Đỗ Kh.
Người con gái mặc áo tắm một mảnh màu trắng nằm duỗi người trên cát. Một tay nàng chống cằm, một chân nàng co lên đằng sau bụng sấp trên khăn tắm, bàn chân trần ưỡn cong như vẫn mang một chiếc giày cao gót tưởng tượng, trông mang máng như một tấm hình pin-up nào của bốn mươi năm về trước, hay là năm mươi năm không chừng, khi mà đảo san hô Bikini ở Nam Thái Bình Dương chưa nổi tiếng nhờ những thí nghiệm phản ứng dây chuyền hạt nhân hình nấm khổng lồ cuồn cuộn khói. Khi mà áo tắm hai mảnh nguyên tử chưa ra đời trên những bãi đá sạn của bờ Ðịa Trung bên này nước Pháp. Nàng mặc áo tắm một mảnh trắng trinh nguyên hơi làm chói mắt, dáng Marilyn, không phải, hay là dáng B.B. nũng nịu, dáng B.B. phụng phịu, nàng nhìn hắn cười duyên.
Hắn cười lại.
Kính mát Ray-Ban gọng nhựa Wayfarer, quần đùi Mỹ kẻ ca-rô, dép Bình Trị Thiên.
Bãi biển này gia đình, vào lúc trưa nghẹt người, trẻ con ôm banh nhựa chạy đuổi nhau lòng vòng, mấy bà mẹ vú sồ xề để trần nằm đọc Philippe Djian, các ông bố đồ latex đen, mặt nạ, bình dưỡng khí, chân vịt và dao găm chơi trò người nhái nhại tuồng năm nay nổi tiếng La Grande Bleue. Cát ở đây không được mịn, nước ở đây không được trong nhưng vẫn là nghỉ hè tháng tám miền Ðịa Trung, xa xa có những cao ốc nghỉ mát bình dân Merlin rẻ tiền, ngoài biển có vài du thuyền trung lưu tàng tàng, lắm cánh buồm wind-surf lật lên lật xuống và xe gắn máy thổi nước ầm ầm sùi bọt lượn lại lượn qua.
Ở đây, ờ thì, không phải Côte d'Azur, Eden Roc cổ thắt khăn lụa và tay cầm Gin-Fizz, ở đây có ông già da tróc bận quần tắm lòi dái hồng dắt cháu lõm chõm lần mò ra những mô đá tìm sò ốc.
Nàng mặc áo tắm một mảnh, tóc sẫm cắt cao trên má phính mắt hột nhãn lóng lánh Louise Brooks của những phim trắng đen làm hắn giật mình khựng người lại một chút nghiêng đầu đáp lễ. Hắn nhìn quanh, nằm kế bên có một cô tóc vàng xinh, áo tắm màu đào tơ đang hai tay bó đùi vặt vĩnh bên cạnh Fred. À thì vậy, cô nàng là bạn của bạn của Fred, tự nhiên ai nhìn mình xã giao làm gì. Hắn hỏi Fred cho có chuyện:
“Tụi mày uống gì không, tao ra đường mua.”
Fred đang mãi tán tỉnh, lắc đầu không, hắn lững thững nhún chân trên cát một cách khó khăn đi qua thẳng. Bước nặng bước nhẹ, ờ, những mối tình hè tháng tám trời rất nắng.
Tháng tám cuối tuần hắn lần mò xuống đây tận miền Nam để thấy biển, chỗ này hắn chưa bao giờ đến, nhân tiện hắn gặp lại Nelly. ” Lâu ngày quá, mày xuống đây được thì vui, dịp này có nhiều người tụ họp lắm.” Hắn xuống được, nhiều người tụ họp thật, dạo này làm gì làm gì, có người chưa gặp năm ba năm, có người chưa gặp mười năm. ” Mười năm rồi phải không?” ” Không, chắc là còn lâu hơn nữa. Lần chót là...” Lần chót là bao nhiêu năm rồi hắn không muốn nhớ, ai hắn thấy cũng vậy vậy, ai hắn cũng nhận ra được, ai cũng nhận ra được hắn. Giờ ở đâu? Yorba Linda hả, là chỗ nào?
