Bùi Vĩnh Phúc
Trong khoảng mười năm nay, kể từ truyện ngắn đầu tiên, Vận Tốc Trung Bình,
của Vũ Quỳnh Hương, xuất hiện trên nguyệt san Văn (số Xuân Giáp Tý
1985), nhà văn này chỉ viết thêm hai hoặc ba chuyện ngắn khác, trong đó
có hai truyện nổi bật là Miền Vĩnh Phúc và Nẻo Quyên Ca
(đăng trên nguyệt san Văn Học, theo thứ tự, số tháng 10, 1986 và số
Xuân Tân Mùi, tháng 1&2, 1991). Ba truyện ngắn này (đặc biệt Miền Vĩnh Phúc
có thể xem là một truyện vừa, nếu in thành sách thì khoảng 70 trang) đã
để lại một ấn tượng thật đẹp về thế giới văn chương của Vũ Quỳnh
Hương trong tâm hồn người đọc. Mặc dù suốt trong mười năm, Vũ Quỳnh
Hương chỉ cho phổ biến vài truyện ngắn và truyện vừa, những câu truyện
được kể đã làm cho tác giả được nhiều người đánh giá là một nhà văn
nữ có đầy nét sáng tạo.
Ba truyện được kể ở trên đều có những nét đặc sắc của nó, nhưng Miền Vĩnh Phúc
có thể nói là tác phẩm đã ghi được những dấu ấn thật đậm nét vào trí
nhớ người đọc. Tôi sẽ nói nhiều hơn về truyện vừa này sau khi giới thiệu
Vận Tốc Trung Bình và Nẻo Quyên Ca.
Vận Tốc Trung Bình là một câu truyện của
một thiếu nữ yêu một người đàn ông trung niên, hơn nàng 15 tuổi. Người
đàn ông này sống lủi thủi với cô con gái của mình trong một thành phố
Mỹ điển hình. Người vợ còn ở Việt Nam và đã sống với một người đàn ông
khác, và đó cũng chính là lý do để người đàn ông phải dắt con ra đi.
Câu truyện rất giản dị, chỉ có vậy; nhưng cách kể lại câu truyện, cách
phân tích tâm lý của nhân vật chính một cách vừa hết sức đời thường
vừa hết sức thơ mộng, cách tác giả nhào lộn với những ý nghĩ của mình,
cách tác giả tung ném những ý nghĩ đó rồi bày chúng ra trên mặt giấy –
tất cả đã cho người đọc thấy được cái tài của nhà văn nữ này.Câu truyện khởi đầu bằng hình ảnh người con gái ngồi lái xe trên một xa lộ điển hình của Mỹ – vào giờ kẹt xe. Cách thế mà người con gái ứng xử với hoàn cảnh, hay nói rõ hơn là cách cô ta sử dụng cái thời gian buồn nản này, làm cho ngưoi đọc phải mỉm cười thú vị. Cô ta đọc báo và đọc các tạp chí – đủ loại, đủ cỡ và loạn xạ các thứ ngôn ngữ, truyện dài, truyện ngắn, tin tức, thời trang, những lời cố vấn thẩm mỹ, những câu mời chào thương mại… Kết quả của thái độ ứng xử ấy là cô ta làm… kẹt xe thêm. Giờ kẹt xe trên xa lộ chính là giờ để cô gái sống với những ý nghĩ, với ký ức của mình. Cô nghĩ đủ thứ chuyện và sống với một thế giới ngoài xa lộ.
(…) Lúc mà nàng nghĩ đến những điều lăng nhăng
tương tự là lúc nàng đã rút chân ra khỏi đôi giày cao gót mũi nhọn từ
lâu để những ngón chân được tự do tập thể dục trong lớp ny-lông mềm mại
của đôi panty hose, sau một ngày nhọc nhằn cũng như chủ nó. Nàng nói,
không phải em bắt chước Sagan đi chân trần lái xe đâu, chính Sagan khi
làm như thế cũng đã rập khuôn mình cho vừa với huyền thoại mà, mà
chính vì bỏ giày ra trong lúc lái xe thật là một tác phong đem lại
thoải mái hết sức.
