Còn Đó Bóng Hình

Song Thao

Nhã đã có vẻ bồn chồn không yên. Nàng rướn người lên quay qua quay lại liên hồi đôi mắt xao xác tìm kiếm. Chung quanh người nào cũng nhấp nhỏm láo liên nhìn ngược nhìn xuôi. Ai cũng muốn bắt cho được khuôn mặt người thân nổi trôi trong đám đông lổn nhổn phía dưới. Tôi kiễng chân ghé cặp mắt qua những chiếc đầu phía trước nhìn muốn xuyên thủng tấm kính trước mặt. Phía dưới xa những con người tất tả đổ xô từ hàng chục chiếc cửa được mở ra cùng một lúc dành giật một chỗ đứng xếp hàng trước những chiếc hộp kiếng vuông vứt nhốt một nhân viên Sở Di Trú ở trong. Sau những chiếc hộp này là những chiếc vòng tròn di động đội từng hàng va ly diễu hành trước những cặp mắt căng cứng của đám hành khách đang chờ lấy hành lý. Vài ông nhân viên quan thuế dẫn những chú chó đánh hơi quanh đám va ly đang chờ chủ. Tôi đảo mắt nhìn quanh một cách vô vọng. Làm sao lôi được khuôn mặt của cô cháu chưa bao giờ gặp ra khỏi đám nhân gian lố nhỏ bên dưới. Nhã ném cặp mắt lo lắng qua phía tôi:
- Làm sao mà kiếm được nó đây anh?
Tôi nhún vai chẳng biết phải làm sao. Cả chục cánh cửa phía dưới lại mở ra. Từng đoàn người lại vội vã tiến vào. Chắc chịu thua rồi. Những thân người lúc nhúc bên dưới giỡn cợt với đôi mắt đã có chiều thất vọng của tôi.
Tôi lầm bầm bên tai vợ:
- Bực mình cái con nhỏ này thiệt!
Tính tôi vốn cẩn thận. Đã năm lần bảy lượt tôi phôn hỏi Catherine mặc áo màu gì khi xuống phi trường để dễ nhận ra, con nhỏ cứ nửa đùa nửa thật ỡm ờ:
- Cậu không nhận ra cháu thì cháu cũng nhận ra cậu chứ lạc đi đâu mà sợ.
Cậu chỉ có tấm hình cô cháu chụp từ năm năm trước. Giữa cái tuổi mười một và mười sáu có gì bảo đảm mặt mũi không làm một bước nhảy vọt. Cháu chỉ có bức hình cậu đang toe toét cười lúc làm chú rể đã chục năm có lẻ. Ông cậu chú rể nay còn giữ được bao nhiêu phần trăm khuôn mặt ngày tân hôn. Cơ mấy nào cho cậu cháu còn tưởng tượng ra được Nhãu. Catherine đã dọa tôi:
- Cháu còn có thêm tấm hình cậu chụp với măng hồi cậu vừa dứt sữa nữa chứ bộ!
Dứt câu con nhỏ cười khanh khách. Tiếng cười vọng qua đường điện thoại viễn liên như những mũi kim châm chích trong tai tôi. Chẳng là bức hình chụp lúc tôi bé chút xíu e thẹn ôm bên hông chị tôi chỉ ló ra đôi mắt đen lay láy. Chắc con nhỏ thích thú khi thấy hình ảnh ông cậu trong vị thế chẳng lấy gì làm nam nhi cho lắm. Tiếng con nhỏ lắp bắp trong tiếng cười:
- Cháu sẽ mang tấm hình này qua tặng mợ cho mợ cưng cậu hơn!
Nhã vẫn chong mắt vào đám đông phía dưới cố tìm ra con nhỏ rắn mắt chỉ mới thấy trõng hình chụp từ hồi còn nhỏ. Đám đông như những đợt sóng xô đẩy Nhãu. Hết đợt này tới đợt khác vượt qua hàng rào nhân viên di trú, lấy hành lý chất lên xe đẩy ra. Bụng tôi thót lại vì lo lắng. Dám con nhỏ ra tới cửa mà mình không biết rõi lắm. Thiệt tức mình! Ngày hôm qua tôi còn điện thoại dọa:
- Phi trường bên này tấp nập lắm. Cậu sợ lỡ ra mình không nhận ra Nhãu thì cháu dám phải ngủ ngoài đường chứ không phải giỡn đâu.