Yorba Linda cách Los Angeles ba mươi dặm về hướng Ðông Nam, vậy hả, Catherine năm ngoái ở Key West, Florida, giờ nó về rồi, lấy chồng mới - vậy à - ừ, chồng mới, nó theo chồng thuyên chuyển xuống gần đây, ở Barcelone, ngay đây nè, cách có hai trăm năm mươi cây ”Còn Vero - Vero giờ đang có bầu sắp sanh, vẫn ở đường Tolbiac, chỗ cũ đó. Năm từng lầu nó leo hết nổi rồi, có bầu với ai, cái thằng gì... Cédric phải không? Không, Cyril. Ờ, Cyril, tao lộn, thằng cử tạ chứ gì, đúng rồi. Cyril thằng cử tạ.
Hắn gặp lại mọi người, ai cũng vậy vậy, Nelly coi vẫn còn trẻ hay là trước giờ Nelly coi vẫn có cái vẻ thiếu phụ đứng tuổi. Từ dạo đó, Nelly lấy chồng sớm, ở nhà nuôi con uống thử đủ loại trà, Lapsong Souchong, trà tàu Ô Long, trà Cao Nguyên Cameron. Nelly bớt gầy đi một tí, dáng dấp gọn ghẽ những ngoại ô thảnh thơi, có thì giờ làm đầu, làm móng tay và tắm nắng thẩm mỹ viện.
“Ai mày cũng nhận ra được,” Nelly cười, ”chắc đứa này mày không nhận ra đâu, thằng con tao.”
Lần trước, đứa con của Nelly mới lên ba bốn tuổi gì đó, hắn nhớ nó tóc vàng. Giờ tóc nó vẫn vàng, cắt cụt dựng ở trên đầu, mẹ nó bảo: thằng này dạo này xài rất tốn gel sức tóc, nó vừa đổi giọng từ năm ngoái. Hắn nghe nói đến gel, sực nhớ mình đi quên không mang theo, hỏi ngay câu làm quen. ” Mày có gel hả, cho tao mượn.”
Thằng bé chạy đi lấy ngay, dẫn hắn vào đến tận phòng tắm cẩn thận. Hắn bôi lên tóc, vuốt ngược lại đằng sau cho khỏi rơi xuống trước mắt. Hắn nói:
“Lúc nào tao không có, tao phải dùng đỡ sà-bông để thế. Dùng sà-bông, ra gặp mưa, đầu sủi bọt.”
Thằng bé cười.
“Mày chỉ sức phía trước thôi hả?”
“Ừ, tao chỉ cần phía trước.”
“Tao còn phải xài ở đằng sau.”
“Thảo nào mẹ mày la tốn. Ê, thế hệ tao cần kiệm.”
Vậy là hắn trở thành bạn Fred.
Fred là con của Nelly và cho đến dạo này, Fred cũng chỉ mới cao sấp sỉ gần bằng hắn. Hắn rất ý tứ, không nhắc lại chuyện cũ, những ngày tao phải babysit mày, mày nhảy trên giường gỡ tranh ảnh trên tường ra ném xuống đất tao cản không được, hay là những chuyện còn xưa hơn nữa, lúc chưa có mày, mẹ mày còn nắc nẻ cười rất có duyên trong những hộp đêm nhảy đầm để bố mày đến pha trò rồi cuỗm mất. Với lại, giờ mẹ mày vẫn còn cái cười nắc nẻ đó, và bố mày vẫn biết pha trò như thường. Chỉ có mày, giờ mày mười bốn tuổi, mày có nghịch mấy tao cũng chẳng cần cản nữa.
Hắn đang ngồi chăm chú đọc những mục phụ trội về đời sống tài tử trong quyển chương trình truyền hình thì Fred lại gần bắt chuyện.
“Mày đừng đọc cái này, không hay.”
Hắn ngước đầu lên, mọi người đang ngồi chung quanh trò chuyện. Fred dúi vào tay hắn tờ tạp chí để bên tủ phòng khách. Tờ báo loại đàn bà khỏa thân, hắn nhớ lại câu nói của Nelly ”nó vừa đổi giọng từ năm ngoái”. Fred ngồi đối diện dò xét hắn, hắn phải từ từ lật, mỗi trang hắn phải nhìn một vài giây. Cái cô vênh đùi, cái cô dạng cẳng. Cô này nhiều lông hung thấy rõ mép, cô kia vểnh đít giữa hai gò lờ mờ lằn đen.