Chính là ở đoạn văn này mà Vũ Quỳnh Hương đã thực
hiện được một sự chuyển cảnh đặc sắc và tài tình. Câu chuyện từ đầu nửa
như được kể bằng một thứ độc thoại nội tâm mờ mờ tỏ tỏ, nửa như được
kể bằng một ngôi thứ ba nào đó rõ rệt hơn ở bên ngoài, tự nhiên tới
câu “không phải em bắt chước Sagan đi chân trần lái xe đâu…,” tác giả flash-back,
chuyển khung, chuyển cảnh và chuyển thời gian để giới thiệu nhân vật…
chính thứ nhì: chàng. Khúc quặt ấy thật là tài tình. Những phân tích
về tâm lý trong tình yêu ở Vũ Quỳnh Hương cũngthật sắc và đặc biệt:
(…) Thoạt đầu thì nàng tin rằng cái kiểu tán
tỉnh chậm chậm buồn buồn của chàng, những lời lẽ dịu dàng cùng lúc với
diễu cợt ân cần (…) chỉ làm nàng thú vị, cái thú vị của một người con
gái biết mình được yêu và được theo đuổi bằng một mối tình tự nó đã đầy
trắc trở. Cho đến một lúc nàng sực nhận ra mình, giống như một miếng
bọt biển, đã thấm đầy những lời lẽ của chàng, tư tưởng của chàng, hy
vọng và thất vọng của chàng. Nàng hốt hoảng.
Và suốt trong truyện ngắn này, đọc kỹ, người ta thấy tác giả trình bày được một thứ woman psychology,
một thứ tâm lý phụ nữ, rất đặc biệt. Nó tràn lan trong những nhận
xét, những phân tích đời sống, phân tích tình cảm của nhân vật chính –
là người con gái – đối với đời sống quanh nàng cũng như đối với chính
tâm hồn nàng. Cái thứ tâm lý ấy thiết tha và thật đáng yêu, bởi nó
chính là một thứ tâm lý của một người con gái đang yêu. Câu văn của Vũ
Quỳnh Hương trong truyện ngắn này thông minh, nghịch ngợm, dí dỏm, mà
lại rất thơ mộng và đẹp:
(…) Được mời gọi bước qua một cánh cửa trăm năm đã đầy dấu chân bôi xóa như thế lại còn là một sự nhọc nhằn hơn.
(…) Niềm cô đơn sầu não từ những lời kể lể bằng
một nhịp độ rất chậm của chàng, giống như những nốt nhạc rời rã cuối
cùng để chấm dứt một tình khúc chẳng lành, bao phủ khắp người nàng như
một lớp sương giá. Ở phía sau lưng chàng, bên ngoài cửa sổ, đêm thành
phố cuối tuần dường như chỉ mới bắt đầu thắp lên hết những ngọn đèn
phù hoa của nó.
Truyện ngắn Vận Tốc Trung Bình, nói chung,
là một truyện viết hay. Chỉ tiếc, phần kết quá vội, không hoàn toàn hợp
tình và hợp lý lắm. Để gỡ nàng ra khỏi tình yêu mệt mỏi và không lối
thoát của chàng, tác giả đã giữ nàng ở bên đường biên của “cánh cửa trăm năm đã đầy dấu chân bôi xóa”
kia bằng một hình ảnh quá lý tưởng: cái chết tàn bạo, đau thương và
xót xa của một người thanh niên đã cứu nàng khỏi chết (trên đường vượt
biển?) Hình ảnh và câu chuyện về người thanh niên chỉ xuất hiện ở hai
trang cuối cùng của truyện mà không hề có một ngấn rung nào trước đó
trong suốt cuộc tình của nàng với chàng. Đây có phải là một sai lầm về
bố cục, một vội vã trong việc mở nút chuyện, hay lại là một thứ tâm
lý phụ nữ khác?
Nẻo Quyên Ca là truyện kể về một người phụ
nữ mang một tâm hồn và một cá tính rất Đông phương, hiện sống với một
cô con gái đang đến tuổi lớn ở một thành phố điển hình của nước Mỹ.