Giọng con nhỏ nghe ra chẳng có chút sợ sệt nào:
- Cháu ở bên Pháp qua xứ nói tiếng Pháp thì sợ chi. Đường xá trong miệng mình hơi đâu mà lo. Mà chắc thế nào cậu cũng nhận ra cháu.
Rõ chán! Con nhỏ này thật hết nước. Tôi thở dài vớt vát:
- Tiếng Pháp ở cái xứ Québec này nó không giống tiếng Pháp của cháu đâu. Cậu cam đoan cháu sẽ nghệt mặt ra khi nghe các ông tài xế tắc xi phát ngôn.
Con nhỏ vẫn cứ khanh khách vừa cười vừa nói:
- Cậu khỏi phải dọa! Cháu nói tiếng quốc tế bằng tay cũng thuộc vào loại khá. Nói vậy chứ làm chi mà cậu không nhận ra cháu.
Con nhỏ giống mẹ ở cái tính bướng bỉnh thích gì làm đó chẳng ai cản được. Hồi nhỏ Bố mẹ tôi luôn luôn lầu bầu khó chịu về cái nết trái khoáy của chị tôi. Tôi nhỏ hơn chị tôi đúng một giáp nên khi chị tôi trưởng thành tôi vẫn còn là một đứa nhỏ hay vòi vĩnh. Những lần Bố mẹ tôi la mắng chị Mai, tôi chỉ biết nép mình vào kẹt cửa chong mắt nhìn ra. Sao những lúc đó tôi thấy thương chị tôi quá đỗi. Có lẽ vì những chiếc kẹo chị cho vẫn chưa tan hết chất ngọt trong miệng. Chị cưng chiều tôi như mẹ cưng con. Miếng ăn miếng uống, manh quần tấm áo, tắm rửa lau chùi một tay chị lo. Tôi ham chơi từ nhỏ. Mà chơi toàn những trõ đẫm mồ hôi. Quần áo tôi chẳng mấy khi khô ráo. Lúc khô thì lại hôi rình. Một ngày không biết bao nhiêu lần chị đè ra thay áo quần. Vậy mà chẳng lúc nào quần áo tôi tử tế được cả. Không xốc xếch nhăn nhúm thì cũng rách chỗ này xoạc chỗ kia. Chị la mắng thì tôi chỉ cần toét miệng cười phô mấy chiếc răng sún ra thì thế nào cũng hái được nụ cười trên môi chị.
Chị Mai có khuôn mặt cứng cỏi nhiều góc cạnh. Cái trán hơi nhô ra hợp cùng chiếc cằm sắc lẻm làm mặt chị như đưa ra phía trước. Đôi gò má xương xẩu và đôi tai hơi vểnh ra mang vẻ ngang ngạnh bất cần. May mà có chiếc mũi thanh thanh và môi miệng tươi tắn xóa bớt những nét thô kệch vụng về niền kín khuôn mặt chị. Mái tóc chị tôi vốn đã không được mềm mại lại lúc nào cũng được vuốt thẳng ra phía sau cột túm lại khi thì bằng chiếc kẹp to bản khi thì bằng chiếc nơ màu sắc chìm lĩm buồn bã chẳng giúp chị lấy lại được chút mặn mà của một thiếu nữ đương thì.
Vẻ cứng cỏi trên khuôn mặt chị tôi không dừng lại nơi chị tôi mà còn được chia chác cho bốn cô con gái mỗi người một chút đường nét mạnh bạo. Cô gái út Catherine hình như nhận lãnh hậu hĩnh hơn cả. Nhìn hình con dễ bắt được khuôn mặt mẹ.
Cái dáng người mảnh dẻ cao cao khoác trên người bộ quần áo hai mảnh màu đất vừa đặt chiếc xách tay xuống xếp hàng trước chiếc hộp kính ở tuốt phía xa bên kia làm tôi giật mình. Khuôn mặt không nhìn rõ nhưng mái tóc vuốt ra phía sau níu lấy nhịp tim của tôi. Tôi kéo vai Nhã:
- Con nhỏ kia kìa!
Ngón tay tôi rung rung trước giọng hỏi dồn dập của vợ:
- Chỗ nào đâu? Sao em không thấy? Nó mặc áo màu gì? Có đúng không đây? Người đông như thế sao anh nhìn ra được?
Nhã vẫn có tính láu táu như vậy. Tôi vội vã chỉ:
- Bộ áo lẫn váy màu đất đó! Trước cái ông mập mập có bộ râu rậm rạp hung hung gần sát tường đó!