“Mày thấy chưa?” Fred hỏi.
“Ờ, thấy.” Hắn trả lời. Fred giằng lại tờ báo, tìm tòi rồi đưa ra cho hắn xem. Trên hai trang giấy láng, một cái xe thể thao màu đỏ chói. Ferrari F40, mẫu đặc biệt chỉ sản xuất có hai trăm chiếc giới hạn, máy đua vận tốc 380 cây số một giờ.
“Mày thấy xe tao chưa?”
Fred ra vẻ hãnh diện. Hắn bắt buộc phải đọc hết, bao nhiêu mã lực, bao nhiêu xú bắp và mấy xy-lanh.
“Nhưng còn thua xe tao,” hắn nói.
“Xe mày xe gì?”
“Jaguar XJ 220. Mày biết không?”
“Ừ, V12 6 lít 48 xú bắp 600 CV,” Fred gật đầu, ”sẽ chỉ sản xuất có 1150 cái.”
“350 cây số giờ, hai triệu quan.”
Hắn nhớ có bấy nhiêu, giá tiền, giá tiền mới là quan trọng, bao nhiêu xú bắp hắn không cần biết. Hắn mang máng hình chiếc Jaguar màu bạc như viên đạn, chiếc Ferrari này màu đỏ giống mũi tên. Lấy cao bồi bắn súng ra đọ với mọi bắn cung, Fred đâm đầu vào giảng giải, Porsche 959, Alfa Roméo ES30 ”Quái vật”, BMW M1 và Peugeot Oxia. Những ụ chỉ cây số trên quốc lộ bay qua vèo vèo, chiếc nào cũng trên dưới 300 một giờ, Fred nghiến răng đạp ga vặt lái và sang số say sưa, hắn ngồi bên cạnh bàn ra tán vào một vài câu, canh chừng hộ kim chỉ độ dầu, độ nước coi chừng nóng. Nói chuyện với tụi trẻ thật tình cũng dễ, chẳng khác gì nói chuyện với người đã lớn, cũng xe hơi vậy. Chỉ khác cái người lớn rụt rè hơn, tốc độ hai trăm, BMW ở hàng Série 3, Série 5 và bằng lòng với xe Porsche loại tồi thứ 944. Tuổi trẻ bao giờ cũng bạo dạn, chuyện gẫu đã chẳng tốn kém gì thì bàn cho đến cùng, ở tuổi này chỉ bằng lòng với những người đàn bà da trơn nhẵn dưới đèn flash đặt trong Soft-Box và xe hơi chiếm trọn hai trang trên giấy bóng. Nhưng dù đã vỡ tiếng từ một năm nay, vẫn không thấy Fred bàn đến đàn bà. Nelly đến ngồi cạnh con:
- Nó khoe với mày cái xe nó thích?”
Hắn gật đầu, chỉ tờ tạp chí cởi truồng.
“Mày có thấy cái bài nói về cá mập,” Nelly lắc đầu rùng mình, ”nó chụp hình con cá nhe răng eo ơi tao sợ quá.”
Hắn lật tờ báo, quả thật có hình con cá há miệng ở vài trang. Nhưng mà còn đàn bà thì sao, chỉ có mình hắn để ý đến. Hắn nhìn sâu vào trong áo Nelly, thấy ngực nàng nâu đều, không có vết da trắng của nịt vú áo tắm. Hắn hỏi Fred để thay đổi bầu không khí.
“Mày biết ở ngoài bãi có nhiều con gái không?”
“Ghệ hả, ở ngoài bãi thiếu gì,” Fred bảo.
“Ra bãi Racou,” Nelly nói,” ở ngoài đó Fred nó có con đào.”
“Ừ thì mình đi ra bãi Racou.”
Hắn gấp tờ báo đàn bà tồng ngồng lại.
Hắn sửa soạn kỹ càng, thay quần cụt vào, lấy kính đen ra, cởi đôi giày Reebok lóng ngóng mang vào đôi dép râu. Ðôi dép Bình Trị Thiên trước khi đi hắn nhặt được ở nhà chẳng biết của ai mang từ Việt Nam về làm kỷ niệm. Hắn thấy tiện, mang theo để ra bờ biển nhưng mới lần đầu, chưa biết cách sỏ vào. Fred chăm chú nhìn.