Chồng nàng là một sĩ quan của chế độ cộng hòa, bị cộng sản bắt. Theo
những tin tức mơ hồ mà người phụ nữ nhận được từ những nguồn tin cũng
chẳng rõ nét từ quê nhà, thì chồng nàng đã cùng một vài bạn tù vượt
ngục, và đã bị bắn chết. Nỗi đau khổ và xót xa của người vợ yêu chồng
nơi nàng như xé toạc trái tim nàng ra khi nàng nghe được tin ấy. Nhưng,
cũng chính nó, nguồn tin ấy, một cách nào đó, như đã giải thoát nàng
khỏi những dằn vặt đau thương. Thế rồi, trong khi đời sống và vết
thương tình cảm trong lòng nàng đang bắt đầu kéo những vết da non thì
một nguồn tin khác lại được mang đến: chồng nàng vượt ngục, bị bắn,
nhưng không hề được tìm thấy trong xác những người tù đã bị bắn chết
hôm vượt trại ấy. Và như thế có nghĩa là chàng chưa chết, hoặc chàng
đang chết dần đi trong một hoàn cảnh, một đời sống khác. Ngọn lửa hy
vọng trong tim nàng lại le lói phựt cháy; đồng thời, nó cũng chính là
cái ánh sáng thăm thẳm âm u, giữ lấy nàng, buộc nàng lại với cái cuộc
sống vò võ đáng thương của một người thiếu phụ còn đầy xuân sắc trong
một cuộc đời đầy những lời mời gọi yêu thương.
Con gái nàng đang lớn. Đó là một cô gái đầy lòng
yêu thương mẹ, nhưng không hiểu thấu được những nhạy cảm của tâm hồn
nàng. Cô gái còn trẻ, và cuộc đời này đang dạy cho cô những bài học vào
đời. Cô chia sẻ và cảm động trong những quan tâm của mẹ dành cho mình,
nhưng cô tự tin và mạnh dạn bước vào đời. Thế giới rung động của cô
và mẹ, từ tuổi thơ ngây bước qua tuổi trưởng thành, có thật nhiều
khoảng cách. Người thiếu phụ ngắm nhìn những tình cảm le lói những vết
thương tươi của mình mà ngậm ngùi. Nàng nghĩ đến chồng, đến con và
đến thân phận của chính mình với những giằng xé xót xa. Câu truyện
được đan kết quanh những giằng xé đó. Những tình cảm, suy tư của nhân
vật chính đan kết với nhau như một chiếc kén. Nhưng nàng không cảm
thấy thật sự an toàn trong chiếc kén đó. Mặt trời đang chiếu sáng và
hạnh phúc đang ấm nóng ngoài kia với những sợi tơ óng ánh mời mọc. Và
nàng phải chọn lựa.
Về mặt tình cảm nhân vật, truyện này được diễn tả
bằng một thứ tâm lý thật chín của một người làm chủ được nội tâm của
nhân vật mà mình đã tạo ra. Về mặt tổ chức câu, Nẻo Quyên Ca chứng tỏ tác giả của nó đã sắc gọn hơn trong lối hành từ, diễn ý của mình. Tổ chức câu trong Nẻo Quyên Ca,
so với tổ chức câu trong hai truyện kia (làm thành ba truyện tạo căn
bản cho bài phân tích này), vững chãi và lẻm sắc hơn cả trong truyện
nổi tiếng nhất của Vũ Quỳnh Hương là Miền Vĩnh Phúc nữa. Cái
chất tình cảm thiết tha, thơ mộng, nhuốm mùi thương khó, trong câu văn
và trong những phân tích tâm lý của Vũ Quỳnh Hương là những dòng máu
miệt mài nuôi dưỡng mãi sự sống của nhân vật trong trái tim ta:
(…) Cuối tuần đó tôi đem hai dải khăn tang lên
núi đốt. Đó là một công việc mà tôi đã toan tính kỹ. Lửa không phải là
một trò chơi an toàn và tôi không muốn bị ai trông thấy khi làm việc
đó. Nhưng tôi khao khát được cầm trên tay một thứ tro tàn.
(…) Tôi hấp tấp kiếu từ chị. Hạnh phúc của chị
làm tôi ghen tị. Chuyện đàn bà sinh nở làm tôi bối rối như thuở chưa
chồng. Chiếc đồng hồ nằm im tiếng đâu đó trong thân thể tôi gõ những
tiếng chuông kính coong kêu gào.
