những cánh hoa bay tan tác trong lòng con phố vắng. Anh nhớ lại lần đầu tiên phóng mình ra khỏi thân tầu. Anh đã được huấn luyện viên căn dặn: Khi phóng mình ra khỏi thân tầu, phải nhìn xuống đôi tay thu trước bụng, đếm nhẩm 331, 332, 333. Ðếm xong ngoái cổ nhìn lên, xem dù lưng có bọc hay không? Nếu không thì phải giựt dù bụng để khỏi rơi xuống đất, thành một đống bầy nhầy không hình dạng. Khi dù lưng đã mở, hai tay phải nắm chắc lấy cái đai để điều chỉnh hướng dù.
Anh nhớ lại lần nhẩy dù đầu tiên, từ cánh cửa máy bay nhìn xuống, mây vùn vụt trôi tuột xuống phía đuôi tầu. Anh hơi hoảng, còn ngần ngừ chưa kịp lấy thế để bung người ra, anh đã bị huấn luyện viên tống cho một đạp, người anh văng ra ngoài khỏi thân tầu. Thế là anh quên béng hết những điều huấn luyện viên đã dậy dỗ. Lần nhẩy dù đầu đời anh như mê đi, chỉ tỉnh người lại khi chiếc dù lưng bọc gió, giật ngược người anh lại. Mãi tới lúc đó anh mới ngước cổ nhìn lên, thấy cánh hoa dù nở rộ giữa trời xanh, mây trắng. Anh ngước cổ lên cũng không đúng cách, nên bị dây dù cứa vào mặt, vào cổ.
Anh tiến lại sát bức tường bao quanh nghĩa trang, bức tường chỉ cao tới ngang ngực. Anh để cái nạng trên thành tường, chống hai tay lên mặt tường, lấy thế rướn người nhẩy lên, ngồi trên thành tường, quay mặt ngó ra ngoài đường Nguyễn Kim. Anh bỏ chiếc nón lưỡi trai xuống, dùng ngón tay trỏ quay quay chiếc nón, như một chiếc chong chóng. Chập sau anh lấy cái nón lau những giọt mồ hôi tưởng tượng, đã bị gió hong khô tự hồi nào. Cái mũ lưỡi trai loang lỗ thuốc nhuộm loại dổm, khiến mặt trên bắt nắng đã trở lại mầu ô liu nguyên thủy. Ðể ý kỹ một chút sẽ thấy cái mũ không phải mầu xanh ô liu, mà là mầu áo hoa dù, loang lổ mầu thuốc nhuộm. Anh quay người lại nhìn vào trong nghĩa trang, miệng lẩm nhẩm: "Tối nay mình ngủ đây, làm bạn với người chết. Ðường quá xa, xe không có, lò cò tới nơi cũng chưa chắc gì đã được gặp bà thầy".
Anh loay hoay đổi thế ngồi, nhìn vào trong nghĩa trang. Nhiều ngôi mộ lớn có mái, coi bộ đêm có mưa cũng không đến nỗi ướt. Anh lại lẩm bẩm một mình:
"Không biết nghĩa trang có người gác không? Nhằm nhò cái gì, thời này người sống lo không hết chuyện, ai mà huỡn đi lo ba cái chuyện người chết."
Anh đội lại cái nón lên đầu, quơ tay lấy cái nạng, gõ nhẹ xuống mặt đất bên trong bức tường, dò thử thế đất mềm hay cứng. Như thể trước kia hai tay nắm lấy thành cửa máy bay, chuẩn bị lao mình vào không trung. Tuy anh nghĩ nghĩa trang không người gác, anh vẫn cẩn thận ngó dáo dác chung quanh. Khi biết chắc không một ai để ý, anh chống tay trên mặt tường nhẩy vào bên trong nghĩa trang. Anh ngừng lại ngó địa thế chung quanh, chọn một vị trí cho anh ngả lưng đêm nay. Anh tiến lại góc nghĩa trang, nơi có ba bốn nhà mồ khá lớn. Tiếng nạng gióng một im bặt, trong lúc bóng anh khuất sau những hàng bia lớn.
Anh nằm ngửa trên nền đá vân đen, gối đầu lên cái bị nát. Ðá mát lạnh dưới lưng anh, khiến anh rùng mình. Chỗ anh núp đằng sau mấy bức tường bao quanh mấy ngôi mộ, được xây cất như những cái nhà mồ, nên kín gió.
Thỉnh thoảng lẫn trong tiếng gió đêm, anh nghe được một cách rất mơ hồ, tiếng chim thành phố ríu rít trên những ngọn cây sao. Những con chim sẻ nhỏ thật khôn, sau nhiều lần may mắn không bị trúng bẫy của con người, chưa kịp làm một miếng thịt, cho dù chỉ nhỏ bằng đầu ngón chân cái, đã làm tổ thật cao trên ngọn cây. Anh không còn đồng hồ đeo tay, thành thử không thể biết bây giờ là mấy giờ đêm, nhưng có lẽ trời chưa khuya, bởi vì anh thấy mắt anh ráo hoảnh. Anh cảm thấy bụng hơi cồn cào vì đói, cả ngày nay anh chỉ có một miếng bánh mì cũ, cùng một củ khoai lang.
Anh chống tay ngồi lên, nhìn ra bầu trời đêm, lấp lánh trên những tàng cây sao cao, những vì tinh tú lấp lánh trong cõi đêm mông mênh. Vầng trăng méo thỉnh thoảng bị mây lướt qua, làm thay đổi hình dạng của toàn thể khu nghĩa trang. Dưới ánh trăng khi tỏ, khi mờ, những ngôi mộ trông nhấp nhổm như biết bò.