“Dép mày bằng vỏ bánh xe hả?”
Hắn ờ.
“Bằng vỏ bánh xe thiệt hả?”
Fred lại hỏi.
“Thì vỏ bánh xe thiệt, dép này bên Việt Nam.”
Fred cầm một chiếc lên ngắm nghía. Hắn mới định chú thích, dép loại này bộ đội bên nước tao mang băng Trường Sơn, xuống lòng chảo Ðiện Biên, đánh đuổi được cả Tây, cả Mỹ nhưng nếu có giày bố thì nó cũng tốt hơn bởi vì trong rừng mà đi dép thì bị rắn cắn chết cũng có khối, hắn mới định chú thích lịch sử thì Fred nói:
“Năm nay dép làm bằng lốp xe rất thời trang. Ở trên Halles có bán đắt lắm, 600F một đôi thứ thiệt, nhưng mà 600F có chữ ”Goodyear” cẩn thận.”
Hắn mới vừa mừng thầm vì tự nhiên mình may mà thời trang lại đâm ra quê ngay vì đi dép không có chữ ”Goodyear” cầu chứng. Hắn đổi kính trắng lấy đôi kính mát. Fred lại chặn đường:
“Kính mày Ray Ban?”
Cái này hắn chắc chắn. Hắn mới vừa mua ở Frame'n
Lens 49 đô la cái gọng, chỉ có cặp tròng là hắn phải đổi bằng kính cận thành ra nó không được màu nâu nguyên thủy mà đâm ra hơi xám mà thôi. Không, cái này hắn chắc.
“Ray Ban thiệt, Wayfarer.”
Hắn trả lời lịch lãm. Cặp kính hai bên gọng có đề chữ Ray-Ban trắng bóc, hắn lấy ngón tay chỉ vào. Fred nhìn vào phía trong.
“Làm bên Pháp mà.”
Ðến lượt thằng bé trỏ.
Hắn giật mình, quả nhiên phía trong gọng có đề li chi bằng chữ nổi ”Baush & Lomb, Frame France, Bté S.G.D.G. Déposé”.
“Thì đã sao. Ray Ban thiệt, làm ở Pháp, đề Baush & Lomb đàng hoàng, không phải là hãng làm ra Ray Ban sao.”
“Tao không biết Ray Ban có làm kính ở Pháp...”
“Ray Ban ở Hồng Kông còn làm được, ở Pháp thì càng tốt. Mày không biết kính Vuarnet made in France hả?”
“Ê, đeo kính Vuarnet lái xe Golf Cabriolet, đồ cù lần lửa.”
Hắn đồng ý ngay. Hắn đâu phải cù lần lửa, đeo kính Ray Ban, đi dép lốp xe, chỉ bị tội dép không có chữ ”Goodyear” và kính lại có chữ “France”. Khổ tâm hơi hơi thôi.
“Mày đeo Ray Ban pilot U.S.A., mặt áo Bomber Avirex, lái xe Ferrari F40 phải không?”
Fred gục gặc:
“Ừ, tao nói thật, mày không biết, chứ bữa tao có lái cái xe BMW của ông già tao rồi”
Hắn không tin mấy, nhưng cũng tán theo để cho Fred vừa lòng.
“Thì tao cũng giống mày, ông già tao cũng có BMW và tao cũng có lái rồi. Với lại, tao với mày xài chung một hiệu gel.”
Fred hỏi ngay:
“Ông già mày có xe BMW gì vậy?”
Thật, đua đòi được với Fred thì cũng mệt.
“Thằng con tao khá lắm, nó mới bắt được con nhỏ này hai ba bữa nay.”
Nelly ngồi dựa vào một góc đá gần mặt nước, canh chừng hai cô, một cậu kia từ đằng xa.
