Nguyễn Mạnh Trinh
Ngày giỗ Nguyễn Đức Lập. Tôi giở bộ di cảo “Hương Giáo Đề Thơ” ra đọc lại. Bộ sách cả ngàn trang gồm bốn quyển đồ sộ tôi đọc như để tìm một cách ứng xử với đời sống của mình. Tác giả trong ấn bản đầu tiên của Hương Giáo Đề Thơ trong Lời Tựa đã tự giới thiệu: “Là tập thư của vị thầy giáo làng gởi cho đứa học trò (Lê Văn Cui) cả đời không học hết được túi khôn của thánh hiền.” Tác giả mượn chuyện xưa để nói về thời nay để từ lịch sử nhân loại rút ra những bài học trải dài theo những kinh nghiệm xưa cũ. Hình như, trong khi khề khà bàn luận, tác giả như muốn gửi theo những tâm sự của mình, biện luận rành mạch theo kiểu nói có sách mách có chứng để gia tài văn học và lịch sử của tiền nhân thành những biểu tượng có ý nghĩa.
Có lẽ ảnh hưởng từ đời sống gia đình nên Nguyễn Đức Lập đã có phong thái văn chương như vậy. Thân phụ của anh là cụ Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy, một ký giả lão thành của làng báo Việt Nam mà nhà văn Nguyễn Vỹ trong tác phẩm Tuấn Chàng Trai nước Việt bày tỏ lòng tôn kính của lớp thanh niên trẻ đối với ông khi kể lại cuộc viếng thăm Quy nhơn năm 1924. Thân mẫu của anh là nhà văn Tùng Long một bậc từ mẫu đã suốt đời hy sinh cho con cái và là một hình ảnh bà mẹ Việt Nam sáng ngời trong văn học.
Ngày giỗ Nguyễn Đức Lập. Tôi giở bộ di cảo “Hương Giáo Đề Thơ” ra đọc lại. Bộ sách cả ngàn trang gồm bốn quyển đồ sộ tôi đọc như để tìm một cách ứng xử với đời sống của mình. Tác giả trong ấn bản đầu tiên của Hương Giáo Đề Thơ trong Lời Tựa đã tự giới thiệu: “Là tập thư của vị thầy giáo làng gởi cho đứa học trò (Lê Văn Cui) cả đời không học hết được túi khôn của thánh hiền.” Tác giả mượn chuyện xưa để nói về thời nay để từ lịch sử nhân loại rút ra những bài học trải dài theo những kinh nghiệm xưa cũ. Hình như, trong khi khề khà bàn luận, tác giả như muốn gửi theo những tâm sự của mình, biện luận rành mạch theo kiểu nói có sách mách có chứng để gia tài văn học và lịch sử của tiền nhân thành những biểu tượng có ý nghĩa.
Có lẽ ảnh hưởng từ đời sống gia đình nên Nguyễn Đức Lập đã có phong thái văn chương như vậy. Thân phụ của anh là cụ Hồng Tiêu Nguyễn Đức Huy, một ký giả lão thành của làng báo Việt Nam mà nhà văn Nguyễn Vỹ trong tác phẩm Tuấn Chàng Trai nước Việt bày tỏ lòng tôn kính của lớp thanh niên trẻ đối với ông khi kể lại cuộc viếng thăm Quy nhơn năm 1924. Thân mẫu của anh là nhà văn Tùng Long một bậc từ mẫu đã suốt đời hy sinh cho con cái và là một hình ảnh bà mẹ Việt Nam sáng ngời trong văn học.
Đọc trong Hương Giáo Đề Thơ, tôi nghĩ sẽ phải là những dòng chữ của dạy đời, của những bài học cứng nhắc mà khi đọc trang đầu sẽ biết được ngay trang cuối. Nhưng không, Nguyễn Đức Lập viết với sự khiêm cung và chân thành nên những ý nghĩ của ông lôi cuốn được sự đồng thuận của độc giả. Bộ sách cả ngàn trang mà tôi đọc bất cứ một đoạn nào cũng đều tìm thấy được cho mình những suy tư đi sát thực tế và thấy gần gũi với tác giả hơn. Trong những bài viết mang mang tâm sự, một thế thời điên đảo, khi mà những kẻ tiểu nhân đắc chí, khi gian tà lên ngôi và đạo đức xuống cấp, thì Nguyễn Đức Lập mượn chuyện xưa tích cũ để tự nhắc mình và nhắc người trong văn chương để luận sự đời và tìm cho đời những gợi sâu sắc và thực tế.