Tiếng Nhã reo vui:
- Em thấy rồi. Trông con nhỏ già trước tuổi chẳng giống trong hình bao nhiêu mà sao anh nhận ra? Vậy là yên cái bụng.
Làm sao tôi nhận ra Catherine? Chắc nhờ khuôn mặt và dáng người hao hao giống chị tôi. Nhưng rõ nhất là mái tóc vuốt ra phía sau. Đúng là mái tóc mà tôi chẳng bao giờ quên được. Catherine đã cố ý bới mái tóc như vậy. Thảo nào nó cứ quả quyết trong điện thoại là thế nào tôi cũng nhận ra nó.
Catherine nhích dần lên gần tới đầu hàng. Chiếc xách tay được đỡ lên theo đôi chân chậm chạp mệt mỏi. Nhã dựa sát vào tôi dõi mắt vào cô cháu chưa một lần gặp gỡ. Tôi ôm ngang bụng Nhã thẫn thờ trước hình ảnh trước mặt. Cái bóng của chị tôi vực dậy trong tôi nỗi nhớ thương ngằn ngặt. Cảm giác hụt hẫng lúc ngủ dậy vào sáng ngày hôm đó nén chặt hơi thở tôi. Tôi bấu víu vào Nhã tìm chút nương tựa. Hình ảnh quái ác ngày xưa ào tới vây bủa tôi hung hãn. Bố tôi lầm lì ngồi bất động trước chén trà nguội ngắt. Không ai hiểu đằng sau đôi mắt hóa đá kia đang chộn rộn những suy nghĩ gì. Mẹ tôi nước mắt lưng tròng tay quét lia lịa chiếc chổi lông gà lên những mặt bàn mặt tủ chẳng còn hạt bụi nào bám nổi. Bà như không phải đang lau chùi nhà cửa như thường lệ mỗi buổi sáng mà đang đổ thốc đổ tháo những thương yêu, dằn vặt lẫn lộn ra đầu chiếc chổi đang nhặm lẹ quét đi quét lại một chỗ. Tủ quần áo của chị tôi trống rỗng mở toang. Chị tôi đã bỏ đi trong đêm khuya. Tôi muốn khóc mà không dám. Không khí trong nhà nặng nề như có một xác chết nằm đâu đây. Tôi lẳng lặng đội mũ xách cặp đi học. Ra tới ngoài đường nước mắt nước mũi tôi mới cuộn cuộn thoát ra. Tôi kéo vạt áo lên chùi trong cảm giác tủi thân tủi phận khôn cùng. Chị tôi thương yêu tôi là thế mà nỡ lòng nào dứt áo ra đi bỏ tôi lại như quăng một miếng giẻ rách không thương tiếc. Tôi vừa giận chị vừa bẽ bàng thân mình. Chân tôi đã mạnh vào một cục đá bên đường đau điếng. Nỗi đau làm tôi hả hê như trả được cơn thù hận chính mình.
Chị tôi đã từ lâu ngỏ ý với bố mẹ tôi muốn lấy một người Pháp làm chung sở. Bố mẹ tôi nghe mà như bị dội cả thùng nước lạnh trên người. Ông bà chẳng thể chịu đựng được nỗi ê chề của người có con gái muốn lấy chồng tây. Bố tôi giận dữ mắng nhiếc. Mẹ tôi chỉ chiết than thân trách phận bạc bẽo. Chị tôi vốn tính bướng bỉnh ngang ngược nên cứ lì lì nhất quyết làm theo ý mình. Trong nhà thoang thoảng mùi lạnh lẽo của một bãi tha ma. Mỗi người là một ngôi mộ câm nín. Có bậc cha mẹ nào lại có thể vui vẻ chấp nhận được cuộc hôn nhân dị chủng của con cái. Nó như một trái đắng. Có phải ăn thì cũng cố nghẹn ngào nuốt cho trôi qua cổ. Bố mẹ tôi không nuốt được vị đắng nên chị tôi ôm quần áo ra đi chia đều sự đắng cay cho mọi người. Chị tôi cay đắng từ bỏ gia đình. Bố mẹ tôi cay đắng ôm lấy những chuỗi ngày ê chề rã rượi.