Nàng mặc đồ bãi nhưng không mặc đồ tắm, hai tay áo xoắn lên vàng những sợi lông ăn nắng. Hắn hơi thất vọng, đã nói ở đây bãi biển loại gia đình, bãi biển ”vải vóc”, không có ai nhồng nhộng, làm hắn tốn cả công tận từ Mỹ sang. Ngay cả Nelly cũng vậy, hắn nhớ nàng ngày xưa chỉ độc quần lót ra ngồi bờ sông Seine. Có năm chồng con rồi nàng đi nghỉ hè ở đâu khỏa thân, chẳng may bị rận bám cả vợ lẫn chồng phải cạo hết lông theo lời nàng kể lại. ” Nó mọc lại ra ngứa lắm”. Lần đó hắn có hỏi, ”Ðâu, mày cho tao coi.” Nelly bảo,
“Mày coi thằng chồng tao kìa,” dạo ấy Fred còn đi chập chững. Dạo này, bên Âu Châu có vẻ mất tự nhiên hơn, mặc càng nhiều đồ càng tốt, Flus xanh đỏ, lòe loẹt nhãn, quần bó đùi kiểu xe đạp ở trong bên ngoài thêm quần tắm ”thong” Ba Tây. Cả bãi nhìn đi nhìn lại chỉ có vài bà lỡ thời trung thành với thập niên trước nằm hở vú. Chẳng phải hắn thích gì, hắn chỉ ngạc nhiên, ở bên này, lâu rồi, mốt mét tụi nó giờ tới đâu?
“Thằng con mày giống bố,” hắn bình phẩm, giỏi.
Hai đứa ngồi gần nhau, hình như cũng cầm tay cầm chân, Nelly chăm chú theo dõi.
“Còn vướng cái con nhỏ kia nữa.”
“Mày không biết, con gái hai đứa bao giờ cũng vững bụng hơn là một mình, vậy mới dễ xà vào, lại còn được quyền lựa.”
“Nó lựa con xinh nhất.”
“Thì con tao...”
“Nó giống bố nó.” Hắn nhìn Nelly. ” Mày thấy được không, còn con kia để tao.”
Nelly cười.
“Mày ngon thì mày cứ thử coi.”
Hắn ngẫm nghĩ một lúc. Ðây nếu ở Mỹ thì cũng là chuyện lạ. Chẳng những lạ mà còn trái luật nữa, ở tù lúc nào không hay. Tây thì không ai cấm mà luân lý ta cũng vậy, nữ thập tam nam thập lục, nàng chắc cũng phải quá mười ba mà hắn thì đã trên mười sáu, chẳng có gì bậy bạ, bình thường thôi. Nước Mỹ buồn cười, phải trên mười tám, cái gì cấm cũng trở thành hấp dẫn, trước vài tháng, sau vài tháng trên giấy tờ khai sinh hộ tịch làm thay đổi cả. Ngày trước hắn có cái luật riêng, như trong bài hát của Maxime Leforestier, ai mà từ 14 đến 40 tuổi cũng đều được tất. Nhưng giờ, càng ngày hắn càng dễ, ”giữa 14 và 40 tuổi”, giới hạn trên hắn đã nới được (những người 40 của ngày đó bây giờ dấu biệt tuổi) thì giới hạn dưới hắn có rộng thêm một năm cũng chẳng sao. Từ 13 trở đi không chết ai hết, miễn đôi bên thỏa thuận, hắn không sợ chết, hắn chỉ sợ vỡ mặt thôi. Chỉ sợ quê, Nelly cũng chẳng biết gì, cái này hắn phải hỏi Fred.
Ðến chiều khi về nhà ăn cơm xong rồi hắn ngồi trong bếp uống café.
“Mày giới thiệu cho tao con nhỏ bạn đào mày được không?”
Hắn hỏi Fred:
“Nó hơi mập, lại lùn nữa,” Fred phản đối.
“Cái đó kệ tao, nó mấy tuổi rồi?”
“Hết hè này nó lên lớp 9, mười ba tuổi.”
“Mày thấy tao có hy vọng gì không?”
Fred nhìn hắn một lúc, hắn hơi chột dạ chờ lời phán. Fred bảo:
“Như mày, dễ ợt, ngon ăn lắm, nó thích mấy thằng già. Nó có kể với tao là nó đã từng yêu một thằng mười sáu tuổi rồi.”
“Mười sáu còn thua tao, như vậy là OK.”
“Lát mình ra bãi Racou trở lại, tụi nó có hẹn với tao tối nay.”