Mấy năm trước đây, tôi và Nguyễn Ðức Lập cùng với Nhã Lan trong chương trình Tản Mạn Văn Học trên đài truyền hình Hồn Việt và Little Sài Gòn Radio đã “tưởng nhớ” Cao Xuân Huy thì bây giờ tôi lại viết bài “tưởng niệm” Nguyễn Ðức Lập. Cái cảm giác càng ngày càng một cô đơn khi những người chung quanh dần dần đi vào vô tận. Ðành rằng con đường “sinh lão bệnh tử” ai cũng phải trải qua nhưng khi nghe tin Lập vừa ra đi, trong lòng tôi không tránh khỏi xúc động. Ở vị trí của một người đọc, tôi là một độc giả “cẩn trọng” với tác phẩm của ông nên ở vai trò một người bạn cùng khởi đầu công việc cầm bút cùng một thời kỳ, những chi tiết đời thường càng làm tôi hiểu rõ hơn văn chương của ông. Tôi thật không đồng ý với những lập luận cho rằng chỉ cần biết đến văn bản là đủ cho công việc nhận định một chân dung văn học. Trái lại, đời sống thường nhật cũng là một yếu tố quan trọng để hai phần tác giả và tác phẩm hỗ trợ lẫn nhau khi tìm hiểu thế giới văn chương của một nhà văn hay nhà thơ.
Nhà văn Nguyễn Ðức Lập từ trần vào ngày 29 tháng 2 năm 2016. Trước cái tang chung của văn học Việt Nam, ai mà không xúc động vì sự ra đi của một cây bút đóng góp rất nhiều cho văn chương dân tộc. Sống trong một thời đại đặc biệt mà những biến cố lịch sử đã ảnh hưởng đến cả một vài thế hệ, nhà văn Nguyễn Ðức Lập đã viết như một chứng nhân kể lại chuyện đất nước mình. Hình như ông muốn gửi thông điệp đến những người đi sau những tâm huyết của một người trí thức nhưng sau biến cố năm 1975 đã hòa mình vào thực tế cuộc sống và tác phẩm của ông dường như bao gồm trong câu hỏi: “Cuộc Chiến Tàn Chưa?” Tự vấn ấy như nhan đề một tuyển tập truyện ngắn của ông và hình như bàng bạc trong từng tác phẩm.
Ông viết như nuôi dưỡng một ngọn lửa tranh đấu mà qua thời kỳ chống Pháp đến thời kỳ chống Cộng Sản, phê phán một chủ nghĩa ngoại lai phi nhân đã chất chứa trong văn chương của ông. Không hiểu tôi có chủ quan hay không khi nhận xét rằng ông cầm bút với tâm thức của một chiến sĩ. Dù rằng trước 1975 ông không nhập ngũ (theo người anh ruột là nhà thơ Trạch Gầm thì ông bị bệnh tim bẩm sinh nên được miễn dịch vì lý do sức khỏe) nhưng sau ngày miền Nam thất thủ, theo như nhiều người kể thì ông có tham gia một phong trào quốc gia chống chế độ Cộng Sản và phải lưu lạc lên sống ở một vùng kinh tế mới trước khi vượt biên.
Kinh nghiệm từ thực tế cuộc sống đã tạo thành một văn phong mộc mạc chân chất rất gần với phong thái của những người vào phương Nam mở đất thời trước. Từ ngôn ngữ đến ý tưởng đều gợi đến những nhân vật hầu như vô danh nhưng là những người đầy cá tính và nhất là yêu quê hương đất nước một cách giản dị đơn sơ nhưng đã sống hết mình với lý tưởng của mình. Trong cơn quặn mình thời cuộc, những người dân ở những vùng hoang vu sỏi đá chịu sự cai trị ngu dốt bạo tàn của những tầng lớp bóc lột mới của một chế độ toàn trị đã phản ánh rất rõ nét trong nhân vật Nguyễn Ðức Lập. Ngôn ngữ bình dân mộc mạc tạo những nét sống động của thực tế làm những câu chuyện kể không những có sức hấp dẫn mà còn chuyên chở được tâm sự của một thời đại nấu nung chờ bùng vỡ những cuộc đứng lên tranh đấu dành quyền làm người.