Nhát dao chị tôi hạ xuống là một nhát dao phay tàn nhẫn. Nó chém đứt lìa cả thịt lẫn xương. Từ khi ra đi chị tôi không bao giờ liên lạc lại với gia đình. Chị như mất hút vào khoảng không. Thời gian đã vùi xóa hình bóng chị trong gia đình. Còn chăng là thỉnh thoảng chị vẫn nói cười trong những giấc mơ tuổi thơ của tôi.
Catherine lủi thủi rời quầy thủ tục nhập cảnh xách túi đi kiếm chiếc xe để hành lý. Nó ngó quanh ngó quất nét mặt bối rối bơ phờ. Người đông xe hiếm. Nhã thấy một chiếc xe bỏ phía xa sau lưng con nhỏ vội chỉ tay nhún người muốn nhảy lên mách nước:
- Cái con nhỏ này ngơ ngơ phiền quá. Quay người lại là thấy liền mà không chịu quay. Thằng cha kia nó lấy bây giờ.
Người đàn ông như nghe thấy tiếng Nhã nói rảo bước như muốn chạy về phía chiếc xe. Nhã tiếc hùi hụi:
- Đó, thằng chả lấy mất rồi! Uổng chưa!
Tôi phì cười trước sự mau mắn của Nhã. Vợ tôi vẫn như ngày chưa cưới. Hồn nhiên giản dị lúc nào tưởng cũng có thể bẻ được cuộc sống chung quanh theo ý mình. Tôi buột miệng hỏi:
- Sao em không nhảy xuống tranh giùm nó?
Cái liếc xéo dài dằng dặc chỉ chịu chấm dứt với câu nói mát mẻ:
- Chỉ sợ nhảy xuống lại có người cuống quít nhảy theo.
Tôi ôm chặt Nhã, cười. Chẳng cần Nhã nhảy xuống Catherine cũng có chiếc xe. Nó có mặt trong một đoàn người chạy ùa tới hàng xe vừa được một công nhân đẩy vào. Lấy xong hai chiếc va li kềnh càng, Catherine mất hút trong phòng quan thuế. Nhã và tôi vội chạy xuống chờ ở cửa ra.
Hàng người đông đảo đứng chờ chiếc cửa nhả ra từng khuôn mặt người thân. Tôi cố len lỏi dành được một chỗ ở hàng đầu ngay sát hàng rào cản. Catherine vừa bước ra đã nhìn tôi miệng cười chúm chím tự tin. Nó chẳng khó khăn gì nhận ra ông cậu đang há hốc miệng chằm chặp nhìn cô cháu. Catherine chạy lại ôm hôn tôi tới tấp. Buông tôi ra nó đứng thẳng người hai tay giang rộng nói:
- Cháu biết thế nào cậu cũng nhận ra cháu ngay mà!
Tôi nhìn thấy rõ ràng những nét gợi nhớ khuôn mặt chị Mai. Mái tóc vuốt ngược của Catherine rõ ràng mách bảo tôi nhận ra hòn máu của chị tôi. Con nhỏ với hai tay ra phía sau gỡ chiếc kẹp tóc. Mái tóc đổ xuống làm trẻ khuôn mặt của cháu tôi. Nó hếch mặt nói:
- Bây giờ Cát Tiên mới trình diện ông cậu.
- Cát Tiên?
- Đó là tên măng vẫn gọi cháu. Sang chơi với cậu cháu lại là Cát Tiên của măng.
Nhã tươi cười đứng nhìn cuộc trùng phùng của hai cậu cháu. Cát Tiên tinh ý quay sang Nhã:
- Mợ phải không? Trông mợ vẫn trẻ đẹp như trong tấm hình cưới. Nghe cậu nói mợ nấu ăn giỏi lắm phải không?
Nó ôm hôn Nhã. Nàng bằng lòng ra mặt. Cô cháu khen có một câu mà lộ ra được cả tài lẫn sắc của bà mợ. Hai tay nắm vai Nhã, Cát Tiên thân mật:
- Hôm nay mợ cho cháu ăn món gì đây?
Nó nhún vai le lưỡi, tay để lên cằm:
- Chắc mợ tưởng cháu tham ăn lắm phải không? Nếu mợ nghĩ như vậy thì chẳng trật vào đâu được!