Anh cảm thấy hình như người chết làm anh an lòng hơn người sống. Ít nhất nếu có hồn ma trú ngụ trong nghĩa trang này, những hồn ma đó chỉ có thể "nhát ma" anh, khiến anh sợ hãi phải bỏ đi, chứ không thể làm anh chết vì đói, vì nhục, vì đau, vì uất. Rất nhiều bạn cũ, rất nhiều người thân của anh đã đột nhiên biến khỏi đời sống này, hệt như là một viên sỏi bị ném xuống ao bèo. Viên sỏi khi chạm vào mặt nước còn tạo ra một tiếng động nhỏ, còn những người bạn anh đã mất tích, không hề để lại bất cứ một thứ gì, kể cả một tiếng kêu.
Anh nhỏm dậy, nhẩy lò cò đến một ngôi mộ khác, ngồi lên trên nóc của ngôi mộ này. Ðộ vài phút anh quay lại chỗ nằm, mò trong bị lấy ra vài cái mẫu thuốc đã lượm dọc đường, nhồi những nhúm thuốc bé tí tẹo vào một cái tẩu gỗ. Cái tẩu do ông thầy cũ, đang đi tù cải tạo cặm cụi làm, gửi ra cho thằng em thân tín cụt giò. Thỉnh thoảng trong những lúc đi kiếm ăn, ngang qua nhà thầy cũ, thế nào anh cũng ghé vô, thăm hỏi tin tức ông thầy. Cái tẩu đã được bà vợ của ông thầy lên thăm nuôi mang về với một lời nhắn: "Ráng nhẫn nhục mà sống, thản nhiên mà sống. Khi chúng muốn dìm mình xuống, muốn mình sống như một con vật, thì cách chiến thắng hay nhất là hãy sống như một con người! Hãy sống như một con người."
Anh lẩm nhẩm trong miệng:
"Tội nghiệp cho ông thầy. Ổng ở trỏng đâu có biết ngoài này mình sống như thế nào. Mình còn thua cả con chó. Con chó thời này dẫu có bị "làm thịt" như điên, nhưng nó còn có cái mõm để sủa, lúc cùng đường còn quay lại cắn càn. Mình tuy có cái miệng, cũng muốn câm luôn cho rồi. Mình cũng chẳng mở miệng van xin ai, cứ đến gần người ta hát thật nhỏ vài câu nhạc cũ. Ai có dư thức ăn, và có lòng thương người, muốn cho thì không cần phải van xin. Ai không muốn cho thì có van xin rát cổ cũng không ăn thua gì. Vả lại cái thời này ai nấy đều nghèo, đều đói. Thời buổi này khó mà sống cho ra hình dạng một con người. Chắc ổng không biết mình đang sống bằng cách ăn xin. Chắc ổng không biết lúc này mình có tật hay nói lãm nhảm một mình. Mà cũng có ai là bạn đâu mà không nói một mình?" Ðột nhiên một tiếng động vang lên nơi góc trái nghĩa trang. Anh vội ngồi thụp xuống, hướng về phía tiếng động. Ánh trăng loang loáng lướt qua những đám mây khuya lang thang, khiến cho cảnh vật như nhòe đi. Anh nghĩ thầm không lẽ có ma? Cái chất lính trong người anh bùng dậy. Anh nghĩ tiếp, nếu là ma phụ nữ cho mình được nói chuyện đời có khi lại là một niềm an ủi. Mà cần gì phải là ma phụ nữ. Bây giờ mà có người đủ cho mình tin tưởng như "ma" thì bất kể là đàn ông, đàn bà, ông già, bà cả, nít nhỏ con trai, nít nhỏ con gái... Tầu, Miên, Chà Và, Ấn Ðộ, Lèo cỡ nào cũng cân, người gì cũng thế. Nói chuyện đời chứ có phải bàn chuyện chính trị, chính em gì đâu mà phải lựa người.
Anh cố nhìn qua bóng đêm. Cách anh khoảng chừng ba chục thước, một bóng người đang quờ quạng. Những cử động tứ chi của bóng đen, khiến cho anh có cảm tưởng bóng đen là một con quỷ nhập tràng, mà anh đã thấy trong các phim ghê rợn rẻ tiền thời con nít. Ðột nhiên anh thấy bóng đen loạng choạng ngã chúi về phía trước, và anh biết ngay bóng đen là con người ta, bị vấp té. Ma thì làm sao bị té cho được. Anh nghĩ thầm chắc là một người cùng khổ như anh, coi nghĩa trang như một xóm nhà, tá túc trong một ngôi mộ nào đó. Nếu bóng đen cũng chỉ là một con người như mình thì bận tâm làm gì, nằm xuống ngủ quách cho khỏe. Ngày mai còn phải đi kiếm ăn.
Anh nằm thao thức mãi không ngủ được. Anh nghĩ đến ông thầy, bà thầy. Tội nghiệp bà thầy trước kia con nhà giầu, cho tới khi lấy ông thầy, chưa hề biết làm một việc gì ngoài việc đi học. Ham làm chi mấy cái bông mai trên cổ, ham làm chi ba cái áo hoa dù, để bây giờ phải bòn nhặt mọi thứ đồ dùng đem bán lấy tiền mua gạo. Bán hết đồ rồi thì sống bằng cái gì. Còn phần ông thầy, có bao giờ ổng ngó ngàng đến nhà với chả cửa. Quanh năm suốt tháng hành quân vắng nhà. Bây giờ không biết ổng còn nặng được bao nhiêu ký? Thời buổi này càng phương phi béo tốt, tai to mặt lớn bao nhiêu thì càng khổ bấy nhiêu? Anh mong ông thầy nhịn được, như ổng đã từng khuyên anh. Cái tính của ổng anh biết coi bộ khó nhịn.
Anh đã đôi lần cố ăn mặc cho khỏi rách rưới, cất cái bị ăn mày vào một xó, trút vài lon gạo dành dụm cả tuần vào trong một cái túi vải, đem đến bà thầy cho mấy đứa con ông thầy. Mỗi lần như vậy anh liến thoắng hỏi thăm ông thầy, để đại túi gạo vào một góc nhà, trước khi đi như ma đuổi ra khỏi nhà. Ðối với bà thầy, anh dứt khoát là dân buôn chợ trời, thỉnh thoảng trúng mánh mang gạo cho các con ông thầy cũ.