Tôi là một người đọc và thường liên tưởng đến những nhân vật mà mình thấy gần cận nên hầu hết các tác phẩm của ông đã được tôi đọc một cách trân trọng. Trong vai trò một độc giả, những truyện dài và truyện ngắn của ông đã phác họa những cảnh sống thực và từ đó tôi mường tượng ra những nhân vật thực. Lịch sử của dân tộc đã qua những biến cố tạo ra những mảnh đời đặc thù đầy cá tính của thời đại đầy biến động. Ông không nhận mình là một nhà văn mà chỉ là một người kể chuyện và thấy những cảnh đời trớ trêu, những khuôn mặt đặc biệt của thời thế của một hoàn cảnh tuy hiếm thấy trên bất cứ một đất nước xa lạ trên thế giới nhưng lại quen thuộc với dân tộc Việt Nam. Nhưng, từ những “chuyện” ấy, ông muốn gửi theo tâm sự của mình, suy tư của mình với con mắt lạc quan nhắm đến một tương lai sẽ tốt đẹp cho đất nước.
Tâm sự một thời của một người có khi là của chung nhiều người trong chúng ta không? Thơ có khi là một phản ứng của đời sống, để cho vơi chất chứa trong lòng, để ngọn lửa đấu tranh vẫn còn ngùn ngụt trong tâm. Tập thơ “Những Ðêm Không Ngủ” mở đầu với những dòng chữ viết:
“Có một gã trung niên lãng đãng ba năm dài nằm ở trại tị nạn hiu hắt thê lương, trước mắt mọi người thì cười cười, nói nói nhưng trong bụng thì tím ruột bầm gan.
Ðêm đêm, đợi mọi người ngủ hết, gã đem thơ ra đọc rồi chua xót một mình. Gã nhìn trăng sao để thấy lớn dần một niềm cô đơn chất ngất mang mang. Những lúc ruợu say lại buồn hơn hồi chưa say ruợu. Gã nghe được những mặn đắng của bước đường dặc dài vong quốc.
Quê hương đã xa ngút ngàn. Khói sóng đại dương mịt mùng quan tái. Thân phận lưu vong rã rời như những hạt cát lẫn trong sóng đại dương. Gã cười tận mặt những trò nhân đạo ích kỷ giả dối lọc lừa và gã lượm lặt những rơi rớt tả tơi để cho đời có thêm hương vị…”
Và “gã thi sĩ” ấy, trong một đêm khuya trước một vài bạn bè thân đã ngâm lên những câu thơ chất ngất tâm can những chập chùng âm vực vút cao lên vô tận trăng sao:
“Cho ta ngửa mặt lên trời
Thét lên tiếng kêu vô vọng
Của loài thiên lý mã
Cuồng vó bên bờ vực sâu
Oán khí ngất từng mây chót vót
Cơn hận dài tím ruột thiên thu
Ðâu thảo nguyên bình minh xanh ngăn ngắt?
Ðâu sa mạc cát vàng nắng cháy hoang sơ?
Ngựa đông phương
Vạn dặm trường chinh đâu sá kể
Sao bỗng bó chân lạc lõng phương trời…”
Nguyễn Ðức Lập làm thơ cho bạn. “Từ thuở chia tay thằng mỗi ngả/ đêm buồn không bạn đọc thơ chơi” Nghe ý tình thì man mác nhưng ngôn ngữ thì sao nghe đốt lửa hừng hực trái tim:
“… Hơn nửa đời rồi còn lận đận
Còn đem chí lớn gửi vào thơ
Rút gươm muốn học trang hào kiệt
Cười nuối trăng sao lại thẫn thờ!
Bạn hát dăm ba bài khẳng khái
Cũng mong tận tụy với non sông
Nào hay cháy tóc mang mang hận
Buốt cả tim gan buốt cả lòng
Có lúc tưởng chừng không muốn tỉnh
Mi nghiêng mày liếc ngó quanh quanh
Ðường dài vẹt gót thân trơ trọi
Cười hỏi rằng: Ðời ai mắt xanh
Bạn ta ơi, hề ta nhớ bạn
Vài giây giã biệt hề ngàn năm đợi trông
Một chút thân trai hề góc trời lận đận
Soi gương tóc trắng hề nợ trả chưa xong
Ðèn soi cán bút hề não lòng hồ hải
Thiên hạ cau mày hề một lũ cuồng ngông!”
Chất ngất tâm sự của những thiên hùng ca nhưng cũng thầm thì âm điệu ca dao. Cái tinh chất của người dân Nam Bộ thời mở nước dường vẫn còn man mác trong thơ Nguyễn Ðức Lập. Những câu ca dao đã mở những chân trời khai phá của thời gạo chợ nước sông của khoan hòa nhịp bảy nhịp ba chập chùng trên sông nước:
“Ơi này em
Có nhớ không?