Vũ Quỳnh Hương, để kết thúc câu truyện này, đã giữ
nhân vật của chị lại ở bên trong những vòng thành thơm mùi hương khói
của những giá trị Đông phương. Chị đã để cho nhân vật của mình nghe
thấy những tiếng chuông gọi vẳng lên khuya khoắt từ những nơi chốn thẳm
sâu của trái tim, của đời sống lửa hương chồng vợ những ngày quá khứ.
Đó là một thứ hy sinh, một sự lãng mạn của lý trí. Nhưng sự lãng mạn
ấy đáng được gìn giữ. Vì nó cho ta một chốn đi về, và nó cho ta quyền
ngẩng mặt để đi về nơi chốn ấy:
(…) Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi tin rằng
Khắc vẫn đang chiến đấu. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, tôi tin rằng tôi
cũng đọc được lòng Khắc như đọc những cuốn sách ngày xưa chúng tôi đã
chia nhau.
Có thể tôi và Ý Nhi sẽ là niềm khắc khoải cuối
cùng trong những trang sách của đời chàng. Có thể chúng tôi là những kẻ
lãng mạn cuối cùng của thời đại. Những kẻ ấy không nhất thiết phải
chung sống với nhau cho tới hết đời. Họ tiếc nhau. Nhưng họ không tiếc
gì về cuộc đời mà họ đã lựa chọn để sống.
Truyện cuối cùng, và là truyện được nhiều người khen ngợi nhất, của Vũ Quỳnh Hương, là truyện Miền Vĩnh Phúc.
Đây là câu truyện của những người con gái đi làm ca đêm trong một Nursing Home.
Đây cũng là câu truyện của những mảnh đời sống lây lất, không còn
niềm vui, không còn ký ức, không còn tuổi trẻ, không còn lý do để sống
ở đời theo một cách nhìn của xã hội Mỹ. Thật ra, qua sự kể lại của
tác giả, hình như là cũng còn những tia lửa bập bùng nào đó đang leo
lét cháy trong những trái tim kia, hình như vẫn còn những tiếng cười
ngây thơ hết nụ hay những thiết tha bừng bừng trong những tấm lòng
lạnh lẽo tàn tro ấy, hình như đâu đó vẫn còn có những nguồn sống muốn
được chảy xiết, vẫn còn có những mạch đời muốn được căng phồng… Nhưng
đấy là những gì xảy ra ở đâu đó, mơ hồ, sủi bọt, nhưng không thể hiện
hình hay tràn dâng lên bề mặt. Họa chăng chúng chỉ xuất hiện vào những
giây phút cuối của đời sống, khi những tiếng chuông hối hả của những
miền quá khứ đồng loạt đổ về, vang lên, thúc hối.
Đây là câu truyện kể về tâm hồn của một người con
gái tỵ nạn, đong đưa đời mình trong cái cõi tranh tối tranh sáng của
đời sống, nhưng lòng vẫn khắc khoải thiết tha những điều nhân bản, vẫn
muốn nâng dậy những giá trị con người, những tình thương đồng loại để
lấp bằng mọi thứ biên giới của cuộc sống.
Bố cục câu truyện, phần lớn, kể về đời sống ban đêm, trong công việc, của Chi, một người con gái Việt Nam làm ca đêm tại một Nursing Home.
Sự giao tiếp của nàng với những người bạn đồng nghiệp, toàn là phái
nữ nhưng gốc gác chủng tộc khác nhau. Tâm tình và ước mơ của họ. Những
trường hợp bệnh lý đặc biệt. Cuộc đời và những mơ ước, những thèm
khát thầm kín của những con người mang những chứng bệnh tâm thần kia…
Câu truyện có khi như được kể ở ngôi thứ nhất của Chi, người con gái
Việt Nam, có khi lại như được kể bởi một người thứ ba nào đó, đứng
ngoài, thấu hết mọi sự, biết hết mọi điều, nhìn vào cuộc và khách quan
lên tiếng.