Anh miên man nghĩ ngợi gần xa, và rồi thiếp đi trong những cơn mơ. Trong cơn mơ anh nhìn thấy những người đồng đội cũ, những ông thầy xưa. Trong cơn mơ, anh còn đủ hai chân, cả bọn lơ lửng giữa trời xanh mây trắng.
Gần sáng anh tỉnh dậy, khi những người lính Nhẩy Dù trong cơn mơ của anh đột nhiên thu nhỏ lại, thoắt chốc đã biến thành những bông hoa sao, quay cuồng trong cơn lốc, ngập ngụa trên hè phố, tan tác dưới những đế dép làm bằng vỏ xe hơi phế thải.
Khi tỉnh dậy, anh nghe có những tiếng động lạ vang lên từ đầu nghĩa trang. Có lúc tiếng động tiến lại gần, chập sau chúng lại ra xa. Anh nghe có tiếng khúng khắng ho, rồi có tiếng khạc đờm. Anh nghĩ bụng có lẽ mình cũng nên tạo một vài tiếng động, để cho người nào đó biết: Kể từ hôm nay, nghĩa trang này không phải là chỗ của riêng hắn.
Anh chưa kịp gây tiếng động, thì đã nghe một giọng hát vang lên từ cuối nghĩa trang. Lời của bài ca \f3"Trường Sơn Ðông"\f2 cho anh biết, kẻ đang hát không phải là người cùng phía với anh. Chẳng những thế trước kia nếu chạm mặt nhau ngoài bãi chiến trường, chắc hẳn phải có một người nằm xuống.
Người Ðội Mũ Tai Bèo Những tiếng động làm người đội mũ lưỡi trai thức giấc đã khá lâu, nhưng còn nằm nướng trên nóc mộ. Mặt trời đã lên, song những tàng cây sao, và những mái nhà mồ khiến cho anh không nhìn thấy vạt nắng đã lên khá cao.
Buổi mai trong khu nghĩa trang yên tĩnh lạ thường. Chỉ có những tiếng chim lao xao trên ngọn cây, thỉnh thoảng có tiếng động cơ xe lớn vọng về từ phía đường Nguyễn Văn Thoại. Giờ này trước kia đông phải biết, vì là giờ người lớn đi làm, trẻ em đi học. Anh nghĩ đến con đường Nguyễn Văn Thoại, dẫn đến cổng trại Hoàng Hoa Thám, trại của đơn vị anh ngày nào. Trại bây giờ đã tan hoang vì trận đánh cuối cùng. Hiện thời trại thuộc quyền cai quản của những người lính khác xa anh từ ngôn ngữ cho tới trang phục, từ vũ khí cho tới chính kiến.
Anh nhìn xuống cái chân cụt quá đầu gối. Phải chi anh bị thương trước đó một năm thì giờ này anh vẫn còn đủ cả đôi chân. Anh tiếc đã bị thương quá chậm, khi quân địch đã vào tới cửa ngõ của Biên Hòa. Ngày đó đơn vị của anh tăng cường cho mặt trận bảo vệ phía bắc thủ đô. Trước khi trận đánh cuối cùng xẩy ra, Quân Y Viện của QÐIII không còn một y sĩ nào. Thuốc men cũng không, thậm chí đến bông băng cũng không. Vết thương chỉ nhẹ như muỗi đốt, một mảnh đạn chui qua các thớ thịt đùi, chạm vào cái xương ống. Ấy thế mà làm độc đến nỗi cụt chân có lạ không?
Anh nằm trên một nấm mộ lớn, có mái che, nên đã có lúc anh tự coi mình như là một nhà vua đang ngự trên long sàng. Những tiếng động lịch kịch vẫn vang lên từ cuối nghĩa trang. Anh nghĩ thầm trong bụng: Lại một tên "Vua Ăn Mày" như mình. Chỗ này coi bộ sẽ đắt khách.
Anh vẫn nằm yên trên nóc mộ, thần trí lơ mơ quay về ngày cũ. Anh nghe tiếng động lịch kịch, chen lẫn với tiếng hát nhão nhoẹt tiến gần lại ngôi mộ anh đang nằm. Anh nhỏm dậy, nhìn về phía tiếng động. Anh bắt gặp một con người tàn tật như anh, còn tệ hơn anh. Anh ta cầm một cái que dò đường, tiếng động lịch kịch tạo bởi cái que quờ quạng trên mặt đất. Dưới ánh nắng ban mai, anh nhìn thấy một cái mũ tai bèo kéo sùm sụp xuống, phủ hết cái trán.
Người đội mũ lưỡi trai lên tiếng ho, khiến người đội mũ tai bèo ngừng lại. Anh ta lắng tai nghe ngóng nơi xuất phát tiếng ho, cái mặt ngơ ngác nghiêng về một phía, khiến cho người đội mũ lưỡi trai nhìn thấy hai cái lỗ sâu hoắm thay cho hai đồng tử. Người đội mũ tai bèo ngần ngừ một chút, rồi lên tiếng hỏi trống không. Giọng Bắc cao và sắc lanh lảnh vang lên:
"Ai đó?"
Một chút im lặng trôi qua. Người đội mũ lưỡi trai đã ngồi hẳn dậy hướng về phía người đội mũ tai bèo trả lời. Giọng Nam khàn khàn, chen lẫn một chút ái ngại:
"Cũng là dân ăn xin thôi, không có gì phải sợ"
Người đội mũ tai bèo cúi mặt xuống, quơ cái gậy tìm đường. Anh ta nói trống không, trong giọng nói có pha chút giễu cợt:
"Ăn mày thì có gì phải sợ! Nào "đồng chí ăn mày" đã trưa rồi, dậy đi kiếm ăn chứ nhỉ."
