Nguyễn Hưng Quốc
Nói đọc thơ là đọc thơ, tôi muốn nhấn mạnh đến hai yếu tố: đọc và thơ.
Ðọc? Thì ai mà chẳng đọc? Nhận định có vẻ hiển nhiên ấy,
thật ra, chỉ hiển nhiên, đối với người phương Tây, trong vòng mấy trăm
năm trở lại đây; và riêng đối với người Việt Nam, khoảng trên dưới một
thế kỷ. Trước, khi chưa có chữ viết, không ai đọc; khi chữ viết chưa phổ
cập, rất hiếm người đọc. Ở Việt Nam, trong cả hàng ngàn năm, hầu hết
người ta chỉ nói thơ và nghe thơ. Chữ “nói thơ” ấy rất thông dụng ở miền
Nam trước kia. Nói theo kiểu “nói Lục Vân Tiên”. Nói, ở đây, không phải
là ứng khẩu hay ứng tác. Mà, thật ra, là đọc. Có điều đó là cái đọc
không có văn bản. Đọc từ ký ức. Và, trước đó, để thuộc lòng, người ta
thường cũng không đọc. Người ta chỉ nghe ai đó đọc hay nói. Cả người dạy
lẫn người học đều châu tuần chung quanh một sinh hoạt có tính chất
truyền khẩu. Điều này không những đúng đối với văn học dân gian mà còn
đúng với cả văn học thành văn nữa. Cái gọi là văn học thành văn của Việt
Nam ngày xưa thực chất là một thứ văn học bán thành văn và bán truyền
khẩu. Tác giả: Có. Tác phẩm: Có. Nhưng do tình trạng in ấn lạc hậu và
nạn mù chữ cao, hầu hết các tác phẩm ấy đều chỉ được lưu truyền dưới
hình thức truyền miệng. Ngay đối với những tác phẩm được xem là kiệt tác
như Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng không mấy
người được đọc. Phần lớn người ta chỉ nghe ai đó thuộc lòng tác phẩm
đọc. Rồi người ta nhớ. Rồi người ta lại truyền tụng tiếp. Cũng bằng
miệng.
Phân biệt nói và đọc như trên cũng có nghĩa là ghi nhận một yếu tính của đọc: văn bản. Trong bốn kỹ năng ngôn ngữ cơ bản của nhân loại, chỉ có đọc và viết là gắn liền với văn bản; còn nghe và nói thì không. Văn bản, trong đọc và viết, không giống nhau hẳn: trong viết, nó được sản xuất; trong đọc, nó được tiêu thụ. Cũng có thể nói, đọc là cách tiêu thụ một văn bản.
Phân biệt nói và đọc như trên cũng có nghĩa là ghi nhận một yếu tính của đọc: văn bản. Trong bốn kỹ năng ngôn ngữ cơ bản của nhân loại, chỉ có đọc và viết là gắn liền với văn bản; còn nghe và nói thì không. Văn bản, trong đọc và viết, không giống nhau hẳn: trong viết, nó được sản xuất; trong đọc, nó được tiêu thụ. Cũng có thể nói, đọc là cách tiêu thụ một văn bản.
Bất cứ sự tiêu thụ nào cũng bao gồm hai yếu tố: tiếp nhận và tiêu hoá.
Hãy bàn về chuyện tiếp nhận trước.
Văn bản được hình thành từ hai điều kiện, đồng thời cũng
là hai trong vài phát minh quan trọng nhất của nhân loại: văn tự và ấn
loát (sau này là internet). Với hai điều kiện ấy, văn bản có thêm một
kích thước mới mà các tác phẩm văn học dân gian không có: không gian.
Bình thường, thơ vẫn được xem là một loại hình nghệ thuật thời gian.