Cát Tiên cười rất tự nhiên. Tôi nghe thấy tiếng cười của chị tôi. Tiếng cười đã hầu như biến mất từ ngày chị tôi ngỏ ý lấy chồng với bố mẹ tôi. Mắt tôi mờ đi. Bố mẹ tôi trong cùng một năm đã dắt díu Nhãu kẻ trước người sau ra người thiên cổ. Chị tôi cũng đã mất sau cơn bạo bệnh. Ba người đã thực sự là ba nấm mồ. Chỉ có điều là không ở cùng trong một nghĩa trang. Cuộc chia ly thật rốt ráo. Ba người trong cuộc đã ra đi. Chỉ còn những người vô can đang tìm về với Nhãu.
*
* *
Bé Hưng te tái chạy vào phòng giật giật chéo áo mẹ:
- Mẹ, chị Cát nói khỉ khô.
Nó nhún nhún chiếc mông cười dòn giã. Chưa dứt cơn cười nó lại la lên:
- Tức cười quá! Chị Cát nói khỉ khô mẹ ơi!
Nhã vẫn thường cấm con nói những chữ thô nhảm nhưng con nít càng cấm khi có dịp thì lại càng nói cho đã cái miệng. Bé Hưng vẫn ngả nghiêng cười thú vị. Nhã tuy tức cười nhưng làm mặt nghiêm:
- Mẹ cấm con không được nói những chữ như vậy cơ mà!
Bé Hưng bặt tiếng cười, liếc nhìn mẹ chống chế:
- Chị Cát nói chứ con có nói đâu. Để con kêu chị Cát vô cho mẹ hỏi coi có đúng không.
Cát Tiên chạy vô đứng sững nhìn bé Hưng đang gân cổ cãi lý. Cái mặt ngây ngô thế kia thì chắc cô nàng chẳng hiểu chi. Bé Hưng được dịp nắm tay chị hỏi:
- Có phải chị Cát nói khỉ khô không?
Nhã toan nạt con nhưng chưa mở được miệng thì bé Hưng đã mau mắn hỏi trước. Cát Tiên gật đãu:
- Có gì vui không? Măng vẫn nói vậy mà!
Tôi cười thầm trong bụng. Chị Mai thiệt tình! Ngày xưa mỗi lần tôi đòi thứ gì mà chị không cho chị vừa chạy trước cho tôi đuổi theo vừa nói: cho cái khỉ khô này! Qua Pháp chị vẫn giữ nguyên cái cung cách đó với con cái sao? Tôi ghé tai nói nhỏ với Nhã:
- Ngày xưa anh đã được thưởng thức khỉ khô hàng ngày.
Nhã cố nín cười:
- Cho đáng kiếp anh! Chắc hồi nhỏ vòi vĩnh dữ. Thảo nào tới giờ vẫn còn vòi vĩnh vợ!
Tôi giở mặt lì:
- Thì có còn ai để vòi vĩnh nữa đâu!
Nhã háy mắt quay mặt đi. Tôi kéo vai nàng hỏi:
- Như vậy là chị Mai có nói tiếng Việt với con sao?
Nhã quay qua hỏi Cát Tiên:
- Măng có thường nói tiếng Việt với các cháu không?
Cát Tiên đang chạy lòng vòng thọc lét bé Hưng, nghe Nhã hỏi vội dừng chân tới trước mặt Nhã vừa thở gấp vừa trả lời:
- Có chứ. Măng nói tiếng Việt nhiều lắm.
- Nghe cậu mợ nói tiếng Việt với bé Hưng cháu có hiểu không?
Cát Tiên kẹp ngón tay cái và ngón trỏ gần sát Nhãu nói:
- Hiểu chút chút cỡ này. Từ ngày măng chết cháu quên nhiều rồi.
Tôi lặng người. Hóa ra chị tôi ra đi mà vẫn nặng lòng với chốn phải rời xa. Chị tôi có toan tính gì khi dạy con cái nói thứ tiếng mà chúng chẳng dùng tới. Chị tôi nói tiếng Việt cho đã miệng hay muốn sau này sẽ có dịp mang con cái trở về. Dứt áo ra đi nhưng chị tôi vẫn để hồn ở lại. Tôi nhìn Cát Tiên lòng bỗng dưng bồi hồi. Một nửa máu Việt trong nó có còn đó không? Tôi thấy thương cháu quá đỗi, đứa cháu chẳng phải chỉ mồ côi mẹ mà còn mồ côi cả cội nguồn gốc gác.
Bé Hưng đã chạy về phòng với đống đồ chơi. Cát Tiên đang mải mê lật xem những tờ lịch trên tường. Cuốn lịch khổ lớn in hình các thắng cảnh Việt Nam Nhã lấy ở một tiệm ăn. Tôi cất tiếng dò hỏi:
- Cháu thấy cảnh Việt Nam có đẹp không?