Nghe chữ "đồng chí", người đội mũ lưỡi trai nhăn mặt lại. Toàn thân anh run lên, mấy ngón tay mân mê cái nạng gỗ, trong khi người đội mũ tai bèo nghiêng đầu lắng tai nghe, có ý chờ đợi câu trả lời. Nắng ban mai soi thẳng vào hai người, in trên nền đất nghĩa trang thành hai cái hình dài ngoằng, gẫy khúc trên những nấm mộ. Người đội mũ lưỡi trai trả lời bằng giọng trống không, nhát gừng:
"Ði trước đi, có chỗ ở mới phải làm vài việc"
Giọng Bắc lại vang lên sau một tiếng xì dài:
"Chỗ ở mới. Rõ khỉ, chỉ được cái nói mẻ".
Nói rồi người đội mũ tai bèo quơ cái gậy về phía trước. Bây giờ anh ta không hát nữa, mà chúm miệng thổi sáo. Người đội mũ lưỡi trai lắng nghe, âm điệu của bài nhạc líu lo, ríu rít như một đứa trẻ nói vội, nuốt chữ. Thật khác xa với âm điệu của những bài hát tango, boléro, cha cha cha của những bản nhạc trước kia anh vẫn nghe trong phòng trà, trên đài phát thanh, đài truyền hình. Người đội mũ lưỡi trai cau mặt nghĩ thầm: Ðến nhạc của nó mình cũng không nuốt nổi.
Người đội mũ lưỡi trai muốn chửi vài câu cho hả giận, nhưng rồi anh thấy chả có gì phải giận. Nghĩ cho cùng hắn ta cũng đáng thương, đáng thương hơn anh. Anh đi đứng tuy có khó khăn một chút, nhưng tỉ lệ tàn tật của anh mới chỉ là 50%, còn hắn ta mù mắt thì dứt khoát tàn phế 100%. Chấp làm gì với kẻ yếu thế hơn anh. Vả lại hắn cũng không nhìn thấy cái mũ anh đội. Nếu hắn ta chỉ cụt tay, cụt chân thì chắc chắn hắn sẽ không gọi anh là "anh bạn".
Người đội mũ lưỡi trai nhìn theo phía sau lưng của người đội nón tai bèo. Chiếc gậy khua khua trên mặt đất tạo thành những vết bụi nhỏ. Anh thấy người đội nón tai bèo khó khăn mãi mới leo ra được được lên mặt tường, kế đó lại loay hoay một hồi mới leo xuống khỏi bức tường thấp ngang ngực.
Anh quay về chỗ cũ, ngồi bó gối ngó lên những ngọn cây sao, được nắng sớm mai nạm vàng ối nơi khán đài trung ương của sân vận động Cộng Hòa. Người đội mũ lưỡi trai thấy cơn giận dữ vô cớ hồi nẩy tan đi. Anh mân mê chỗ chân cụt, những sớ thịt được khâu túm lại bởi một bàn tay vụng về, đã tạo thành một cái sẹo lồi lõm, xấu xí.
Người đội mũ lưỗi trai vươn vai đứng dậy, anh cũng chúm miệng huýt gió một bài hát hồi trẻ anh rất thích. Cao hứng anh còn hát vài câu anh nhớ lõm bõm trong một bản nhạc quân hành. Giọng hát khàn khàn của người đội mũ lưỡi trai, được những con chim trong thành phố hót líu lo phụ họa. Anh tưởng chừng như nhìn thấy những đồng đội cũ, những ông thầy xưa đang lơ lửng giữa trời cao.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, khu nghĩa trang đã có thêm nhiều khuôn mặt mới, họp thành một nơi cư trú của những người bị gạt ra khỏi lề xã hội. Nghĩa trang có khoảng vài trăm ngôi mộ, chứa chấp vài chục con người.
Mỗi đêm người sống và kẻ chết nằm chen kẽ lẫn nhau. Nếu như người chết linh thiêng, thỉnh thoảng hiện hồn về dương thế thì lãnh thổ người chết, của ma đã bị người sống xâm lăng. Mỗi một nhà mồ có một người sống tá túc. Biên giới của sự sống và cái chết là mặt đất, là nóc mồ.
Không một người sống nào có giường, họ nằm ngủ ngay trên mặt mộ. Vài người mắc võng giăng từ tấm bia này sang tấm bia khác, nằm hóng gió chiều. Phần lớn người sống đều tàn tật, bệnh hoạn. Tất cả những người này đều sống bằng nghề moi các bãi rác, đi ăn xin nương vào hạnh bố thí của người đời. Thảm thương cho họ là người đời lúc bấy giờ tuy giầu hạnh bố thí, nhưng lại nghèo của cải thức ăn. Họ gọi nhau bằng cái tật của mỗi người như "cha què, anh cụt, lão mù, gã cùi..."
Mỗi đêm những con người thầm lặng như những cái bóng, vun lá khô lại thành từng đống, gây vài đốm lửa nhỏ, rải rác trong nghĩa trang. Họ tụ tập thành vài nhóm, mỗi nhóm chiếm cứ một góc. Ánh lửa bập bùng nhẩy múa trên các tấm bia, trên các mộ chí, chiếu vào những người chung quanh thành những vũ công ma quái.
Ban đêm người yếu bóng vía, đi ngoài nghĩa trang nhìn vào, chắc chắn sẽ lầm tưởng là thấy ma.
Người cụt đội mũ lưỡi trai và người mù đội mũ tai bèo chung một nhóm. Ðó là hai người đầu tiên trú ngụ trong nghĩa trang, mộc nhiên được những người tới trú ngụ sau nể nang đôi chút. Hơn thế nữa chỗ nằm của hai người gần nhau. Hàng đêm hai người này ngồi cách nhau vài nấm mộ thấp, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Thỉnh thoảng họ trao đổi với nhau vài câu hỏi bâng quơ, vài tiếng trả lời nhấm nhẳng. Họ nói chuyện với nhau hệt như những con chó sủa ma, thỉnh thoảng hộc lên vài tiếng.