Giống như âm nhạc. Để đọc, cũng như để hát và nghe hát, người ta phải
bắt đầu ở một thời điểm và kết thúc ở một thời điểm khác. Và cũng giống
âm nhạc, nó cũng là một thứ nghệ thuật thính giác: Trong nền văn hoá
truyền khẩu, người ta chỉ thưởng thức thơ bằng lỗ tai. Ngay cả khi kỹ
thuật in đã xuất hiện, thói quen đọc to để nghe chính tác phẩm mình đang
đọc vẫn kéo dài khá lâu. Được thưởng thức bằng tai, không có gì đáng
ngạc nhiên, yếu tính của thơ nằm ở nhạc điệu. Vần, nhịp, luật bằng trắc,
và, phần nào, cả niêm và đối nữa, được sử dụng để củng cố cái yếu tính
ấy. Đọc, chủ yếu là để nghe cái âm vang và độ luyến láy của chữ. Ý nghĩa
của bài thơ nổi lên, một mặt, ở ngữ nghĩa, hình tượng, sự hô ứng và độ
đối xứng; mặt khác, ở khía cạnh ngữ âm. Các nhà thơ tượng trưng đẩy khía
cạnh sau cùng đến cực độ khi chủ trương ngữ âm là yếu tố chủ đạo trong
việc tạo nghĩa và làm nên tính thơ.
Được in trên mặt giấy hay được bày trên màn ảnh vi tính,
thơ biến chất: nó là một nghệ thuật thời gian nhưng đồng thời cũng là
một thứ nghệ thuật không gian. Xin lưu ý: tính không gian (spatiality)
không làm tính thời gian (temporality) biến mất. Tính không gian xuất
hiện như một bổ sung chứ không phải như một loại trừ. Đọc, người ta vẫn
phải quét mắt từ trên xuống dưới, từ trang trước đến trang sau. Tuy
nhiên, người ta cũng có thể, cùng lúc, phóng mắt bao quát toàn bộ văn
bản để ghi nhận, chẳng hạn, những khoảng trống chung quanh văn bản cũng
như những điểm nối từ chỗ này đến chỗ khác, những điểm nối dễ dàng bị bỏ
qua nếu chúng chỉ được nghe bằng tai.
Là một nghệ thuật thời gian, phương tiện chủ yếu của thơ
vẫn là ngôn ngữ; và sức mạnh chủ yếu của ngôn ngữ vẫn nằm ở nhạc tính;
tất cả đều được tiếp nhận và cảm nhận theo một trật tự mang thời tính rõ
rệt. Là một nghệ thuật không gian, thơ dần dần có xu hướng phi từ vựng
hoá: trong bài thơ không những chỉ có từ vựng mà còn có nhiều yếu tố phi
từ vựng, từ các dấu câu đến cách trình bày và cả những khoảng trắng
chung quanh các con chữ: Tất cả đều là, hoặc có khả năng là, những ký
hiệu có nghĩa. Là một nghệ thuật không gian, bài thơ trở thành một vật
thể. Có thể nói tính vật thể (materiality) là một trong những phát hiện
mới mẻ và độc đáo của giới phê bình văn học trên thế giới trong nửa đầu
thế kỷ 20. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà Phê Bình Mới của Anh Mỹ
thường xem bài thơ như một bức tượng bằng lời (verbal icon) hoặc một
chiếc bình được chạm trổ hoàn hảo (well wrought urn). Tính vật thể của
bài thơ dẫn đến hai hệ luận chính: Một, tính khả xúc (palpability):
người ta có thể nghe, nhìn, thậm chí, có thể có thể sờ chạm được vào văn
bản thơ để có thể ghi nhận và cảm nhận một cách cụ thể những chỗ trơn
láng hay gồ ghề, sần sùi, thô nhám trong ngôn ngữ và hình thể của bài
thơ; hai: tính bất khả thay thế: đọc thơ là đọc văn bản thơ đang bày ra
trước mắt chứ không phải bất cứ một cái gì khác, từ những thông điệp mà
người ta nghĩ là bài thơ muốn ký thác đến những nội dung có thể tóm tắt
được trong vài câu hay vài đoạn. Đó là lý do tại sao các nhà Phê Bình
Mới của Anh Mỹ kịch liệt phản đối việc diễn xuôi (paraphrase) thơ.