Tối nay bãi Racou có tổ chức bầu hoa hậu, hoa hậu tí hon, hoa hậu em bé, Miss Baby Racou, có ban nhạc quân hành của Argelès sur Mer, có hoạt náo và nhảy đầm công cộng. Hắn hỏi Fred, Fred không cần biết, nhún vai.
“Tụi nó hẹn tao tối nay. Mày thấy cái này không?”
Hắn móc từ túi quần jeans sau ra đưa cho hắn coi. Cái hộp bằng nhựa dẹp, loại rất gọn, đựng ba cái cà-pốt phòng bệnh và ngừa thai. Hắn vừa định cười, chợt nhớ ra mình đang ở thời buổi AIDS, nghiêm ngay mặt lại, cũng có khi mình phải đóng cho tròn vai trò phụ huynh.
“Ê, mày đừng giỡn, cái này là chuyện đứng đắn.”
Hắn ôn tồn giáo dục.
“Có là tốt nhưng mà chưa đủ, mày còn phải biết xài nữa...”
“Cách xài là làm sao?”
Fred hỏi một cách rất là hiếu học, bổ xung kiến thức y tế thông dụng làm hắn ấp úng.
“Thì thế nào chả có giấy giải thích kèm theo...”
Hắn móc ở trong hộp ra, đằng hắng đọc rõ ràng từng tiết mục. Giữ gìn phải cẩn thận, đừng để phơi ngoài nắng, đừng dày vò trong túi quần, lúc mở bao ra đừng hấp tấp, coi chừng móng tay nhọn v.v... Ðeo vào ra làm sao, phải gỡ ra lúc nào, hắn kỹ càng không sót một lời chỉ dẫn.
“Mình ở trong một dây chuyền, phải có trách nhiệm với người trước người sau, đây là chuyện xã hội rất nhiều liên hệ, không đùa được.”
Fred không có vẻ gì đùa cợt cả, hắn hài lòng.
“Cần nhất là mỗi cái chỉ được xài có một lần thôi,” hắn nói thêm.
“Cái đó thì tao biết,” Fred cười.
Vệ sinh thường thức xong hắn mới có thì giờ ngạc nhiên. Fred giỏi thật, cái này gặp hắn phải đi mua hắn vẫn hơi xấu hổ, có hôm, ở quày tính tiền một tiệm drugstore hắn trúng ngay một cô đứng két vớ vẩn: ”Anh cẩn thận cái nhãn này.” ” Cẩn thận cái gì?” hắn ấp úng. ” Nhãn này không được tốt, coi chừng rách,” cô bán hàng. Tôi biết mà. Có cả dầu chứa, thoa nhớt sẵn, cộng chất sát tinh trùng Nonoxynol-9, ngoài bao có hình anh lực sĩ để râu cử tạ. Tại sao lại dễ rách, hắn nhìn cô bán hàng, không biết cô thật giả. Ðó, đi mua bao ngừa thai ưa gặp những cái lúng túng lẩm cẩm này. Nhưng không mua thì có khi lại càng lúng túng lẩm cẩm hơn. Fred giỏi.
“Mày mua trong nhà thuốc hả?” hắn thán phục.
“Không, Fred bảo, tao mua trong máy kéo tự động.”
Ðám đông đứng nghẽn cả con đường dẫn đến cái công trường trước bãi. Hắn theo Fred len lách giữa những tiếng xì xồ Anh, Ý đó đây. Ban nhạc thị xã, thanh la, kèn, trống vừa giải tán, người ta đang tuyên bố kết quả cuộc thi. Mươi em bé gái năm bảy tuổi tẽn tò ở trên bục, bố mẹ, gia đình phía dưới xôn xao cổ võ reo hò. Hắn không lấy làm quan tâm sân khấu, nhìn quanh nhìn quẩn, hơi buồn cười về cái phập phồng của những cuộc hẹn đầu. Fred tự tin ngáo ngổ:
“Tụi nó bảo mười giờ. Thế nào cũng tới.”
“Không thì kiếm người khác,” hắn cũng mạnh dạn.
Bây giờ là đêm hè ở Miền Nam. Ngay bờ biển, lo gì thiếu nữ. Fred cười trắng răng trên răng dưới:
“Ừ, nhưng mà đây rồi.”