Người mù đội mũ tai bèo hay đi ngủ sớm, và cũng dậy sớm. Anh rời khỏi nghĩa trang đi kiếm ăn, khi những con chim thành phố chưa thức giấc, còn nằm im trong tổ. Mỗi buổi sáng khi thức dậy đi kiếm ăn, anh vẫn còn nghe được tiếng ngủ ngáy, tiếng nói mơ. Anh không biết đèn đường chưa kịp tắt, ngoài phố không một bóng người. Anh cũng không có đồng hồ, mà cũng chẳng màng tới giờ giấc làm chi cho phiền nhiễu.
Người đội mũ tai bèo bị thương trong những ngày cuối của trận chiến. Anh là bộ đội đi B, tiến vào giải phóng Sài Gòn. Ðơn vị anh tùng thiết theo tăng đánh vào phi trường Tân Sơn Nhất. Mấy năm nay sống trong bóng tối, nhiều lần anh nghĩ tới cái thời khắc kỳ cục của những trận đánh sau cùng.
Trong khoảng hai tuần lễ, đâu cỡ mười ngày, đơn vị anh tiến từ Phan Rang tới Bình Long. Quân đội hai miền đã đánh nhau kịch liệt suốt hai chục năm trời. Ðột nhiên quân đội miền Nam không đánh nữa, rút lui như gió cuốn. Không hiểu sao Sư Ðoàn 18 của quân ngụy đứng chựng lại, chống trả dữ dội tại Bình Long.
Quân hai bên đánh nhau mù trời dậy đất tại những đồn điền cao su chung quanh thị xã. Trong vòng vài ngày ngắn ngủi, quân hai bên chết cơ man nào mà kể, xác người nằm sắp lớp khắp mọi xó xỉnh trong rừng cây. Khi tiến vào tấn công Sài Gòn, đơn vị anh tan biến hoàn toàn. Anh thoát chết tại rừng cao su Bình Long, được điều sang một đơn vị khác. Anh bị thương tại ngưỡng cửa phi trường Tân Sơn Nhất. Người đội mũ tai bèo nhiều lần oán trách quân đội miền Nam. Phải chi cứ đánh nhau nhì nhằng thêm vài chục năm nữa, bây giờ có thể anh không bị mù. Anh bị một mảnh đạn xẹt qua mặt. Viên đạn phá vỡ sống mũi anh, múc con mắt trái lòi ra ngoài, con mắt phải còn lại sau cùng cũng không chữa được.
Anh mơ hồ nhớ lại khi anh tỉnh dậy, lớp băng quấn trên đầu khiến anh chỉ thấy một mầu đen đặc như hắc ín. Anh biết là anh bị thương trên mặt, nơi sống mũi buốt lên tận óc. Thỉnh thoảng những cơ bắp hai bên gò má, sát với thái dương giật liên hồi, và những lúc đó anh chỉ muốn ngã ra bất tỉnh. Khi được viên bác sĩ ngụy, làm việc trong Tổng Y Viện Cộng Hòa cho biết sẽ mù vĩnh viễn. Anh chỉ muốn chết. Sống làm chi cho khổ thân mình, khổ lây tới cả gia đình. Chiến tranh cái gì mà kỳ cục. Ðang đánh nhau cầm chừng đột nhiên như một lũ người say máu.
Sau khi tháo băng trên đầu ra, đôi mắt anh chỉ còn lại hai cái lỗ sâu hoắm, nước vàng rỉ ra liên tục, mùi hôi thối xông ra từ chỗ bị thương, kéo theo lũ ruồi nhặng lúc nào cũng vo ve bu kín. Suốt một tuần lễ anh ngồi trên giường, chỉ nghĩ đến chuyện chết. Quê anh tận Hà Nam Ninh, mấy người bạn cùng quê đi B một lượt chẳng còn một ai. Ðược cho về cũng khó mà lê nổi cái thân tàn về nhà. Mà lê về nhà làm gì với người ngợm như thế này.
Vì đơn vị anh đã tan từ lúc đụng trận tại Bình Long, anh được điều sang đơn vị khác, trong trận đánh sau cùng tại phi trường Tân Sơn Nhất. Khi anh tỉnh lại tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, anh chẳng biết ất giáp gì về đơn vị mới của anh. Cả nước còn đang bận ăn mừng chiến thắng, đơn vị mới của anh rút đi đâu anh cũng không rõ. Thế là anh trơ thân cụ một mình trong vùng đất bại trận. Mặc dù anh ở phía thắng trận, nhưng không một nơi nào chính thức lo cho anh. Chưa biết chừng đơn vị mới còn báo cáo anh đào ngũ. Anh ra khỏi bệnh viện và không có một nơi nào để đi.
Tại Ủy Ban Quân quản thành phố, anh được người ta sắp cho một chỗ ở tạm, nuôi cơm ngày hai bữa. Anh chung đụng với khá nhiều thương binh của các đơn vị. Lúc đầu người ta chen chúc xúm xít trong giờ lãnh đồ ăn, thế rồi mỗi ngày một bớt ồn ào. Anh không trông thấy gì, nên không biết những người ở chung với anh đi đâu, làm gì trong lúc lãnh đồ ăn.
Anh chỉ biết một hai người nằm gần giường hay về khuya. Có hôm còn sực mùi rượu, ngủ vùi cho tới trưa hôm sau mới trở dậy. Mãi sau anh mới biết những người này đi ăn xin ở ngoài, vì cơm trong trại quá tệ. Thế rồi một hôm hai người bạn nằm gần rủ anh ra ngoài cho giãn gân cốt. Anh nhập cuộc với họ.
Một hôm trong lúc anh vắng mặt, hai người bạn vẫn đi kiếm ăn chung, và toàn thể các thương binh trong trại bị đưa lên xe tống về ngoài Bắc hết. Phần anh thoắt một cái mà đã đem thân bị gậy năm, bẩy năm trời.
Mình anh trơ trọi giữa một thành phố lạ, mắt thì mù, nhà cửa không có, người quen cũng không.