Truyện này làm tôi liên tưởng đến những chuyện như I Never Promised You a Rose Garden của Joanne Greenberg, Flower for Algernon của Daniel Keyes, One Flew over the Cuckoo’s Nest của Ken Kesey và truyện (dựa trên tài liệu bệnh lý) The Three Faces of Eve của hai bác sĩ Thigpen và Cleckley. Chỉ có điều khác biệt là Miền Vĩnh Phúc
của Vũ Quỳnh Hương được nhìn từ một góc độ hết sức Việt Nam, mang những
dấu vết của lịch sử Việt nam trên tâm thế và cách kể truyện, suy
nghĩ, suy luận và rung động của một người nữ Việt. Và đặc biệt, tất cả
những đặc chất ấy được bao phủ bởi một màn sương thơ mộng đặc biệt do
Vũ Quỳnh Hương tạo ra.
Sự thành công trong truyện này của Vũ Quỳnh Hương
làm nhiều người – trong đó có nhiều nhà văn – sửng sốt. Cái không khí
truyện và cách kể truyện, cũng như cái tài của người kể truyện, đã khiến
tôi nghĩ đến Carson McCullers của Mỹ với truyện vừa The Ballad of the Sad Café của bà. Chính truyện Ca khúc của quán cà-phê buồn này, và truyện dài Tâm hồn là kẻ săn đuổi cô đơn (The Heart is a Lonely Hunter), cũng như một truyện vừa khác, Phản chiếu trong con mắt vàng (Reflections in the Golden Eyes),
của bà đã khiến cho Carson McCullers trở thành một trong những nhà
văn được giới phê bình Mỹ và thế giới đánh giá là một trong những
“superlative writers” của nước Mỹ. Bà là người, theo họ, đã đưa ra được “một
cái nhìn về sự hiện hữu kinh hoàng nhưng chân thật, là người đã dẫn
chúng ta trên những cuộc hành trình vào những chiều sâu của sự cô đơn
tinh thần vây bủa lấy số phận con người.” Vũ Quỳnh Hương, dĩ
nhiên, với những đóng góp giới hạn tính cho đến thời điểm này, không
thể so sánh được với Carson McCullers. Nhưng những bước chân đi của
nhà văn này, cũng như những cố gắng tốt đẹp trong việc đào sâu vào nỗi
cô đơn vây bủa lấy đời sống con người trong Miền Vĩnh Phúc của tác giả, đã cho thấy những nét đặc biệt đầy sáng tạo trên hành trình đi tới của Vũ Quỳnh Hương.
Ngày xưa, ở Việt Nam, có những nhà văn, chỉ với một
truyện vừa hay một truyện dài ngắn, đã làm cho cả văn giới lẫn người
đọc kinh ngạc. Và yêu mến. Bếp Lửa của Thanh Tâm Tuyền và Chị Em Hải của Nguyễn Đình Toàn đã là những trường hợp như thế.
Chúng ta hãy đi vào không khí của Miền Vĩnh Phúc.
Trước hết, hãy nghe Chi, nhân vật chính, người con
gái Việt Nam, trong những đêm sâu cúi xuống trên những xót xa của kiếp
người kia, tự cởi mở lòng mình:
(…) Chi đã phải rớt nước mắt vì xót thương.
Nhưng không được bao lâu, những giọt nước mắt xót thương rất non trẻ ấy
khô cạn đi rất nhanh rồi biến mất hẳn vì những cơn đau, những câu
chuyện, những cảnh đời làm buồn lòng như vậy hay buồn hơn thế nữa đã
tiếp tục xảy ra, tiếp tục kéo dài, không phải một ngày một giờ mà là
hằng tháng hằng năm, hằng chục năm ở đây. Cuối cùng chỉ còn lại những
động tác rất nghề nghiệp, những lời lẽ rất máy móc rất bổn phận và một
điều gì tựa như một tình yêu dày vò, một cơn đau trầm thống cứ đè nặng
lên tâm hồn Chi từng đêm từng đêm. Những đêm dài đong đưa giữa giờ
khắc thinh lặng đe dọa, những tiếng rên la ngắt quãng, những cơn mê
sảng chập chờn, những biểu đồ bệnh trạng kẻ lên xuống như bay với giữa
núi cao vực sâu. Đêm như một sợi dây cao su co dãn từng hồi giữa hai
đầu cái sống và cái chết.