- Đẹp! Ba cháu bảo Việt Nam đẹp lắm. Hồi măng mới đau ba dỗ dành măng chịu khó đi chạy điện ở nhà thương cho khỏi rồi ba sẽ đưa cả nhà về Việt Nam chơi. Măng chỉ ngồi khóc.
Bệnh của chị Mai là bệnh ung thư. Chữa trị cho có chữa trị chứ chẳng bao giờ khỏi. Chắc chị cũng biết vậy. Tiếng khóc của chị là tiếng khóc cho cuộc chia ly vĩnh viễn hay niềm mong ước về quê cha đất tổ chẳng bao giờ thành tựu. Ông anh rể tôi không biết mặt là một người nặng tình cảm. Sau khi chị tôi mất ông đã về Việt Nam thay cho chị tôi. Ông đã thắp hương khấu đầu trước mộ bố mẹ tôi. Ông đã đi thăm họ hàng ruột thịt của chị tôi. Khi trở lại Pháp ông đã dặn các con là mỗi đứa phải một lần về thăm Việt Nam, nơi măng đã được sinh ra và là nơi các con phải thuộc về.
Cát Tiên rầu rầu giọng nói:
- Ba thương măng lắm. Ba bảo măng đã hy sinh tất cả cuộc đời cho ba. Khi măng chết ba như mất đi một nửa người. Cháu nghĩ còn hơn thế nữa. Ba đã thả hồn thất lạc theo măng. Cả năm sau đó ba còn ngẩn ngơ biếng ăn biếng nói. Đi làm về ba ngồi rầu rĩ trong phòng. Mà cậu mợ biết không, trong phòng thì chật kín hình của măng. Hình lớn hình nhỏ, hình cũ hình mới, ba giăng đầy tường,bày khắp mặt bàn mặt tủ không có chỗ thở.
Mắt Cát Tiên long lanh ướt. Tôi biết cháu tôi đang dấu những giọt nước mắt cho mẹ. Ngày xưa khi chị tôi bố đi tôi cũng đã để dành những giọt nước mắt ra tới ngoài đường mới chịu nhỏ ra. Cát Tiên lúng túng rót một ly nước lạnh, vội vàng uống mấy hớp, nói bằng giọng rạn nứt:
- Ba vẫn bảo chúng cháu may mắn có được hai quê hương, thừa hưởng được hai nền văn hóa khác biệt. Cháu lại nghĩ khác. Cháu chẳng thuộc về nơi nào cả. Ngày nhỏ đi học chị em thỉnh thoảng nói vài chữ tiếng Việt với Nhãu bị tụi bạn cười là Chinoises riết rồi không dám nói luôn. Cháu chưa về Việt Nam nhưng cháu nghĩ là chắc chẳng ai chấp nhận cháu là người Việt Nam. Nội việc sang đây được cậu mợ là người trong gia đình thương yêu quí mến mà cháu vẫn cảm thấy vướng mắc vì không nói được tiếng Việt.
Cát Tiên là đứa nhỏ ưa suy nghĩ. Ở tuổi mười sáu nó phân tích sự việc như một bà già. Tôi tìm đủ cách để gỡ cháu tôi ra khỏi cái mặc cảm bị ở bên lề hai xã hội nhưng chẳng ăn thua gì. Có cá tính mạnh giống mẹ, Cát Tiên đâu có dễ chấp nhận sự an ủi của người khác.
Cái mà Cát Tiên chấp nhận một trăm phần trăm là những món ăn Việt Nam. Nhã nấu món nào nó cũng la lên là giống măng nấu. Tôi không hiểu nó thích vì tìm lại được hương vị của món ăn ngày thơ hay là gợi nhớ tới người mẹ vắn số. Tôi nghĩ những món ăn chỉ là cái cớ để Cát Tiên tìm về những ngày ngọt bùi đầu đời có mẹ. Con nhỏ đã ôm cả cuốn tập dày ghi tỉ mỉ cách làm từng món mỗi khi cùng Nhã lăn vào bếp. Bé Hưng không ưa cái trò học nấu ăn của chị Cát. Cu cậu khóc nhèo nhẹo phản đối mỗi khi chị Cát ôm tập đi học trường mẹ. Vợ chồng tôi chỉ có bé Hưng nên ở nhà nó chỉ có thể đánh bạn với những người chơi dở là bố mẹ. Nay tự nhiên có thêm một bà chị mà nó kêu là chị máy bay chứ không phải chị ruột nó thấy cuộc đời bỗng hào hứng hẳn ra. Vừa có người chơi đùa, vừa có người chiều chuộng, buồn tình lại vừa có thể khóc vừa hé mắt chờ người dỗ dành, làm gì cu cậu chẳng quấn quít Cát Tiên. Nhưng khi chị Cát đã đi học trường mẹ thì bé Hưng bị tuột xuống hạng nhì. Chẳng có cách nào cậy chị Cát ra khỏi bếp được.