Thế là anh đã sống trong đêm đen đằng đẵng nhiều năm. Không hiểu ngoài Bắc sau chiến tranh, đời sống gia đình anh như thế nào? Cô em kế chắc đã về nhà chồng, thằng em út giờ này chắc đã học hết cấp ba. Không biết nó có thi vào được một trường chuyên ngành nào không? Nhiều năm nay anh lang thang đầu đường xó chợ. Anh tưởng rằng đã hy sinh một phần thân thể cho chiến thắng sau cùng, thì anh phải được đãi ngộ, đền bù xứng đáng với phần thân thể anh bỏ lại nơi chiến trường.
Anh đã không còn lành lặn, để có thể bòn mót chiến công mang về cho bố mẹ anh một chút của cải của miền Nam, thì người ta cũng phải lo cho anh tối thiểu được tươm tất nơi ăn chốn ở.
Mấy năm gần đây, mấy cái loa công cộng đã bớt gào lên về chiến thắng Mỹ Ngụy, anh bị công an áo vàng xua đuổi như những con chó ghẻ. Khi chiến tranh vừa tàn, cái mũ tai bèo và một hai cái huy chương đeo trên ngực, làm cho anh được nể nang phần nào. Thế rồi càng ngày mọi chuyện càng tồi tệ hơn. Tiền tháng dành cho một thương binh, chỉ ăn thôi cũng không đủ. Cơ ngơi này có lẽ đến chết dấp chết dúi, chết bờ chết bụi ở một nơi nào đó. Làm thế nào mà về được quê nhà. Mà cũng chẳng nên trở về nhà làm chi, cho cả nhà thêm sầu não. Ở đây khuất mắt cho gia đình được yên một bề.
Nhiều lần anh bị xua đuổi hắt hủi. Những người miền Nam nhìn vào cái mũ anh đội, cái huy chương anh đeo ban đầu hơi sờ sợ, bố thí một cách miễn cưỡng. Nhưng rồi cứ ngửa tay ra xin người ta bố thí mãi, thì cái sự sờ sợ ban đầu nhỏ lại. Bây giờ người ta không muốn bố thí cho anh nữa. Thật ra khi giải phóng được miền Nam, mọi người đều nghèo đi. Chính người ta cũng chẳng có gì cho vào bụng. Bụng ai nấy đều đói thì sá kể gì một cái huy chương.
Người đội mũ tai bèo biết được người miền Nam chỉ sợ đám công an áo vàng, bởi vì công an mới có thể làm phiền người ta ngày này sang tháng nọ. Bộ đội phục viên thì là cái thớ gì, thương binh thì đã ăn cái giải gì. Chém giết nhau cho lắm vào, bây giờ chỉ có nước đi ăn mày mà thôi.
Mỗi buổi chiều người đội mũ tai bèo về sớm hơn mọi người. Anh ngồi trên cái mộ anh chiếm ngụ, lục lọi cái sắc cốt đã thủng lỗ chỗ, moi ra những thực phẩm xin được trong ngày. Anh nhá những miếng bánh mì khô khốc, những chén cơm thoáng có mùi thiu. Anh ngửa cổ tu một ngụm nước từ cái bình toong Trung Quốc. Cái sắc cốt, cái bình toong nước là hai đồ vật kỷ niệm của anh trong thời chiến.
Anh ngẫm nghĩ: Mãi mà mình mới có hăm chín tuổi. Không biết phải sống tới chừng nào mới được chết cho rảnh nợ.
Cả khu nghĩa trang này anh chỉ bắt chuyện với một người. Người đó nằm nơi cái mộ gần anh, người đó có lẽ là một thương binh miền Nam. Anh ta chống nạng đi lọc cọc, thường hay về trễ. Có đêm cao hứng hắn ta còn hát nhạc vàng, nhạc phản động của quân đội miền Nam. Một ý nghĩ chạy thoáng qua đầu người đội mũ tai bèo. Phải đó, nếu cuộc đời chó má này không dung những người tàn tật, thì tại sao hai người không tựa vào nhau mà sống?

Người đội mũ tai bèo nằm chờ mãi mới nghe thấy tiếng động lịch kịch gây ra bởi chiếc nạng gỗ. Anh nhỏm dậy khúng khắng ho như báo trước cho người láng giềng biết anh còn đang thức. Người đội mũ lưỡi trai tỏ vẻ hơi ngạc nhiên, anh hỏi trống không:
"Chưa ngủ sao cha nội Ðiện Biên, Bắc Kỳ?"
"Tôi có câu chuyện muốn bàn với anh bạn"
"Chuyện gì? Nhưng mà cho tôi kiếu cái chữ anh bạn đi, nghe nó chướng."
Người đội mũ tai bèo nghếch mặt lên, hai hốc mắt như muốn chuyển động. Anh ngẫm nghĩ một chút rồi hỏi người đội mũ lưỡi trai:
"Chả gì tôi với anh cũng là hàng xóm láng giềng, không gọi bằng anh bạn thì gọi là gì"
Người đội mũ lưỡi trai trả lời ngay lập tức:
"Gọi bằng gì thì gọi, chữ anh bạn thì cho tôi xin. Tại anh không nhìn thấy tôi, nên không biết tôi là loại người gì?"
Người đội mũ tai bèo cười méo xệch cả miệng. Dứt cơn cười anh nói:
"Thì cũng đói cơm, rách áo hóa ra ăn mày thôi chứ làm vương làm tướng gì cho cam."
Người đội mũ tai bèo ngừng lại một chút, khi nói tiếp giọng anh gằn lại từng tiếng một:
"Anh bạn, anh coi tôi là cái gì cũng vậy mà thôi. Có điều tôi với anh bạn cùng cần sống. Hợp lực lại thì dễ hơn là lầm lũi một mình."