Cô gái cứ nghĩ, và thương yêu, và thương xót những
con người mà trí nhớ đã đi lạc ra ngoài đời sống, mà cái nhịp thở thoi
thóp, lắt lay hằng ngày của chính mình phải nhờ đến sự gìn giữ của kẻ
khác. Cô gái cảm thấy “nàng đang nghiêng mình xuống cõi chết,
chính nàng đang ôm lấy những khuôn mặt xác chết, gọi tên chúng như gọi
tên những cơn mộng dữ chập chờn giữa những cơn mộng chưa thành khác giữa đời.”
Cô gái thấy mình thương người bệnh nhân của nàng cũng như nàng đã
thương con búp bê nghèo khổ thuở xưa của cô, con búp bê rách mướp, mái
tóc óng đã biến thành vàng xỉn tả tơi, nhưng nàng vẫn ôm ấp, thủ thỉ,
chia sẻ, thương yêu, trò chuyện với nó hết cả một thời thơ ấu. Chính cô
gái cũng nhận ra có một cái gì bất nhẫn trong sự so sánh một con
người với một con búp-bê, nhưng nàng vẫn luôn thấy rằng, trong cuộc
sống nghèo khổ và cô đơn của nàng, nàng đã “yêu con búp-bê cũ ấy như yêu một con người, và tình yêu mà nàng dành cho Sylvia ngày nay cũng tràn nhân tính biết bao nhiêu.” Cô gái không ngừng phân tích lòng mình. Cô nhìn ngắm nó với một đôi mắt long lanh những giọt lệ trắng.
(…) Dường như, trong một cõi tinh tuyền nhất
của lòng Chi, hai thứ tình yêu ấy chỉ khác nhau ở chỗ tình yêu ngày xưa
đưa nàng đến biết bao nhiêu thiên đường huyên náo, biết bao nhiêu cánh
cửa huyền diệu mở ra cuộc đời hoa mộng trước mặt, còn tình yêu bây
giờ đẩy nàng hết từ địa ngục này xuống địa ngục kia, đẩy tới cánh cửa
tận cùng, cánh cửa mở ra những cánh đồng xương cốt, những cây cầu đi
qua sông mê, nơi những người yêu thương và những người thù oán nhau
chờ đợi nhau đền trả những món nợ dương trần. Cái trò chơi thiên đàng
địa ngục hai bên ngày xưa, kỳ diệu thay, bày suốt từ trí nhớ xa lắc lơ
trên những vòm tay tuổi nhỏ bắc cầu cho nhau qua cửa thiên đường vẫn
còn ngân nga những hồi chuông vọng tới miền chập chùng mộ chí của lòng
nàng hôm nay.
Cái tâm lý của cô Chi kia thiết tha và đáng thương
biết bao. Sao cô chỉ chọn lấy những nẻo đoạn trường. Sao cô không như
Henrietta, cô bạn Mễ đồng nghiệp, biết cách chia gọn đời sống. Sống là
sống với những khuôn mặt và những công việc rõ ràng do phận sự của ta
mà đời sống đã xác lập nên. Làm việc là phận sự, tại sao cứ để lòng
thương yêu, xót xa, tha thiết chen vào. Sao cô Chi kia không thể sống
như một cô bạn đồng nghiệp khác, Grace, lãng mạn, nhưng lại đem cái lãng
mạn ấy mà trùm lên giá trị của đời sống. (Tao thề không thèm sống lâu đâu. Tao thích chết đẹp hơn là sống già. Sống lâu nữa để mà điên như Katrina [cứ cởi tung quần áo ra những khi lên cơn] thì thẹn chết được.)
Không, cô gái Chi kia, cô nhìn những người già, với những cõi memory
thất lạc, mà cô buồn. Cô lau rửa, mang thuốc men, kéo lại tấm chăn,
sửa lại chiếc gối, rót đầy ly nước… cho những con người đứt rễ với đời
sống ấy với một trái tim vừa buồn rầu vừa tha thiết; “những điều
lặt vặt cần thiết mà Chi biết rõ ý nghĩa của nó và nàng làm với tất cả
nỗi buồn rầu dịu dàng như thể nàng đang phải làm cho chính mình.” Cái buồn bã dịu dàng của Chi và cái nhận thức cũng rất dịu dàng buồn bã của de Beauvoir trong Một Cái Chết Hết Sức Dịu Dàng có chia sẻ phần nào một mẫu số chung với nhau không?