Nhã có sự thú vị của một người được ngưỡng mộ. Nàng tận lực chỉ vẽ cho Cát Tiên hết bếp chiêu này tới bếp chiêu khác. Những trang giấy trong cuốn tập hầu như đã đông nghẹt những con chữ khi Cát Tiên rụt rè hỏi Nhã:
- Có một món mà măng chỉ làm vào ngày tết. Cháu nói tết Việt Nam đấy. Mỗi lần nấu món này là măng khóc.
Nhã ngơ ngác trước câu hỏi của Cát Tiên. Nàng dọ dẫm:
- Ngày tết người Việt Nam hay nấu nhiều món lắm, mợ đâu có biết cháu muốn nói món gì. Cháu cho mợ biết món đó ra sao nào.
Cát Tiên nheo mắt lựa lời:
- Món đó khi dọn lên bàn ăn cháu thấy nhiều màu sắc đẹp lắm. Xanh, vàng, đỏ, trắng lẫn lộn. Măng bảo ở Việt Nam bà ngoại chỉ nấu món này vào dịp tết để cúng tổ tiên. Măng cũng nấu để nhớ lại gia đình.
Thấy được chút ánh sáng có thể tìm ra được món ăn bí hiểm này, Nhã lên tiếng gọi tôi. Thường thì khi Nhã làm bếp tôi được coi ngang hàng với bé Hưng: không được lẩn quẩn trong bếp vướng chân vướng cẳng nàng. Nhã luôn luôn bảo tôi chẳng được việc gì cả. Khi Nhã kêu tôi thì tôi đang có nhiệm vụ chơi với bé Hưng ngoài phòng khách. Nhã vừa nói hết câu thì tôi đã biết ngay đó là món gì nhưng nhìn cặp mắt căng lên của Nhã tôi muốn làm ra vẻ quan trọng. Tôi hậm hừ như một anh quan quận khó tính:
- Món đó có thịt heo xắt từng sợi nhỏ phải không?
Cát Tiên mau mắn:
- Dạ, đúng rồi.
- Có trứng phải không?
Mắt Cát Tiên nheo nheo:
- Cháu không biết nhưng có màu vàng.
- Thì trứng đó. Trứng tráng mỏng cắt thành từng sợi nhỏ chứ còn gì nữa. Có tôm nữa phải không?
- Cháu không thấy tôm.
- Cháu làm sao thấy được. Tôm đã bị giã nát bét ra rồi cháu đâu có nhận ra.
Lòng kiên nhẫn của Nhã đã bị thử thách một cách sỗ sàng. Tôi đang tiếp tục trò đố vui để học thì Nhã giật giọng nói trống không:
- Biết thì nói đại ra cho rồi!
Mặt tôi đỏ lên như bị bắt quả tang đang ăn vụng. Tôi cười giả lả:
- Món bún thang ấy mà!
Nhã quay qua Cát Tiên:
- Món này thì mợ không biết nấu rồi. Cát Tiên buồn ra mặt. Nó cúi đầu mân mê cuốn tập, thả giọng hững hờ:
- Cháu định nấu món này vào dịp giỗ măng. Chắc măng thích lắm.
Lòng tôi trùng xuống. Trong đầu tôi hiển hiện món ăn ngày nhỏ dính liền với tiệc tùng tết nhất. Tô bún thang sao mà thanh tao sang cả lúc nào cũng bắt tôi thèm nhỏ dãi. Mẹ tôi có tài nấu bún thang. Tô bún của bà ngọt ngào đằm thắm ai ăn qua một lần cũng phải nức nở khen ngon. Ngón nghề đó mẹ tôi có truyền cho chị Mai. Điều tôi không ngờ là nơi chốn chị tức tưởi bỏ đi lại được kéo tới gần vào ngày đầu năm bằng tô bún mẹ tôi dạy chị nấu. Ngày nay, cũng với tô bún đó, cháu tôi lại định kéo bóng hình mẹ về mỗi năm vào ngày húy nhật của chị tôi.