Người đội nón lưỡi trai ngó sững vào người đội mũ tai bèo. Ðột nhiên anh nghĩ ra một cách để gọi lẫn nhau. Anh nói với người đội mũ tai bèo:
"Tôi có cách. Anh đội mũ tai bèo, tôi gọi tên anh là "Tai Bèo". Tôi đội mũ lưỡi trai, anh gọi tên tôi là "Lưỡi Trai". Bây giờ anh muốn nói điều gì thì nói lẹ đi cha nội"
"Thỉnh thoảng khuya anh về, tôi nghe anh hát hay ra phết. Nhưng mà buồn quá. Tôi nghĩ bọn mình xoay một cái đàn thùng, tôi biết đánh đàn, tôi đệm cho anh hát. Mình chỉ hát xẩm thôi, không van xin một ai. Mình đến chỗ bến xe, quán xá đông người, hát mấy bài nhạc cũ. Ai có lòng thì bố thí, không thì thôi."
"Tai Bèo này, ý của anh nghe được. Bề gì mình cũng là lính. Cái đời này thật đúng là chó má. Chó má tới độ tôi không thể ngờ được. Anh là phe thắng mà sao không một ai lo cho anh mới là kỳ? Trước kia anh thuộc vào đơn vị nào?"
"Tôi là Sư Ðoàn Sắt Lưỡi Trai ạ. Mả mẹ chúng nó, nhưng mà sắt của tôi đã rỉ rồi anh bạn."
"Tai Bèo này, mai tôi lên nhà ông thầy cũ của tôi. Ổng có cây đàn guitare vất trong xó tủ. Tôi xin thế nào bà thầy cũng cho. Mình hợp lực kiếm ăn, có dư dả chút nào tôi chuyển cho bà thầy đi thăm nuôi ổng. Cũng còn may, bà thầy mang đàn dạm bán mấy lần, thời buổi này không có ma nào muốn đàn địch, nên nó còn nằm trong xó tủ"
"Lưỡi Trai này, thời ngụy anh là lính gì?"
"Anh bạn Tai Bèo ơi, mình mới kết bạn với nhau chưa ráo miệng. Anh dùng làm chi cái tiếng Ngụy đau lòng đó. Tôi là lính Nhẩy Dù, ngày xưa đủ sức chơi hơn cơ Sắt, Thép, Ðiện Biên, Sao Vàng, Sao Bạc gì đó. Nhưng mà thôi Tai Bèo ơi, nén chuyện cũ lại. Mình còn sống được ngày nào thì ráng mà sống cho ra cái dạng người. Tôi bắt ý kiến của anh bạn, mình không van xin ai cả. Ông thầy tôi trong tù nhắn ra là phải cố sống như một con người. Tai Bèo ơi, đi ngủ đi, mai tôi đi xoay cái đàn. Có đàn rồi đi kiếm ăn chung."
Bẵng đi thêm một thời gian dài nữa, khu nghĩa trang đông thêm một số người. Những ngôi nhà mồ không một cái nào còn trống. Người đi kinh tế mới trở về nằm vạ vật tại những ngôi mộ lộ thiên. Vài gia đình hai ba người làm một cái lều bằng lá, bằng vải nhựa sát với chân tường.
Nghĩa trang bây giờ đã trở thành một xóm nhà. Con số người chết thì nhất định, còn người sống thì khi tụ, khi tan, ban ngày vắng ban đêm đông có khi còn nhiều hơn số mã trong nghĩa trang.
Lưỡi Trai và Tai Bèo bây giờ ở chung trong một cái nhà mồ, nhường một cái nhà mồ cho một gia đình mới đi kinh tế về.
Không ở chung cũng chẳng được nào, bởi vì ban ngày cả hai đi kiếm ăn, cần phải có một người trông nhà, không sẽ bị người khác tới chiếm chỗ. Tai Bèo và Lưỡi Trai nhường chỗ cho một gia đình có 5 miệng ăn. Họ mới vừa bỏ vùng kinh tế mới trở về. Cả hai nhường chỗ cho gia đình này với một điều kiện: Ban ngày khi cả hai đi kiếm ăn, gia đình này phải cử một người coi chỗ.
Căn nhà mồ chung của hai người khá rộng. Buổi tối sau khi đi kiếm ăn về cả hai chia đôi tiền bạc, phẩm vật thật đều. Cả hai ăn thầm trong bóng đêm. Tối lại hai người nằm ngủ theo góc thước thợ, một người nằm xuôi theo mộ, người còn lại nằm theo chiều ngang phía trên đầu mộ. Họ châu đầu vào nhau, nói chuyện rì rầm cho tới khuya.
Khi cả hai mới biết nhau, họ còn e dè ngần ngại đôi điều. Họ gọi nhau bằng tên Lưỡi Trai, Tai Bèo là hai cái nón làm nên cuộc đời họ. Bây giờ họ đã nói với nhau đủ thứ chuyện. Chuyện nhà, chuyện lính, chuyện trai gái, nhà thổ, chơi bời, ăn nhậu. Cả hai cùng tránh nói về các trận đánh giữa đôi bên. Bây giờ cả hai đã biết thêm một chút về gốc gác gia đình, tên thật của nhau. Nhưng họ thích gọi nhau bằng hình dạng của hai cái mũ. Hai cái mũ đã chụp lên đầu họ, suốt cả tuổi thanh xuân cho tới ngày nay.
Có lần Lưỡi Trai nói với bạn:
"Tai Bèo ơi, ông thầy tôi mới được chuyển về nhà giam trong Nam, cuối tháng này tôi đi thăm ổng một ngày."
"Nếu vậy ngày đó tớ nằm nhà. Hai năm nay hình như mình chưa có ngày nào nghỉ. Hai năm nay tớ đàn cậu hát kiếm ăn đỡ nhọc nhằn, mà thu hoạch cũng khá hơn. Này Lưỡi Trai, tớ thấy cậu có tình với ông thầy cũ mà phát thèm. Bọn Sắt, Thép, Ðiện Biên của tớ không như vậy. Có thể những thằng lính trơn như tớ thân nhau, nhưng giữa các C trưởng, D trưởng hay cao hơn nữa thì không có tình lắm đâu. Họ không đạp lên đầu nhau là tử tế lắm rồi."