Vũ Quỳnh Hương đã tạo ra được một không khí truyện
thật đặc biệt. Cái không khí ấy có khi đặc quánh, có khi lại trong
suốt hay mang một mầu xanh đục của một thứ sương mù của dĩ vãng, của
những vùng mộ chí khói hương. Đêm trong Miền Vĩnh Phúc như mở những con mắt ráo hoảnh nhìn xuống một cõi con người. Một cõi nhân gian đang thấp thoáng bóng hình của những huyệt mộ.
(…) Đêm ở đây thật sự đã đắp chồng chất lên
thêm cho lòng Chi những nấm mộ không hương khói. Chi lại nghĩ tới những
điều mà mọi người chung quanh đã nói về công việc mà nàng đang theo
đuổi. Thật là một cái ngành rất hợp với cõi lòng đầy mộ chí của em. (…)
Em chỉ thích đặt tay lên những trái tim thoi thóp thôi mà, phải không?
(…) Ở ngoài kia, trăng treo cao ngất trên đỉnh
ngọn cây, trời trong và xanh đục những sương mù. Ánh sáng vàng như thấm
lạnh đến từng chân tóc. Trăng đầy. Trăng cũ. Một đàn con trai rủ đàn
con gái ra ngồi nhìn trăng. Tiếng kim đồng hồ nhích từng giây gõ vào
đêm. Gõ vào đầu. Những tế bào già đi (…)
Vũ Quỳnh Hương thành công trong cách kể truyện,
trong cách sử dụng chữ nghĩa để tạo không khí cho truyện. Ngoài ra, tác
giả cũng rất thành công trong việc trình bày những ca bệnh. Những
trường hợp bệnh lý của Sylvia, của Katrina, của Monpavio Gustavo, của
Marie, Edna, của Rose, Madalena, Pamela, của Rogie, của Ophelia…. là
những ca bệnh rất thật. Chỉ có những ai đã thật sự sống với công việc
trông coi người bệnh, hoặc, ít nhất, đã có những nghiên cứu hay những
liên hệ mật thiết với những trường hợp bệnh này, mới có thể trình bày
lại chúng với một nét sống động như thế. Hãy nhìn hình ảnh và tâm sự
của bà cụ Ophelia.
(…) Ophelia bỏ đứng dậy, một tay kẹp chặt chiếc
ví dưới nách, một tay vịn vào tường, đi lần lần từng bước một trở về
phòng… Cứ bị trêu chọc vì những thứ đựng trong ví, Ophelia rầu rầu nói
một thôi một hồi:
– Tao không có tiền đâu. Ở đây người ta không
có tiền đâu mà chỉ có thì giờ thôi. Mà thì giờ thì biết làm gì cho hết
nên tao cất bớt vào trong ví này vậy. Các cô có cần thì cứ đến lấy mà
dùng đi, dùng hết đi kẻo không kịp hối tiếc. Nào lại đây, lại đây, ta
cho Grace thêm thì giờ để yêu, Henrietta thêm thì giờ để ca hát, Chi thêm thì giờ để thương nhớ về đất nước xa xăm của nó… Nào lại đây… Tất cả các cô gái non trẻ kia lại đây…
Cái tài của Vũ Quỳnh Hương, qua truyện này, là làm
cho người đọc cảm nhận được cái thanh xuân trong con người họ, bằng
cách kể lại và làm sống lại những thanh xuân đã đi qua trong cuộc đời
của những Ophelia, Madelena, Rose, Montavio Gustavo, Pamela…, những
thanh xuân đã ra đi tít tắp nghìn trùng, bây giờ chỉ còn lại những kỷ
niệm mờ mịt chập choạng gối đầu lên nhau. Nó làm người ta quý yêu cái
thời gian hiện tại này hơn. Cái tài của tác giả cũng là dựng lại được cả
một không khí của cái thế giới lờ đờ, mất dấu và đang tự bôi xóa đi
kia. Nó làm cho trái tim người ta mềm ra và thông cảm với những đời
sống mòn mỏi, những cuộc đoi đã đánh mất trí nhớ. Người ta không còn
đứng ở ngoài cửa nhìn vào, nhưng người ta bước vào đời sống của những
con người đang tiêu xài nốt những ngày tháng đã một thời thanh xuân
của họ. Người ta thông cảm hơn và người ta thấy mình sống thiết tha
hơn.