Giọng hát phù trầm
Ðiệu Huê Tình trên bờ sông Hậu
Yêu làm sao muôn thuở hẹn hò
“thò tay xuống ngắt ngọn ngò
thương anh đứt ruột giả đò ngó lơ”
Thiên thu bay tóc
Tháng đợi năm chờ
Cánh lục bình trôi
Bao giờ trở lại
Xa quá là xa
Cây đa bến cũ
Thuyền xưa không đậu
Trốc gốc mất tàng
Tình xưa trót đã đa mang
Duyên xưa trót đã lỡ làng rồi sao?
Ơi này em
Sông Ngã Bảy chảy ra bảy ngã
Có ngã nào về với mẹ cha?
Còn ai ăn hột chà là
Ðể cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng?”
Nhà văn Nguyễn Ðức Lập là tác giả của 9 truyện dài và 4 truyện ngắn. Tác phẩm thứ 14 là truyện dài “Ði Trước Về Sau”, một câu chuyện tràn đầy tính chiến đấu của một thời đại lịch sử. Lời vào truyện tác giả viết:
“Miền Nam vốn là đất khởi nghiệp của Nguyễn Vương Phúc Ánh. Miền nam cưu mang Nguyễn Vương trong những lúc gian nan khốn cùng nhất. Có Huỳnh Tường Ðức (sau được ban quốc tính thành Nguyễn Huỳnh Ðức) sau trận đại bại Tứ Kỳ Giang, đã dấu Nguyễn Vương dưới một hố sâu, rồi mở đường máu chạy qua ngã khác để đánh lạc hướng quân Tây Sơn đang truy đuổi sau đó trở lại đưa Nguyễn Vương xuống xuồng để Nguyễn Vương gối đầu lên bắp vế mình mà ngủ, một tay chèo xuồng, một tay cầm vạt áo đuổi muỗi cho chủ an giấc. Có ông Cai Việt Hạt ở rạch Cái Da, Bến Tre mỗi sáng cõng Nguyễn Vương lội bùn đem dấu trong buồng tới tối cõng về dấu ở nhà Trương Tấn Bửu. Có dân gốc Miên ở làng Thé (Vĩnh Long) dâng cơm trắng cá khô lúc Nguyễn Vương chay ngang đây bụng đói meo. Có ông bỏ hậu ở Hồi Oa Nước Xoáy (Sa Ðéc) dấu Nguyễn Vương ở tận ngọn rạch cùng, ngày ngày bí mật chở cơm vào tiếp tế…”
Truyện dài “Ði Trước Về Sau?” kể lại những hình ảnh tâm trạng hoàn cảnh của người dân tỉnh Rạch Giá trong công cuộc chống Pháp khi Pháp trở lại Việt Nam sau Ðệ Nhị thế Chiến chấm dứt năm 1945. Câu chuyện được dựa theo sự thực của giai đoạn đầu kháng chiến chống Pháp của người dân miền Nam và sau đó bị Cộng sản cướp công. Như vậy, truyện dài này được coi như là “tiểu thuyết lịch sử”.
Tác giả nhận định: “Lịch sử là ghi lại công việc của ngày tháng, mà ngày tháng là những yếu tố có thật thì ghi lại công việc của ngày tháng cũng phải ghi lại những công việc có thật, như vậy mới nói là lịch sử. Còn như với Cộng sản, họ có cung cách hoàn toàn khác khi viết lịch sử. Người Cộng sản chuyên lo cạo sửa, bóp méo và xuyên tạc lịch sử sao cho có lợi cho họ và theo họ lịch sử Việt Nam chỉ quan trọng từ khi có đảng Cộng sản Việt Nam”
Trong truyện dài “Ði Trước Về Sau?”, nhân vật Năm Tiếng, chủ tịch ủy ban Kháng Chiến Rạch Giá cũng có trong thành phần tù Côn Lôn (sau gọi là Côn Sơn) được thả về. Ðến đây thì người Cộng sản, núp dưới chiêu bài Việt Minh chống Pháp đã dùng mọi âm mưu thủ đoạn để nắm quyền lãnh đạo chỉ huy kháng chiến. Thành ra, trong tình cảnh vừa chống Pháp vừa đề phòng để chống lại sự ám hại ngầm của những người Cộng sản, những người yêu nước kháng chiến chân chánh thật khổ tâm và không ít người đã phải rời bỏ hàng ngũ kháng chiến vì không muốn bị kẹt giữa hai lằn đạn thù của Pháp và Việt minh. Và câu chuyện đã ngậm ngùi phần cuối khi hai nhân vật Giáo Thiện và Ba Ðức than thở tình cảnh của những người yêu nước chân chính và phải rời bỏ hàng ngũ những người chiến đấu cho đất nước.