Nhã là người nhiều tình cảm. Nàng như đọc được nỗi thất vọng của Cát Tiên. Ánh mắt nàng ái ngại hết nhìn cháu lại nhìn tôi. Cát Tiên hồn nhiên hỏi:
- Cậu có biết nấu món đó không?
Nhã nhặm lẹ chẳng bỏ lỡ dịp may:
- Cậu cháu mà nấu nướng gì! Chỉ biết ăn thôi! Nhưng mợ sẽ hỏi mấy người bạn, thế nào cũng có người biết. Hai mợ cháu mình sẽ cùng học. Trước sau gì mợ cũng phải biết làm món này kẻo có người đang thèm chết đi được.
Tôi chỉ biết cười trừ. Quả thật tôi đã len lén nuốt nước miếng khi nghĩ tới vị ngon ngọt của bún thang. Nhã là người tinh ý. Thoáng một cái nàng đã đi guốc trong bụng tôi. Cát Tiên nhìn tôi cười:
- Cậu đừng có mắc cỡ. Cháu cũng đang thèm muốn chết. Măng vẫn bảo cháu giống tính cậu. Ngày xưa măng cưng cậu lắm phải không? Cứ mỗi lần kể chuyện Việt Nam cho tụi cháu nghe là thế nào cũng có cậu chen vào. Cậu đứng chật kín trong đầu măng. Hình cậu được măng trưng trên bàn. Một tấm cậu nhỏ xíu, một tấm hình cưới cậu mợ. Tấm hình cưới măng xin được của bà cô nào đó ở Paris. Măng nói vậy. Lúc mới mang về măng say mê ngồi ngắm. Mắt măng vời vợi xa xôi lúc vui lúc buồn.
Tôi ngồi thừ người nghĩ ngợi. Khi lớn tôi đã vô tâm chẳng nghĩ tới chị Mai. Chị đã mất hút trong tuổi thơ của tôi. Vậy mà chị vẫn vọng về những ngày cũ như một hệ lụy chẳng bao giờ dứt ra được. Ngày cưới tôi bóng hình chị xa lắc xa lơ có lúc nào lởn vởn trong đãu tôi đâu. Chị như một phần đời đã được xếp lại, khóa kín trong tận cùng ký ức.
Cát Tiên mang hai tấm hình ra đưa cho Nhã:
- Tấm hình măng và cậu hồi nhỏ cháu tặng mợ để mợ thấy cậu lúc nào cũng dễ thương. Tấm hình cưới cậu mợ cháu xin lại về để ở chỗ cũ. Cho măng và cho cháu. Cháu biết khi về cháu sẽ nhớ cậu mợ vô cùng.
Nhã ôm Cát Tiên, vùi mặt vào mái tóc nâu, đôi mắt mờ ướt.
*
* *
Giọng Cát Tiên liến xáo trong điện thoại viễn liên: " Cuối tuần nào cháu cũng nấu cơm Việt Nam. Cả nhà ai cũng thích. Ba cháu cảm động lắm. Làm như cháu đưa măng về cho ba vậy! Cậu vẫn khỏe chứ? Mợ chắc cũng vậy. Cậu nói giùm với mợ là học trò của mợ không phụ công mợ chỉ bảo nhé. Bé Hưng có còn khóc nhè không cậu? Cháu nhớ nó lắm. Không biết sao cháu thương nó như vậy không biết nữa. Chắc ngày xưa măng thương cậu cũng chỉ bằng cháu thương nó là cùng. Cậu hôn nó giùm cháu. Hôn mạnh mạnh nghe cậu! Giá có nó bên cháu bây giờ chắc cháu sẽ cắn nó cho đã. A, cậu biết không? Cả nhà phục tài nấu nướng của cháu giống măng quá nên ai cũng gọi cháu là măng. Cả ba cháu cũng kêu bằng măng mới đã chứ! Mai mốt cháu qua chơi lại cháu sẽ nấu ăn để cho mợ nghỉ hè dài ngày. Lúc đó cậu có kêu cháu bằng măng không?"
Tiếng cười của Cát Tiên dòn. Chị tôi chẳng bao giờ có tiếng cười như vậy.

 Song Thao

Đọc thêm Song Thao tại  www.songthao.com







.