Ðêm hè ở Miền Nam. Ngay bờ biển, thiếu nữ có người giới thiệu hộ, giờ biết nói chuyện gì. Hắn thi hành thủ tục hôn má. Hai cái, không, bốn cái. Ðào của Fred vừa gầy vừa cao, đào của hắn, hắn phải nghiêng nửa mình mới đến. Nghiêng nửa mình lại càng lịch sự. Ðào của Fred là Léa, đào của hắn tên là Brigitte. À.
Brigitte cười chúm chím. Buổi sáng, lúc nàng nằm áo tắm coi nàng đều đặn. Giờ nàng mặc quần áo lại ở thế đứng thành thử ra Fred nói cũng đúng, nàng mập và lùn. Tuổi trẻ ưa quá quắt, hắn đã đến thời chững chạc, đối với hắn, nàng đã quá xinh xao nhỏ nhắn lại nõn nà thịt da. Cao và gầy thì để làm gì, ôi dào. Fred đứng chống nạnh nói chuyện, hắn chắp tay sau đít lắng nghe nhịp điệu gục gặc đầu. Ở trên bục, người ta bầu xong hoa hậu, em bé bảy tuổi ra cầm hoa chào, ký giả báo địa phương lò dò chớp flash, phụ huynh hò la huýt, mọi người vỗ tay rào rào, các em bé lọt đài xếp hàng đi xuống ngây ngô mặt mày mỗi đứa một gói quà. Miss Baby Racou 1989 lên ngôi hoàng hậu, ngày mai sẽ có một tấm hình kỷ niệm ở trang trong, tin địa phương. Fred đề nghị:
“Ở đây ồn quá. Tuồng xiếc này dở ẹc. Mình đi ra ngoài biển.”
Fred cầm lấy tay Léa, hắn chìa tay ra cho Brigitte nắm. Bàn tay nàng bé bỏng, tương xứng với khổ người lắm và càng mập thì mu bàn tay càng mềm thịt da.
Hắn ngồi ôm nàng nhìn ra biển. Fred và Léa đang lần mò sau cồn cát ở đằng xa. Sau lưng họ rập rình tiếng nhạc, giờ lẳng lơ quen thuộc lambada. Ðiệu vũ đàn ông thọc chân vào giữa hai đùi đàn bà cà cạ này năm nay làm nóng người những trung niên đứng tuổi. Cái nhãn Ba
Tây giả nhột nhạt những thèm thuồng khác lạ của mùa hè. Nước ngọt Orangina, Bahia, con gái da ngăm tốc váy, đàn ông nón lá gảy đàn. Brigitte trề cái môi chúm chím của nàng ra. Nàng thích nghe Dire Straits.
“Brothers in arms...” hắn ra điều thành thạo.
“Eurythmics ”Sweet dreams (are made of this)”
Dépêche Mode ”Behind the wheel / Route 66.” Ờ, Route 66, có lần hắn đi qua. Ở khúc San Bernadino, trên đường lên Big Bear, nhưng hắn không kể cho nàng nghe, Behind the wheel, nàng chưa đến tuổi lái xe.”
“Flagstaff, Arizona / Don't forget Winnona...” hắn nói như hát.
“Get your kicks / On route 66...” nàng lúc lắc khuôn mặt bầu bé con.
Bài hát này hình như mười lăm năm về trước Steppenwolf đã từng hát. Bài hát này lâu lắm rồi, hình như ba mươi năm về trước Nat King Cole cũng có trình bày. Brigitte không biết Steppenwolf, mười lăm năm trước chưa có nàng. Brigitte không biết Nat King Cole.
Giọng ca Ann Lennox, tiếng đàn Mark Knopfler, hắn đâm ra sành điệu. Route 66 trong âm bản mới này sòng sọc những cạnh vuông như bức tranh bằng trăm tấm hình Polaroid hợp lại của David Hockney ”Pear Blossom Highway”.
Pear Blossom Highway là tên gọi ở một khúc nào đó của đường California 138. Tân pointillisme cạnh vuông trên nền xanh. ” Mày có biết David Hockney?” Nhưng Brigitte không, trời, Brigitte thích The Cure, Brigitte thích Les Rita Mitsouko, hắn thích Alain Bashung. ”< MI>Lội qua sông Rio Grande”. Hắn rán nhớ lại, những âm điệu rạc rời chen lẫn vào những âm điệu cũ của ngày hắn mười lăm tuổi. Mười lăm tuổi, tao cũng đã biết rồi, con trai con gái ngồi ôm nhau trong bóng tối. Con trai con gái dậy thì làm những gì, trong đêm ngồi kể tên những bài hát và ban nhạc. Compact Disc, Clip. ”< MI>From Chicago to L.A. (All the way / California trip / kicks...)”