Trong buổi ra mắt sách, nhà văn Nguyễn Ðức Lập kể lý do tại sao truyện dài “Ði Trước Về Sau?” lại lâu tới 13 năm mới in? Thứ nhứt anh giao cho các bạn trẻ rủ nhau làm nhà in (và hoạt động cách mạng, đột nhập nội địa…) rồi các bạn này nghỉ làm nhà in. Bản thảo anh giao mất tiêu. Chừng mấy năm sau, một chú trong nhóm đó gặp anh và nói “Bữa nào em sẽ đưa bản thảo Ði Trước Về Sau?” cho anh. Anh Lập hỏi sao nói mất rồi. Chú em ấy trả lời mất đâu mà mất. Em sợ mất nên em đem về nhà em cất. Nói thì nói làm vậy nhưng chú cất đến mấy năm mới đưa. Hú hồn. Rồi từ lúc chú bảo chú còn giữ tới lúc chú thật sự giao lại thì cũng đã mất thời gian khá lâu mà vui thì chú gọi, buồn không vui thì chú… cũng quên gọi luôn. Số phận của cuốn sách còn bị xúi quẩy thêm một phen nữa. Khi đem lên San Jose, để ở nhà người bạn rồi hai người đi uống cà phê. Khi trở về cuốn sách biến mất. Cả nhà sục sạo tìm kiếm kể cả lục thùng rác. Vẫn biến mất một cách kỳ bí. Mấy tháng sau người bạn gọi báo tin…tìm được bản thảo cuốn sách rồi. Hỏi ở đâu vậy. Thì ra là một ông anh tới nhà không thấy ai, thấy cuốn sách nên khoái chí đem về nhà đọc. Ðọc xong còn khen hay quá nên mới biết để đòi lại…”
Nhà văn Nguyễn Ðức Lập còn có những cuốn sách mà nhan đề dễ nghĩ đến chuyện xui xẻo bất toàn như tên gọi của nó. Nào là “Trần Ai Khoai Củ”, nào là “Ngắn Cổ Khó Kêu”, nào là “Ði Trước Về Sau?”… Có phải tác giả và tác phẩm cùng chia nhau thời lận đận? Nhưng, có những tác phẩm là những thiên hùng ca của những người bất khuất chống Tây và chống cả bọn tay sai như: “Phong Vũ Tiêu Tiêu Lôi Vũ Ðộng”:
“Núi miền Nam không quá cao quá sâu nhưng không thiếu những mẫu chuyện huyền bí, mặt trường giang miền nam không đổ dốc cuộn ba đào nhưng không thiếu những đợt sóng ngầm. Người miền Nam lòng dạ “bạch tuộc” nhưng không thiếu những tay “yêng hùng” chọc trời khuấy nước. Phong Vũ Tiêu Tiêu Lôi Vũ Ðộng kể lại một thời của miền Nam với những âm mưu tính toán với những ân oán giang hồ với những đợt sóng ngầm dưới mặt trường giang mênh mông phẳng lặng với những xao động đằng sau những hàng dừa lả ngọn soi bóng êm đềm bên bờ kinh…”
Hay như truyện dài “Nhứt Biết Nhì Quen”: “là một chuyện kể, không kể bằng cách nói thơ, bên tiếng nỉ non ai oán của dây đờn cò, không kể giữa một số ít bộ hành ngồi nghe trong lúc chờ đò qua sông hay chờ xe lên đèo, mà là kể bằng cách mượn giấy trắng mực đen. Và cũng là chuyện kể về cuộc đời của một thằng du đãng cắc ké, xuất thân khiêng gạo ở chợ Gò Vấp. Nhờ thời thế, nhờ biết áp dụng câu châm ngôn” nhứt biết nhì quen tam quyền tứ thế” thằng du đãng cắc ké ngang dọc một thời trở thành một công dân danh dự trong xã hội. Chuyện cũng kể về hoạt động của những người liên quan đến chế độ cũ và những chống đối của họ đối với chế độ mới. Chuyện kể thêm có những thanh niên nam nữ, không dính dáng tới cuộc chiến trước đây không có dính chưn vô một phe nào nhưng vì bực dọc xã hội trước mắt mà ra tay. Khung cảnh là Sài Gòn. Thời gian là mười năm đổ lại sau năm lịch sử 75. Thời buổi là đảo điên nhưng con người vẫn là…con người.”