Là một nghệ thuật thời gian, thơ được tiếp nhận chủ yếu
bằng tai. Là một nghệ thuật không gian, thơ cần được thưởng thức bằng
mắt. Sự kết hợp giữa tính thời gian và tính không gian đòi hỏi người đọc
sử dụng cả hai giác quan hầu như cùng lúc: thính giác và thị giác. Có
thể nói, để thưởng thức thơ, người ta phải biết nghe những gì mình thấy.
Chữ có nhạc tính, đã đành. Trong thơ, kể cả thơ cụ thể và thơ hình hoạ,
ngay những đường nét và khoảng trống cũng cần có nhạc tính. Theo tôi,
đó là ranh giới cuối cùng của thơ, điểm phân biệt giữa thơ cụ thể cũng
như thơ hình hoạ với hội hoạ. Hội hoạ chỉ có hình, màu và cấu trúc. Thơ,
sau hình, màu và cấu trúc, vang lên âm hưởng của chữ. Cảm giác thơ,
theo tôi, chủ yếu vẫn là cảm giác về chữ.
Tiếp nhận bằng tai là tiếp nhận ngôn ngữ ở khía cạnh cơ
bản và nguyên thuỷ của nó: ngôn ngữ, trước hết, là âm thanh. Ngay cả khi
đọc thầm, người ta cũng nghe được sự xôn xao của chữ, cũng cảm nhận
được những nhịp văn lúc lên bổng lúc xuống trầm, lúc mau lúc chậm, lúc
mạnh lúc yếu, lúc ngân nga lúc chát chúa.
Tiếp nhận bằng mắt là quan sát hình thế của các con chữ.
Quan sát sự chuyển động của các con chữ ấy. Quan sát cái không gian bao
trùm cả bài thơ.
Quan sát chứ không phải là nhìn. Đọc khác với nhìn. Cầm
trên tay một văn bản bằng thứ tiếng gì đó, người mù chữ nhìn; người biết
chữ đọc. Như vậy, đọc không phải chỉ là nhìn. Đọc là nhìn và giải mã
cùng lúc.
Ngôn ngữ, tự bản chất, là một thứ mã (code), làm bằng các
ký hiệu. Không có ký hiệu nào tự nó và cho nó cả. Ký hiệu nào cũng là
một ký hiệu của một cái gì khác. Ferdinand de Saussure phân biệt hai
khía cạnh của ký hiệu (sign): cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu
đạt (signified). Đọc thơ, bởi vậy, là từ cái biểu đạt đi tìm cái được
biểu đạt. Tuy nhiên, như các nhà hậu cấu trúc luận và giải kiến tạo
chứng minh, cái được biểu đạt, tự nó, sẽ biến thành cái biểu đạt cho cái
được biểu đạt khác; rồi cái được biểu đạt ấy lại trở thành cái biểu đạt
cho một cái được biểu đạt khác nữa. Cứ thế, liên tục. Giải mã thơ, do
đó, thực chất là quá trình phát hiện các mối quan hệ chằng chịt, phức
tạp và hầu như vô tận giữa những cái biếu đạt / được biểu đạt / biểu đạt
/ được biểu đạt... Phát hiện các quan hệ là phát hiện tính hệ thống của
một bài thơ. Bài thơ hay bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào cũng là một
hệ thống. Tính hệ thống được biểu hiện qua cấu trúc. Giải mã một bài
thơ, bởi vậy, nghĩ cho cùng, là khám phá ra cấu trúc của nó. Cái cấu
trúc ấy, trước, theo các nhà Phê Bình Mới và cấu trúc luận, là một cái
gì khép kín; sau, theo các nhà hậu cấu trúc và giải kiến tạo, là một cái
gì mở, mở đến gần như vô hạn. Mang tính mở, nên cấu trúc không ngừng
thay đổi. Khi cấu trúc thay đổi, văn bản tự động trở thành liên văn bản.
Khi văn bản trở thành liên văn bản, ý nghĩa của bài thơ bị triển hạn.
Triển hạn đến đâu? Không biết. Nó sẽ không có điểm tận cùng nào cả.