Giờ chẳng lẽ hắn hôn nàng sao, lòng hắn tự nhiên chùng xuống. Giờ chẳng lẽ hắn hôn nàng lên miệng, lòng hắn tự nhiên chùng xuống, hắn ôm nàng xuông.
Hắn ngồi ôm nàng gần lại, mở to thêm mắt nhìn ra biển. Con trai con gái dậy thì. Dương hàng mi. Fred và Léa làm gì sau cồn cát hắn không biết.
Hắn hỏi Brigitte:
“Mày thích xe gắn máy loại gì?”
Sau nửa đêm, con nít và người già đã về nhà hết, giờ trong quán Fred có lẽ là người nhỏ nhất.
Fred bảo:
“Mày là người lớn nhất ở đây.”
“OK,” hắn cũng chịu.
Hắn nhìn quanh, trong quán ồn ào mười tám hai mươi tuổi. Có chỗ tụm đôi ba trò chuyện, phần lớn vây quanh dẫy máy game bàn tin. Brigitte và Léa đã về nhà trong trắng, hình như thế thì phải, hồi nãy lúc hai cô bé mới vừa khuất hắn không hỏi Fred, sao bao ngừa thai mày có sử dụng chưa. Giờ thì Fred hơi lạc lõng, Fred uống coca-lát-chanh, cái áo thung Waikiki có hình con khỉ đội nón Fred mặc làm cho Fred có vẻ hơi trẻ con. Thì Fred trẻ con thiệt. Hắn hỏi Fred:
“Mày có tiền để chơi máy hay không?”
Người con gái mặc chiếc áo màu đen bó sát người.
Nàng đứng tựa ngực vào quày ngay cạnh hắn. Một tay nàng giữ tóc đàng sau tai, một chân nàng co lại phía sau đẩy đưa đùa với đầu chiếc dép không quai. Chiếc áo đen bờ biển, cổ hở lưng trần đến tận đầu mông. Hắn nhìn theo nẹp áo chập chờn co dãn phía trên cái đùi đang nhún nhảy. Ðèn trong quán lờ mờ, cái đầu mông nhấp nhô, nàng có thể mười sáu hay mười bảy nhưng bên cạnh Brigitte thơ ngây của hồi nãy thì người con gái này thiếu phụ hẳn hoi. Bên cạnh Brigitte của hồi nãy, người con gái này thiếu phụ hồi xuân. Ðêm lấp liếm đi trên người nàng những yên lành con gái, chỉ còn để lại những nét nhọn của những nhan sắc giết người. Nàng không đánh phấn, phục sức chỉ giản dị, ở đây là bờ biển Miền Nam vào mùa hè, không hiểu sao hắn lại có cảm tưởng là ở trong tiệm rượu một thành phố nào đang suy hóa néon. Cũng chỉ tại Brigitte hồi nãy.
Hắn quay sang nhìn Fred. Fred không có ý kiến.
Phải rồi, chuyện người lớn. Hắn quay sang nhìn người con gái.
Nàng đang khát, nàng vục đầu vào ly nước hớp hớp, mắt liếc hắn trả lời đậm nhạt. ”Kicks.” Hẳn là hắn sẽ phải có nhiều chuyện để kể cho nàng nghe. Route 66 ở đoạn gần Big Bear, mấy khi mà hắn ra bờ biển tình hè. Hắn bắt đầu lấy lệ:
“Sao, bữa nay không dự thi hả?”
“Cái gì...”
Người con gái làm duyên, sống lưng trần nàng xao xuyến. Hắn thấy hắn tự nhiên trở lại thành người lớn, thoáng thấy hơi phiền chuyện phải lái xe đưa Fred trở về nhà, trách nhiệm xong rồi mới tính. Hắn cười cười điềm tỉnh:
“Thi hoa hậu... ờ, gì đó, hoa hậu em bé, bé baby Racou.”
Đỗ Kh.
.