Có người đã cho rằng nhà văn Nguyễn Ðức Lập là một trong những nhà văn Nam Bộ như Hồ Biểu Chánh, Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc mặc dù nguyên quán của ông là Liên Khu V, cha Quảng Ngãi mẹ Quảng Nam. Ðọc những truyện ngắn, truyện dài của ông, rõ ràng từ không gian, thời gian, cảnh thổ nhân vật ngôn ngữ ý tưởng đều là của dân Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ông đã viết:
“Hồi xưa thời Pháp Thuộc, có thơ Sáu Trọng, có vè Nọc Nạn, có vè Cô Thông Tằm, có vè Thầy Thông Chánh Bắn Tây, có bài Hành Vân Mật Yêng Hùng mượn hình ảnh Từ Hải ca tụng người yêu nước, có bài Tứ Ðại Oán Ngũ Viên Thiệu để nói lên tiếng nói u uất nghẹn ngào của người dân thấp cổ bé` miệng.
Tập truyện ngắn “Cuộc Chiến Tàn Chưa?” ra đời chẳng qua cũng chỉ là một thứ thơ Sáu Trọng, một thứ vè Thông Chánh Bắn Tây, để kể lại sự đấu tranh của người dân Việt trong cuộc chiến mới nầy mà thôi!” Ngôn ngữ của “Cuộc Chiến Tàn Chưa?” là ngôn ngữ Nam Bộ thời sau 1975, thời Cộng sản. Không gian là một nơi chốn khỉ ho cò gáy ở ấp Phước Lập, xã Phú Mỹ, tỉnh Ðồng Nai, một vùng “kinh tế mới” của những người bị đuổn khỏi thành phố. Những người dân ở đây, thường là giai cấp thấp cổ bé miệng nên bị chèn ép bị bất công mà không dám mở miệng. Những nhân vật như Bà Tư Tào Tháo của “Cuộc Chiến Tàn Chưa?”, như mụ Sáu Trọc, mụ Sáu Thiệt của cái hội “Mẹ Chị” (?) trong “Kế hoạch liên hoan”, những nhân vật của đời thường dẫy đầy trong thực tế linh động của chuyện kể một thời đầy chất bi hài. Cái cười là của nỗi đau và đời sống thật sự bị bóc trần thành những mảng văn chương của lời buộc tội phê phán một chế độ phi nhân vô đạo đức…
Ở bìa sau cuốn sách có một nhận định khá xác đáng về văn thơ Nguyễn Ðức Lập:
“Là một nhà văn khởi viết sau 1975, ông đã là người được độc giả chú ý đến bởi những dòng chữ đầu tiên anh viết cho một câu chuyện ngắn và sẽ làm cho người đọc cảm thấy một tiếc nuối rất khó diễn tả khi anh chấm dứt một chuyện dài. Với một lối hành văn mộc mạc rạt Nam Kỳ như bạn bè anh thường nói, Nguyễn Ðức Lập đã dẫn người đọc đi suốt dọc một quê hương cho dù đã xa vời nhưng chắc chắn không bao giờ mất được.
Nguyễn Ðức Lập không phải là một nhà văn làm dáng thành thử, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được trong văn Nguyễn Ðức Lập một câu chuyện tình thời thượng hoặc một câu nói diễm ảo nhưng trống rỗng. Ở văn chương anh một con người Việt Nam thực sự sẽ được trình bày ra bằng giấy trắng mực đen. Có thể sẽ có một câu chuyện tình nho nhỏ được lồng vào trong truyện của anh, nhỏ và không có những lừa đảo xảo trá nhưng rất lớn về lòng chân thật chất phác. Và dĩ nhiên cũng rất tình. Có lần Nguyễn Ðức Lập đã tâm sự với bạn bè: “Tôi không phải là một nhà văn và cũng chẳng bao giờ muốn trở thành nhà văn cả.” Ước mơ duy nhất của anh là viết và viết thật với lòng mình. Phải chăng ở đó anh đã có một mơ ước lớn muốn mời người đọc cùng với người viết trải dài tâm sự của chính mình trên trang giấy để cùng nhau chia sẻ những gì chân thật nhất còn sót lại?”
Nguyễn Mạnh Trinh