Với việc phát hiện ra các quan hệ cũng như tính hệ thống
và cấu trúc của tác phẩm, người đọc đi từ tiếp nhận sang tiêu hoá. Tiêu
hoá, trong đọc, trước hết là phân tích. Phân tích là lựa chọn, từ việc
lựa chọn dữ liệu đến việc lựa chọn phương pháp luận. Với sự lựa chọn như
vậy, phân tích biến thành một cách diễn dịch. Và diễn dịch, với mức độ
nào đó, có thể nói, là một cách viết lại cái văn bản mình đọc. Đọc là
viết-lại, là viết trên cái văn bản đã được viết, là tham gia vào quá
trình sáng tạo, là, nói cách khác, trở thành tác giả của cái
văn-bản-được-đọc. Xin lưu ý: chỉ là tác giả của cái văn-bản-được-đọc.
Cái văn bản ấy chỉ một mình hắn biết. Đọc là viết-lại trong riêng tư,
một cách thầm lặng. Mỗi độc giả là một tác giả thầm lặng. Tính chất thầm
lặng trở thành một trong những đặc điểm nổi bật nhất của đọc. Đọc là
một cách nuôi dưỡng nỗi niềm thầm lặng: người đọc không những lọt vào sự
thầm lặng mà còn hít thở và lớn lên trong sự thầm lặng. Họ được nuôi
dưỡng bởi sự thầm lặng. Tập nghe ngóng những âm thanh vang lên từ thầm
lặng. Để biết ngây ngất trước những mùi hương của thầm lặng.
Người ta tiếp nhận bài thơ bằng tai và mắt nhưng tiêu hoá
bài thơ chủ yếu bằng tri thức và trí tuệ. Một số người đề cao lối đọc
thơ hồn nhiên và ngây thơ, chỉ cậy vào trực cảm. Đó chỉ là một ảo tưởng.
Không có cái đọc văn học nào đi ra ngoài những tri thức về việc đọc và
về văn học nói chung. Người ta không thể đọc thơ nếu không biết cái văn
bản mình đang đọc là thơ. Không phải ngẫu nhiên mà, ở buổi đầu của các
cuộc cách mạng thơ, hầu hết các bài thơ tiên phong đều bị phủ nhận trước
khi bị phê phán: Người ta không xem chúng là thơ trước khi chê chúng là
thơ dở. Có thể nói, trong trường hợp này, yếu tính có trước hiện hữu,
hay, nói theo cách nói của René Descartes, “Đó là thơ, vậy nó được đọc
như thơ”. Nói cách khác, đọc thơ, dù muốn hay không, bao giờ cũng là đọc
ngược: Ngược về những bài thơ trước đó; ngược đến tận những bài ca dao
và những bài hát ru mà người ta nghe từ lúc mới lọt lòng. Con đường
ngược chiều ấy càng dài và càng phong phú bao nhiêu, việc tiêu hoá bài
thơ sẽ càng dễ dàng và sâu sắc bấy nhiêu. Con đường ngược chiều ấy dài
bằng lịch sử thi ca của một nước hay nhiều nước, lại càng tốt hơn nữa:
người ta sẽ có nhiều cơ hội để phát hiện, ít nhất, những tính chất liên
văn bản trong văn bản của bài thơ ấy: có khi chính những làn sáng hắt từ
xa, rất xa, làm bài thơ đẹp hẳn lên. Ngược cả trong lịch sử tư tưởng
của nhân loại, hoặc ít nhất, của một dân tộc, về thơ để có thể nắm bắt
được những nền tảng mỹ học đằng sau bài thơ và những cách tân, nếu có,
mà bài thơ ấy mang lại. Đọc thơ, dù muốn hay không, bao giờ cũng là đọc
toả, theo chiều rộng, đến những bài thơ khác cùng đề tài hoặc cùng thể
loại; đến những chữ có họ hàng với những chữ trong bài thơ. Nguyên tắc
là càng toả rộng ra ngoài bài thơ bao nhiêu thì càng có cơ hội lắng
xuống chiều sâu của bài thơ đang đọc bấy nhiêu. Đọc thơ nên đọc nhảy,
nhảy về phía trước, phía của tương lai, để có thể nắm bắt được những cái
đẹp đang hình thành, những mùa hoa vừa mới chớm, đang còn e ấp trong
nụ. Như những người nhạy cảm nhất trong một thời đại thường đọc khi lần
đầu tiếp cận với những bài thơ đầu mùa.