Tai Bèo nằm xuống nhắm mắt, chập sau lại nhỏm dậy. Anh vớ lấy cái điếu cầy để trên nóc mộ, châm lửa rít một điếu tụt nõ, xong rồi nằm vật xuống quay cu lơ, sùi bọt mép. Qua ánh lửa của que diêm, Lưỡi Trai thấy hai cái lỗ sâu hoăm hoắm trên mặt bạn động đậy. Lưỡi Trai quay ra ngoài, nhìn vào bóng đêm. Tiếng Tai Bèo lại vang lên:
"Lưỡi Trai này, cái bà thầy của cậu lúc này chạy hàng chợ trời có kiếm ăn được không?
"Tai Bèo ơi, thiếu gì chuyện nói, đừng hỏi ba cái chuyện đó. Mỗi lần lên thăm bà thầy về, tôi mà có súng trong tay thì tôi nổ nhiều thằng"
"Lưỡi Trai này, tớ biết cậu để dành gạo cho con ông thầy. Tớ chẳng liên quan gì đến ông thầy của cậu, nhưng cũng nên nghĩ tới lúc mình đau ốm, không lê thân đi kiếm ăn nổi."
"Tôi nói ông hoài, chuyện của tôi ông đừng xía vô."
"Lưỡi Trai này, tớ biết cậu là người tốt bụng. Tớ nghĩ là cậu có giúp đỡ người ta thì cũng nhín lại một chút để lo cho mình. Tớ nghe mãi chuyện thầy trò của cậu, tớ hiểu lòng cậu lắm, tớ cũng thương ông thầy cậu. Nhưng tớ thương cậu hơn, bởi vì tớ có biết mặt ngang mũi dọc ông thầy của cậu như thế nào đâu."
Có tiếng con nít khóc đêm trong góc nghĩa trang, chỗ mấy gia đình bỏ kinh tế mới liều về Sài Gòn. Lưỡi Trai nhỏm dậy, anh bắt chước Tai Bèo làm một điếu thuốc lào tụt nõ. Anh lẩm nhẩm trong miệng:
"Mình đã khổ, có nhiều người còn khổ hơn. Khổ đến như thế mà còn đụ cho lắm, đẻ cho nhiều thật là không hiểu nổi."
Tai Bèo vẫn nằm bắt chân chữ ngũ nơi đầu mộ, bỗng cười xằng sặc. Tan cơn cười anh nói với bạn:
"Khi người ta khổ quá, mà lại có cái của đó sẵn bên cạnh, thì đằng nào cũng khổ, phải làm một cái. Sướng được lúc nào hay lúc ấy Lưỡi Trai ạ."
Cả hai lại yên lặng, nhưng không một ai ngủ được. Tiếng đứa trẻ khóc ngặt nghẽo trong nghĩa trang ban đêm làm cho nhiều người muốn đứng tim. Tai Bèo lại nhỏm dậy, anh lục lọi trong cái sắc cốt một hồi, moi ra một một nhúm đường gói trong một miếng giấy báo. Anh nói với Lưỡi Trai:
"Cậu mang hộ tớ cái này cho mẹ đứa bé. Hòa với nước cho nó uống thay sữa, chứ không là đêm nay cả nghĩa trang này không ai ngủ được."
Lưỗi Trai nhỏm dậy, anh chống cái nạng lê ra ngoài nhà mồ. Chập sau anh trở về nói với bạn:
"Tai Bèo ơi, bố mẹ đứa bé gửi lời cám ơn ông. Té ra cha nội cũng là một kẻ có lòng."
"Hôm nào cậu đi thăm ông thầy?"
"Cuối tháng, bà thầy đã xin được giấy phép đi thăm nuôi. Ổng nhắn về muốn gặp tôi."
"Tớ nằm nhà một mình thì buồn, muốn đi theo cậu một chuyến thì lại sợ ông thầy cậu khó chịu. Thôi khi nào cậu đi cho tớ gửi biếu ông ấy hai bao thuốc lá. Gọi là của ít lòng nhiều."
"Ngủ đi Tai Bèo, ngày mai có lẽ mình đi kiếm ăn xa một chút. Quanh quẩn mãi mấy bến xe gần đây người ta nhẵn mặt cả hai đứa mình. Tại mấy chỗ cũ bùa hết linh rồi Tai Bèo ạ"
"Mai mình đi đâu?"
"Mai mình đi bến xe lục tỉnh, bến xe đó mới mở có đường xe chạy nhiều nơi, đông hành khách lắm. Hy vọng mình có thể kiếm khá. Nhưng thôi khuya rồi, ngủ đi."
Thằng bé được một chút nước đường thấm giọng đã thôi không khóc, nghĩa trang rơi vào sự im lìm của bóng đêm.
Sáng hôm sau hai người trở dậy đi trong bóng tối nhờ nhờ. Lưỡi Trai trong lúc vội vã đã chụp lộn cái mũ của bạn lên đầu. Tai Bèo vừa xốc cái quần lên nói với bạn:
"Lưỡi Trai ơi, cậu đội nhầm cái mũ của mình rồi."
"Kệ mẹ nó, mũ nào thì cũng chỉ để che đỡ nắng mà thôi. Hôm nay tớ là Tai Bèo, cậu là Lưỡi Trai. Thích cái nào đội cái nấy. Lẹ lên cha nội. Trưa tới nơi rồi. Cái thằng con nít dịch vật tối qua làm cho cả người sống cũng như người chết mất ngủ cả đêm.
Bóng hai người nhòa làm một, họ dìu nhau leo qua bức tường thấp, rồi thất thểu bước thấp bước cao đi vào lòng đường Nguyễn Kim.

Hoàng Khởi Phong 
Tháng Hai năm 1996 











.