(…) Chi vụt nhớ tất cả, tất cả những đêm thâu
ra đi những sớm tinh mơ trở về, thức ngủ ngược lại với cuộc đời, giờ ăn
giấc nghỉ xoay vần đảo lộn. Nàng ngủ cùng một giờ với giấc ngủ của mẹ
nàng ở Việt Nam. Những đêm mưa lái xe đi làm mưa trắng xóa mưa dập vùi
cảnh sắc. Những đêm mùa đông sương muối che mờ mặt kính lái xe đi mù
mù trong một biển sương giăng. Những đêm trăng tỏ lộng bàng hoàng
những xa lộ vắng đèn thắp hai hàng nhìn xuống thành phố long lanh thức
ngủ. (…) Em có đủ kiên nhẫn và dịu dàng không? Em có đủ tình yêu đối
với con người và lòng can đảm trước sự chết không? Ở đằng sau cánh cửa
kia là những con người đang nhặt nốt những bông lúa cuối cùng mà họ
đã gieo trong đời. Những cơn điên dưới sức hút kỳ dị của mặt trăng.
(…) Nơi rất nhiều Juliets và rất ít Romeos đêm đêm ngủ những giấc ngủ
mơ có kẻ đến kéo chân rủ đi ra tìm lại cuộc đời trẻ đẹp và ngày ngày
trở dậy nhìn nhau cười nói ngẩn ngơ.
(…) Khéo dư nước mắt nữa sao Chi. Chính cô đã
băng qua một đại dương, đã nghiêng sát xuống cõi chết màu xanh thăm thẳm
kia để đến đây mà. Rồi cô sẽ được sống được chết ở đây (…) Nước mắt
vẫn rơi đầm đìa trên má Chi. Chi biết rằng cái cảnh giới chập chùng mộ
chí trong lòng nàng chỉ là một ảo giác. Chi biết rằng nàng sẽ còn
tiếp tục thử thách mình về tình yêu đối với con người và lòng can đảm
trước sự chết. Chi biết rằng, nàng vẫn thiết tha yêu cuộc đời biết
bao.
Thế giới trong truyện của Vũ Quỳnh Hương, nhìn lại,
là một thế giới của những tình cảm phức tạp nhưng chan chứa, của
những nỗi niềm xa xót nhưng chân thành, của những quá khứ đi về mờ mịt,
héo úa tả tơi nhưng hết sức thiết tha và đầy sự sống. Một sự sống ẩn
nhẫn, tiềm phục bên dưới những cái sống cạn cợt, méo mó hay bị giằng xé
bên ngoài. Một sự sống long lanh không phai phôi đi những gam màu
thủy chung thắm thiết. Thủy chung với chính tấm lòng của nó và không
để cho lớp lớp thời gian kéo lên bôi xóa, không để cho kinh nghiệm đớn
đau của đời làm nhạt phai những dáng màu thắm tươi.
Truyện của Vũ Quỳnh Hương là truyện của những nỗ
lực muốn vực dậy những giấc mộng đời, những giấc mộng nằm ở mãi tận
những vùng tối khuất âm u trong trái tim của mỗi một con người mà ít ai
muốn ngắm nhìn mặt mũi chúng giữa cuộc sống hối hả và mệt mỏi này. Và
ai sẽ là người nuôi nấng những giấc mộng của chúng ta nếu không phải
đó là những nhà văn, những nhà thơ và những nghệ sĩ chân thực của cuộc
đời?
Bùi Vĩnh Phúc
Irvine, California
9/ 1995
(trích từ Bùi Vĩnh Phúc, Lý Luận và Phê Bình / Hai Mươi Năm Văn Học Việt Ngoài Nước 1975-1995, California: Văn Nghệ, 1996)
.