Đọc thơ, như vậy, là một sự tương tác. Có vô số kiểu và
vô số mức độ tương tác. Tương tác giữa kiến thức và trí tuệ. Giữa kinh
nghiệm và kỳ vọng. Giữa ký ức và ước mơ. Giữa lý trí và tình cảm. Giữa
óc phân tích và khả năng cảm thụ. Quan trọng nhất vẫn là sự tương tác
giữa người đọc và chữ. Sự tương tác này có giới hạn: người đọc không thể
thay đổi chữ trong văn bản. Nhưng người đọc có thể tác động lên diện
mạo của chữ bằng cách phát hiện những sự tương tác giữa chữ và chữ. Có
ba phạm vi tương tác: trong nội bộ một từ hoặc một ngữ (phrase); giữa từ
này và từ khác trong một tác phẩm; giữa một từ nào đó trong tác phẩm và
những từ khác nằm ngoài tác phẩm, từ trong văn học đến ngoài đời sống.
Hai phạm vi sau tương đối dễ hiểu. Tôi chỉ muốn nói một chút về phạm vi
đầu: sự tương tác trong nội bộ một từ. Lấy từ “cõi người ta” trong câu
“Trăm năm trong cõi người ta” mở đầu Truyện Kiều
làm ví dụ. “Cõi người ta” là gì? Để trả lời, trước hết phải hỏi “người
ta” là gì? Đó là một từ ghép với hai từ tố: “người” và “ta”. Tuy nhiên,
để ý mà xem, trong “người ta”, chỉ có “người” chứ không có “ta”: “Người
ta” là người khác, những người khác, đối lập với mình. Bởi vậy, người
Việt Nam mới có thể nói, chẳng hạn: “Mình nghĩ vậy nhưng người ta thì
nghĩ khác”. Có thể nói, “người ta” là sự vong thân của “ta”, ở đó, “ta”
bị đè bẹp và cuối cùng, bị hư vô hoá. Khi “người ta” kết hợp với “cõi”
thành “cõi người ta”, ngay cả “người” cũng bị vong thân nốt. Thì nghĩ
lại mà xem, “cõi người ta” đâu phải “cõi đời” hay “cõi thế”. Chữ ‘cõi”
đã trừu tượng hoá ý niệm “người ta”, biến “người ta” thành một thứ quan
hệ chứ không còn là một thực thể. “Cõi người ta” là nơi không có người,
chỉ có tính người và tình người; có điều, cả cái “tính” và cái “tình” ấy
đều nhuốm chút màu sắc tiêu cực: “Cõi người ta” bao giờ cũng là một mảnh đất nhiều người lắm ma, nói theo nhan đề một cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Trường. Truyện Kiều
mở đầu bằng “cõi người ta”, do đó, cũng là mở đầu một cuộc hành trình
đi vào một thế giới bị tha hoá, đầy những nghịch lý và những bi kịch.
Tương tác giữa người đọc và chữ, do đó, dù muốn hay
không, cũng dẫn đến sự tương tác giữa người đọc và tác giả. Sau bài thơ
nào cũng có một con người. Khi giới lý thuyết và phê bình nói đến cái
chết của tác giả, họ không hề phủ nhận tác giả: họ chỉ phủ nhận vai trò
của tác giả trong việc quyết định cấu trúc và ý nghĩa của tác phẩm. Tác
giả không chết, nhưng tác giả luôn luôn vắng mặt. Viết là tự bôi xoá, là
làm cho mình trở thành kẻ vắng mặt. Đọc là đối thoại với một kẻ vắng
mặt, hơn nữa, kẻ tự huỷ. Tác giả tự huỷ bằng cách nhập thân vào tác
phẩm. Nhưng tác phẩm chỉ là chữ. Chữ, một phần thuộc về cộng đồng; phần
khác, thuộc về lịch sử; và phần khác nữa, thuộc về kiến thức và kinh
nghiệm của người đọc. Hệ quả là bức chân dung của tác giả mà người đọc
có thể hình dung được bao giờ cũng có, ít nhất một phần, chân dung của
người đọc. Từ đó dẫn đến một hệ quả khác: sự tương tác giữa tác giả với
độc giả trở thành sự tương tác trong bản thân độc giả.
Đọc thơ là một cách độc thoại.
Khi đọc thơ, người ta không chỉ đọc thơ. Đọc thơ còn là
đọc các cảm xúc và ý nghĩ dậy lên từ chính tâm hồn của mình. Không thể
nói được cái đọc nào quan trọng hơn. Cả hai có quan hệ liên lập: không
có cái này thì không có cái khác. Theo tôi, việc thưởng thức thơ rất
giống việc thưởng thức rượu. Người ta cân nhắc cái ngon và cái dở của
rượu ở đâu? Không phải ở cái chai hay cái ly. Cũng không phải ở cái chất
lỏng trắng tinh, vàng óng hay nâu đậm... được gọi là rượu. Không, người
ta cân nhắc ở cái vị hay cái hậu của rượu còn lại ngay trên chính đầu
lưỡi hay vòm họng của mình. Đọc thơ cũng thế: từ phân tích, người ta đi
đến tự phân tích, từ văn bản người ta đi vào sâu, sâu hút, trong tâm tư
của chính mình.
Nhưng tâm tư không phải là một cõi riêng. Ngay chính tâm
tư của con người cũng là một sản phẩm của xã hội. Tâm tư nào cũng đầy
chữ. Mà chữ thuộc về đám đông. Những âm vang mà bài thơ khuấy động trong
tâm tư thực chất là cuộc hoà tấu của văn hoá và thời đại. Đọc thơ, do
đó, là tương tác với cả thời đại. Đã có nhiều người nói: Mỗi thời có một
cách viết khác nhau. Theo tôi, cũng đúng sự thật nữa, nếu nói: Mỗi thời
có một cách đọc khác nhau. Có tuổi-thời-đại của bút pháp. Cũng có cả
tuổi-thời-đại của phê bình. Người đọc cũng bị những hạn chế lịch sử
không thua kém gì người cầm bút. Để thoát khỏi hạn chế của lịch sử, ở
đâu cũng cần tài năng và dũng cảm, do đó, tính tiên phong hay tiền vệ
không phải chỉ có, và cần có, ở sáng tác mà còn cả trong việc đọc nữa.
Nói một cách tóm tắt, đọc, trước hết, là tiêu thụ một văn
bản, là giải mã và diễn dịch văn bản; sau đó, thông qua văn bản, tương
tác với ngôn ngữ, văn hoá, thời đại, với tác giả và với chính mình. Đọc
có tính tổng hợp: Nó huy động cả giác quan (chủ yếu là thính giác và thị
giác) lẫn tri thức và trí tuệ, nghĩa là, huy động hầu như toàn bộ nội
lực văn hoá của con người. Bởi vậy ít có cái đọc nào giống nhau. Cùng
đọc một tác phẩm, hai người có hai nội lực văn hoá khác nhau, sẽ thấy
những điều hầu như khác hẳn nhau. Khác về chiều sâu. Khác về chiều rộng.
Có khi khác cả về bản chất: với người này, nó là một tác phẩm nghệ
thuật; với người kia, nó có thể chỉ là một công cụ tuyên truyền hay giải
trí. Ngay ở một người, hai cái đọc ở hai thời điểm khác nhau, với những
kinh nghiệm và quan điểm khác nhau, tác phẩm cũng có thể có những diện
mạo khác nhau. Người ta hay ví một tác-phẩm-được-đọc với dòng sông của
Heraclites, nơi không ai có thể tắm hai lần là vì vậy.
Cái thú lớn nhất của việc đọc, kể cả đọc thơ, không chừng nằm ở đó.
Ở chỗ: người ta không thể thực sự đọc cái gì hai lần.
Đi vào thơ là đi vào thế giới của các trinh nữ. Vĩnh viễn trinh nữ.
Đọc Nguyễn Hưng Quốc thêm tại trang www.Tienve.org
Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2020
.
.